Doris Lessing đã không nói cảm ơn khi giành Nobel văn học

03:11, 27/11/2013

"Nếu có ngọn núi Rushmore dành cho các tác giả của thế kỷ 20, bà chắc chắn sẽ được tạc trên đó… Sáng tạo, dũng cảm, bộc trực - bà không bao giờ thoái thác những lời phỏng đoán hay im lặng trước những lời chỉ trích, mà làm tất cả mọi việc bằng cả trái tim" - nhà văn từng chiến thắng Man Booker, Margaret Atwood nói về Doris Lessing, người vừa mới qua đời... 

"Nếu có ngọn núi Rushmore dành cho các tác giả của thế kỷ 20, bà chắc chắn sẽ được tạc trên đó… Sáng tạo, dũng cảm, bộc trực - bà không bao giờ thoái thác những lời phỏng đoán hay im lặng trước những lời chỉ trích, mà làm tất cả mọi việc bằng cả trái tim" - nhà văn từng chiến thắng Man Booker, Margaret Atwood nói về Doris Lessing, người vừa mới qua đời... 
 
 
Người phụ nữ bước ra khỏi chiếc xe taxi đầy khó nhọc. Bà đã luống tuổi, và mấy chiếc ghế ngồi đặt cao hơn mặt đất nhiều hơn bà mong muốn. Khi bà khom lưng để tránh cụng đầu vào mui xe, chiếc khăn dài màu đỏ quàng qua cổ bà gần như quét cả vỉa hè. Người phụ nữ ấy không chỉ lớn tuổi, bà còn thấp và hẳn là ai cũng hình dung ra vóc người mập mạp. Một người phụ nữ nhỏ bé với mái tóc hoa râm búi gọn gàng và đôi mắt cá chân cà nhắc luồn trong vớ, giang tay ra đẩy cánh cửa trong khi anh tài xế chạy lại để trợ giúp, máy xe vẫn nổ. Cho đến khi anh tới, mọi thứ đã êm xuôi. Bà bước xuống từ từ, hỏi tiền xe, và ngay khi chạm tay được vào chiếc ví nhỏ bà thấy mình đang nhìn thẳng vào ống kính, giờ đã kề sát khuôn mặt và nhận được yêu cầu chụp một tấm ảnh. "Chúng tôi đang chụp ảnh bà" - giọng một người đàn ông vang lên đầy bối rối, một chiếc micro hình nón đột nhiên chen vào khung hình. "Bà đã nghe tin chưa?".
 
Một vài bản cáo phó của Doris Lessing, người vừa qua đời vào hôm Chủ Nhật ở tuổi 94, nói khi bà phát hiện ra mình đã đoạt giải Nobel Văn học năm 2007, phản ứng đầu tiên của bà là thốt lên "Ôi Chúa ơi". Quả thực bà đã làm như vậy, thốt lên "Ôi Chúa ơi" trong khi xua tay về phía các phóng viên đã chầu chực trước của căn hộ của bà ở London để bảo họ tránh đường. Sau đó, bà quay lại để trả tiền taxi trong khi Peter, người con trai sống cùng bà và đang được bà chăm sóc vì bị ốm vẫn ngó nghiêng cảnh giác. Sự chú ý dồn cả vào chiếc công-tơ mét, sau gần chín thập kỷ, bước chân cuối cùng đến với niềm vinh quang tột cùng của văn học vẫn có thể trì hoãn thêm 5 phút.
 
Ở tuổi tám mươi tám, Lessing là nhà văn lớn tuổi nhất từng chiến thắng giải Nobel Văn học, và là người phụ nữ thứ mười một làm được điều ấy. Bà được sinh ra ở Ba Tư, năm 1919 với cha mẹ là người Anh, và lớn lên trong trang trại làm ăn thất bát của họ mà khi ấy thuộc miền Nam Rhodesia. Là một phụ nữ trẻ, bà đã từ chối hệ thống thuộc địa phân biệt chủng tộc tàn bạo mà bà được thừa hưởng, cũng như sự bất bình đẳng giới đã đày đọa cuộc đời mẹ bà và gần như là cả cuộc đời bà sau này khi kết hôn ở độ tuổi mười chín. Bà đã gia nhập Đảng Cộng sản từ những năm 40 của thế kỉ trước, để rồi lại dành trọn phần còn lại cuộc đời để bác bỏ chủ nghĩa cộng sản, cùng với hầu hết các phong trào chính trị được hệ thống hóa khác. Bà chuyển tới Anh, kéo những nghệ sĩ trẻ tới lui căn nhà của mình và viết hết cuốn sách này đến cuốn sách khác: tiểu thuyết, khoa học viễn tưởng, hồi ký, tiểu luận, thơ, và cả lời kịch cho một vở opera chuyển thể từ cuốn The Making of the Representative for Planet 8 của bà, với âm nhạc dàn dựng bởi Philip Glass.
 
Sau cuộc chạy chốn cánh báo chí, Lessing đi vào trong nhà. Và bà trở lại cùng một ly nước, ngồi xuống trên bậc thềm trước cửa trong tư thế sẵn sàng gọt vỏ vài củ khoai tây, hỏi các phóng viên rằng bà phải phản ứng ra sao trước tuyên bố của họ. "Tất cả thật quá vô duyên, ngu xuẩn và thiếu lịch sự" – Lessing nói. Cánh nhà báo lắp bắp. Bà rõ ràng đang cảm thấy thích thú. Tên của bà đã bị lờ đi nhiều năm khi Ủy ban Nobel từng nói thẳng rằng bà sẽ không bao giờ có được vinh dự ấy. Giờ thì tất cả đã quay ngoắt 180 độ và bà bị trói chặt với những cuộc phỏng vấn, sự kiện và những bài phát biểu mỗi khi sắp sửa bắt đầu một cuốn sách. "Tôi đã chiến thắng tất cả các giải thưởng lớn của châu Âu, mọi giải thưởng trời đánh thánh vật. Và tôi rất vui mừng khi giành chiến thắng tất cả. Điều đó giống như đạt được Royal Flush trong trò pocker vậy" – bà mừng rỡ. Cảnh tượng này đã trở thành hit trên YouTube.
 
Chúng ta có xu hướng mong đợi những tố chất nhất định ở những người giành chiến thắng các giải thưởng lớn. Đầu tiên, nên có một sự ngạc nhiên, thậm chí là ngỡ ngàng theo sau bởi cảm giác thoáng qua của sự hoài nghi. Sau đó, sự hoài nghi ấy nên sớm nhường chỗ cho niềm vui, nhưng niềm vui không kiểm soát được vỡ òa trong thành công ngập tràn có thể sẽ hơi khó coi và khiến cho những người chứng kiến thấy khó xử. Chẳng hạn như cách cậu bé Augustus Gloop bò ra liếm sông sô cô la trong nhà máy của Willy Wonka, sẽ khiến cho cá tính háu ăn và liều mạng bị phô bày. Lý tưởng nhất là phải tỏ ra thật bình tĩnh, duyên dáng, và chân thành khi gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã giúp bạn trên con đường đến với thành công này, khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời bạn.
 
Tuy nhiên, với Lessing, chiến thắng tại giải Nobel không phải là khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời phi thường và gắn bó lâu dài với nghiệp cầm bút của bà. Và mặc dù vậy có vẻ như một số nhà phê bình sẽ không tha thứ cho bà khi không chịu giả bộ điều đó, cũng như họ sẽ không tha thứ cho bà vì đã bỏ lại hai cô con gái nhỏ ở Rhodesia chỉ có sự chăm sóc của người cha, để theo đuổi một cuộc đời khác. Bài cáo phó đăng trên tờ New York Times vẫn mang một giọng văn cáu kỉnh và ánh mắt trách móc. Có lần, Lessing từng giải thích rằng quyết định của bà khi ấy là dũng cảm. Theo quan điểm của bà, một phụ nữ có trí tuệ không nên bị kìm chân bởi việc chăm sóc cho những đứa trẻ hết ngày này qua ngày khác. Bà không giỏi chăm sóc lũ trẻ, cũng không muốn có kết cục như mẹ bà, một trí thức bất mãn. Có lẽ suy nghĩ ấy đã khiến nhiều người chế nhạo bà vì từ chối gọi tác phẩm để đời của bà The Golden Notebook (Cuốn sổ tay vàng) là một cuốn sách về nữ quyền. Nhưng chính con đường không thỏa hiệp hay tìm cách biện hộ mà bà đã dẫn dắt cả cuộc đời và sự nghiệp của mình, tự chúng đã là những lời phản biện thuyết phục nhất.
 
Mối quan tâm chính trị lớn của Lessing có chung quan điểm nằm ở trung tâm của chủ nghĩa nữ quyền, cũng như sự tiến bộ của tất cả các phong trào dân quyền. Trở thành người chiến thắng khi đã ở tuổi xưa nay hiếm, bà đã không đến tận thủ đô Stockholm mà nhận trao giải tại trụ sở đại sứ quán Thụy Điển đặt ở London. Trong bài phát biểu mà bà đặt tên là "Về việc không chiến thắng giải Nobel", Lessing viết về chuyến viếng thăm đến hai trường học. Ngôi trường đầu tiên nằm ở nơi ngày nay đã trở thành nước Cộng hòa Zimbabwe độc lập. "Không có tập bản đồ thế giới hay quả địa cầu trong trường, không có sách giáo khoa, không có sách bài tập, hay thậm chí là những chiếc bút bi. Trong thư viện không có những loại sách mà các em học sinh muốn đọc, mà toàn là những pho sách phải oằn mình mới vác lên được của các trường Đại học Mỹ, bị loại thải từ các thư viện của người da trắng, hay tiểu thuyết với tiêu đề như Weekend in Paris (Cuối tuần ở Paris) và Felicity Finds Love (Felicity tìm thấy tình yêu).
 
Ngôi trường thứ hai là nơi một cậu học trò bán bánh ở London theo học. Bà kể cho các sinh viên ở đó rằng học sinh ở Zimbabwe cầu xin những du khách đến thăm họ hãy mang theo sách. Nhiều chàng sinh viên London vẫn chăm chú lắng nghe bà bằng ánh mắt trống rỗng, lịch sự nhưng chán ngấy. "Tôi dám chắc rồi sẽ có ngày vài người trong số họ giành nhiều giải thưởng" – bà nói. Hãy nghĩ đến Orhan Pamuk, bà yêu cầu những thính giả của mình nghĩ tới cả VS Naipaul và JM Coetzee. Cả ba người trong số họ, trong bài diễn văn nhận giải Nobel, đã nhắc đến những năm đầu đời tiêu tốn thời gian giành cho những cuốn sách. Còn cách phân phát kiến thức nào hiệu quả hơn chăng?
 
"Tôi phải kết luận rằng một cuốn tiểu thuyết hay sẽ viết về sự thực hơn là chỉ ghi nhận lại dựa trên sự thực" - Lessing đã viết trong lời nói đầu của cuốn The Golden Notebook vào năm 1993. Khi Lessing chuẩn bị kể lại câu chuyện của cha mẹ bà trong cuốn sách cuối cùng Alfred và Emily được xuất bản năm 2008, bà đã chia cuốn sách làm hai phần: ghép nối những lời bộc bạch về quãng thời gian thiếu thốn bất hạnh của họ với một sự tưởng tượng phản lịch sử về những gì cuộc sống của họ sẽ gặp phải nếu chiến tranh thế giới thứ nhất không xảy ra. Đôi khi, dù vậy, những lời ghi nhận dựa trên sự thực hóa ra cũng có thể trở thành một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn.
 
AS Byatt mô tả bà là "một trong số ít các nhà tiên tri của văn học", trong khi JM Coetzee gọi bà là "một trong những tiểu thuyết gia có tầm nhìn vĩ đại của thời đại chúng ta". Thật vậy, Lessing dường như được sở hữu một thiên tài kỳ lạ để có thể dự đoán trước nhiều vấn đề hoặc sự thay đổi xã hội. Tồn tại trong bản thân bà sự can đảm mang màu sắc đả kích, niềm đam mê và giận dữ giành cho chính trị, sự kết thúc của Đế chế Anh (Lessing từ chối trở thành một phu nhân bởi "làm gì còn Đế quốc mà có phu nhân của đế chế Anh nỗi gì" - bà nói) và hoàn toàn chẳng có chút sợ hãi thất bại. Có lẽ những gì Lessing cần bây giờ là một người viết tiểu sử hàng đầu.
 
BN (Theo QĐND Online, The New Yorker)