Đèn cao áp

03:12, 11/12/2013

Những năm ấy, cứ vào sáu giờ chiều thứ bảy hàng tuần tôi lại ra sân ga thành phố để đón Oanh trong một niềm hạnh phúc tột cùng của mối tình đầu. Oanh đang theo học một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Chúng tôi đã bàn định sau khi Oanh tốt nghiệp sẽ cưới.

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Những năm ấy, cứ vào sáu giờ chiều thứ bảy hàng tuần tôi lại ra sân ga thành phố để đón Oanh trong một niềm hạnh phúc tột cùng của mối tình đầu. Oanh đang theo học một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Chúng tôi đã bàn định sau khi Oanh tốt nghiệp sẽ cưới.
 
Chúng tôi thường có thói quen chờ cho hành khách ra hết sân ga rồi mới cùng sóng bước về phía cửa soát vé. Như thế, chúng tôi sẽ được đi bên nhau trong một không khí yên tĩnh, để tận hưởng hương vị ngọt ngào của buổi đón đưa. 
 
Những lần đi từ sân ga ra ngoài, tôi và Oanh luôn gặp một người đàn ông đã chững tuổi, vẻ mặt ngơ ngơ ngẩn ngẩn đứng trên cái bệ bê tông ngay sát đường tàu. Ban đầu, chúng tôi ít chú ý đến ông ta nhưng về sau hình ảnh ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Có lẽ ông ta cũng ra ga đón người như tôi. Chỉ khác nhau là chiều thứ bảy nào Oanh cũng về đúng hẹn còn ông ta thì hình như chưa bao giờ gặp được người thân. Thế mà quanh năm suốt tháng, ngày mưa cũng như ngày nắng, chiều thứ bảy nào tôi cũng thấy ông trên cái bệ bê tông nham nhở ấy. Mãi sau có người kể lại tôi mới biết ông là bệnh nhân của trại tâm thần. Ông mắc bệnh là do một cú sốc tình cảm nào đó. Hình như cô người tình xinh đẹp có hẹn hò với ông nhưng rồi đột ngột biệt tăm. Từ đó mới sinh ra cái hội chứng “đón tàu” của ông hôm nay. Các bác sĩ nói rằng bệnh của ông không quá nặng nhưng lại không có khả năng chữa khỏi. Ban đầu người ta cũng ngăn cản việc ông luôn trốn trại ra sân ga. Nhưng sau nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ trong trại đều đi đến một kết luận chung là để ông làm như vậy sẽ có lợi nhiều hơn có hại. Mỗi chiều thứ bảy được ra sân ga là cả tuần sau đó thần kinh ông như dịu đi, những cơn ức chế bớt hẳn.
 
Rất nhiều hành khách đi tầu quen mặt người đàn ông đứng trên sân ga ấy. Có người còn đặt cho ông cái tên vừa mĩ miều vừa chua chát: “Sứ giả của hi vọng”.
 
                                                                                             * * *
 
Nào ngờ, tôi và Oanh không đến được với nhau. Sau khóa học Oanh theo một giám đốc trẻ vào Vũng Tàu công tác và trở thành vợ của ông ta. Sự cám dỗ của đồng tiền và danh vọng quả là khủng khiếp. Nó giống như những chiếc bánh sắt dửng dưng và man dại của con tàu sẵn sằng nghiến nát tất cả để tiến lên phía trước. Biết Oanh là kẻ bội ước, là kẻ đáng nguyền rủa mà lòng tôi vẫn quặn đau. Tôi khổ sở, vật vã cả năm trời. May mắn là tôi không mắc phải chứng tâm thần như gã đàn ông nọ.
 
Ngoài ba mươi tuổi, rồi tôi vẫn phải lấy vợ. Lấy vợ theo sự dẫn dắt của mẹ tôi. Một cô chuyên kinh doanh hàng sắt ngoài chợ thành phố. Tất nhiên rồi tôi vẫn phải có con. Thoắt cái, con gái tôi đã đến tuổi thi vào đại học.
 
Vợ tôi dắt lưng năm chục triệu đồng, tranh lấy việc đưa con về Hà Nội dự kì thi tuyển với lời lẽ lạnh tanh mà quả quyết: “Lớ ngớ như anh mà dẫn con đi thi thì chỉ có trượt đầu nước”. 
 
Vì thế mới có cái sự chiều thứ bẩy hôm nay tôi phải ra ga đón mẹ con cô ấy về. Cái sân ga đã từng thân thuộc với tôi suốt bốn năm đưa đón cùng ngót hai chục năm trời như một nỗi ám ảnh không nguôi.
 
Tôi đang chằng buộc mấy thứ hàng họ lỉnh kỉnh vào xe máy thì mẹ con cô ấy đã dắt nhau ra khỏi sân ga với một lời sắc lẻm ném lại cho tôi: “Nhanh tay lên! Tôi chờ ở cột đèn cao áp thứ hai ấy”.
 
Và tôi đã sững sờ khi gặp lại ông ta. Vâng! Đúng là cái lão tâm thần “Sứ giả của hi vọng” ấy. Tôi kinh hãi trước sự tiều tụy của lão. Có lẽ năm nay lão cũng ngoài sáu mươi rồi. Bộ râu quai nón bạc trắng tua ra như chiếc bàn chải hỏng.
 
- Chào anh bạn trẻ!
 
Tôi nhìn quanh và nhận ra lời chào ấy là lão dành cho tôi.
 
Tôi khẽ máy môi:
 
- Vâng!...Chào bác…
 
- Cảm ơn anh vẫn còn nhận ra tôi!
 
- Thế…bác đã…khỏe lại rồi ạ?
 
Lão cười vang:
 
- Không! Căn bệnh của tôi không khỏi được. Nhưng này anh bạn, cô gái trẻ xinh đẹp như một nàng tiên của anh đâu rồi? Phăng teo rồi hả? Ha…ha…đời mà! Còn những người vừa rồi là vợ con anh phải không?
 
Tôi run lên, gật đầu:
 
- Vâng!
 
- Sao họ không đi cùng anh như ngày trước anh và cô gái nọ luôn chờ cho hành khách ra cổng hết rồi mới sóng vai nhau bước đi? Thơ mộng! Thơ mộng lắm! Những tiếng nói ríu rít của cô cậu ngày ấy vẫn như còn văng vẳng bên tai tôi.
 
Quả là lão đã gợi nhắc trong trái tim tôi nỗi đau nhức nhối. Tôi lấp liếm bằng cách hỏi lại lão một câu để thay cho sự trả lời:
 
- Còn bác, bác đã đón được người tình xưa chưa?
 
Vẻ mặt lão hẫng đi:
 
- Chưa! Lâu lắm rồi… nhưng chắc chắn là thứ bảy sau cô ấy sẽ về. Tuần sau tôi lại ra đây.
 
Nhìn ánh mắt thất thần của lão, tôi bật ra một lời khuyên của một kẻ tỉnh táo:
 
- Này, bác ơi, thôi đừng ra đây làm gì cho thêm khổ. Cô ấy không về nữa đâu. Nghỉ ở nhà cho khỏe.
 
Nào ngờ lão xua xua tay dạy dỗ lại tôi:
 
- Thế anh tưởng anh không ra đón cô bạn ngày xưa của anh nữa hay sao? Có đấy! Nhiều đêm nằm bên cạnh vợ nhưng anh vẫn âm thầm “đón” cô ta. Anh và tôi có khác gì nhau lắm đâu. Chỉ có điều, tôi thì tuần nào cũng ra sân ga để đón Bích của tôi. Còn anh… Nhưng thực ra chúng ta cũng chỉ là một.
 
Đầu tôi trĩu nặng. Tôi chộp vội lấy ghi đông xe máy, chạy trốn khỏi những lời cửa miệng tinh quái của lão, không kịp phân biệt xem những lời nói vừa rồi có phải là của một kẻ điên?
 
Nhưng rõ ràng là lão ta nói đúng. Nếu tôi không muốn trở thành một người tâm thần như lão thì ngay lúc này đây tôi phải thoát thật nhanh ra khỏi sân ga để thẳng hướng đi về phía cột đèn cao áp thứ hai.
 
Truyện ngắn: HỒ THỦY GIANG