Ðà Lạt trong se sắt nhớ

05:12, 31/12/2013

Phải nói rằng đất trời Ðà Lạt, trong đó khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan... là những ưu đãi tuyệt hảo của thiên nhiên dành cho con người. Và người Ðà Lạt dường như may mắn hơn, khi được hưởng thụ trọn vẹn sự ưu đãi đó.

Phải nói rằng đất trời Ðà Lạt, trong đó khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan... là những ưu đãi tuyệt hảo của thiên nhiên dành cho con người. Và người Ðà Lạt dường như may mắn hơn, khi được hưởng thụ trọn vẹn sự ưu đãi đó.
 
Một nét Ðà Lạt.  Ảnh: THANH TOÀN
Một nét Ðà Lạt. Ảnh: THANH TOÀN
 
Khi những vạt dã quỳ vàng rực vắt vai những ngọn đồi, cái se sắt lạnh bắt đầu len lỏi qua từng kẽ tay. Hàng hoa ban di thực cũng bắt đầu xòe cánh, những cánh trắng muốt khắc khoải ứa sương. Trong khi đó hàng cây anh đào khẳng khiu trụi lá, giơ những cánh tay trơ trọi, bất lực bấu víu trời cao. Có ai biết trong lòng nó đang chực bày những bữa tiệc hoa anh đào thịnh soạn cho trần gian thưởng lãm. Có phải vì thế mà Ðà Lạt thật quyến rũ, thật mộng mơ chăng? Riêng tôi thấy Ðà Lạt còn có nguyên chất của nỗi thiết tha nữa. Thiết tha đúng như nghĩa của nó. Con người sẽ cần có nhau hơn, cần những nụ hôn nồng ấm; cần cái bắt tay truyền cảm, cần cái ôm siết nhẹ rung động... Tất cả những biểu cảm ấy chỉ Ðà Lạt mới đặc tả nổi mà thôi.
 
Vậy nên Ðà Lạt là nỗi nhớ. Cái nhớ se sắt, bất tận của không gian trong thời gian. Ai đến Ðà Lạt, làm người Ðà Lạt sẽ cảm nhận được điều này. Dù là cái nhớ trong tâm thức, hay trong vô thức cũng vậy, cũng đều là một nỗi nhớ vô hình dung mà lại hiện hữu vô cùng. Bởi không phải đi xa Ðà Lạt mới nhớ về Ðà Lạt, mà nhớ Ðà Lạt ngay khi đang ở Ðà Lạt mới lạ lùng làm sao. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi có thể nói đó là cái nhớ vi tế nhất, khó có ai cưỡng nổi. Kẻ vô cảm không chừng cũng không thể phủ nhận được, huống hồ chúng ta - những người yêu Ðà Lạt bằng xúc cảm mãnh liệt. Không thể kể hết những nỗi nhớ vi tế ấy, như những vi mạch trong bộ nhớ điện tử, nhưng cũng có thể kể những nỗi nhớ dễ thấy. Ðó là những người con xa xứ lòng vẫn thầm nhớ về Ðà Lạt dấu yêu. Những người con phương Nam khi đi xa nhớ cái nắng cháy da; người miền Trung nhớ gió Lào, nhớ đất cày lên sỏi đá; người miền Bắc nhớ cái rét quay quắt, khắc nghiệt. Ðà Lạt với độ cao 1.500m so với mặt biển, là vùng khí hậu ôn đới nên nỗi nhớ cũng trung tính hơn, nghĩa là không nhớ cồn cào, quay quắt, mà nhớ thiết tha, quyến rũ và mộng mơ. Ðó là đặc tính bốn mùa trong một mùa, cô đọng hơn là trong một ngày có đủ bốn trạng thái mùa xen lẫn. Vì thế mà người bản địa K’Ho, Mạ, Lạch, Chu Ru... coi Ðà Lạt là một dòng nước(*). Bởi hễ có nước tức có sự sống hàm dưỡng trong đó. Dù là một ý nghĩa khởi nguyên cũng bao hàm cả sự chuyển dịch mênh mông của đất trời...
 
Ðà Lạt làm cho con người tự nhiên cắm rễ sâu vào tiềm thức của nó. Ðà Lạt làm cho con người tự nhiên bị ám mị bởi nó. Ðà Lạt làm cho con người tự nhiên bình yên trong nó... Và còn nhiều thứ tự nhiên khác nữa, như có giải thích cho rằng Ðà Lạt là: “Cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành...” (**) cũng có cái hay nhất định của nó. Nghĩa là tất cả khiến cho Ðà Lạt trở thành một nỗi nhớ tự nhiên, không gượng ép. Vì nó tự trào dâng trong lòng không nhìn thấy được, nhưng ai cũng hiểu, cũng cảm nhận là mình đang yêu thương xứ cao nguyên nắng lạnh, nên Ðà Lạt tự trong lòng nó cũng là nỗi nhớ lãng mạn. Sự lãng mạn dành cho những ai chiêm nghiệm đất trời, họ trải qua cuộc sống nơi cao nguyên, rồi tự gắn bó, tự coi nó là máu thịt của mình. Vì thế mới thành quê hương, mới tự hào là vương quốc hoa, xứ ngàn hoa vv... Tất cả đồi núi, thác suối, rừng cây, hoa cỏ là chất liệu khi nói, viết về Ðà Lạt, cũng là nỗi nhớ riêng khi hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp này.
 
Nỗi nhớ là một trạng thái tâm lý khó nắm bắt, chỉ xảy ra trong tâm hồn. Vậy mà đất trời Ðà Lạt thật tinh vi, dường như thiên nhiên đã lập trình sẵn cho người này nỗi nhớ kia, cho người kia niềm yêu thương nọ, để người muôn phương chạy trốn cái chênh chao của chính họ, tìm về với Ðà Lạt dịu êm, ngọt mộng và đằm sâu... Vì đằm sâu nên người Ðà Lạt không vướng vít như người miền Bắc, không xởi lởi như người miền Nam, không nóng hổi như người miền Trung. Người Ðà Lạt sống thiết tha và tha thiết. Tạm hiểu trong giới hạn nào đó, thiết tha là rất cần có nhau; và tha thiết là sống hết mình cho nhau. Người Ðà Lạt là vậy, là cần có nhau hơn trong sự trao ban hạnh ngộ. Có thể vì tiên cảm được điều này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “... ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...”. Dù chưa hẳn là tất cả, nhưng rất đúng với tâm hồn Ðà Lạt, nhạy cảm nồng nàn...
 
Ngày nay, khi tìm hiểu về cuộc đời bác sĩ Yersin - người đầu tiên tìm ra Ðà Lạt, chúng ta thấy tâm hồn ông đã hòa vào Ðà Lạt không phân biệt giới tuyến, thì điều này lại càng đúng hơn với tư cách và tấm lòng nhân ái của ông. Ông là nhà khoa học có nhiều cống hiến to lớn cho nhân loại, Ðà Lạt đón nhận ông trong nhân cách khoáng đạt đó. Cái duyên kỳ ngộ ấy không tìm mà gặp. Ðà Lạt thật sang trọng nhưng cũng thật dân dã, hoang du. Một thành phố được mệnh danh là thành phố trong rừng thì kỳ hoa dị thảo cùng với hoa dại vấn vương. Ví như hoa hồng là Nữ thần Tình ái, không thể nói là chúng ta lại quên đi loài dã quỳ mộc mạc đồi nương, mà ngược lại cùng hòa điệu với nhau làm thành thứ tình yêu cho một vùng đất. Ðó là thứ tình yêu thôi miên của bao la đất trời xứ mộng, khiến ta thiết tha nhớ nhung. Ví như người đàn bà đã qua thời hoa mộng, nhớ về con hẻm hoa trong dốc đá quanh co, lãng mạn, hay người đàn ông nhớ gốc anh đào rụng đầy hoa của thời thổ lộ tình yêu. Người thiếu nữ nhớ màu phượng tím ấp ủ ép trong trang vở, hay cánh phượng trắng bàng hoàng lần đầu bật nở trong khu vườn vắng chủ... Tất cả những nỗi nhớ cộng hưởng xuyến xao, róc rách chảy như khe suối, rồi lặng lẽ bay đâu mất như giọt sương mai mềm yếu dưới tia nắng mặt trời...
 
(*) Tiếng K’Ho Ðạ là nước, Lat là người Lạch K’Ho
(**) Dat Alits Lactitium Alits Temperriem
 
Tuỳ bút: NGUYỄN THÁNH NGÃ