Chuyện tình của Lê Uyên và Phương, Từ Dung và Từ Công Phụng

11:11, 26/11/2013

Xuyên suốt gần một thế kỷ âm nhạc Việt Nam, những cặp song ca tạo được tên tuổi, đi vào lòng người nghe nhạc hầu hết là những đôi vợ chồng, nên thường rất hợp ý nhau trong nghệ thuật. Lê Uyên và Phương, Từ Dung và Từ Công Phụng là những cặp đôi như thế, nhưng vì sao giữa đường họ đứt gánh vẫn là câu hỏi lớn với người ái mộ.
 

Xuyên suốt gần một thế kỷ âm nhạc Việt Nam, những cặp song ca tạo được tên tuổi, đi vào lòng người nghe nhạc hầu hết là những đôi vợ chồng, nên thường rất hợp ý nhau trong nghệ thuật. Lê Uyên và Phương, Từ Dung và Từ Công Phụng là những cặp đôi như thế, nhưng vì sao giữa đường họ đứt gánh vẫn là câu hỏi lớn với người ái mộ.
 
Khi loài thú xa nhau
 
Lê Uyên Phương tên khai sinh là Lê Văn Lộc, dù trước đó cha mẹ ông đặt là Lê Minh Lập, nhưng do sự cẩu thả của nhân viên hộ tịch, tên ông trở thành Lê Minh Lộc, rồi cuối cùng thành Lê Văn Lộc. Ông sinh ngày 2.7.1941 tại thành phố Đà Lạt, khởi sự sáng tác vào năm 1960 với ca khúc đầu tiên Buồn đến bao giờ được viết tại Pleiku, khi ông dạy học tại đó và ký tên là Lê Uyên Phương.
 
Bút danh này được ông lấy chữ lót tên mẹ là Công Tôn Nữ Phương Nhi ghép với tên người tình đầu tiên là Uyên mà thành. Trời phú cho Lê Uyên Phương một tài năng lớn trong lĩnh vực viết ca khúc, nhưng lại bắt ông gánh chịu một căn bệnh hiểm nghèo – bệnh có nhiều khối u mọc đầy cơ thể.
 
Ông không nói ra, nhưng người ta cho rằng ông bị ung thư xương và sẽ giã từ cõi đời bất cứ lúc nào. Chính nỗi đau này đã tạo cho âm nhạc của ông những nét riêng, như những tiếng kêu gào, buồn da diết.
 
Cặp đôi Lê Uyên Phương và Uyên đã mang đến luồng gió mới cho âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ đó
Cặp đôi Lê Uyên Phương và Uyên đã mang đến luồng gió mới cho âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ đó
Năm 1968, định mệnh đã mang đến cho Lê Uyên Phương một người con gái Hà Nội, gốc Trung Hoa (cha là người Hải Nam, mẹ là người Triều Châu). Cô ta tên là Lâm Phúc Anh, sinh năm 1952 tại phố Hàng Bồ. Năm 1954, gia đình của Lâm Phúc Anh rất giàu có ở vùng Chợ Lớn, họ là chủ nhân của một hãng xe đò chạy đường Sài Gòn ra các tỉnh miền Trung.
 
Chính vì có tiền, có của nên Lâm Phúc Anh được cha mẹ gửi lên Đà Lạt học trường Virgo Maria - một trường Tây sang trọng vào thời đó. Năm 1968, mới tròn 16 tuổi, cô nữ sinh Lâm Phúc Anh xinh đẹp, đài các, rất lãng mạn và đầy cá tính, được trời ban cho năng khiếu âm nhạc với một giọng hát khá hay đã gặp Lê Uyên Phương - ông thầy dạy triết và Việt văn, lớn hơn mình 11 tuổi tại thành phố sương mù.
 
Nhìn dáng vẻ và khuôn mặt đầy chất nghệ sĩ của ông, Lâm Phúc Anh đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng trái tim. Khi biết người nhạc sĩ tài hoa đó đang mắc phải một cơn bệnh nan y, thay vì quay mặt thì Lâm Phúc Anh lại càng yêu tha thiết hơn nữa và một chuyện tình đẹp tuyệt vời đã đến với cả hai người.
 
Biết chuyện, gia đình của cô đã hết sức ngăn cản nhưng Lâm Phúc Anh bất chấp tất cả. Biện pháp cuối cùng là cha mẹ của cô đưa cô về lại Sài Gòn để chia cách họ. Không chịu được nỗi nhớ thương canh cánh trong lòng, Lê Uyên Phương thường tìm về Sài Gòn và nơi họ thường xuyên gặp gỡ nhau là nhà ga xe lửa. Chính thời gian này, Lê Uyên Phương đã cho ra đời một trong những ca khúc bất hủ của ông – bài hát Khi loài thú xa nhau.
 
Lâm Nhật Anh tâm sự: “Tôi  yêu Lê Uyên Phương vì tài năng, sự hiền lành, đạo đức và tấm lòng nhân ái, rộng lượng của anh. Nhưng tha thiết hơn cả là con người nghệ sĩ và căn bệnh hiểm nghèo mà anh mắc phải. Cuộc tình của chúng tôi rất đẹp nhưng cũng rất đau đớn bởi không biết ngày nào đó sẽ vĩnh viễn mất nhau vì cái chết luôn rình rập”.
 
Năm 1969, họ chính thức chung sống và bắt đầu cuộc đời ca hát, nhanh chóng trở thành một đôi song ca nổi tiếng. Lâm Phúc Anh không muốn lấy tên thật của mình hay bất cứ một nghệ danh nào khác. Cô muốn mình là Lê Uyên để cùng với Phương gắn kết suốt đời nên cái tên Lê Uyên và Phương ra đời từ đó.
 
Sau lần xuất hiện đầu tiên tại quán Thằng Bờm của phong trào du ca, Lê Uyên và Phương đã được người yêu nhạc đón nhận một cách nồng nhiệt, coi đó như một làn gió mới thổi vào đời sống nghệ thuật trong thời điểm chiến tranh ngày càng gia tăng cường độ.
 
Những ca khúc mà đôi vợ chồng này vừa sáng tác, vừa biểu diễn đã ghi đậm dấu ấn vào lòng người nghe như: Khi loài thú xa nhau, Bài ca hạnh ngộ, Còn nắng trên đồi, Dạ khúc cho tình nhân, Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta… Lê Uyên và Phương có với nhau 2 người con gái là Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My. Năm 1979, họ rời Việt Nam sang Hoa Kỳ, định cư tại tiểu bang California.
 
Một chuyện tình đẹp như thế, vậy mà sau 15 năm chung sống, họ phải chia tay nhau vào năm 1984, mà theo nhiều người hiểu chuyện đã cho phần lỗi hoàn toàn thuộc về Lê Uyên. Thực hư thế nào không rõ, nhưng chắc chắn ngay sau đó, Lê Uyên đã có thời gian chung sống với một người đàn ông khác. Nhưng cuộc chung sống đầy tai tiếng này không như ý của Lê Uyên.
 
Sau đó cô lại quay về với Phương và tái kết hợp trong lĩnh vực ca hát ở hải ngoại. Năm 1999, Phương qua đời ở tuổi 51, thế là cũng đã quá “thọ” so với người mắc phải chứng bệnh nan y như ông. Lê Uyên Phương đã để lại cho đời hơn 40 tác phẩm. Số lượng tuy không lớn nhưng chất lượng, nhất là những gì đã được Lê Uyên và Phương thể hiện thì còn lâu mới bị lãng quên.
 
Trên ngọn tình sầu
 
Cùng thời với Lê Uyên và Phương, một đôi song ca nổi tiếng khác cũng đã đi vào lòng người yêu nhạc những dấu ấn đặc biệt, đó là Từ Dung và Từ Công Phụng. Từ Công Phụng sinh năm 1942 tại Ninh Thuận, là một nhạc sĩ sáng tác khá nổi tiếng giai đoạn 1950 - 1975 tại miền Nam. Ông có thể hình to lớn, nhưng dáng dấp lại rất nghệ sĩ, ăn nói nhẹ nhàng, lịch sự, dễ gây thiện cảm với mọi người.
 
Là người dân tộc Chăm, được chính quyền Sài Gòn ưu đãi theo chính sách đối với các dân tộc thiểu số, vì thế, chưa tốt nghiệp tú tài, Từ Công Phụng đã được ưu tiên vào học trường đại học quốc gia Hành chánh. Tuy nhiên, chỉ học được hơn 1 năm thì ông bỏ học, đi làm biên tập viên cho một đài phát thanh. Không như nhiều bài báo trong và ngoài nước cho rằng Từ Công Phụng đã tốt nghiệp cử nhân Luật tại Sài Gòn.
 
Không qua một trường lớp âm nhạc nào cả nhưng với năng khiếu bẩm sinh và một tâm hồn nhạy cảm, Từ Công Phụng đã tự học để trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực sáng tác. Năm 1960, ông ra mắt ca khúc đầu tay có tên là Bây giờ tháng mấy khi vừa tròn 18 tuổi và ngay lập tức đã trở thành nổi tiếng. Có thời gian Từ Công Phụng sống tại Đà Lạt và đã cùng với Lê Uyên Phương thành lập nhóm nhạc Ngàn Thông, biểu diễn hằng tuần trên Đài phát thanh Đà Lạt.
 
Và chính trên làn sóng của đài này, Bây giờ tháng mấy đã được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt. Không dữ dội như Lê Uyên Phương, nhạc của Từ Công Phụng đầy chất trữ tình, êm ái với ca từ trau chuốt, thật sang trọng. Ông còn có biệt tài phổ thơ vào các ca khúc rất thành công, đặc biệt là thơ của nhà thơ Du Tử Lê, tiêu biểu như những bài Trên Ngọn tình sầu, Ơn em…
 
Năm 1968, Từ Công Phụng gặp Từ Dung - một cô gái có làn da trắng, đẹp lộng lẫy, từng đoạt danh hiệu á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp tại miền Nam. Đôi trai tài gái sắc này sau đó đã nên duyên chồng vợ.
 
Sinh năm 1945, Từ Dung là con gái của nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, và là cháu ruột của hai nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân). Năm 1965, Từ Dung tốt nghiệp Tú tài toàn phần và đến năm 1969 lấy bằng cử nhân văn chương.
 
Vốn con nhà danh gia vọng tộc lại được học hành đến nơi đến chốn, nhưng Từ Dung rất say mê ca hát và cũng được trời ban cho một chất giọng khá hay. Lúc bấy giờ, Từ Dung đang theo học thanh nhạc với ca sĩ Châu Hà - vợ của nhạc sĩ Văn Phụng. Chính môi trường này đã đưa đẩy Từ Dung gặp gỡ rồi quen biết với Từ Công Phụng. Tài và sắc đã trói buộc họ vào với nhau, để thành vợ chồng cho cuộc đời có thêm một đôi song ca ăn khách. Lần đầu họ xuất hiện bên nhau trên sân khấu quán Văn ở đại học văn khoa với ca khúc Bây giờ tháng mấy.
 
Vào thời điểm này, có 3 cặp đôi nổi đình nổi đám là thần tượng của thanh niên, sinh viên, học sinh: Khánh Ly - Trịnh Công Sơn, Lê Uyên - Phương, Từ Dung -  Từ Công Phụng. Mỗi cặp một tính chất riêng nhưng đều giống nhau ở chỗ giọng nam kiêm luôn sáng tác. Trong 3 cặp này, thì Từ Dung - Từ Công Phụng ít nổi tiếng hơn, nhưng cũng là một hiện tượng trong đời sống âm nhạc dạo đó.
 
Sống với nhau có một con gái thì Từ Dung -  Từ Công Phụng chia tay, một cuộc chia tay khá buồn! Chẳng ai biết được nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ này. Nhưng theo một người quen thân của cặp đôi này, thì vào một chiều 30 Tết, ông ta tình cờ gặp Từ Công Phụng trên đường và họ đã rủ nhau đi bộ về nhà. Dọc đường, Từ Công Phụng đã tâm sự hết nỗi niềm của mình với những lời trách móc Từ Dung. Nhưng đó cũng chỉ là những lời từ phía của Từ Công Phụng, còn từ phía Từ Dung thì chẳng nghe nói một lời nào.
 
Năm 1980, Từ Công Phụng sang Hoa Kỳ, định cư tại Portland, tiểu bang Oregan và lập gia đình mới với một người phụ nữ tên là Kim Ái. Thời gian này, Từ Dung còn ở lại Việt Nam, bà mướn một căn phòng trong cư xá Ngân hàng, quận 3 và có biểu hiện tâm thần. Bà ít khi mở miệng nói với ai một lời nào.
 
Đêm đêm, bà thường khỏa thân ngồi lặng lẽ trong bóng tối trước hiên thềm như một pho tượng. Một thời gian sau, Từ Dung qua cơn trầm cảm và cũng sang định cư tại Hoa Kỳ, sinh sống tại tiểu bang Hawaii. Từ Dung cũng đã lập gia đình khác với một người đàn ông Mỹ.
 
Ở Hoa Kỳ, Từ Công Phụng vẫn tiếp tục cuộc đời sáng tác và ca hát, ông đã nhiều lần về thăm quê nhà và ít nhất đã có hai lần biểu diễn tại một phòng trà nổi tiếng ở Sài Gòn, cuối năm 2012 ông đã có đêm nhạc riêng tại Nhà hát TP.HCM. Còn Từ Dung thì im hơi lặng tiếng luôn, chẳng còn nghe ai nhắc đến tên của bà  nữa.
 
Ngay cả Từ Công Phụng trong các bài phỏng vấn, ông cũng chỉ nói đến Kim Ái và các con sau này. Cứ như Từ Dung chưa bao giờ xuất hiện trong sự nghiệp và cuộc đời của ông. Mọi chuyện dường như đã chìm hẳn vào quên lãng. Âu đó cũng là nỗi đau “hồng nhan bạc phận” của Từ Dung.
 
Theo SBĐ