Ngày 14/12/2013, Hội VHNT Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng sáng tạo văn học nghệ thuật với sự tham dự của 120 văn nghệ sĩ. Phát biểu đề dẫn, nhà thơ Phạm Quốc Ca - Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng nhấn mạnh: Nói đến nâng cao chất lượng sáng tạo VHNT là nói đến không ngừng mài sắc tài năng của người nghệ sĩ.
Ngày 14/12/2013, Hội VHNT Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng sáng tạo văn học nghệ thuật với sự tham dự của 120 văn nghệ sĩ. Phát biểu đề dẫn, nhà thơ Phạm Quốc Ca - Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng nhấn mạnh: Nói đến nâng cao chất lượng sáng tạo VHNT là nói đến không ngừng mài sắc tài năng của người nghệ sĩ. Người xưa đúc kết: Ngọc bất trác, bất thành khí, trong lĩnh vực nghệ thuật việc trau dồi nghề nghiệp bao nhiêu cũng không đủ. Ở lĩnh vực này, hình thức nghệ thuật chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Nội dung tác phẩm nói lên điều gì đã quan trọng, nói bằng cách nào còn quan trọng hơn… Nói đến nâng cao chất lượng sáng tạo VHNT là nói đến nỗ lực chủ quan của người nghệ sĩ, không chỉ là tài năng nghệ thuật mà còn là vấn đề thế giới quan và tầm văn hóa. Với việc tổ chức đội ngũ và hỗ trợ sáng tạo như hiện nay, Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cơ bản cho những người có khả năng sáng tạo VHNT xuất hiện và phát triển tài năng. Vấn đề còn lại là nỗ lực vươn lên của mỗi người...
Các tham luận và nhiều ý kiến của VNS đã đề cập đến nhiều chuyên ngành: thơ, văn, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh… ở cả 2 mặt lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm sáng tác như: Cầm bút viết văn (Chu Bá Nam), Sáng tác và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật (Nguyễn Chí Long), Để có thơ hay (Hà Đức Ái), Góp phần nâng cao chất lượng văn xuôi (Nguyễn Thanh Hương), Nâng cao chất lượng sáng tác âm nhạc (Dương Toàn Thắng), Ảnh nghệ thuật (Lê Thái Sơn), Đội ngũ sáng tác trẻ Lâm Đồng hiện nay (Lê Hòa), Vài suy nghĩ về nâng cao chất lượng Tạp chí Lang Bian (Phạm Vĩnh), Về chủ đề hội thảo (Nguyễn Mộng Sinh)…
Nhân dịp này Hội VHNT Lâm Đồng đã khen thưởng tác phẩm chất lượng cao đăng trên Tạp chí Lang Bian 2013 cho 19 tác giả là hội viên của Hội.
|
Khen thưởng tác phẩm chất lượng cao trên tạp chí Lang Bian cho 19 tác giả |
Tại hội thảo “Nâng cao chất lược sáng tạo văn học nghệ thuật” diễn ra ngày 14/12/2013 có nhiều ý kiến của các văn nghệ sĩ, chúng tôi xin trích dẫn một số ý kiến tâm huyết cùng bạn đọc:
Nhà văn Chu Bá Nam:
Văn là người, muốn tài cao thì đức phải dày. Nói nhiều người đức kém mà văn vẫn hay, tôi không tin. Chẳng qua quan niệm về cái hay chưa đúng, hoặc cái đức chưa hẳn đã kém. Vẫn một người, vào những năm tháng sống đẹp văn cũng khác, có thể đẻ ra linh tự, khiến người thân phải ngạc nhiên; rồi vì một lý do nào đó sống khác đi, suy nghĩ khác đi, xoay sang vun vén cho mình, thế là văn lại trở thành tầm thường. Nhà văn mang nặng những ẩn ức, có trách nhiệm với cộng đồng, vì thế có nhu cầu giãi bày, tâm sự, đưa ra thông điệp mà mình cho là có ý nghĩa. Ẩn ức càng lớn, càng gần với nỗi lòng kẻ khác thì thông điệp được tiếp nhận và có sức lan tỏa. Viết cái gì muốn thành công vẫn phải có bóng dáng mình trong đó.
Để nâng cao chất lượng tác phẩm, không ai khác là chúng ta, những chủ thể sáng tạo. Đương nhiên cầm bút thì ai cũng trăn trở, cố sống, cố học hỏi, lầm lũi viết, nhưng tài năng chỉ có giới hạn, nếu không viết được nhiều thì ta viết ít, viết kỹ để trang văn khỏi bị loãng. Suy nghĩ về mình để sống vì người, rung động thực sự và không xa rời Chân - Thiện - Mỹ mãi mãi là cách tốt nhất để đẻ ra những tác phẩm có giá trị.
Nhà văn Thanh Hương:
|
|
Theo ý kiến của tôi thì một truyện ngắn hay phải hội đủ những yếu tố sau đây: Một là, phải đạt tính tư tưởng: Tức là truyện ngắn ấy gửi thông điệp gì cho bạn đọc, bạn đọc thu nhận được điều gì có ích cho bản thân mình. Hai là, phải đạt được tính nghệ thuật: Hiểu nôm na là truyện đó hấp dẫn người đọc bởi cấu trúc truyện chặt chẽ, cách truyền đạt dễ hiểu, ngôn từ trong sáng, hình ảnh sống động. Lâu nay nhiều cây bút lầm tưởng rằng truyện ngắn là một câu chuyện kể bình thường. Thật ra, nó hơn câu chuyện bình thường ở nghệ thuật kể chuyện, ở ngôn ngữ thể hiện. Người đọc cảm nhận được cái đẹp trong truyện bằng những câu văn hay, những hình ảnh, những chi tiết sinh động để làm cho câu chuyện hấp dẫn. Tức là, truyện ngắn là một câu chuyện kể dưới dạng văn học. Dù hư cấu, nhưng nó vẫn bám rễ vào hiện thực cuộc sống. Dù là phê phán nhưng nó để người đọc phải hướng thiện, hoặc tiêu trừ cái ác để giữ cái thiện. Sau cùng, nó tiếp tục bồi bổ thị hiếu người đọc, người đọc thẩm thấu được giá trị nhân văn trong tác phẩm đó, tức là tiếp thu được giá trị cái đẹp của tác phẩm. Có ý kiến cho rằng: đọc một truyện ngắn hay hoặc không hay là do cảm nhận của từng người, không ai giống ai. Người khen hay, người chê dở. Điều này chỉ đúng một phần. Vì cái gì nó cũng có mẫu số chung của nó. Không thể nói, một truyện có kết cấu lỏng lẻo, tình tiết phi lý, ngôn ngữ thể hiện nghèo nàn mà nói là truyện hay được.
Nhà thơ Phạm Vĩnh:
|
|
Để nâng cao chất lượng sáng tạo VHNT, yêu cầu nâng cao chất lượng quản lý chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội, Thường trực Hội và Ban Biên tập Tạp chí LangBian cũng cần được đặt ra. Công tác sáng tác và xuất bản tạp chí cần BCH Hội lên kế hoạch rõ ràng, thống nhất từng bước đi, mô hình, định hướng sáng tác cho từng năm, từng khóa như: Có đề cương khái quát cho từng số, phân công cho từng chi hội địa phương tham gia thực hiện từng kỳ tạp chí, giao chỉ tiêu sáng tác tác phẩm cho từng hội viên; lên kế hoạch bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, vốn sống thực tế cho hội viên qua các trại sáng tác, đi thực tế, tọa đàm, gặp mặt ra mắt tác phẩm… Về xuất bản tạp chí, theo tôi nên “liệu cơm gắp mắm”, với nguồn kinh phí được cấp, Tạp chí Lang Bian chỉ nên in 6 kỳ/năm (2 tháng ra 1 số) để tập trung vào chất lượng. Bên cạnh đó có thể in thêm các số chuyên đề phục vụ cho những sự kiện của ngành, của địa phương nào đó nếu họ hỗ trợ kinh phí.
QUỲNH UYỂN (lược ghi)