150 nhà quản lý, nhà khoa học cùng các chuyên gia nghiên cứu về di sản trong nước và quốc tế tham gia.
Hội thảo Khoa học quốc tế về "Vai trò của Di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình" do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Quỹ nguồn lực châu Á và UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức tại Tp. Biên Hòa từ ngày 25 - 28/11/2013. 150 nhà quản lý, nhà khoa học cùng các chuyên gia nghiên cứu về di sản trong nước và quốc tế tham gia.
|
Các nhà khoa học đang thảo luận trên hiện trường |
Chủ đề của hội thảo nhằm đánh giá và phản ánh thực trạng việc bảo tồn, phát triển di sản của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Các tham luận nêu lên thực trạng các di sản văn hóa không những của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới đang bị xâm phạm. Việc hòa hợp giữa phát triển cuộc sống con người và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản truyền thống đang đặt ra những mâu thuẫn gay gắt. Để dung hòa những mâu thuẫn, hướng đến mục đích cùng phát triển và gìn giữ hòa bình của các cộng đồng, các quốc gia thì vấn đề giáo dục di sản là việc làm cần thiết cần sớm được đưa vào chương trình giảng dạy cho thế hệ trẻ. Với những giá trị văn hóa và tính chất đặc thù phù hợp với chủ đề của hội thảo, Di tích Cát Tiên là một trong những di sản văn hóa tiêu biểu được hội thảo đưa vào chương trình nghị sự và tham quan thực tế ngày 27/11/2013. Tại hiện trường của di tích các đại biểu tham dự hội thảo, nhất là các đại biểu đến từ Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Bănglađét... rất xúc động và ngưỡng mộ trước một khu thánh địa Ấn Độ giáo đồ sộ có niên đại từ thế kỷ VII-X sau công nguyên được xây dựng trên vùng đất Cát Tiên thuộc Nam Tây Nguyên.
Những nội dung được các nhà khoa học quan tâm tới là chủ nhân của khu thánh địa; sự quảng bá, giáo dục về giá trị di sản bằng các hình thức như bảo tồn, xây dựng khu di tích trở thành một bảo tàng sinh động, khu du lịch mang tính tâm linh thu hút du khách và thế hệ trẻ tới tham quan, học tập... từ đó thế hệ trẻ sẽ hiểu biết và có ý thức giữ gìn di sản tốt hơn.
Lương Nguyên Minh