"Duyên nợ Đà Lạt"

04:12, 25/12/2013

Không chỉ được tổ chức ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển mà nội dung cuốn sách còn là chân dung của những văn nghệ sỹ và chính khách có "duyên nợ" với Đà Lạt như tên gọi "Duyên nợ Đà Lạt" của cuốn sách.

"Duyên nợ Đà Lạt" là tên một cuốn sách của tác giả Trần Ngọc Trác (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng) được Nhà xuất bản Văn Học ấn hành đúng vào dịp Tuần Văn hóa Du lịch 2013 được tổ chức tại Đà Lạt trong các ngày từ 27 - 31/12. Cuốn sách dày gần 300 trang của nhà thơ Trần Ngọc Trác được xem là món quà mừng sinh nhật Đà Lạt tuổi 120: Không chỉ được tổ chức ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển mà nội dung cuốn sách còn là chân dung của những văn nghệ sỹ và chính khách có "duyên nợ" với Đà Lạt như tên gọi "Duyên nợ Đà Lạt" của cuốn sách.
 
Bìa một và bìa bốn tác phẩm “Duyên nợ Đà Lạt" của tác giả Trần Ngọc Trác
Bìa một và bìa bốn tác phẩm “Duyên nợ Đà Lạt" của tác giả Trần Ngọc Trác
 
Đây có thể còn được xem là cuốn sách viết từ nguồn tư liệu quý mà tác giả đã cất công sưu tầm từ rất nhiều năm qua - tư liệu về các văn nghệ sỹ và chính khách một thời gắn bó với Đà Lạt. Nói như nhà thơ - nhà báo Lê Anh Dũng (Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, người biên tập tác phẩm "Duyên nợ Đà Lạt": "Là người biên tập tác phẩm "Duyên nợ Đà Lạt" của Trần Ngọc Trác, tôi được anh thổ lộ nguyện vọng muốn được giới thiệu một số chân dung, tư liệu của các văn nghệ sỹ, chính khách đã có những đóng góp tích cực cho Đà Lạt trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng như góp phần hình thành nên diện mạo Đà Lạt một thời (1893 - 1975)...", nhưng "Trong quá trình thực hiện, tuy có nhiều cố gắng, anh vẫn nhận thấy còn thiếu vắng một số gương mặt mà anh rất đỗi yêu kính nhưng chưa kịp giới thiệu trong tác phẩm này...". 
 
Ở phần giới thiệu về nhân vật Alexandre Yersin, người có công lớn trong việc hình thành diện mạo Đà Lạt 120 năm về trước, tác giả Trần Ngọc Trác trước khi giới thiệu nguồn tư liệu của nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh, đã viết: "Kỹ sư Nguyễn Hữu Tranh trong thời gian công tác ở Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng đã dành nhiều thời gian tâm huyết sưu tầm và dịch thuật tư liệu về chuyến đi của bác sỹ Yersin lên cao nguyên Lang Bian. Mọi người thường gọi ông là "nhà Đà Lạt học". Khi thực hiện tập san Khát vọng, chúng tôi có mời ông tham gia cộng tác. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Đà Lạt, trong đó có bác sỹ Yersin. Ông nhận lời và chuyển cho chúng tôi một file văn bản, hình ảnh về Yersin để ban chủ biên tiện sử dụng...". Hoặc trong phần giới thiệu về nhà thơ Bùi Giáng nổi tiếng, tác giả Trần Ngọc Trác khiến cho người đọc không khỏi ngạc nhiên khi trong tay anh có nguyên văn bài thơ "Giã từ Đà Lạt" của Bùi thi sỹ và công bố với những lời dạo đầu: "Tôi thích ông vì ông là thi sỹ không giống ai. Thơ của ông tưởng tửng tưng nhưng sâu sắc... Nhưng tôi thích ông còn một lý do "riêng tư" khác là vì ông có thơ về Đà Lạt - thành phố mà tôi đã yêu, đang yêu và còn yêu cho đến cuối đời..."; rồi, tác giả Trần Ngọc Trác chép lại toàn bộ bài thơ như một dạng công bố: "Bài thơ "Giã từ Đà Lạt", Bùi Giáng viết: "Nói nữa sao em, với lời lỡ dở/Đường lây lất chiều bay sương lổ đổ/Đứng bên trời em ở lại hôm qua//Ngàn thông ơi ở đó đón bóng tà/Và giữ lại chuyện đời ta đi mất/Bước khúc khuỷu truông ngàn khe khóc lóc/Dặm mơ màng tăm tắp mấy mù khơi/Lùi bay đi để ở lại bên người/ Ta vấn vít gió mùa mời mọc én/Ta lẩy bẩy níu gì xuân bay biến/Ôi thiều quang! làn nước cũ trôi mau...".  
 
Hoặc với nhạc sỹ Lam Phương và Đà Lạt, tác giả Trần Ngọc Trác còn khiến không ít người "ớ người" ra với những tư liệu: "Tôi có một người bạn làm văn nghệ quê ở Pleiku, tỉnh Gia Lai rất thích bài hát "Thành phố buồn" của nhạc sỹ Lam Phương, nhưng lúc nào bạn ấy cũng khăng khăng bảo rằng: Ca khúc này Lam Phương chỉ viết riêng cho phố núi Pleiku(!). Trả lời phỏng vấn của phóng viên Dạ Ly trên báo Thanh Niên chủ nhật số 230 (6448) ra ngày 18 tháng 8 năm 2013, nhạc sỹ Lam Phương đã cho biết: "Năm 1970, tôi theo Ban văn nghệ Hoa Tình Thương lên Đà Lạt trình diễn. Trước vẻ đẹp thầm lặng của một thành phố chập chùng đồi núi, sương mù bao quanh những con đường dốc quanh co, cùng nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn, tôi đã viết nên "Thành phố buồn". Đây là một trong những ca khúc có lượng xuất bản rất cao". Những ca từ cứ gợi lên trong chúng ta về một thành phố cao nguyên - nơi có những con dốc quanh co, sương chiều lãng đãng, cơn gió chiều lạnh buốt co ro của những lứa đôi bên đồi thông xanh và nỗi buồn len vào kỷ niệm...". Và, còn nhiều và khá nhiều những gương mặt chính khách và văn nghệ sỹ khác liên quan đến Đà Lạt được nhà thơ Trần Ngọc Trác khắc họa bằng vốn tư liệu rất quý của mình như Nam Phương hoàng hậu, Ngô Viết Thụ, Hàn Mặc Tử, Hoàng Nguyên, Lê Uyên - Phương, Lệ Khánh, Minh Kỳ, Nguyễn Thị Hoàng, Từ Công Phụng, nữ sỹ Tương Phố... trong "Duyên nợ Đà Lạt". 
 
Trong cuốn sách, nhà thơ - nhà báo Lê Anh Dũng đã viết (xin được mượn chép ra đây để kết thúc bài viết này): "Duyên nợ Đà Lạt" là món quà văn nghệ "trình làng" rất có ý nghĩa trong Tuần Văn hóa Du lịch Lâm Đồng 2013, nhân 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Tôi nghĩ giữa duyên và nợ Đà Lạt, phần nợ có lẽ sâu đậm hơn, trăn trở, khắc khoải, day dứt và đam mê hơn ở anh".
 
Khắc Dũng