Mãi đến giờ mỗi khi chiều buông xuống, lòng bâng khuâng, tôi lại nhớ những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, nhớ chiến khu xưa.
Mãi đến giờ mỗi khi chiều buông xuống, lòng bâng khuâng, tôi lại nhớ những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, nhớ chiến khu xưa.
|
Minh họa: Phan Nhân |
“… Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều / Tiếng suối reo, đạn bay vèo…”. Tôi cứ mường tượng cảnh chiến khu lãng đãng mây ngàn, sương sớm đầu non, chim kêu vượn hót. .. với những chàng dũng sĩ khoác chiến bào trên lưng ngựa như tráng sĩ Kinh Kha… khiến lòng tôi háo hức.
Đó chỉ là “lãng mạn tiểu tư sản”, thực tế chiến khu không như tôi suy tưởng. Riêng con đường lên chiến khu thôi cũng đủ làm tan biến sự lãng mạn ấy rồi. Đường đi là đường mòn của thú rừng, vượt qua bao nhiêu suối, bao nhiêu đèo, dốc đá dựng đứng, chân người đi trước hất gót vào trán người đi sau. Đi người không đã cảm thấy toát mồ hôi trán, bở hơi tai, nói chi đến mang vác súng đạn, vũ khí hay lương thực. Thấu hiểu nỗi vất vả của cánh lính công binh, một cụ phú hộ tốt bụng cho người nhà mang tặng đơn vị một con ngựa. Cọn ngựa bạch lấm tấm vài ba đốm đen ở cổ, bờm dài, mông to, ức nở như ngựa chiến. Có thể nó thuộc giống ngựa lai.
Người mang tặng ngựa lại không nói rõ nó là ngựa thồ hay ngựa cưỡi. Có thể lúc ở nhà, nó là con tuấn mã, nhưng lên chiến khu nó là con ngựa bất kham. Lãnh đạo đơn vị chọn năm bảy anh em có sức khỏe để thay nhau thuần phục nó, nhưng, hễ nhảy lên lưng là nó dựng đứng hai chân sau, ngẩng cao đầu hí vang, lắc mạnh, hất người trên lưng nó rơi xuống đất. Có anh đứng xem còn tếu táo, phán:
- Nó ngang ngạnh như thế là vì nó muốn có một “cô nàng” luôn bên cạnh. Nó đang sống độc thân nên nó phát khùng đấy mà.
- Thôi đi cha nội đừng có phán bừa.
Cuối cùng cũng có một người thuần phục được nó. Người ấy là anh Đỗ Phẩm.
Anh Phẩm không to con, nhưng được cái nhanh nhẹn và chủ yếu là anh biết thương yêu vỗ về nó. Anh Phẩm được tách ra khỏi sản xuất vũ khí để chỉ “cai quản” một chú ngựa này thôi. Thấy anh Phẩm thuần phục được ngựa, anh em trong đơn vị vỗ tay reo hò tán thưởng và, còn đầu têu phong cho anh chức “quan Bạch mã ôn”. Chức Bạch mã ôn ấy khiến anh Phẩm một thời gian mất ăn mất ngủ. Số là, anh đã có người yêu ở quê nhà. Chức Bạch mã ôn bay về làng, người yêu anh Phẩm là một nữ sinh từng thuộc làu “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân bên Tàu, thế mới rầy. Nàng viết thư cho anh:
- Tưởng anh lên chiến khu làm cái gì chứ lại làm anh chăn ngựa, khiến em xấu hổ với bạn bè. Nếu anh cứ tiếp tục chăn ngựa thì em sẽ cho anh “qua cầu gió bay”. Đó là lời cảnh báo có sức nặng của con tim mà anh Phẩm lại là người đang “say”.
Nhận được thư của người yêu chẳng làm anh phấn khởi, vui mừng ngược lại khiến anh dao động, thiếu an tâm. Ngay sau đó anh viết liền mấy lá thư giãi bày cho người yêu rõ, nhưng anh vẫn chưa yên lòng, nên gặp lãnh đạo đơn vị xin trả lại chức Bạch mã ôn. Thật khó cho thủ trưởng đơn vị, vì chỉ có anh mới thuần phục được con ngựa bất kham hay trở chứng. Vì thế, thủ trưởng đơn vị phải phái người về quê để giải thích cho người yêu anh rõ, anh mới yên tâm tiếp tục công việc.
Có ngựa, đơn vị lại phải làm chuồng ngựa. Chuồng ngựa được xây dựng rất kiên cố bằng ba lớp cây to, đan chéo nhau, buộc chặt. Ngoài cùng là lớp gai móc mèo, sắc như dao. Ngày ấy, rừng Trường Sơn cọp có đến hàng bầy, rất hung dữ. Chúng tấn công cả người. Chuồng ngựa dựng ở giữa trại tăng gia sản xuất và cắt cử vợ chồng ông Cái trông nom. Cạnh chuồng ngựa cất một chòi canh cao 10m để vợ chồng ông Cái ăn ở và canh đêm. Hễ có cọp về rình rập thì đánh mõ báo động để đơn vị gần đó đến tiếp ứng. Cũng đã đôi lần cọp “viếng” chuồng ngựa nhưng đều bị tiếng súng và đuốc sáng xua đuổi đi.
Anh Phẩm và con ngựa ngày càng gắn bó với nhau như đôi bạn thân. Một hôm anh dắt ngựa ra bãi cỏ canh suối để cho nó ăn. Con ngựa bạch nổi lên trên nền cỏ non xanh mướt buổi chiều vàng với anh Phẩm như chàng kỵ sĩ lãng du một chiều sơn cước. Bãi cỏ cách đơn vị một “khoen rựa” nói theo cách nói của đồng bào thượng. Nó đang thơ thẩn gặm cỏ bổng ngựa bỏ ăn chạy lại quẩn bên người anh, đầu nó cuối xuống đất, mũi nó khịt khịt, hơi thở phì phì, hai chân sau đá liên hồi vào không khí, biểu hiện nó đang rất sợ hãi và mong được chở che. Theo kinh nghiệm, anh Phẩm hiểu ngay ven rừng đang có cọp rình rập. Liệu một mình không thể giữ an toàn cho ngựa, anh lấy súng bắn ba phát chỉ thiên theo quy định để báo động đơn vị cho người đến ứng cứu.
Tiếng súng nổ đoàng… đoàng… dội vào rừng khiến chúa sơn lâm hoảng sợ chạy biến vào rừng sâu. Không ngửi thấy hơi cọp nữa, con ngựa trở lại yên tĩnh, nó lại tha thẩn ăn cỏ, nhưng không đi quá xa chỗ anh Phẩm canh chừng. Có một lần anh Phẩm và con ngựa đi tập thồ hàng. Dọc đường con ngựa bị cọp đuổi, quá sợ, nó chạy ào vào lùm gai tìm cách thoát thân. Con cọp bị gai đâm vào mắt chịu không thấu cũng vừa lúc anh Phẩm đuổi kịp bắn súng thị uy nên cọp bỏ cuộc. Thoát chết, nhưng mình ngựa đầy vết cào xước của gai móc mèo. Con ngựa phờ phạc như mất hồn, cái bờm dài của nó rối tung như cánh buồm của con thuyền viễn du tơi tả vì nắng gió đại dương.
Anh Phẩm phải chạy chữa cho nó hàng tháng trời. Sau đó, mỗi ngày một ít và thận trọng, anh tập cho con ngựa thồ hàng và, nó đã trở thành một “cỗ xe vận tải” đắc lực trên đường núi không thể thiếu của binh đoàn công binh xưởng. Chẳng may anh Phẩm bị ốm, đơn vị cử người khác thay thế, con ngựa lại giở chứng “bất tuân thượng lệnh”. Đồng chí nài ngựa mới càng ra uy bắt nó phục tùng, nó càng ngang ngạnh phá bĩnh.
Chữa lành bệnh, anh Phẩm lại trở lại với con ngựa. Anh dắt nó đi ăn, đi tắm, vuốt ve, vỗ về nó. Nó gục gật cái đầu, thè lưỡi liếm đôi bàn tay anh, đuôi nó ve vẩy, biểu hiện nó vui mừng được gặp lại bạn cũ.
Anh Phẩm cũng yêu quý nó, coi nó như bạn thân. Nhiều ngày anh lặn lội đi xa, cắt cỏ non, trộn tý muối bồi dưỡng cho nó sau những chuyến đi dài ngày thồ hàng tiếp tế cho đơn vị. Khi nó ốm đau, anh Phẩm lại thành “bác sỹ thú y” chạy chữa chăm sóc cho nó chu đáo. Qua thành tích thồ hàng và chăm sóc ngựa thồ, anh Phẩm được bình bầu là chiến sĩ thi đua của đơn vị, con ngựa cũng được tặng thêm cám gạo.
Anh Phẩm gắn bó, gần gũi với con ngựa, “quen hơi bén tiếng” đến mức quần áo anh cũng đẫm mồ hôi ngựa.
Con ngựa tiếp tục phục vụ cho đơn vị công binh xưởng suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp. Có thể nói không ngoa, nó đã “nuôi sống” đơn vị trong những ngày tháng gian khổ nhất, bằng chính sức lực thồ hàng của nó. Thế mà có người đang tâm đưa ra ý kiến giết thịt nó khi nó về già để làm thức ăn dự trữ mùa mưa bão.
Anh Phẩm là người phản đối ý kiến ấy quyết liệt nhất:
- Nó là một con ngựa thồ tận tụy phục vụ cho đơn vị. Nó là một “chiến binh” không thể đối xử với nó như thế. Nó phải được đối xử như một con người. Nếu đơn vị quyết định giết thịt nó thì anh xin giải ngũ về nhà.
Tấm lòng thương yêu gia súc của anh Phẩm thật đáng khen và nhận được sự đồng tình của thủ trưởng đơn vị, thủ trưởng giao con ngựa cho anh, dắt xuống đồng bằng, tìm nhà dân có nhu cầu nuôi ngựa để tặng lại, để nó tiếp tục được nuôi dưỡng, sống nốt những năm tháng còn lại.
Nó không phải là con “ngựa đá” (thạch mã), nó là một chiến mã đã góp sức cùng công binh xưởng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nó có công lao, xứng đáng được nhớ tới, được “tưởng thưởng” như đôi ngựa đá thời Trần”:
“…Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà vạn cổ thử kim âu…” (Trần Nhân Tông)
(…Đất nước đôi phen con ngựa đá
Giang sơn muôn thuở vững âu vàng…)
Tập kết ra Bắc, mỗi khi gặp nhau, anh Phẩm vẫn luôn nhắc về con ngựa đã cùng anh sống những ngày kháng chiến tại chiến khu của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ năm xưa để nhớ về một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai…”.
Truyện ký: NGUYỄN TÙNG CHÂU