Chắt lọc những niềm vui dâng đời

01:01, 31/01/2014

Không ít trong số những văn nghệ sĩ ở Đà Lạt có gốc từ các dân tộc khác nhau trên dải Việt Nam cong hình chữ s. Dù sinh ra ở đâu, dân tộc nào, họ cũng đã hít thở hơi sương cao nguyên, khát khao sáng tạo, chắt lọc cho đời những niềm vui từ chính mảnh đất này. Xuân Giáp Ngọ đang tới, đang chờ đón triệu người với triệu niềm vui, Báo Lâm Đồng xin trân trọng giới thiệu chân dung một vài văn nghệ sỹ người dân tộc thiểu số đã sống, cống hiến và thành danh trên mảnh đất yêu thương Đà Lạt.

Không ít trong số những văn nghệ sĩ ở Đà Lạt có gốc từ các dân tộc khác nhau trên dải Việt Nam cong hình chữ s. Dù sinh ra ở đâu, dân tộc nào, họ cũng đã hít thở hơi sương cao nguyên, khát khao sáng tạo, chắt lọc cho đời những niềm vui từ chính mảnh đất này. Xuân Giáp Ngọ đang tới, đang chờ đón triệu người với triệu niềm vui, Báo Lâm Đồng xin trân trọng giới thiệu chân dung một vài văn nghệ sỹ người dân tộc thiểu số đã sống, cống hiến và thành danh trên mảnh đất yêu thương Đà Lạt.
 
Họạ sỹ Vi Quốc Hiệp: Đa đoan đi giữa cuộc đời
 
Họa sỹ Vi Quốc Hiệp
Họa sỹ Vi Quốc Hiệp
Ða đoan không phải là điều những người mới gặp Vi Quốc Hiệp hình dung về người họa sỹ có dáng vẻ bên ngoài trẻ trung, vô tư lự như anh. Vốn là một cậu bé Tày quê gốc Lạng Sơn, Vi Quốc Hiệp thể hiện năng khiếu hội họa từ khi còn niên thiếu. Vi Quốc Hiệp thường bảo, trông anh vui vẻ thế, ít người biết anh đã sống xa gia đình, “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân” từ khi còn rất ít tuổi, khi những bạn bè cùng trang lứa vẫn còn đánh quay đánh còn. Nhưng nỗi buồn của chú bé năm xưa cũng như những thăng trầm anh nếm trải trong cuộc sống khi trưởng thành, Vi Quốc Hiệp thả vào tranh, dùng màu sắc để bộc lộ. Khi còn ở quê hương xứ Bắc, anh sáng tác chủ yếu về đề tài miền núi, những cô gái Tày, gái Nùng trong sáng, những phiên chợ vùng cao đầy ắp màu sắc, những triền núi dốc đứng nghiêng bên vó ngựa. Tranh Vi Quốc Hiệp chân thành, chất phác như chính tâm hồn cậu bé Tày năm nào “cơm đùm cơm nắm” về Thủ đô học hội họa.
 
Có duyên đến với Ðà Lạt, Vi Quốc Hiệp như hạn gặp mưa rào, anh đắm trong một không gian tràn ngập màu sắc và đường nét. Và suốt mấy chục năm sống và vẽ ở phố núi, chủ đề chính trong tranh anh là thiếu nữ Ðà Lạt, là hoa, là dốc, là những ngôi biệt thự nằm im lặng bên những rặng thông xanh mờ. Say mê vẽ, say mê Ðà Lạt, anh lặng lẽ bỏ qua tất cả những thị phi ồn ào và náo nhiệt của người đời. Ðể tới bây giờ, bước tới tuổi “không còn trẻ” từ lâu, Vi Quốc Hiệp vẫn không ngừng vẽ. Anh bảo: “Mình tự đặt ra mục tiêu, 5 năm phải vẽ được bao nhiêu tranh, phải làm triển lãm ở đâu. Thế nên mình cắm đầu vào vẽ, vào sáng tác. Nhiều người bảo mình bị giời đày, già rồi làm được tới đâu thì làm, ép chi cho khổ. Mình thì nghĩ khác, trời cho mình còn cầm được cây bút, còn nhìn thấy màu sắc thì mình phải tiếp tục vẽ, tiếp tục cống hiến. Càng sống mình càng thấy tiếc nuối thời gian”.
 
Cũng vì chữ  tiếc mà Vi Quốc Hiệp “lấn sân” sang cả những lĩnh vực khác bao gồm âm nhạc và thơ ca. Anh sáng tác nhạc, làm thơ, trồng cây…, việc nào cũng đổ hết nhiệt tình và đam mê. Và ôm cả đa đoan vào lòng, anh vẫn lặng lẽ dâng cho đời những sắc màu hạnh phúc.
 
Dương Toàn Thiên: Hát cho nguồn cội thẳm sâu
 
Nhạc sĩ Dương Toàn Thiên
Nhạc sĩ Dương Toàn Thiên
Dương Toàn Thiên, nhạc sỹ, Trưởng phòng Văn nghệ Ðài Phát thanh truyền hình Lâm Ðồng có nụ cười tươi tắn, nụ cười của người yêu mình, yêu đời. Rời quê hương Cao Bằng vào Ðà Lạt lập nghiệp, anh đã chọn cho mình một miền quê mới, với tình yêu và nỗi nhớ của kẻ lãng du xa nhà. Chàng trai người Tày, con cháu của những ông cha hàng trăm năm làm phên giậu cho đất nước dù đi xa thật xa vẫn mang trong tim lời ru của bà, của mẹ. Như là số phận, rời quê hương Cao Bằng núi non hiểm trở, anh lại tìm tới với Ðà Lạt, cũng là cao nguyên mang đầy mộng mơ.
 
Sáng tác nhạc từ khi còn rất trẻ, Dương Toàn Thiên dường như cá gặp nước khi sống và làm việc ở Ðà Lạt bởi với anh, mảnh đất xa xôi đến thế đã trở nên gần gũi biết bao nhiêu. Bởi vậy, sáng tác của anh hầu hết là về Ðà Lạt, từ một dải sương mù lãng đãng, một dáng thiếu nữ cầm dù đi dọc Xuân Hương hay góc phố nghiêng nghiêng. Và như luyến lưu nguồn cội, nhạc của anh luôn vương vấn chất dân gian giai điệu dịu dàng, ngọt ngào của những câu ca dao, dân ca xứ Bắc. Hòa nhịp với sự lãng mạn, ngọt ngào của Cao nguyên phương Nam, chất liệu dân gian đã tạo cho nhạc Dương Toàn Thiên một vẻ đằm thắm, duyên dáng, nhẹ nhàng. Nghe ca khúc “Ngẫu hứng Ðà Lạt phố” của anh mới thấy sự hòa hợp giữa chất dân gian và âm nhạc đương đại nhuần nhuyễn, đậm chất lãng mạn, hào hoa mà vẫn rất dân dã của phố núi.
 
Anh bảo, mình viết như mình yêu, yêu là lời cất tự con tim mà không cần lên gân lên cốt. Ðà Lạt, sau Cao Bằng, đã cho anh tình yêu và để đền đáp lại tình yêu ấy, anh đã sống, đã viết và đã dâng hiến cho thành phố này trái tim của kẻ tha hương. Và trong cuồn cuộn sóng tình ấy, nguồn cội sẽ mãi mãi là chiếc neo níu trái tim âm nhạc của Dương Toàn Thiên, là kim chỉ nam cho sáng tác của người nhạc sỹ đa tình.
 
Krajăn K’Dick: Vươn vai hát giữa đại ngàn
 
Nhạc sĩ Krajăn K’Dick
Nhạc sĩ Krajăn K’Dick
Lang Biang huyền thoại, ngọn nguồn của Ðà Lạt hôm nay đã sản sinh ra những sơn nữ dịu hiền, những chàng trai oai hùng, con của đại ngàn kỳ vĩ. Và dưới bóng những ngọn núi ấy, chàng trai Krajăn K’Dick đã được sinh ra, lớn lên, hát và sáng tác như dòng Ðạ Lạch chảy đêm ngày. Chàng nhạc sĩ K’Ho đã hát vang những lời yêu thương từ buôn nhỏ Bon Dơng, xã Lát tới với đông đảo thính giả khắp mọi miền đất nước.
 
Rời quê hương, một buôn nhỏ dưới chân Lang Biang hùng vĩ, K’Dick trở thành thành viên của Ðoàn Ca múa nhạc tỉnh Lâm Ðồng, mang lời ca, tiếng hát của mình đi phục vụ bà con. Và trong suốt quá trình đi, chiêm nghiệm, anh đã hấp thụ được những chất liệu dân ca của nhiều dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất Lâm Ðồng. Kết hợp với ký ức của cậu bé trong những đêm mưa nghe mẹ ru thầm thì, anh bắt đầu viết. Ca khúc của anh là ca khúc của người con cao nguyên. Trong ca khúc có lời ru của mẹ, lời tự tình của người con gái, lời khuyên của cha, có lửa của bếp hồng đêm lạnh, có dòng chảy của suối lạnh đại ngàn, có lời âm thầm của núi Mẹ… Anh viết lên chính tiếng lòng của mình và đồng bào mình, nồng nàn, sâu lắng nhưng cũng đầy đam mê, nóng bỏng. Ca khúc của anh đích thực là ca khúc của một chàng trai, đứa con của đại ngàn hùng vĩ.
 
Không chỉ sáng tác, rời công việc quản lý, anh chăm chỉ đi tới những vùng quê, sưu tầm, ghi lại những bài ca dao K’Ho còn lẩn khuất đâu đó giữa những buôn làng xa xôi. Và anh dồn sức vào việc đào tạo âm nhạc cho lứa ca sĩ, nhạc sĩ K’Ho kế tiếp. Anh dạy cho những chàng trai, cô gái K’Ho biết tình yêu với những ca khúc quê hương, đưa những bài hát đậm chất cao nguyên tới với những lữ khách gần xa. Krajăn K’Dick đã sống, sáng tác và hát như chàng trai ngực trần ngày nọ, vươn vai hát giữa đại ngàn quê hương.
 
DIỆP QUỲNH