Chính bàn tay kỳ diệu của cô gái khuyết tật đã nối tiếp vòng đời của bướm: Đưa bướm vào tranh hình thành một dòng tranh nghệ thuật độc đáo - tranh bướm. Những cánh bướm làm thay đổi cuộc đời của cô gái khuyết tật. Tranh bướm được tôn vinh là một sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Lâm Đồng.
Chính bàn tay kỳ diệu của cô gái khuyết tật đã nối tiếp vòng đời của bướm: Đưa bướm vào tranh hình thành một dòng tranh nghệ thuật độc đáo - tranh bướm. Những cánh bướm làm thay đổi cuộc đời của cô gái khuyết tật. Tranh bướm được tôn vinh là một sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Lâm Đồng.
|
Nơi trưng bày tranh bướm tại nhà Nguyệt Ánh |
Không còn mới mẻ khi bước vào năm thứ 13 cơ sở làm tranh bướm của cô gái khuyết tật Vũ Thị Nguyệt Ánh ra đời ở Bảo Lộc với thương hiệu Ánh Kim đã được nhiều người trong nước biết đến. Lấy tên của hai chị em ghép lại thành thương hiệu cho dòng tranh độc đáo của mình, Nguyệt Ánh đã truyền nghề cho các thành viên trong gia đình cùng làm tranh bướm. Thật khiêm tốn khi nói về mình và về nghề, Nguyệt Ánh chia sẻ: “Nghề nào cũng cần có sức khỏe, kiên nhẫn, làm việc dồn hết tâm sức thì mới hoàn thành tốt công việc. Một chút năng khiếu, tỉ mỉ, siêng năng để có thể theo đuổi nghề vì một bức tranh chứa cả ngàn cánh bướm liệu bạn có kiên trì sống qua những giấc mơ kết từng cánh bướm nên tranh không?”. Người luôn đồng hành, chắp cánh cho ước mơ của Nguyệt Ánh thành hiện thực là ông Vũ Đình Diệm - người bố phúc hậu và nhẫn nại của Nguyệt Ánh cho biết: “Từ khi ở tuổi học trò, Ánh đã hồn nhiên làm tranh bướm, làm rồi quen. Bây giờ, cả gia đình biết làm. Khi có mối đặt hàng thì bố, mẹ, hai chị em gái và 1 em trai cùng làm nhưng riêng phần tranh chân dung do Ánh thực hiện”.
Vào thăm ngôi nhà ở Lộc Tiến (Bảo Lộc) vừa là xưởng tranh của gia đình Nguyệt Ánh, nơi nuôi hàng ngàn con bướm và trưng bày tranh mới hiểu hết sự thành công của người thợ thủ công tranh bướm không đơn giản chút nào nếu như không có sự dày công sáng tạo, dấn thân như một “tín đồ” của bướm. Bởi nếu không say mê những cánh bướm, không yêu nghề làm tranh bướm thì không thể nán lại lâu trong căn phòng làm tranh chật hẹp, nếu không thắp lên những bóng đèn điện thì có thể xem đây như một cái kho vĩnh cửu của bóng tối ngự trị, đặc biệt mùi nồng nặc của keo dán công nghiệp và mùi của những cánh bướm là thủ phạm hàng đầu gây bệnh dị ứng có thể làm bạn hắt hơi liên tục. Thú thật, chúng tôi không thể nán lại lâu trong không gian sáng tạo của Nguyệt Ánh và thầm cảm phục những người làm nên tranh bướm bằng cả trái tim và sự hy sinh thầm lặng vì nghệ thuật độc đáo này.
Những rổ đựng cánh bướm được phân loại nhiều màu sắc trông đẹp lạ lùng mà Nguyệt Ánh đã tự mày mò nghiên cứu cách xử lý thủ công để cánh bướm giữ màu nguyên thủy và không bị hư, để tranh bướm không phai màu, chưng được rất lâu theo thời gian. Vừa gắn những cánh bướm làm tranh, Nguyệt Ánh giải thích: “Công việc của chúng em là ngồi gắn từng cánh bướm để tạo nên bức tranh theo từng mảng màu và chủ đề. Bình thường, tranh con bướm thì làm nhanh, nhưng tranh cánh bướm làm rất lâu (khoảng 2-3 tháng/bức)”. Giá trị có bức lên đến 12 triệu đồng, phổ thông hơn là tranh tiêu bản có giá 200 - 300 ngàn đồng/bức. Tranh ghép cánh bướm được Nguyệt Ánh làm từ 7 năm nay, nghĩa là nó đến sau những bức tranh tiêu bản bướm ban đầu.
Ngắm nhìn những bức tiêu bản bướm lồng khung kính, có tên khoa học từng chủng loại khác nhau, chúng tôi thắc mắc là làm sao mà Nguyệt Ánh hiểu hết thế giới của loài bướm nhỉ? Nguyệt Ánh chỉ cười và thách thức: “Các chị cứ đếm thử xem có bao nhiêu tên loài bướm ở đây?”. Chúng tôi đành chịu thua, làm sao mà đếm hết được chứ! Quả là một kho tàng của bướm, không chỉ là thú chơi mà phục vụ cho những ai yêu thích khoa học khám phá về thế giới tự nhiên sống động của muôn hồng nghìn tía loài bướm. Nguyệt Ánh đã không ngừng học hỏi, tìm tòi, khám phá, nghiên cứu sách và trên mạng để nhận diện chính xác về đặc điểm, tên gọi để gọi đúng tên, đúng hình ảnh và màu sắc từng loài bướm. Vì vậy, tranh tiêu bản bướm là dạng tranh chết đúng nghĩa cho khoa học nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng vì sự sống động của hình ảnh lung linh đem lại giá trị thẩm mỹ cao, khiến cho người chơi tranh cảm thấy không khô khan, cứng nhắc mà trái lại là làm mềm không gian với niềm tin may mắn và lãng mạn, đầy lạc quan yêu đời từ sắc màu bay bổng của loài bướm.
Từ nơi sáng tạo chật hẹp với nhiều chất liệu xốp để làm tranh, Nguyệt Ánh và 5 người thợ gia đình đã hoàn thiện sản phẩm với một quy trình tưởng chừng rất đơn điệu nhàm chán: Vẽ - ghép từng cánh bướm thành một tác phẩm nghệ thuật với mẫu tự phác thảo hoặc khách hàng đặt. Sản phẩm bán tại nhà và cung ứng cho khách hàng tiêu thụ ở các tỉnh trong nước. Sức sáng tạo hồn nhiên bay bổng mới nâng cánh ước mơ đưa bướm vào tranh sinh động. Nguyệt Ánh bị khuyết tật ở chân từ khi 5 tuổi, cô tâm sự: “Từ nhỏ, em thích bướm nên tự mày mò làm tranh. Lúc đầu làm chơi, rồi bắt bướm nuôi. Nuôi bướm làm tranh để có nguồn nguyên liệu ổn định. Bây giờ em đã nuôi được hàng ngàn con”. Khi 21 tuổi, Nguyệt Ánh khởi nghiệp làm tranh bướm từ sự yêu thích màu sắc của bướm, mỗi ngày một chút kiên trì, tỉ mỉ, kiên nhẫn, sáng tạo nhất định để làm tranh bướm theo chủ đề mình thích. Đó là phong cảnh Đà Lạt, Việt Nam, hoa, phố hoa, muông thú, chân dung con người… Nguyệt Ánh hoàn toàn tự học để có thể hình thành một dòng tranh bướm trên thị trường tồn tại qua năm thứ 13, học cách lưu giữ màu sắc tự nhiên, chăm nuôi nhân giống các loài bướm, công việc không chỉ của người thợ thủ công mà còn là nghề của người làm khoa học và sáng tạo nghệ thuật không ngừng.
DIỆU HIỀN