Kiên quyết lập lại trật tự, bảo vệ, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh

03:11, 26/11/2013

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy định số 53/2013/QĐ-UBND ngày 19/11/2013 về "Quản lý, bảo vệ, đầu tư, khai thác di tích, danh lam thắng cảnh tỉnh Lâm Đồng".

Hiện nay, Lâm Đồng có 32 di tích, danh lam thắng cảnh, khu điểm du lịch, trong đó có 18 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và địa phương được đầu tư khai thác du lịch và hơn 60 điểm tham quan miễn phí, đó là các danh lam thắng cảnh tự nhiên, các công trình kiến trúc cổ, cơ sở tôn giáo làng nghề, làng dân tộc bản địa, khu khảo cổ… 
 
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy định số 53/2013/QĐ-UBND ngày 19/11/2013 về “Quản lý, bảo vệ, đầu tư, khai thác di tích, danh lam thắng cảnh tỉnh Lâm Đồng”. Theo đó, đã quy định rõ về việc cắm mốc ranh giới di tích, tổ chức giải tỏa vi phạm, trách nhiệm của các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã trong việc quản lý và bảo vệ di tích; trách nhiệm, nghĩa vụ của các đơn vị được giao quản lý đầu tư khai thác di tích, sử dụng giá trị của di tích vào các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, các di tích sẽ được lập hồ sơ, cắm mốc, khoanh vùng, bảo vệ đúng nguyên trạng mặt bằng và không gian dựa trên hồ sơ khoa học của di tích, danh lam thắng cảnh. Kiên quyết giải tỏa các công trình xây dựng vi phạm, các hành vi lấn chiếm trong khu vực bảo vệ di tích làm ảnh hưởng đến cảnh quan. 
 
Sau khi giải tỏa xong, các di tích sẽ được tôn tạo, tu bổ nhằm sử dụng có hiệu quả làm gia tăng giá trị của nó. Đối với các di tích đã được đưa vào khai thác kinh doanh du lịch, việc quy hoạch phải được thực hiện theo các nguyên tắc: Bảo vệ tối đa các yếu tố nguyên gốc của di tích; tuân thủ đầy đủ các quy định của nhà nước về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh của nhà nước; định hướng và thiết lập được các sản phẩm du lịch, loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với quy hoạch du lịch địa phương. 
 
QUỲNH UYỂN