Tự ngàn đời nay họ vẫn sống thế và có lẽ khó có sự thay đổi một cách triệt để: Con người ta luôn gắn với rừng, với tự nhiên. Sự gắn kết ấy hoàn toàn không chiếm hữu mà là tựa vào rừng, tựa vào tự nhiên để sống, để tồn tại; hơn thế, con người ta gắn với rừng, với tự nhiên với tư cách là một thực thể nhỏ nhoi gắn kết với cái lớn lao, cái vĩ đại...
Tự ngàn đời nay họ vẫn sống thế và có lẽ khó có sự thay đổi một cách triệt để: Con người ta luôn gắn với rừng, với tự nhiên. Sự gắn kết ấy hoàn toàn không chiếm hữu mà là tựa vào rừng, tựa vào tự nhiên để sống, để tồn tại; hơn thế, con người ta gắn với rừng, với tự nhiên với tư cách là một thực thể nhỏ nhoi gắn kết với cái lớn lao, cái vĩ đại. Cũng như các tộc người thiểu số Tây Nguyên, người thiểu số Nam Tây Nguyên đã “đi ra” từ rừng và đến mốc cuối của một đời người, con người ta lại trở lại với rừng, với tự nhiên.
|
Yếu tố văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên hiện hữu trong hoạt động du lịch hiện đại |
Những mẩu chuyện nhặt được từ rừng
Anh Jrông Thu, một trí thức người Churu ở xã Pró (huyện Đơn Dương) nói với chúng tôi rằng: “Lễ bỏ mả của người Churu nói riêng và của nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, về hình thức, xem ra có điều gì đó bất ổn cần được điều chỉnh nhưng nhìn dưới góc độ khác thì sẽ thấy được nhân sinh quan của con người ta, cụ thể ở đây là tộc người Churu, là hoàn toàn hợp với lẽ tự nhiên”. Theo anh Jrông Thu, con người ta khi hiện diện trên cõi đời thì có nghĩa là họ vừa bước ra từ rừng, bước ra từ mẹ rừng. Mẹ chính là rừng, là tự nhiên. Đến khi kết thúc một quãng đời trên thế gian, con người ta lại trở về với mẹ, với rừng. Bởi vậy, với người Churu, sau lễ bỏ mả, người sống hầu như không còn có mối liên hệ nào với người đã “về với rừng”. Cho nên, lễ bỏ mả là một lễ tiễn biệt rất lớn và hoàn toàn không có nỗi buồn. Nếu hiểu ra quan niệm này, chắc hẳn người khác sẽ lý giải được là vì sao người Churu trong lễ bỏ mả không có biểu hiện của sự đau đớn như người Việt.
Cũng với quan niệm con người ta là một thực thể của tự nhiên có “mẹ rừng” là mẹ, người thiểu số Nam Tây Nguyên ngay từ nhỏ đã được dạy cách ứng xử với rừng sao cho hợp nhẽ để lưu giữ mối quan hệ bền chặt giữa con người với tự nhiên đến muôn đời sau. Luật tục người Cơho nghiêm cấm cái mũi tên nhằm vào con thú có mang, cấm cái xà gạt chặt những thân cây đang kỳ ra hoa, cấm cả cái đầu cây xiên có mũi nhọn đâm xuyên qua lưng con cá cái có chửa dưới lòng suối... Trong một chuyến đi rừng với K’Max (xã Madaguoil, huyện Đạ Huoai), anh đã làm chúng tôi bất ngờ: Cuối buổi, trước khi ra khỏi rừng để về lại buôn làng, K’Max gom hết cơm trong mấy túi cơm còn lại cùng mấy con cá khô rồi treo lên một nhành cây, mà nhẽ ra là những thứ ấy phải vứt đi. Được hỏi để làm gì vậy, K’Max trả lời: “Để những người đi rừng nhỡ bữa. Cũng có thể là để dành cho mấy con khỉ, hoặc chí ít ra cũng là một vài đàn kiến!”.
Với người thiểu số Nam Tây Nguyên, câu nói “Phát rừng phải biết giữ lấy lề” là câu nói cửa miệng, nhưng nó lại là một lời răn dạy con người ta từ đời này sang đời khác. Nếu như với người Việt (người Kinh), khi nhìn thấy rừng là nhìn thấy gỗ quý, thấy con thú bán được tiền thì người dân tộc thiểu số có cái nhìn khác hơn: Khi nhìn thấy rừng, trước hết, trong đầu phải nghĩ đến chuyện làm thế nào tìm được “đất” để cho rừng “cắm chân” mà lớn lên. Nếu rừng mất đi nơi cắm chân để sống thì cũng có nghĩa là điểm tựa của con người ở rừng, của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng bị triệt tiêu điểm tựa. Chính vì lẽ đó mà trước đây, khi cuộc sống của người dân tộc thiểu số hoàn toàn dựa vào rừng núi thì trong lúc chọn đất để phát nương ở một khoảnh rừng hoàn toàn mới nào đó, bao giờ già làng cũng đưa ra quy định giữ lại khoảnh “rừng thiêng” nơi đầu con nước để cho cả cộng đồng “tựa” vào, rồi sau đó mới chọc lỗ tra hạt!
|
Lửa thiêng của các tộc người thiểu số Nam Tây Nguyên. |
Cộng đồng người gắn bó với rừng Nam Tây Nguyên có một quan niệm... hiện đại đến mức tưởng chừng như không phải người Kinh nào cũng theo kịp: Người thuộc thế hệ sau phải biết đứng trên vai người thuộc thế hệ trước mà lớn lên, mà dìu dắt cộng đồng! Trong một tiệc rượu cần ở buôn Đạ Nha (Đạ Tẻh), một già làng “bắt” anh thôn trưởng còn khá trẻ ngồi lên trên vai ông mà nâng cần rượu. Anh thôn trưởng ngần ngại. Ngần ngại không phải vì chuyện ngồi lên vai mà theo anh là do: “Mình sợ cái đầu mình chưa lớn bằng cái vai của già làng!”. Già làng động viên: “Ta biết đứa thôn trưởng có cái mắt nhìn xuyên nhiều cánh rừng, có cái tai nghe được tiếng con mang tác lạc bầy... nên mới để cho cái vai của già làng này làm bệ đỡ đấy chớ!”. Cuối cùng, anh thôn trưởng cũng đã ngồi lên trên vai già làng và nâng cần rượu. Hôm sau, anh thôn trưởng tâm sự với chúng tôi: “Kể từ giờ phút này trở đi, trong làng có ai giương cái ná vào bụng con mang có chửa là mình phải chịu trách nhiệm trước già làng! Cũng từ giờ phút này, mình phải là người đầu tiên biết phân biệt đâu là cái lề của rừng để căn dặn dân làng không được xâm phạm với bất kỳ lý do nào!”.
Cái lý của đại ngàn
Ngày nay, dường như con người ta đã bắt đầu thức tỉnh và thực sự nhìn nhận và thừa nhận cái lý của những tộc người thiểu số Tây Nguyên khi sống trong không gian rừng núi thì trước hết là phải biết nuôi dưỡng chính cái không gian ấy, rồi sau đó mới đến phần “sống tựa” của con người ta. Thật đáng quý khi chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên” đã trở thành sự lựa chọn cho các hoạt động xuyên suốt năm 2014 của Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt (trong khuôn khổ Tuần Văn hóa du lịch 2013) của các nhà tổ chức. Thật thú vị khi tìm hiểu sâu hơn tí, chúng ta dễ dàng nhận ra yếu tố “đại ngàn” chi phối gần như toàn bộ các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt được trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên (trong đó, Đà Lạt - Lâm Đồng là trọng tâm): Nếu như ở Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng có tour du lịch “Đà Lạt không ở phố” thì “ảnh” của nó được ghi lại qua hoạt động homestay bản Đôn và voi ở tỉnh Đắc Lắc. Rồi nữa, tour về với đại ngàn Kon Plong của Kon Tum ắt là hòa nhịp với sự khám phá những thác nước hùng vĩ trên cao nguyên Đắc Nông của tỉnh Đắc Nông, hoặc là tour theo dấu chân nhà thám hiểm Yersin của Lâm Đồng...
|
Duyên dáng thiếu nữ và hoa - Ảnh: NGUYỄN THANH |
Văn hóa rừng là vậy! Rừng - tự nhiên chính là cái gốc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên là vậy! Cơ tầng văn hóa đại ngàn Nam Tây Nguyên đã và đang góp phần tạo nên diện mạo văn hóa Nam Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên và cao hơn thế là nền văn hóa Việt Nam là vậy!
KHẮC DŨNG