Tính đến ngày 31/10/2013, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 251 tác phẩm của 96 tác giả.
Năm 2013, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Lạt - Lâm Đồng hân hoan kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Nhằm thiết thực góp phần vào sự kiện văn hóa - xã hội quan trọng này, Hội VHNT Lâm Đồng phối hợp với UBND Tp. Đà Lạt tổ chức Cuộc thi sáng tác chào mừng 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Ngày 20/6/2013, UBND TP. Đà Lạt đã ban hành Quyết định số 1566/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch tổ chức cuộc thi. Cùng ngày Ban Tổ chức đã ban hành thể lệ cuộc thi này.
|
Bốn mùa Lang Bian. Ảnh: MPK |
Cuộc thi khuyến khích văn nghệ sĩ và mọi công dân đang sống và làm việc tại Lâm Đồng sáng tạo những tác phẩm VHNT xuất sắc góp phần vào hoạt động kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng. Nội dung chủ đề của cuộc thi là: phản ánh, ca ngợi đất nước và con người Đà Lạt trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trong quá trình hình thành và phát triển thành phố, hướng con người đến chân - thiện - mỹ, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố du lịch văn minh, thân thiện.
Tính đến ngày 31/10/2013, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 251 tác phẩm của 96 tác giả. Trong đó, thơ: 82 tác phẩm của 33 tác giả, văn xuôi: 26 tác phẩm của 17 tác giả, mỹ thuật: 10 tác phẩm của 5 tác giả, âm nhạc: 30 tác phẩm của 21 tác giả, ảnh nghệ thuật: 103 tác phẩm của 20 tác giả.
Từ ngày 10 đến 20/11/2013, Ban Giám khảo cuộc thi đã tiến hành công việc chấm thi với tinh thần trách nhiệm cao và theo đúng quy định của thể lệ.
Ngày 19-12-2013, UBND Tp. Đà Lạt đã có Quyết định số 3396 QĐ/UBND về việc trao Giải thưởng Cuộc thi sáng tác VHNT chào mừng 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. 42 tác phẩm VHNT thuộc 5 thể loại: Thơ, văn xuôi, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật của 42 tác giả đã đạt giải. Trong đó, Giải A: 4 tác phẩm, Giải B: 9 tác phẩm, Giải C: 13 tác phẩm, Giải Khuyến khích: 16 tác phẩm. Cụ thể như sau:
Giải A:
1.
Thành phố mùa xuân (thơ) của Phạm Quốc Ca.
2.
Mai Ly (truyện ngắn) của Hoài Bảo.
3.
Thành tựu công nghệ trong nông nghiệp Đà Lạt (bộ ảnh nghệ thuật) của Dương Quang Tín.
4.
Phố đào nguyên (ca khúc) của Đình Nghĩ.
Giải B:
1.
Cúc quỳ em (thơ) của Vương Tùng Cương.
2.
Những bước chân khai mở (truyện ký) của Chu Bá Nam.
3.
Mẹ và Đà Lạt (truyện ký) của Trần Đại.
4.
Hồn nhiên Đà Lạt (ca khúc) của Dương Toàn Thắng (lời thơ Ngọc Bái).
5.
Chào Mimosa (ca khúc) của Krajan Dick.
6.
Hương sắc cuộc sống (tượng gỗ) của Đỗ Xuân Phòng.
7.
Bản sắc văn hóa Tây Nguyên (ảnh nghệ thuật) của Nguyễn Văn Thương.
8.
Bình minh sân golf (ảnh nghệ thuật) của Nguyễn Đình Hiến.
9.
Bình minh (ảnh nghệ thuật) của Lý Hoàng Long.
Giải C:
1.
Sen núi (thơ) của Phạm Vĩnh.
2.
Khát vọng bazan (thơ) của Lê Hòa (Lê Văn Hòa).
3.
Còn có một Đà Lạt trong tôi (thơ văn xuôi) của Nguyễn Thanh Hương.
4.
Trở lại phố hoa (truyện ngắn) của Trần Thị Kim Chung.
5.
Vườn xưa (hồi ký) của Võ Anh Cương.
6.
Đà Lạt trong tôi (khí nhạc) của Thu Hường.
7.
Phố bình yên (ca khúc) của Vũ Uy.
8.
Phố tôi (ca khúc) của Phạm Ngọc Lai.
9.
Chào mừng Đà Lạt 120 năm (tranh cổ động) của Lê Sinh Thục.
10.
Ra chợ (tranh sơn dầu) của Phan Văn Gái.
11.
Hồ Tuyền Lâm sau cơn mưa (tranh sơn dầu) của Lương Nguyên Minh.
12.
Vườn Artichaut (ảnh nghệ thuật) của Phạm Phước.
13.
Đến trường (ảnh nghệ thuật) của Võ Văn Nghệ.
Giải Khuyến khích
1.
Và tôi mắc nợ (thơ) của Nguyễn Tấn On.
2.
Đà Lạt thành phố yêu thương (thơ) của Phan Thành Minh.
3.
Thành phố tình yêu (thơ) của Nông Quy Quy.
4.
Vẻ đẹp tâm hồn Trường Chuyên Thăng Long (ghi chép) của Nguyễn Mộng Sinh.
5.
Vùng “đất lửa” ngày ấy, bây giờ (ghi chép) của Thanh Dương Hồng.
6.
Đêm Đà Lạt (truyện ngắn) của Trọng Nguyên (Nguyễn Trọng Hoàng).
7.
Dã quỳ nhớ (tản văn) của Hoàng Xuyến.
8.
Người lưu giữ hồn xưa (ký) của Trần Ngọc Trác.
9.
Thành phố em yêu (ca khúc) của Lâm Trọng Tường.
10.
Hãy đến với Đà Lạt (ca khúc) của Xuân Thùy.
11.
Đà Lạt mùa xuân (ca khúc) của Krajan Plin.
12.
Đà Lạt anh hùng và hoa (ca khúc) của Tú Minh.
13.
Yên bình (tranh sơn dầu) của Trịnh Duy Hiệu.
14.
Thể thao mạo hiểm (ảnh nghệ thuật) của Đào Văn Thiện.
15.
Đà Lạt vào xuân (ảnh nghệ thuật) của Nguyễn Bá Nhân.
16.
Sương sớm cao nguyên (ảnh nghệ thuật) của Nguyễn Phúc Lộc.
Các tác phẩm đạt giải cuộc thi nhìn chung tập trung vào nội dung chủ đề đã được thể lệ quy định.
Nói đến sự hình thành và phát triển thành phố không thể quên công lao của bác sĩ Yersin. Chu Bá Nam đã tái hiện sinh động hình tượng nhà bác học, trong chuyến thám hiểm cao nguyên Lang Bian với sự cảm phục chân thành (Những bước chân khai mở).
Thiên nhiên kỳ diệu cùng khối óc bàn tay tài khéo của nhiều thế hệ con người đã tạo dựng nên một thành phố đẹp có một không hai trên đất nước ta. Tình yêu Đà Lạt và khát vọng góp phần làm hay, làm đẹp cho xứ sở của các văn nghệ sĩ đã được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm được giải cao của cuộc thi. Chiếm tỉ lệ lớn trong các tác phẩm dự thi và đạt giải là các tác phẩm phản ánh và ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên kỳ diệu, nên thơ của thành phố chúng ta. Đó là các tác phẩm: Thành phố mùa xuân (thơ Phạm Quốc Ca), Cúc quỳ em (thơ Vương Tùng Cương), Người lưu giữ hồn xưa (ký của Trần Ngọc Trác), Phố đào nguyên (ca khúc của Đình Nghĩ), Hồ Tuyền Lâm sau cơn mưa (tranh sơn dầu của Lương Nguyên Minh). Đặc biệt là các tác phẩm ảnh nghệ thuật như: Bình minh (Lý Hoàng Long), Đến trường (Võ Văn Nghệ), Đà Lạt vào xuân (Nguyễn Bá Nhân).
Con người Đà Lạt giàu truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng. Nhiều tác phẩm viết về chủ đề này với cảm hứng ngợi ca và tràn ngập niềm tự hào. Hồi ký Vườn xưa (Võ Anh Cương) cho ta hình dung một cách sinh động cuộc sống vất vả, cần cù vỡ đất của những người trồng rau, hoa Đà Lạt hơn nửa thế kỷ trước.
Trong tác phẩm “Vùng đất lửa ngày ấy bây giờ” Thanh Dương Hồng viết về một vùng cửa ngõ quan trọng của thành phố. Đó là vùng Tây Hồ, Sào Nam, Trại Mát (phường 11), một căn cứ lòng dân vững vàng trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai. Truyện ngắn Mai Ly của Hoài Bảo đã khắc họa hình tượng tuổi trẻ học sinh, sinh viên Đà Lạt sẵn sàng hiến dâng cuộc sống của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Nhiều tác phẩm phản ánh và ngợi ca bản sắc văn hóa Đà Lạt. Nổi bật là các tác phẩm Sen núi (thơ Phạm Vĩnh), Đêm Đà Lạt (truyện ngắn của Trọng Nguyên), Hương sắc cuộc sống (tượng gỗ của Đỗ Xuân Phòng), Ra chợ (sơn dầu của Phan Văn Gái), Bản sắc văn hóa Tây Nguyên (ảnh nghệ thuật của Nguyễn Văn Thương), Hồn nhiên Đà Lạt (nhạc Dương Toàn Thắng - lời thơ Ngọc Bái)… Đây là những nét đẹp văn hóa độc đáo, đáng quý đáng yêu cần nâng niu giữ gìn và phát huy.
Hình ảnh Đà Lạt hôm nay với vẻ đẹp kiến trúc hiện đại và các hoạt động đầy sức sống của thời đại đổi mới hội nhập đã được tập trung phản ánh trong nhiều tác phẩm. Nổi bật là: Thành tựu công nghệ trong nông nghiệp Đà Lạt (ảnh bộ của Dương Quang Tín), Bình minh sân golf (ảnh của Nguyễn Đình Hiến), Sương sớm cao nguyên (ảnh của Nguyễn Phúc Lộc), Vẻ đẹp tâm hồn Trường Chuyên Thăng Long (ghi chép của Nguyễn Mộng Sinh).
Về nghệ thuật thể hiện xin điểm qua một số ý kiến của Ban Giám khảo về các tác phẩm được giải cao. Thành phố Mùa xuân của Phạm Quốc Ca là một tác phẩm sâu lắng trữ tình, giàu chất thơ,
qua tình riêng mà gửi gắm ý nghĩa khái quát ngợi ca thành phố Đà Lạt:
Thành phố thăng hoa mỗi cuộc đời thường
Tình yêu ta đẹp cầu vồng thác nước
Sương lam nhẹ ban mai thủy mặc
Dã quỳ vàng lả lướt gió cao nguyên
Bài thơ Cúc quỳ em của Vương Tùng Cương cảm xúc nồng nàn, kết hợp được cái nhìn vừa thực vừa ảo về một loài hoa đặc trưng của xứ sở chúng ta:
Bạt ngàn hoa, đồi hoang thẳm gió
Đầm đìa vàng dát bạt triền thu,
Đẹp lặng lẽ không lời bày tỏ
Hồn hoa em tỏa ấm chốn sương mù.
Truyện ngắn Mai Ly của Hoài Bảo có cốt chuyện hay. Truyện ký Mẹ và Đà Lạt của Trần Đại đã khéo léo khai thác hoàn cảnh một gia đình Pháp - Việt với tình yêu và nỗi nhớ Đà Lạt thật đặc biệt suốt ba thế hệ. Giọng văn giàu cảm xúc và suy nghĩ.
Ca khúc Phố đào nguyên của Đình Nghĩ thể hiện sự sáng tạo chuyên nghiệp cả trong giai điệu lẫn tiết tấu. Hồn nhiên Đà Lạt của Dương Toàn Thắng là một ca khúc có giai điệu sống động, đầy tính sáng tạo về khúc thức, tiết tấu.
Bộ ảnh Thành tựu công nghệ trong nông nghiệp Đà Lạt của Dương Quang Tín đạt hiệu quả cao về chất lượng hình ảnh từ toàn cảnh đến đặc tả chi tiết. Bức ảnh Bản sắc văn hóa Tây Nguyên của Nguyễn Văn Thương ghi lại hình ảnh đội múa cồng chiêng dân tộc bản địa biểu diễn dưới ánh hoàng hôn trên triền núi Lang Bian. Tác phẩm cho thấy kỹ thuật bấm máy tốt, đạt độ biểu cảm cao.
Tượng gỗ Hương sắc cuộc sống của Đỗ Xuân Phòng có nhiều sáng tạo trong tạo hình tượng tròn. Cả 4 mặt đều đẹp, sinh động và tinh xảo…
|
Ra chợ. Tranh: Phan Văn Gái |
Cuộc thi còn có những hạn chế, khiếm khuyết. Các tác phẩm được tặng giải thưởng không phải tất cả đã hoàn thiện. Ví dụ, trong một truyện ngắn tác giả viết về đêm trước giải phóng Đà Lạt (3/4/1975): “Đêm qua cả thành phố run lên từng hồi theo mỗi đợt pháo kích. Tiếng pháo gầm gừ, tiếng đại liên giòn giã, tiếng AK chắc đều trộn lẫn trong tiếng xích xe tăng nghiến rít xuống đường, tiếng gọi nhau í ới tạo thành bản hợp âm đầy chết chóc. Cả bầu trời khét nghẹt đầy khói súng”. (Những dòng này dùng để tái hiện trận Xuân Lộc thì hợp hơn. Sự thật là vào thời điểm ấy địch tháo chạy khỏi Đà Lạt). Một số bài ký còn dừng lại ở tính chất ký báo chí, ít cảm xúc, suy nghĩ từ cái tôi tác giả. Một số bài thơ cảm xúc còn nông nhẹ, thiếu sáng tạo độc đáo về hình thức thể hiện…
Mặc dù vậy, có thể khẳng định cuộc thi đã thành công tốt đẹp. Thành công lớn nhất là anh chị em văn nghệ sĩ Lâm Đồng đã có dịp được góp phần thiết thực vào những hoạt động kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển - ngày hội lớn của nhân dân thành phố và đông đảo những người yêu Đà Lạt trên đất nước ta và bạn bè quốc tế. Đây cũng là những đóa hoa tinh thần góp vào Lễ hội hoa Đà Lạt 2013 và Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt.
KHÁNH THI