Nguyên hì hục kì cọ thật kỹ cái nồi hầm xương bò, mỡ bò bám vào thành nồi dai dẳng nhớp nháp dấp dính tay Nguyên...
Nguyên hì hục kì cọ thật kỹ cái nồi hầm xương bò, mỡ bò bám vào thành nồi dai dẳng nhớp nháp dấp dính tay Nguyên. Nguyên gọi với vào trong nhà:
|
Minh họa: Phan Nhân |
- Mi ơi mang giúp cho anh chai nước rửa chén!
Hà đi ra, nụ cười của gái một con tươi rói trên gương mặt hồng hào:
- Ðã thống nhất với nhau rồi, ở quán không gọi là Mi, bộ quên mất tên em rồi hả?
Nguyên cười khỏa lấp, anh nói quên sao được, nhưng quen rồi, Mi Mi nghe dễ thương hơn Hà Hà chớ, phải không? Mi cười nói “cái anh này…” rồi đặt chai Sun light xuống chỗ chồng đang ngồi kì cọ, cô đi vào nêm lại nồi nước dùng cho vừa miệng. Sáng mai là sáng đầu tiên vợ chồng cô bán phở. Quán phở Phượng không phải mới khai trương, nó có từ lâu, từ hồi Hà còn nhỏ xíu đã thấy quán rồi, nhưng ngày mai người bán hàng là vợ chồng Hà chớ không phải là ba mẹ. Nghĩ tới đó Hà thấy lo lo. Hà cũng chuẩn bị nước dùng, cũng thịt bò, bánh phở, rau, chanh, ớt, hành ngò… giống như mẹ sao hôm nay cô thấy có gì khang khác? Khác chỗ nào trong nhất thời cô chưa kịp nghĩ ra, nhưng nhất định là có. Mùi nước dùng hơi ngấy, thôi chết hay là mình cho ít nước? Cô nhẩm tính, mười lăm ký xương bê thui hầm cũng trong cái nồi ấy, ngấn nước cũng giống y như mẹ, thời gian hầm xương cũng đúng tám tiếng chứ không phải ít hơn. Ba củ hành tây nướng, ba củ gừng nướng cô cũng bỏ vào nồi xương, sao cô thấy dường như mùi nước dùng không giống mẹ làm? Chắc mình cả lo thôi, Hà nghĩ. Nguyên xách cái nồi cất vô tủ bếp, anh nói “Mi à, cái nồi này anh phải dùng cát đánh sáng bóng lên, em thấy không, phải sạch, mọi thứ phải sạch thì quán mới đông khách”. Hà cười, em dặn rồi anh lại quên, Mi Mi hoài à, anh nói đúng, em nghĩ tiêu chuẩn sạch là tiêu chuẩn đầu tiên của quán “Ngà” mà! Nguyên trợn mắt:
- Sao lại là Ngà?
- Không phải sao, ngày mai em và anh bán phở, quán của Nguyên Hà, Nguyên Hà là Nga Huyền, không phải là Ngà thì là gì hả?
Nguyên cười ngất, anh nói em cứ giỡn hoài, vui thì được chớ bây giờ ăn nhau cái thương hiệu, phở Phượng là một thương hiệu “hơi bị” lớn đó cô ạ! Hà cãi nhưng Ngà cũng hay chớ sao? Ờ thì hay, em mà bán thêm rượu nữa thì coi chừng có người “ngà say” đó. Hà thôi cười:
- Em định hỏi anh, có nhiều vị khách ăn phở kêu rượu, mình có nên bán không?
Nguyên ngẫm nghĩ mẹ Hà không bán rượu bao giờ dù có người hỏi, mình có nên bán không, nếu bán e rằng khách ngồi lai rai cả buổi thì đâu còn ra quán phở? Nguyên nói:
- Một số người cần tí cay buổi sáng, nhất là khi em khuyến mãi tô xí quách, nếu mình bán rượu đế thì không bảo đảm, ai dám chắc người bỏ mối lúc nào cũng bỏ rượu thiệt, hay có ngày họ bỏ cho mình thứ rượu pha từ nước lạnh với viên rượu của Tàu?
- Hay là vầy, mình bán Vodka Men thôi, loại chai nhỏ, không bán lẻ và chỉ bán đúng một chai cho một bàn?
- Ô kê, em giỏi quá!
Hà cười sung sướng, không phải vì lời khen nịnh của chồng mà chính là cái tính chiều vợ của Nguyên từ ngày mới quen tới giờ. Còn Nguyên anh ngẫm nghĩ mấy lời Hà vừa nói, không biết Hà vô tình hay hữu ý? Mà thôi chuyện cũng lâu rồi, mình cũng đã kể hết với Hà rồi còn gì? Không biết bây giờ Nga có hạnh phúc không? Hạnh phúc là gì, có lúc Nguyên nghĩ như vậy, nhưng bây giờ Nguyên thấy hạnh phúc rất cụ thể chứ không phải như ngày xưa. Cũng may mình lấy được Hà, hai vợ chồng ăn ý trong nhiều chuyện tuy đôi lúc cũng mặt nặng mày nhẹ với nhau.
Ðêm đó dường như cả Hà cũng không ngủ được, Nguyên thấy Hà trằn trọc cứ trở mình hoài. Con bé Nu nằm trong nôi cũng ọ ẹ, thức giấc mấy lần. Mới bốn giờ sáng Nguyên đã dậy, Hà lục đục dậy theo, chỉ mình bé Nu trong nôi là ngủ. Ngắm con một chút trước khi ra khỏi phòng, Hà nhẹ chân để con bé không thức giấc. Nguyên đang nhóm lửa, làn khói bay lên hòa lẫn vào màn sương đêm đậm đặc che phủ cảnh vật bằng một màu sữa đục. Hai vợ chồng chia nhau công việc, bỗng nhiên Hà nhớ tới mẹ, mẹ giờ này chắc là cũng đã dậy, thói quen mấy chục năm trời đâu dễ gì mà bỏ được? Bà Hoa xuất hiện trước cửa quán lúc ở phía đông bầu trời ửng hồng, một buổi sáng sắp bắt đầu. Hà đón mẹ với một cặp mắt không mấy hài lòng, cô không giấu điều đó:
- Mẹ à, con nói rồi mẹ cứ nghỉ ngơi cho khỏe, tụi con bán được mà!
- Mẹ không bán giúp các con đâu, mẹ ra chơi với bé Nu thôi… mà ba con cũng ra kìa!
Hà cảm động nhìn ba mẹ, mắt cô khẽ chớp. Nguyên ra đón ba mẹ vợ:
- Ba mẹ mới tới?
Mở hàng là một khách quen của quán, người đàn ông Hà không biết tên một tuần đến quán Phượng ăn phở ít nhất cũng ba lần. Cô nở một nụ cười chiêu hàng và lựa những miếng thịt thật ngon cho tô phở tái chín của ông khách. Nguyên chạy bàn, anh lấy giẻ lau lại cái bàn dù bàn không chút bụi. Ông khách hỏi:
- Bà chủ đâu sao tôi không thấy?
Nguyên cười chỉ tay về phía Hà, bà chủ đó chú, giờ vợ cháu là bà chủ quán phở Phượng, mẹ cháu nghỉ hưu rồi! Ông khách nói vậy sao, ai là chủ cũng được nhưng đừng giảm chất lượng nghe. Nguyên hỏi chú thấy sao, ăn có vừa miệng không, ông khách cười, cô cậu cho tôi nhiều thịt hơn mọi ngày thì phải, nước dùng được đấy, nước phải trong là tiêu chuẩn số một cậu biết không? Hà góp lời:
- Cám ơn chú, chú là khách đầu tiên của quán, hôm nay chú được miễn phí!
Ông khách nói vậy sao, cô múc cho tôi tô đặc biệt, còn miễn phí nữa thì lời lãi ra sao? Hà cười:
- Chú ơi không phải cháu miễn phí mình chú đâu, sáng nay cháu không tính tiền mười người khách đầu tiên lận, mời chú sáng mai tới ăn mở hàng cho cháu, bữa nào chú mở hàng là cháu bán đắt lắm!
- Vậy sao, cảm ơn cô, hình như tôi có duyên với phở nhà cô thì phải, hồi còn nhỏ xíu tôi đã ăn phở ngoại cô nấu, rồi tới mẹ cô còn bây giờ là cô, cô giống bà ngoại cô lắm!
Hà cười tươi:
- Vậy hả chú? Hà hếch mắt lên chờ đợi ông khách kể tiếp chuyện bà ngoại, nhưng vị khách im lặng, lát sau ông nói hôm nay tôi bận, hẹn cô lần sau mà rảnh tôi sẽ kể cho cô nghe chuyện bà ngoại cô. Hà cười:
- Tiếc ghê, hôm khác chú nhớ kể chuyện bà ngoại cháu nghe!
Ông Lại ra về, món điểm tâm buổi sáng khiến ông thấy ấm lòng. Không biết từ bao giờ ông Lại có thói quen ăn phở sáng. Ông chỉ thích mỗi phở, ăn món gì cũng thấy không bằng. Vợ ông thường nửa đùa nửa thật “anh chỉ thích phở thôi, cơm nhà chê phải không?”. Không biết ai đã ám chỉ chuyện phở chuyện cơm khi nói về quan hệ ngoài luồng, tiếng Việt thật rắc rối, phở là phở, còn cơm là cơm lẫn lộn làm sao được? Nhưng ông Lại đã từng chứng kiến lắm chuyện bắt đầu từ chuyện ăn chuyện uống. Nghĩ tới đó, ông lại nhớ chuyện hồi nhỏ không phải muốn ăn phở là được, chỉ có chú Phước là hay dắt ông đi ăn ở quán dì Hương. Câu chuyện làm quà buổi sáng với cô cháu ngoại dì Hương khiến ông nhớ đến chú Phước, không biết nếu chú Phước mà lấy dì Hương đứa cháu ngoại gái có giống dì không? Chắc là không, rau nào sâu đó mà. Ông Lại quên hỏi con bé sáng nay tên gì, mình cũng tệ, ăn phở nhà người ta mấy chục năm ròng mà không để ý tên con của cô Hoa là gì? Mà lạ thật con bé giống bà ngoại như đúc, từ cái ánh mắt cũng giống không hiểu vì sao?
Ông khách vừa về hai vợ chồng Hà tất bật với dòng người vào quán. Thật lạ, dường như khách ăn sáng rủ nhau hay sao mà đúng sáu giờ rưỡi khách kéo nhau tới, nhiều khi phục vụ mệt bở hơi tai. Chín giờ sáng Nguyên treo tấm bảng “Hết phở, kính mời quý khách sáng ngày mai” rồi giúp vợ dọn hàng. Nhìn gương mặt tươi rói của Hà, Nguyên biết buổi bán hàng đầu tiên thắng lợi. Mười giờ Nguyên nói với Hà:
- Anh đi làm đây, em ở nhà với ba mẹ nhé!
Dường như Hà không được vui, Nguyên đọc trong mắt Hà điều đó. Nhưng biết sao được, Nguyên phụ trách âm thanh ánh sáng nhà hàng tiệc cưới Bích Ðào bữa nào có tiệc cưới cũng phải đi. Công việc của Nguyên hơn chục năm trời gắn với sân khấu, âm thanh ánh sáng, bạn diễn giờ chỉ còn từng đó bỏ sao đành? Cuộc sống đang níu Nguyên về phía trước, ngoảnh lại một chút cũng chỉ để hoài niệm mà thôi!
Hà dọn dẹp, công việc lặt vặt của quán phở nhiều vô kể, một tay cô phải quán xuyến hết chắc là không xuể, mình phải kiếm người giúp việc thôi. Hà thông cảm cho Nguyên, đàn ông xông pha ngoài đời mới là chỗ của họ, nhưng mà quán phở cũng đời lắm chứ bộ?
Rồi mọi chuyện cũng trôi qua, công việc cuốn Nguyên và Hà theo dòng chảy, giờ Hà đã thạo việc lắm rồi, cô không còn lo lắng như những ngày đầu. Bán hàng ăn, Hà thuộc tính của từng loại khách, cô luôn có một nụ cười thường trực trên môi nên quán Phượng ngày càng đông khách. Bữa đó Hà bận việc, cô nhờ bà Hoa đứng bán giúp một ngày. Mười giờ sáng Hà về, cô thấy mẹ ngồi nói chuyện với vị khách hàng “tuần ba tô” và một người đàn ông lớn tuổi cô chưa gặp bao giờ. Cô chào mẹ, chào hai người đàn ông rồi định đi thẳng vô nhà. Bà Hoa giới thiệu “con gái cháu đó, giờ nó đứng bán, chú coi nó có giống mẹ cháu không?”. Ai vậy ta, ông già này dứt khoát không phải bà con, nếu là bà con thì Hà đã biết. Bà Hoa quay qua nói với Hà:
- Con chào ông đi, đây là ông Phước, người quen của bà ngoại con từ Hà Nội vô.
Hà cười tươi “con chào ông” rồi quay qua vị khách quen “chú ơi lâu quá con mới thấy chú ghé lại quán, lâu nay chú có khỏe không?”
Ông Lại cười:
- Tôi cũng nhớ phở nhà cô lắm chứ, nhưng tôi bận việc phải ra Hà Nội mấy tháng nay, nhân tiện đưa ông chú vô nghỉ dưỡng vài tuần. Sao, cô bán có đắt hàng không?
Hà nói cám ơn chú cháu bán cũng như hồi mẹ thôi, khách nhà cháu phần lớn là khách quen mà. Mà chú ơi chú đừng kêu cháu là cô nữa nghe khách sáo quá, dầu sao chú cũng quen mẹ cháu lâu rồi mà! Khi biết Hà đã học xong khoa Quản trị kinh doanh trước khi tiếp nhận quán Phượng, ông Lại kêu lên “tốt!” rồi nói tiếp:
- Cháu đã áp dụng được điều gì đã học vào công việc chưa? Kinh doanh giống như một chiếc xe cút kít, chẳng có gì xảy ra nếu mình không bắt đầu đẩy, cháu ạ!
Hà ngạc nhiên, chú cũng là dân kinh doanh ạ? Ðúng, chú trải qua nhiều nghề, ít nhất chú cũng kinh doanh ba ngành nghề, cái thất bại của chú là ở chỗ đó. Ăn uống là một dịch vụ, kinh doanh nghề này tốt đấy cháu ạ, nhất là cháu vẫn trung thành với công thức nấu phở từ ngày bà ngoại.
Phở Phượng không nêm bột ngọt nhưng nhiều người cứ cho rằng chắc quán có dùng nhưng…ít, không dùng sao ngọt cho được? Hà thường không tranh cãi với mọi người khi đề cập đến chuyện đó, cô chỉ nói “cái đó không quan trọng, miễn sao phở ngon là được?”. Giờ nghe nhận xét của ông Lại, cô càng quý cái dũng cảm của mẹ khi giữ nguyên công thức nấu phở từ thời bà ngoại.
Ông Lại mở chuyện: - Ðể chú kể cho cháu nghe chuyện bà ngoại cháu nhé. Hồi đó quán nhà dì Hương chưa có tên đâu, chỉ là một quán nhỏ bán trong nhà mà không phải ở đây. Quay qua bà Hoa, ông Lại tiếp “cô Hoa dọn đến chỗ này chừng hai mươi năm, phải không? Lúc đó tôi không biết, tôi đi làm ăn xa một thời gian, trở về không thấy dì Hương bán phở nữa, dì cũng không nói đã “bàn giao” cho cô, tôi cũng không hỏi. Ðến khi tình cờ vào quán Phượng, tôi nhận ra đúng cái hương vị của quán phở dì Hương, gặp lại cô đứng bán tôi mừng lắm, cô Hoa nhớ chứ?”. Ngưng lời ít giây rồi ông tiếp: “cái vị ngọt của phở nhà dì Hương rất tự nhiên, rất thanh, không làm tê đầu lưỡi như khi nêm bằng bột ngọt. Tôi nhớ có lần tôi hỏi dì Hương “dì ơi phở dì nấu sao ngọt quá, dì có bí quyết gì không?”. Mẹ cô vừa cười vừa trả lời là vì dì hầm xương bò cho thêm một mảnh sành, chắc nhờ vậy mà nước dùng ngọt đó Lại à. Tôi nửa tin nửa ngờ, cái mảnh sành, vô lý nhưng nước phở quả là ngọt thật! Cô có nhớ không?”. Bà Hoa cười “anh nhớ giỏi quá, chắc mẹ em đùa thôi chớ cái mảnh sành làm sao mà ngọt nước được!”.
Cháu biết đường Huỳnh Thúc Kháng này ngày xưa là tên đường gì không? Ông Lại quay qua Hà hỏi, Hà lắc đầu. Là đường Hoa Hồng - rue de rose. Biệt thự số 17 đường Hoa Hồng năm 1951 là nhà tên phó thanh tra mật thám Haasz, đúng ngày 11 tháng 5, tên mật thám này bị đội cảm tử Phan Như Thạch xử tử tại nhà y. Diễn biến vụ này diễn ra giống như chuyện phim làm chấn động dư luận một thời, cháu đọc lịch sử Ðà Lạt sẽ rõ. Ngay chiều hôm đó thực dân Pháp trả thù bằng cách mang 19 người hoạt động cách mạng đang bị giam ra xử bắn ở Cam Ly, chỉ mình bà Lan là còn sống!”. Giọng ông Lại trở nên ngậm ngùi và chùng xuống, Hà xúc động thầm nghĩ sao bọn thực dân dã man hèn hạ quá, mắt cô rướm lệ. Ông Lại nói tiếp:
- Một trong bảy người tham gia trong vụ này là chú Phước!
Hà nhìn ông Phước, cái vẻ bề ngoài trông rất hiền lành của ông Phước Hà không tưởng được ông lại có một thời vang bóng như vậy. Ông Phước cười:
- Hồi đó tôi mới mười tám tuổi, tôi chỉ làm cảnh giới cho các anh diệt ác thôi mà!
Bà Hoa lái qua chuyện khác:
- Chú ơi hồi đó mẹ cháu thích hoa hồng lắm phải không?
Ông Phước trả lời đúng vậy, mẹ cháu thích hoa hồng lắm, nhất là hoa hồng vàng, tôi hay tặng hoa cho bà Hương mỗi lần đến ăn phở, bao giờ bà Hương cũng cắm hoa vào cái độc bình để trên tủ kính nơi bà đứng bán. Chà mới đó mà đã mấy chục năm rồi! Mắt ông Phước như càng bạc hơn khi nhắc lại chuyện xưa, mây trời trên cao cũng bạc một màu như đôi mắt ông Phước, mùa đang độ cuối thu! Ông Phước hỏi bà Hoa:
- Mẹ cô mất năm nào?
- Dạ năm tám bảy!
Ông Phước im lặng nhìn ra bên ngoài, bà Hoa cũng vậy, chắc hai người nhớ lại kỷ niệm về người quá cố, ông Lại nói nhỏ với Hà:
- Chú Phước ngày trước là người yêu của bà ngoại cháu, sau vụ tên Haasz, ông chuyển vùng hoạt động, năm năm tư đi tập kết rồi ở luôn ngoài đó!
Hai người khách ra về, Hà cứ vẩn vơ mãi về chuyện kể của ông Lại. Tối đó, Hà kể chuyện hồi sáng với Nguyên rồi kết luận:
- Mai em kêu thêm hai đứa cháu ra phụ quán, em sẽ làm hợp đồng đàng hoàng với tụi nó. Còn anh, anh giúp em thiết kế và in một tấm pa nô nội dung đại loại như vầy: chúng tôi cam đoan không dùng bột ngọt (mì chính), chỉ dùng chất ngọt tinh túy của xương bò! Anh phải viết thêm nhà phở gia truyền Phượng có trên 60 năm kinh nghiệm. Còn em sẽ định lượng lại tất cả nguyên liệu và soạn một quy trình nấu phở! Chuyện trang trí quán em giao cho anh miễn là trong quán lúc nào cũng phải có hoa tươi là được, Phượng là một loài hoa mà anh!
Nguyên ngạc nhiên kêu lên:
- Ô kê em, nhưng hôm nay em cứ như một giám đốc, đừng nói với anh em đang áp dụng quy trình quản trị doanh nghiệp với quán phở Phượng nghe? Tiếc quá, phượng là loài hoa đẹp nhưng ở Ðà Lạt không có phượng hồng!
Hà cười, anh quên ở Ðà Lạt có hoa phượng tím sao, anh mà quên là chết với em đó. Hà nói vậy nhưng cô biết chắc làm sao Nguyên quên được?
…Chiều muộn, Hà thong thả từ chợ đi ra, cô vừa đi vừa ngắm cây phượng tím già trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai đang nở đầy hoa, một góc trời tím như gợi lại kỷ niệm của một thời đi học, Hà vừa bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp, đời sinh viên đang ở phía sau. Lúc đó Nguyên đang loay hoay set up âm thanh ánh sáng cho chương trình nghệ thuật đường phố Hiphop Ðà Lạt mùa hè xanh. Vô tình anh bắt gặp Hà từ trong chợ đi ra, vừa đi vừa ngắm hoa phượng tím. Nguyên mỉm cười chọc: “cô gái ơi cô nhìn chi dữ vậy hoa phượng tím mắc cỡ rụng đầy sân khấu, biết đâu vì vậy mà mấy đứa nhỏ hiphop té thì tội tôi lớn lắm!”. Hà dừng bước, cô mỉm cười nhìn Nguyên: “chính tia nhìn của anh làm tôi té đó chớ đừng đổ thừa cho những bông phượng tím mà tội nghiệp ông Lương Văn Sáu đã cất công trồng!”. Con bé cũng đáo để thật, Nguyên nghĩ, bỗng dưng Nguyên thấy đôi mắt của cô gái sao giống đôi mắt của “người ta”, một người Nguyên không muốn nhớ chút nào!
Chuyện tình của họ bắt đầu từ cây phượng tím, giờ nghe Hà nhắc lại Nguyên thấy nao lòng:
- Ðược thôi, nhưng anh sẽ trang trí quán với hoa hồng, hoa hồng là hoa của tình yêu mà.
Nguyên và Hà bình luận chuyện ông Phước và ông Lại kể về bà ngoại. Nguyên nói câu chuyện có nhiều tình tiết “đắt” quá, nhưng ông Lại kể dở ẹc à, anh sẽ viết lại câu chuyện này rồi gởi đăng báo, em thấy được không? Hà cười khúc khích anh cứ thử sức đi, viết văn giống như cái xe cút kít, chẳng có gì xảy ra nếu mình không bắt đầu đẩy, anh à!
Quán Phượng dường như rạng rỡ ấm cúng hơn từ ngày Nguyên chưng những cụm hoa hồng trên mấy cái kệ sát vách, Hà để ý thấy những cặp đôi vào ăn phở nhiều hơn trước đó. Hà thích thú khi nhìn vẻ mặt ngất ngây của những cô gái khi ngắm hoa, còn những chàng trai thì nhặt rau, vắt chanh, pha chế tương để các cô chấm xí quách. Ðôi bồ câu rúc đầu vào nhau chắc là cũng dễ thương đến vậy là cùng, Hà nghĩ. Khách đến, Hà tươi cười chảo hỏi:
- Chị ăn gì?
- Cho tôi một tô tái nạm nhưng ít bánh thôi.
Ăn xong khi trả tiền người phụ nữ nói:
- Tôi nghe bạn bè kháo nhau quán phở Hoa Hồng trên đường Huỳnh Thúc Kháng nấu ăn khá lắm, hôm nay lên thử, cô không dùng bột ngọt đúng không?
Người phụ nữ nói tiếp, lần này dường như cô ta nói với mình:
- Bột ngọt giống như hôn nhau vậy, khi yêu mà không hôn đâu thấy được vị ngọt của tình yêu. Tôi nói vậy đúng không cô?
Hà ngạc nhiên quá sức, cô hỏi:
- Chị là…?
- Tôi là Nga, bạn Nguyên, chào cô nhé, chúc cô bán đắt hàng, cho tôi gởi lời thăm Nguyên!
Chiếc xe Atila chạy xa rồi, Hà vẫn còn nhìn theo. Tối đó Hà nói với Nguyên:
- Anh biết người ta gọi quán phở của mình tên là gì không? Không chờ Nguyên trả lời Hà tiếp:
- Là quán phở Hoa Hồng, quán nhà mình lại nằm trên con đường một thời được gọi là đường Hoa Hồng nữa chớ, em thích quá! Có một điều em rất ghét, anh biết điều gì không?
Nguyên ngạc nhiên hỏi Hà:
- Là gì em nói đi?
- Là quán phở Ngà, em ghét cay đắng cái tên “vô lý” đó!
Truyện ngắn: Võ Anh Cương