Chiêng ngân phía đại ngàn

03:11, 27/11/2013

Văn hóa cồng chiêng đã là nếp sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Không những thế, không gian văn hóa cồng chiêng đã ôm trọn cái đẹp hòa hợp, vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên, giữa sự ngưỡng vọng, tri ân của con người với thần linh và giữa con người với con người... 

Văn hóa cồng chiêng đã là nếp sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Không những thế, không gian văn hóa cồng chiêng đã ôm trọn cái đẹp hòa hợp, vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên, giữa sự ngưỡng vọng, tri ân của con người với thần linh và giữa con người với con người... 
 
Ngân vang nhịp chiêng trong đêm lễ hội
Ngân vang nhịp chiêng trong đêm lễ hội
 
Tối 21/11/2013, tại Sân vận động xã Phước Lộc, trên nền đêm đại ngàn, không một bóng đèn, không một đốm lửa, hàng trăm con người im phăng phắc, một lòng hướng về miền tâm linh huyền bí và dõi theo tiếng già làng K’Dui trầm hùng, vang xa: Ơ Yàng!… Yàng Dul, Ơ Yàng Ko, Ơ Yàng Bnơm, Ơ Yàng Ổs, Ơ Yàng Dà. 
 
Hỡi các thần linh! Chúng con xin khẩn cầu các thần linh, xin thần linh cho các bon làng huyện Đạ Huoai cùng nhau tổ chức Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng. Chúng con cầu xin mưa thuận gió hòa, cho lúa đầy kho, cho cá đầy suối, cây cối tốt tươi, dân làng no cái bụng, đoàn kết một lòng, không ốm đau bệnh tật, đời sống ngày càng phát triển. Ơ Yàng! Ơ Yàng… 
 
Rồi ngọn lửa thiêng đại ngàn bừng sáng. Máu con vật hiến sinh được bôi lên cây nêu, chính thức Khai mạc Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng huyện Đạ Huoai lần thứ I - năm 2013. Tám đội chiêng người dân tộc thiểu số Châu Mạ, K’Ho… đến từ 6 xã: Phước Lộc, Đoàn Kết, Đạ P’loa, Đạ M’ri, Mađaguôi, Đạ Oai và 2 thị trấn: Đạ M’ri, Mađaguôi của huyện Đạ Huoai, với hơn 250 nghệ nhân đã hội tụ về chân núi Bnom Lumu cùng hòa tấu những thanh âm núi rừng hùng vĩ. 
 
Ông Nguyễn Linh Hoạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng huyện Đạ Huoai lần thứ I, phát biểu: “Liên hoan lần này là dịp để mọi người hiểu biết sâu sắc hơn về nét đẹp văn hóa bản địa và là cơ hội cho các nghệ nhân tấu chiêng, chỉnh chiêng, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa cồng chiêng; qua đó, tăng cường mối đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc anh em”.
 
Các bài chiêng Nhô R’he (mừng lúa mới), Dăh viết dăh gòl (mừng lễ hội - đón khách), Pep tồr jùn (Đi săn bắt con nai)… được những chàng trai K’Ho, Châu Mạ tấu lên hòa cùng những ánh mắt chênh choáng lửa của các cô gái miền sơn nguyên trong mỗi nhịp xoang, đã tạo nên một không gian văn hóa độc đáo, đặc sắc, vừa da diết, dìu dặt; vừa sôi động, thiết tha; vừa chân thành, nồng nàn đến cháy lòng. Đội chiêng xã Phước Lộc mang đến liên hoan bài “Nau Tìng”. Bài chiêng diễn tả tình cảm đằm thắm, dịu dàng như bản chất ngàn đời của người Châu Mạ quần cư trên vùng đất thượng nguồn dòng sông Đồng Nai: Yêu rừng, yêu người; luôn biết đùm bọc, sẻ chia với nhau trong cuộc sống. Tiếp theo cũng là một bài Nau Tìng, nhưng mang một sắc thái khác, do đội chiêng thị trấn Mađaguôi trình tấu. Với tiết tấu chậm, khoan thai, bài chiêng có tên địa phương là “Nau Pròi”…
 
Theo thời gian, những tinh túy trong phong tục, tập quán, lễ hội, văn hóa đã được bao thế hệ người Châu Mạ, K’Ho sáng tạo, chọn lọc, gìn giữ, trao truyền và đã tạo nên những bản sắc văn hóa riêng. “Mình tham dự Liên hoan với mục đích đem những tinh hoa văn hóa cồng chiêng của người K’Ho ở xã Đoàn Kết đến giao lưu cùng các bon làng khác” - Nghệ nhân K’Mẫn nói.
 
Cư dân các dân tộc bản địa Lâm Đồng chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp và xuất phát từ những sản vật tự nhiên, điệu chiêng “Prùng piếp” - giã rau trong ống lồ ô, do các nghệ nhân xã Đạ M’ri diễn tấu đã đưa mọi người đến với nhịp sinh hoạt của bon làng. Người nghe cảm nhận được không khí rộn rã quanh nhà sàn, bếp lửa, cái đầm ấm của một cộng đồng hướng về sự linh thiêng nhưng rất dung dị trong đời sống.
 
Nghệ nhân K’Linh năm nay 35 tuổi, đến từ xã Đoàn Kết, cho biết: “Tôi học tấu chiêng từ nhỏ. Hiện tại, tôi đang truyền dạy nghệ thuật diễn tấu, diễn xướng cồng chiêng lại cho những người trẻ tuổi. Mong muốn của tôi là các em sẽ cố gắng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình”. Chung tâm trạng với K’Linh, nghệ nhân Ka Brêm (Đội dân vũ xã Phước Lộc) chia sẻ: “Chỉ khi nào có lễ hội, chị em mới tụ tập múa hát và đêm nay là một đêm đặc biệt để chúng tôi có cơ hội thể hiện tình yêu đối với văn hóa của dân tộc mình”. 
 
Trực tiếp hòa vào không gian sâu thẳm đêm đại ngàn, bài chiêng “Xin rau, xin đọt mây” của đội chiêng xã Mađaguôi đưa mọi người về với những cung bậc chan hòa tình đoàn kết, đùm bọc, san sẻ cho nhau, là một trong những đặc điểm cơ bản của bản tính người Châu Mạ chân chất, nặng tình. 
 
Điều đáng mừng nhất ở liên hoan lần này chính là sự xuất hiện của nghệ nhân trẻ K’Nhân - 13 tuổi, của Đội chiêng xã Đạ M’ri. Mặc dù mới học chiêng được 3 tuần lễ, nhưng K’Nhân đã tham gia biểu diễn một bài chiêng tương đối hoàn chỉnh, cho thấy sự kế thừa giữa các thế hệ chơi chiêng không hề bị đứt gãy. 
 
Kết thúc liên hoan, Ban Tổ chức đã trao giải nhất: Đội xã Đạ Oai, giải nhì: xã Đoàn Kết và giải ba: xã Phước Lộc. Tám đội chiêng lại so chiêng, chỉnh nhịp, nối rộng vòng xoang. Cứ thế, bên ngọn lửa thiêng, bên ché rượu cần mềm môi vít cong, những chàng trai, cô gái miền sơn nguyên đang đắm đuối, giao đãi những cái xiết tay ân tình, những ánh mắt chênh choáng lửa, vòng xoan càng thêm rộng ra, dìu dặt theo những nhịp chiêng ngân. 
 
TRỊNH CHU