Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, với hơn một trăm sáu mươi bút danh khác nhau, Người đã viết hàng nghìn bài báo cho báo chí trong nước và nước ngoài. Ðặc biệt, từ khi trở về lãnh đạo phong trào cách mạng ở trong nước, năm 1941 cho đến những năm tháng cuối cùng, hầu như Tết nào Bác cũng có bài viết về Tết cho các báo.
Chúng ta đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, nhà hoạt động chính trị xuất sắc của phong trào cách mạng thế giới, Người còn là một nhà thơ, nhà báo lớn, Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, với hơn một trăm sáu mươi bút danh khác nhau, Người đã viết hàng nghìn bài báo cho báo chí trong nước và nước ngoài. Ðặc biệt, từ khi trở về lãnh đạo phong trào cách mạng ở trong nước, năm 1941 cho đến những năm tháng cuối cùng, hầu như Tết nào Bác cũng có bài viết về Tết cho các báo.
Cùng với những bài viết đã trở thành những cái mốc lịch sử như gửi các chiến sĩ cảm tử quân, về Tết trồng cây, về việc quan tâm đến đồng bào nghèo trong những ngày Tết, năm nào Bác cũng có thơ Tết gửi đến đồng bào, chiến sĩ trong cả nước. Tuy Bác nói chỉ là “mấy câu thành thật nôm na - vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân”, nhưng mỗi bài thơ Tết của Bác, từng câu, từng chữ đều nói lên đường lối chiến lược của cách mạng ở từng thời điểm cụ thể, được nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Có bài thơ Tết của Bác đã được phổ nhạc, có sức lan tỏa lớn. Bài thơ Mừng xuân 1969, bài thơ Tết cuối cùng của Bác “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào ” đã trở thành lời tiên tri cho thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Không chỉ chủ động viết báo Tết, Bác còn sẵn sàng nhận lời mời của báo chí muốn Bác viết bài cho báo mình. Như Tết năm 1945, ngay khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công, Bác đã viết cho báo Quốc gia, một tờ báo tư nhân còn tồn tại tới thời gian đó.
Tết này mới thật Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng - báo Quốc gia
Ðộc lập đầy vơi ba cốc rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Muôn nhà chúc Tết, xuân dân chủ
Cả nước hoan nghênh phúc cộng hòa
Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc
Những người chiến sĩ ở phương xa.
Lúc Bác còn sinh thời, đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta lại ngóng đợi được đọc thơ Xuân của Bác, coi đó là món quà không thể thiếu trong những giây phút mừng xuân.
Hơn bốn mươi năm Bác đã đi xa nhưng mỗi khi tết đến, mỗi chúng ta vẫn bồi hồi nhớ Bác, nhớ những vần thơ giản dị mà súc tích của Người khiến mùa xuân của đất trời và trong lòng người thêm xuân sắc, tươi mới, hứa hẹn mùa xuân tốt đẹp hơn đang chờ ta phía trước.
NGUYỄN GIA NÙNG