Gặp anh giữa câu chuyện cuối năm, anh vẫn thế, nhẹ nhàng nhưng sôi nổi, sâu sắc nhưng đầy nhiệt thành, tình yêu của người nghệ sỹ tràn đầy trong người đàn ông đa tình đa cảm ấy.
Những ngày Đà Lạt đông năm 2013, nhạc sỹ Đình Nghĩ nhận được tin vui. Ca khúc “ Ngàn năm mây trắng của anh” được Hội Nhạc sỹ Việt Nam trao giải C (Không có giải A) cho Giải thưởng Âm nhạc quốc gia năm 2013. Không quá “ shock” nhưng anh vẫn mừng, mừng bởi đứa con tinh thần anh ấp ủ, hoài thai cho ra đời đã được đón nhận. Gặp anh giữa câu chuyện cuối năm, anh vẫn thế, nhẹ nhàng nhưng sôi nổi, sâu sắc nhưng đầy nhiệt thành, tình yêu của người nghệ sỹ tràn đầy trong người đàn ông đa tình đa cảm ấy.
|
NS Đình Nghĩ |
Kể cũng lạ, Đình Nghĩ chia sẻ về cuộc sống đầy biến động của mình. Sinh ra ở Huế trong một gia đình truyền thống về nhã nhạc cung đình, đi học cũng là học về nhạc cụ dân tộc nhưng duyên phận đẩy đưa anh tới Lâm Đồng, vùng đất cao nguyên ngập trong tiếng chiêng trần hung huyền bí. Ngay từ những ngày đầu tiên khi gặp mặt với thực tế, thứ âm nhạc tao nhã, sang trọng anh hấp thụ đã đối mặt với sự gai góc, thô ráp, mộc mạc của âm nhạc bản địa nam Tây Nguyên. Và nó nhấn chìm anh, lôi kéo tâm hồn anh chìm vào, đi sâu vào nghiên cứu âm nhạc bản địa, với những câu tâm pớt, lảh long, tiếng chiêng, kèn lá vang vọng giữa đêm cao nguyên. Hàng chục năm sống giữa đại ngàn, Đình Nghĩ đã để cho âm nhạc bản địa chiếm lấy hồn anh, trở thành một phần trong trái tim anh và mỗi sáng sáng tác của anh, không ít thì nhiều đều mang hơi thở dân gian đương đại. Suốt nhiều năm nay, năm nào anh cũng có tác phẩm được trao giải của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, một thành công cho người sáng tác Việt.
Ngàn năm mây trắng, tác phẩm vừa đạt giải của Đình Nghĩ là một khúc tình, như hầu hết ca khúc của anh. Anh bảo, mình bị ám ảnh bởi câu chuyện tình Lang Biang, từ thời xa xưa thế mà đã có những mối tình nồng nhiệt, sống chết với nhau đến vậy. Và dân gian đã mang thêm cốt cách cho chuyện tình ấy với việc hóa thân chàng trai, cô gái vào cây vào suối, vào dòng Đạ Lạch chảy róc rách đêm ngày. Và cảm xúc của anh bật lên từ huyền thoại đẹp tuyệt vời đó. Hoa, sương, đá núi, lời yêu được diễn tả bằng một ca khúc mang âm hưởng buồn bã Gọi em rầu mây giăng trắng núi/ Lang bi ang tình yêu tình yêu mải mòn. Và trong tiếng vọng buồn bã ấy, càng lúc nhịp điệu càng vui hơn, nồng nhiệt hơn, cách phối 4 bè giúp mang lại hiệu ứng âm thanh sâu, trầm như có nhịp chiêng đâu đây vọng về. Mang âm hưởng Acabella, Ngàn năm mây trắng có thể được dựng và biểu diễn hoàn toàn không cần nhạc cụ, chỉ cần những giọng ca ngọt ngào của những nghệ sỹ.
Nhưng không chỉ Ngàn năm mây trắng là một bản tình ca, ca khúc của Đình Nghĩ, như anh tự nhận, đều là tình ca. Dù anh viết về điều gì, nó cũng mang chất tình ca rất khó phủ nhận. Đình Nghĩ chia sẻ, anh là người luôn bị giằng xé giữa những sự lựa chọn. Âm nhạc anh được hấp thụ từ bé đối lập với âm nhạc anh lựa chọn nơi vùng đất mới. Quê gốc anh, xứ Huế với cha mẹ, bà con, tuổi thơ luôn chia sẻ anh với Lâm Đồng quê mới, nơi có gia đình nhỏ và những mối quan hệ mới. Và những người phụ nữ trong đời anh. Mỗi người trong số họ mang lại cho anh những hoài niệm, những cảm hứng khác nhau trong cuộc đời và trong sáng tác. Không phải anh yêu một người phụ nữ cụ thể, nhiều khi chỉ là dáng vẻ của ai đó, một mái tóc, một dáng áo dài hay cái nhìn ấm áp giữa phố vắng, lòng anh đã say và đã mơ. Anh tự nhận, anh đa đoan nên khổ. Nhưng cũng may mắn thay, cái đa đoan ấy, sự day dứt ấy, nỗi khổ ấy giúp anh duy trì được sự lãng mạn, tình yêu, dòng cảm hứng để anh tiếp tục sáng tác. “ Tôi lúc nào cũng yêu, yêu cho mình nhiệt huyết để sáng tác.. Nếu một ngày không còn yêu, không cò sáng tác, lúc ấy Đình Nghĩ đã không còn là Đình Nghĩ .Với tôi, yêu như là sống”.
Yêu và sống đồng hành trong trái tim người nhạc sỹ, nó cho anh những trải nghiệm tuyệt vời để sáng tác, để sẻ chia. Và trái tim anh sẽ tiếp tục đập những nhịp tình yêu, để công chúng yêu nhạc tiếp tục chờ đợi những sáng tác mới của nhạc sỹ Đình Nghĩ.
DIỆP QUỲNH