Chuyện người thầy cùng phố (truyện ngắn)

02:12, 04/12/2013

Em kiếm đâu được của quý thế này! Thầy Dân mở nắp chiếc lọ pê-nê-xi-nin, trong đó đựng một thứ nước trắng ngà. Không gian phảng phất thơm, cái thứ hương thoảng hoặc, khiến ta có cảm giác  "nghi ngờ". Mắt thầy hơi khép lại.

- Em kiếm đâu được của quý thế này! Thầy Dân mở nắp chiếc lọ pê-nê-xi-nin, trong đó đựng một thứ nước trắng ngà. Không gian phảng phất thơm, cái thứ hương thoảng hoặc, khiến ta có cảm giác  “nghi ngờ”. Mắt thầy hơi khép lại.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
- Thưa thầy, ở cánh đồng quê ngoại…ạ.
 
- Quý quá. Dưới ấy vẫn còn cà cuống! Chắc em phải mất nhiều công sức lắm.
 
- Thưa thầy còn, nhưng hiếm lắm. Công thì chủ yếu là của cháu Dịu trong kỳ nghỉ hè vừa rồi. Em lo kiếm gạo, nên chỉ phụ cháu được ít buổi thôi ạ. 
 
- Sao lại bắt tội con bé đầy nắng thế. Giọng thầy cảm động: Cảm ơn hai bố con. “Của một đồng, công một nén” đây! Ngừng một lát, thầy bảo: Cũng chẳng thể nói là một đồng một nén được, thứ đặc sản thổ nơi này bây giờ vô giá chứ. Nụ cười ân nghĩa quen thuộc lại nở trên môi thầy.
 
- Thầy xin! Giọng thầy lắp bắp: Để thầy thắp nén hương mời cô về. Mời cô về để cùng được thưởng thức món bánh cuốn Minh Hương, với nước chấm cà cuống của bà cụ ta xưa.
 
Thầy mở gói bánh tôi gói trong lá sen ra, để nó cùng lọ cà cuống lên bàn thờ. Tôi cảm động nhìn thầy.
 
Thầy giáo tôi đã già thật rồi! Bước thầy xiêu xiêu, chấm lửa trên đầu que hương trên tay thầy chòng chành đỏ.
 
… Đã hơn hai chục năm nay tôi được sống gần thầy, đấy là kể từ ngày tôi vác cái xe Đam ra chân cây cầu có tuổi cao nhất nhì thị xã này chạy xe ôm. Kể đến giờ thì cũng đổi ba đời xe rồi. Buổi đầu thầy lo cho tôi. Thầy bảo: - Em chỉ hợp với học hành, nghiên cứu khoa học thôi, ra đời thì ngố đấy. Thầy sợ… Tôi không dám nói gì với thầy. Biết sao bây giờ? Âu cũng là cái số phận con người ta. Học hết phổ thông, có giấy gọi vào đại học Hàng hải tận Liên Xô thì không được đi. Vác súng đi khắp các chiến trường Đông Nam Bộ, chiến trường Tây Nam, rồi lên cả biên giới phía Bắc. Cái số tôi cũng cao, gắn mình với bom đạn có thâm niên thế mà chẳng hề hấn gì. Hết giặc thì về nhà với mỗi cái nghề “đánh nhau”. Làm gì để sống... Nói vậy thôi chứ cứ một cái thân tôi, kiểu gì cũng cứ là sống khỏe, vả lại trong tôi còn sôi sục cái nhiệt huyết của sự học. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi gian nan vì nó. Khổ nỗi là cuộc đời lại không chỉ có mỗi cái thân tôi! Tôi về nhà với một đàn em đang dang dở học hành. Ba đứa đang ngồi trên giảng đường đại học, những đứa còn lại thì đang đọt đẹt phổ thông. Tương lai của chúng nó là quan trọng nhất. Bố mẹ tôi đã già và vẫn đang bòn góp từng xu trong cái quán nước chè chén; chứ vẫn không dám mở lại quán bánh cuốn Minh Hương nức tiếng một thời. Thật khổ, cái quán năm xưa đã vi phạm chế độ lương thực nhà nước, đã khiến tôi không được học đại học; đã lưu mãi trong lòng bố mẹ tôi nỗi xót xa. Mẹ đã mất biết bao là nước mắt vì thương tôi. Phải gác tất cả lại để giúp bố mẹ và các em thôi! Tôi quyết định vậy và vun vén tất cả, để sắm cái xe Đam ra chân cầu đón khách. Bắt đầu là như vậy, và, mãi mãi sẽ là như vậy thì phải… khi đã đỡ phải lo cho gia đình rồi thì tôi lấy vợ, rồi sinh con. Lại bắt đầu cho một cuộc kiếm cơm mới… những cuốc xe bây giờ là để lo cho vợ con tôi.
 
Nhà tôi và nhà thầy Dân cùng phố. Phố của thầy trò tôi vào hè thì xanh mướt mát, rồi ối đỏ vào dịp cuối thu bởi những dãy bàng cổ thụ. Đây là một trong những phố đầu tiên, đẹp nhất cái thị xã nhỏ bé này. Nghe đâu có thời phố đã từng sóng sánh bởi những chiếu ả đào. Người phố bảo nó chỉ đứng sau những chiếu hát đường An Tập. Phố này còn là đầu nguồn của con sông Đào. Tôi cũng chả biết nó được đào từ bao giờ, hay đây là dòng sông tự nhiên; còn Đào là cái tên người ta đặt cho một dòng sông óng ả? Dòng sông nhỏ thơ mộng này là ký ức tuổi thơ tôi. Và, chắc chắn là của cả thầy Dân nữa. Thầy cũng hay kể về dòng sông và tuổi thơ của thầy. Thầy bảo sông Đào chảy dọc thị xã, ra đến cầu Trắng ngoại thị thì hợp nước với “dòng Pari”, chảy song song với đường mười rồi đổ nước ra sông Hồng. Mùa nước, khi cửa cống thông ra sông Bo được mở, nước sông Đào dềnh lên, ngàu màu phù sa, trôi băng băng. Những ngày ấy mà đứng trên thành cầu huyện “bông nhê” xuống thì nhất… 
 
Bây giờ thì thị xã của tôi đã lên cấp thành phố. Nước sông Đào chẳng khi nào thấy dềnh lên, ngầu màu phù sa, trôi băng băng nữa… Hàng dừa “…Thân tròn bẹ mẩy dáng ngây thơ/Cùi giòn nước ngọt nhiều người ước…” chạy dọc bờ sông thuở nào đã được một nhà thơ cấp phố đề tặng cũng không còn nữa. Hai bên bờ sông bây giờ là liễu rủ, đường nhựa. Dọc hai thành bờ sông là những tảng bê tông lầm lỳ, là sát tinh của cỏ và cây dại. Cậu bé một thưở cho cái thú được “bông nhê” từ thành cầu xuống sông trong những ngày nước dềnh là nhất, giờ đã là ông lão mắt mờ chân chậm. Thầy Dân và cả cô giáo Liên vợ thầy nữa, những con người của phố này đã đi trọn một đời với nghề dạy học, với biết bao những biến đổi của  thời, của nghề. Còn tôi, cậu học sinh giỏi của thầy, của cô năm xưa thì sau bao năm chinh chiến, bây giờ vác cái xe máy ra chân cầu này ngáp vặt chờ khách, ngó nước sông trôi.
 
Chín anh em tôi cứ thay nhau, qua tay cô giáo Liên ở lớp vỡ lòng. Rồi, lại lần lượt học thầy giáo Dân ở cấp ba. Bởi vậy thầy cô có ân nghĩa với gia đình tôi lắm. Cái thuở nhà tôi còn quán bánh cuốn Minh Hương, mỗi lần thầy cô đến bao giờ mẹ tôi cũng cắt thêm bánh, thêm giò. Thầy cô biết, tìm cách trả lại mẹ bằng những món quà trong dịp lễ tết, hoặc những dịp chúng tôi đạt được thành tích trong học tập. Ngày giấy gọi vào đại học của tôi bị giữ lại, mẹ tôi nước mắt ngắn dài sang thầy. Thầy cũng đã mấy lần lên trình bày với ủy ban hành chính thị xã. Nhưng! Thầy cũng chỉ là thầy giáo! Thầy chỉ chứng minh được tôi là một học sinh giỏi; rằng tôi đã mấy năm liên tiếp có giải trong các kỳ thi học sinh giỏi toán miền Bắc. Rằng một học sinh như tôi, được Bộ giáo dục xét tuyển đi đào tạo ở nước ngoài là đúng. Rằng, nếu tôi không được đi học tiếp, đất nước sẽ bỏ phí một nhân tài, hao tổn đến nguyên khí quốc gia… Nhưng, còn cái thành phần tiểu thương, còn cái quán bánh cuốn Minh Hương ngon có tiếng của bố mẹ tôi vi phạm chế độ lương thực của nhà nước? Sự nổi tiếng có món quà ngon của một hộ tiểu thương là bằng chứng vi phạm chính sách nhà nước không thể chối cãi của gia đình tôi, thầy chịu! Mẹ hạ bảng hiệu quán, xung phong vào làm ở cửa hàng hợp tác xã ăn uống số hai của khu phố. Rồi Mỹ ném bom miền Bắc, cửa hàng hợp tác xã giải tán. Mẹ lại phải về bán hàng tư nhân, nhưng chỉ là bán nước chè và hoa quả, chứ không dám vi phạm chế độ lương thực nhà nước nữa. Ngày mất quán bánh cuốn Minh Hương thầy tiếc lắm. Thầy bảo: – Món ngon thế mà để mất đi, tiếc quá, cô và thầy ngày ấy cũng bị hẫng hụt một thời gian đấy. Mà không chỉ có thầy và cô tiếc đâu, cả thị xã này, cả những người sành ăn bên Nam Định sang, từ Hà Nội xuống cũng nói rằng “Thanh Trì tiếng vậy, nhưng cũng chả sánh được với Minh Hương”. Bánh cuốn ngon ở bán nước chấm, cách pha nước chấm với hương vị cà cuống của Minh Hương thì… nhất cái nước này.
 
Một lần thầy gọi tôi sang nhà, lôi bộ song ẩm cũ kỹ của thầy ra pha trà với dáng vẻ trịnh trọng khiến tôi hồi hộp, uống hết tuần trà đầu, giọng thầy nghiêm nghị: - Em lỡ dở học hành thầy tiếc lắm. Em đã không có điều kiện phát huy phần năng lực xứng đáng nhất của mình cho đời. Nhưng, có lẽ cũng không phải lỗi của em… đấy là chuyện của một thời, thầy trò mình không nói lại nữa. Bây giờ có việc này thầy muốn bàn với em. Tôi càng hồi hộp. Thầy hạ chén trà, chậm rãi: - Em nên dựng lại cái nghề xưa của ông bà, vừa giải quyết được kinh tế, lại giữ được miếng ngon cho đời.
 
- Thưa thầy! Tôi có phần ngơ ngác.
 
- Em chỉ được cái học giỏi thôi, ra đời thì ngốc nghếch… bBánh cuốn Minh Hương của bà cụ ta là món ăn đạt đến độ tinh tế trong ẩm thực. Quý lắm! Em phải nghĩ đến chuyện lưu giữ món ngon này lại cho đời. Giọng thầy xa xăm - Bát nước chấm Minh Hương đáng để đời lắm! Cái bánh cuốn trắng ngần, mỏng tang như tờ giấy bản lềnh bềnh nửa nổi trong bát nước chấm. Cái cảm giác “chợt” như phân vân do hương cà cuống tạo ra khi đưa miếng bánh vào miệng, khiến người ăn không thể quên được. Thầy cười: Bây giờ thì chả phải sợ vi phạm gì nữa, mọi thành phần kinh tế trong xã hội đều ngang nhau, đều được nhà nước khuyến khích phát triển. Em cũng phải biết nắm bắt cơ hội làm ăn như người ta chứ. Em nghe thầy, dẹp cái xe ôm lại, nối nghề cũ của ông bà ta đi. Thầy bảo đảm với danh tiếng của Minh Hương còn lưu lại, khách sẽ tới đông ngay đấy. Bây giờ người ta sành ăn, cứ ngon là dù ở góc nào họ cũng sẽ tìm đến.
 
- Thưa thầy, Minh Hương ngon nhất là ở bát nước chấm. Tôi dè dặt: Bánh thì có thể em tráng được như bố. Còn pha nước chấm, mẹ em chưa dạy cho ai. Cà cuống bây giờ cũng không còn nhiều như trước nữa ạ. Chả nhẽ lại dùng tinh dầu cà cuống trong các nhà máy hóa chất.
 
Thầy im lặng hồi lâu, vẻ ngậm ngùi: Kể vậy thì cũng khó! Nhưng em cố nghĩ, cố chắt lại những việc ngày trước bà cụ đã làm… thay bà, lưu lại miếng ngon cho đời là nhiệm vụ thầy muốn em phải làm được. Ông bà cụ ta không biết chữ, mà nuôi dạy được cả một đàn con ăn học nên người như thế, lại có được cái bánh cuốn Minh Hương. Một đời người được như vậy là có ý nghĩa lắm! Em thông minh, thầy không muốn cuộc đời em chỉ có trôi đi như thế. Em hiểu ý thầy chứ.
 
Tôi lặng người vì những điều thầy nói.
 
Chính vì sự ngậm ngùi của thầy, tôi đã âm thầm quyết dựng lại quán bánh cuốn Minh Hương của cha mẹ. Hè năm ấy dù khó, bố con tôi cũng kiếm cho bằng được một lọ pê-nê-xi-nin tinh dầu cà cuống biếu thầy. Tôi cũng chỉ mong mang đến cho thầy một niềm vui nho nhỏ.
 
Ngày mới vác xe ra đây, thầy dõi theo tôi sát lắm. Sau thầy cũng yên tâm dần. Thầy bảo tôi tuy ngố nhưng được cái hiền lành, tạo được sự yên tâm cho khách. Đấy là điểm mạnh của tôi trong công việc này. Có lẽ thầy nói đúng, chỉ một thời gian ngắn, tôi đã có những mối khách quen. Người ta chỉ đi xe của tôi. Có người còn hẹn cả giờ giấc để tôi đưa đón nữa chứ. Tuy vậy, thầy vẫn buồn vì tôi. Thầy hay nói: - Giá thầy làm được gì, để giúp em được tiếp tục học! Trong cuộc đời tôi, có lẽ ngoài cha mẹ ra thì thầy là người hiểu và gần gũi tôi nhất. Thời gian cứ vô tình trôi, thầy lại trở thành thầy giáo của hai đứa con tôi. Nhiều lần thầy chép miệng: Tiếc quá, chả đứa nào thông minh được như em… thời này… có lẽ không đến nỗi bị bỏ phí. Thầy lại cười - Cũng hay nhỉ! Thầy trò mình học hầm học hố, học trong bom rơi đạn lạc thế mà chất lượng cũng ra trò đấy chứ”. Tôi nhìn thầy chia sẻ.
 
Từ ngày phong trào dạy thêm, học thêm rộ lên, một lần thầy bảo tôi: Kể cũng khó cưỡng lại được, khi nó đã thành một trào lưu xã hội em ạ, thầy cũng đang bị cuốn theo đây! Nghĩ, càng kính phục khí tiết của những cụ đồ thanh cao ngày xưa. Ngừng một lát, thầy tiếp: Thầy thấy sự học bây giờ đang chịu một sức ép về tâm lý. Em có yên tâm được không, khi không cho hai đứa trẻ đi học thêm? Đấy là về phía phụ huynh. Còn về phía giáo viên, hình như có những người đang “khủng bố” tinh thần học sinh trong chuyện này. Không học thêm thì không thể giỏi được chăng? Không học thêm thì giỏi cũng thành trung bình chăng? Không học thêm thì không thể thi đỗ được chăng? Lạ quá! Thế là tất cả lao vào cái guồng dạy thêm, học thêm. Kết cục là thầy… thu tiền. Trò… “phải học”. Tình thầy trò sẽ đi về đâu đây? Trong mắt thầy gợi lên nét gì đó, hình như là sự hoang mang. Điều này chưa bao giờ tôi thấy ở thầy, kể cả những khi thầy thất vọng về tôi. Tôi lặng đi vì thương thầy.
 
Thầy tôi người cứ rạc đi trong mỗi kỳ học sinh thi tốt nghiệp. Cái khóa học ngày xửa ngày xưa của lớp tôi cũng vậy, sắp đến ngày thi cũng là lúc tiếng thầy khản đặc. Từ ngày ấy đến nay là bao nhiêu khóa học rồi? Và cả những khóa của các anh các chị trước tôi nữa, thầy tôi đã phải khản tiếng, dộc người đi bao nhiêu lần? Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi một giáo viên đức độ như thầy, bao nhiêu năm trong ngành nhẽ ra cũng phải giữ một trọng trách nào đó mới đúng chứ. Song, lại tự trả lời. Có lẽ là không được. Một thực tế mà tôi thấy giáo dục bây giờ đang là ngành chạy theo thành tích. Hình như bằng mọi giá, trường của họ phải đạt tiêu chuẩn trường tiên tiến. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm phải cao. Thầy tôi thì phải là chất lượng thực… thầy có hợp với cương vị quản lý trong giai đoạn này không? Nghĩ vậy thôi chứ chưa bao giờ tôi dám hỏi thầy về vấn đề này. Thầy thì có lần bảo tôi: Em nên biết ta chỉ có thể làm việc tốt nhất ở cái công việc hợp với năng lực mình. Chưa được thì phải phấn đấu, thậm chí phải đấu tranh để có cái công việc mà ở đó mình phát huy được năng lực. Cái đó gọi là sự sắp xếp đúng người đúng việc. Xã hội cần phải giải quyết tốt vấn đề này mới mong giàu mạnh được. Phải chăng vì thế mà bao nhiêu năm nay, thầy tôi vẫn chỉ miệt mài trên bục giảng.
 
Dạo sắp về hưu, tôi thấy thầy hay buồn. Thầy tôi là người kín đáo, nhất là những tâm sự về nghề thì thầy càng kín. Tâm trạng thầy thường gắn với hoạt động nghề nghiệp. Tôi biết lắm. Một tối tôi chủ động sang thầy, ngồi lỳ lâu lắm, chuyện con cà con kê mãi rồi tôi cũng gợi được tâm sự của thầy. Thầy bảo: Suốt những năm gần đây ngành giáo dục liên tục thực hiện cải cách, nhưng theo thầy là thiếu tính khoa học, không hợp lý. Hình như nó đang vô tình phá vỡ tính ổn định cần thiết của nghề. Thầy cười buồn: Thầy có cảm giác là người ta chỉ làm khác với cái cũ, rồi gọi nó là đổi mới, là cải cách… Em nghĩ mà xem, những tiếng nói đầu tiên của đứa trẻ là bà, là bố; chỉ có những đứa “ngọng” thì mới không như thế. Người ta đổi vị trí chữ e lên đầu bảng chữ cái có đúng được không? Để làm gì? Phải chăng chỉ là sự “vẽ chuyện” hay còn cái lý do nào khác? Cả chữ viết nữa, chữ ta trước có nét đậm, nét nhạt đẹp thế, sao tự dưng lại lý sự theo cái lối “công nghiệp” mà biến những nét chữ thành những que sắt như thế được. Hồ đồ quá! Hay thầy đã lẩn thẩn rồi lên mới nghĩ vậy? Nhưng không phải, nhìn những thầy cô giáo trẻ loay hoay đối phó từng năm với việc cải cách mà thấy thương, thấy buồn. Cải cách mà tạo sự hoang mang, bức xúc cho giáo viên trong quá trình thực hiện như thế thì liệu kết quả sẽ ra sao? Giáo viên mà thế thì không biết chất lượng học tập của học sinh sẽ dẫn đến đâu? Còn nhiều chuyện trong cải cách đáng phải suy nghĩ lắm, rõ ràng là nó đang “có vấn đề”. Cải cách thì phải làm rồi! Nhưng làm thế nào? Bao giờ nó mới đi đúng hướng, mới có hiệu quả?
 
Tôi thấy thầy mệt mỏi, không dám ngồi thêm nữa xin phép thầy đi về.
 
… Đúng là tôi đã thành người khá giả, sau một thời gian dựng lại quán bánh cuốn Minh Hương như thầy nói. Không hiểu bánh cuốn của tôi bây giờ có ngon được như của mẹ ngày trước không, nhưng khách đông lắm. Hình như trong tâm tưởng họ, vẫn phảng phất bóng dáng bát nước chấm của mẹ tôi ngày trước. Tôi đã phải thuê thêm cả chục người phục vụ.
 
Đã hơn tuần nay không thấy thầy sang, tôi thấy sốt ruột và định bụng tối nay sẽ gác tất cả công việc lại để sang thăm thầy. Đang nghĩ vậy thì thằng Cẩn, cháu nội thầy chạy xộc vào.
 
- Chú Châu! Ông cháu… gọi.
 
Tôi hoảng hốt khi nhìn thái độ nó. Giật giọng: Ông bảo sao?
 
- Chú đến ngay đi. Ông cháu gọi.
 
Tôi lao ra khỏi nhà.
 
Con cháu đang nước mắt ngắn dài xúm quanh giường thầy. Mọi người nhường lối cho tôi vào. Anh con trưởng của thầy bảo tôi: Thầy đã mấy lần nhắc tên cậu. 
 
Tôi nắm bàn tay thầy. Thầy mở mắt, thều thào: Thầy đ…i đâ…y! Dẫu sao thầy cũng được một lần toại nguyện… về em.
 
- Thầy… ơ…i…!
 
Truyện ngắn: Nguyễn Khương Trung