Trên cao nguyên Lang Biang có một loài anh đào bản địa, thường gọi là mai anh đào vì có hoa 5 cánh giống hoa mai (Cerasus) nhưng màu hồng thắm và có hình thái của cây đào (Prunus).
|
Nữ sinh Trường Đại học Đà Lạt - Ảnh: Hà Hữu Nết |
Trên cao nguyên Lang Biang có một loài anh đào bản địa, thường gọi là mai anh đào vì có hoa 5 cánh giống hoa mai (Cerasus) nhưng màu hồng thắm và có hình thái của cây đào (Prunus). Vì vậy, nó được các nhà khoa học đặt cho tên ghép là Prunus cerasoides D. Don, trong đó D. Don là David Don (1799-1841) nhà phân loại thực vật Scotland, người đầu tiên phát hiện và mô tả mai anh đào từ mẫu tiêu bản ông thu thập được ở Nepal. Có lẽ từ đó dẫn đến suy luận nó từ dãy núi Himalaya di thực đến Nam Tây Nguyên bằng nhiều “phương tiện” như vòi rồng, gió bão và động vật… Nhưng đến nay, các nhà khoa học đều thống nhất Mai anh đào phân bố tự nhiên trên Lang Biang xuất hiện cùng thời với Mai anh đào Himalaya, tạo thành một dải ở Đông Á từ Bắc Ấn Độ, Nepal qua Mianmar đến Chiềng Mai - Thái Lan, Thập Vạn Đại Sơn - Trung Quốc… Và một điều rất đáng lưu ý là ở các nơi ấy đều đã nhập nội được những giống anh đào Nhật Bản thích hợp, làm phong phú thêm bộ sưu tập những loài hoa đẹp trong chi Prunus của các nước này. Cũng như các loài anh đào khác, Mai anh đào mang nét đặc trưng của thực vật ôn đới: rụng lá vào cuối thu rồi “ngủ đông” từ dịp Noel cho đến Tết Nguyên đán hoa Mai anh đào nở rộ.
Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, căn cứ vào đặc điểm sinh thái của Mai anh đào và điều kiện tự nhiên trên cao nguyên Lang Biang, các nhà lâm học ở miền Nam nước ta đã liên hệ với cơ quan di truyền - chọn giống Nhật Bản để được giới thiệu và cung cấp giống một loài anh đào phục vụ công tác nhập nội cây hoa cho thành phố Đà Lạt. Kết quả khảo nghiệm trên cao nguyên Lang Biang thật bất ngờ: một loài anh đào có xuất xứ từ miền Nam nước Nhật, tên khoa học Prunier sumonobeauty* khi trưởng thành sẽ cho hoa đẹp màu phớt hồng đã sinh trưởng tốt…
Theo ông Nguyễn Văn Tài, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo cứu lâm học Đà Lạt, cũng là người trực tiếp làm đề tài này thì anh đào Prunier sumonobeauty được gieo ương ở Trạm Thực nghiệm lâm sinh Manglin (trực thuộc trung tâm) vào ngày 7/1/1963 trên luống đất bazan trộn hỗn hợp hữu cơ, có tủ rơm rạ và được chăm sóc kỹ. Đến giữa tháng 10/1963 khi đã đạt chiều cao trung bình 1,2m cây được đưa ra trồng quanh hồ Xuân Hương, với cự ly cách nhau 5m. Hố trồng có kích thước 60x60x60cm, được bón lót phân hữu cơ, trên cũng tủ rơm rạ khô đã sát trùng bằng nước vôi. Mỗi hố có rọ tre bảo vệ và đai giữ cho cây khỏi bị gió lay… Công việc đã diễn ra rất chu đáo và đảm bảo mỹ quan. Song cũng vào thời điểm này, ngày 1/11/1963, một cuộc đảo chính quân sự do tướng Dương Văn Minh cầm đầu đã nổ ra, lật đổ chế độ tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau khi nghe tin trên đài Sài Gòn: anh em ông Diệm đã bị sát hại, thành phố Đà Lạt vốn yên tĩnh bỗng sôi lên xé ảnh ông Diệm và các khẩu hiệu, đốt phá ở nhiều nơi. Hăng hái nhất là các chủ hộp đêm, nhà chứa và bọn trộm rừng vì từ nay tự do hành nghề không bị cấm đoán bởi “luật thuần phong mỹ tục” và “luật bảo vệ thiên nhiên cây cối”. Sang ngày 3/11/1963 quân đảo chính đã cho chặt phá hết những cây anh đào trồng quanh hồ Xuân Hương. Ông Tài có phản đối thì được nhà cầm quyền mới trả lời: Vì nó là tàn dư của chế độ cũ và vì những cây Anh đào ấy được trồng để chào mừng ông Diệm khi lên thăm trung tâm Nguyên tử lực Đà Lạt… Đó là sự thật về cái chết của những cây Anh đào Nhật Bản trồng quanh hồ Xuân Hương 50 năm trước.
|
Hoa Anh đào Đà Lạt - Ảnh: Thanh Toàn |
Ngày nay, trong điều kiện đất nước thanh bình, Đà Lạt đang là điểm đến hấp dẫn của bạn bè năm châu, chúng tôi kể lại câu chuyện trên với thiện ý trao đổi cung cấp thêm thông tin với các nhà khoa học chọn giống và nghiên cứu lâm sinh** trong công tác nhập nội những loài Anh đào Nhật Bản thích hợp. Và hy vọng một ngày nào đó, đồng bào ta lại thấy những cây Anh đào Prunier sumonobeauty trên cao nguyên Lang Biang, quê hương của Mai anh đào tươi đẹp...
* Tên khoa học viết theo Latin là: Prunus sumonobeauty
** Nghiên cứu sự sống của rừng
NGUYỄN HOÀNG BÍCH