"Chiều phố núi" chọn âm giai đô trưởng (C) làm chủ đạo nhịp 2/4 điệu Tango. Tango là thể loại âm nhạc Tây phương đưa vào Việt Nam thời kỳ đầu tân nhạc. Bài hát gồm hai đoạn, mỗi đoạn là sự gạnh nối, mô phỏng tâm trạng khác nhau giữa con người với thiên nhiên giữa tình yêu và nguồn sống.
1. Tôi và nhà báo Nguyễn Thanh Đạm quen chơi và nhậu với nhau từ thời bao cấp, nhưng không hiểu ngày giờ nào, cơ duyên gì tôi lùng trong đống tài liệu dưới hộc bàn làm việc của mình. Bỗng dưng gặp bản nhạc phổ thơ của Nguyễn Thanh Đạm in trong tập “Thơ tình Đà Lạt” (xuất bản 1993 nhân 100 năm Đà Lạt). Lặng trầm một khoảng… ngày ấy chợt về, vào dịp cuối năm cô chú nhạc sĩ Trần Hoàn vào khu kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng thăm bà con tiện thể lên Đà Lạt chơi cùng anh em nghệ sĩ Đoàn Ca Múa Nhạc. Sau đó tập cho ca sĩ và ban nhạc sáng tác mới vừa phổ thơ của Trần Ngọc Trác. Đêm đó, Mơ Bonne Ka Thiếu hồn hậu với giọng ca nguyên sơ suối rừng, đẫm chất dân nhạc Cil K’Ho. Tôi không thể tưởng chú bình dị và lãng tử đến vậy, ôm ghi ta gỗ uống rượu trắng ngả nghiêng gần đến sáng, nhưng vì sức khỏe của nhạc sĩ, cô nhất quyết ngăn… Chúng tôi đành chia tay giữa đêm trăng cao nguyên ngùi ngùi sương lạnh và dằn lòng tiếc nuối, lúc về chú đưa cho tôi bản nhạc chép bằng tay rất đẹp, rất mộc, thế là bài hát phổ thơ của Nguyễn Thanh Đạm có từ dạo ấy. Cũng từ đêm xa ấy nhạc sĩ Trần Hoàn ra đi biền biệt… để lại trong tôi dấu lặng buồn những giọt đàn hoang phiêu CHIỀU PHỐ NÚI.
“Chiều phố núi” chọn âm giai đô trưởng (C) làm chủ đạo nhịp 2/4 điệu Tango. Tango là thể loại âm nhạc Tây phương đưa vào Việt Nam thời kỳ đầu tân nhạc. Bài hát gồm hai đoạn, mỗi đoạn là sự gạnh nối, mô phỏng tâm trạng khác nhau giữa con người với thiên nhiên giữa tình yêu và nguồn sống.
a.“Chiều đi trên phố núi
Nắng nhạt lưng đồi xa…”
b.“Nếu không vì hẹn ước
Em nhé nhà gần thôi!”
Đồng điệu đến lạ kỳ giữa thơ với nhạc, mặc dù tác giả Nguyễn Thanh Đạm chưa từng diện kiến nhạc sĩ Trần Hoàn. Ở đây âm nhạc cần sự thăng hoa cho nên lời thơ hoán đổi vài câu chữ, nhưng không vì thế mà mất đi cái man mác buồn CHIẾU PHỐ NÚI dấu đi nỗi lòng khát cháy tình yêu.
Bài hát với những note trầm bổng lắng sâu, diệu vợi qua nắng, qua mưa, qua từng cung bậc âm thanh, rồi lặng lẽ dìu ta vào cõi hiền hoa trái nghiệm sinh.
Tôi đã dàn dựng nhiều tác phẩm của nhiều tác giả trong ngoài tỉnh và đây là bài hát phổ thơ theo điệu Tango hay nhất Đà Lạt. CHIỀU PHỐ NÚI đã được Cil K’Rao biểu diễn lần đầu trong đêm Nguyên Tiêu rất hiệu quả nhân ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất.
2. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp là đồng nghiệp nhưng chính thức bắt chuyện là khi chúng tôi cùng chung nhận giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2006 tại Sài Gòn.
Sau này Quỳnh Hợp thường xuyên lên Đà Lạt và phổ rất nhiều thơ của các tác giả ở Lâm Đồng. Mùa lễ hội năm nay, Quỳnh Hợp cho tôi nghe sáng tác mới phổ thơ CHIỀU PHỐ NÚI cũng của Nguyễn Thanh Đạm bản nhạc được giới thiệu trên Báo Lâm Đồng Cuối tuần (4/1/2014). Vâng phổ thơ mà không phải là phỏng thơ mặc dù có chút ít thay đổi đoạn cuối, bởi thơ của Đạm chòng chành nhạc điệu chiết khúc từng ý xoe tròn ngữ nghĩa… Thơ thiệt thà đến vậy nên âm nhạc có gì đó phá cách. Quỳnh Hợp sử dụng vốn liếng và sở trường của mình biến câu thơ mịn màng thành dòng nhạc trẻ trung cháy khát, khác với nhạc sĩ Trần Hoàn. Quỳnh Hợp chọn âm giai rê thứ (Dm) xuyên suốt theo nhịp 4/4 thể loại Pop, bài hát chia thành hai đoạn chỉn chu, từng note tròn, trắng, đen, lặng, móc với nhiều đảo phách (Sincope) trong mỗi ô nhịp.
a.“Chiều về trên phố núi…
Những bước chân xốn xang”
b.“Vậy xin bình yên lại…
Nhà gần thôi nhé em”
Ở đây tôi cần chia sẻ thêm mặc dù giai điệu bản nhạc thuần túy thể loại Pop, nhưng khi hòa âm phối khí nhạc điện tử (Sequencer) thì hóa thành nhịp điệu Latinh sống động bừng lửa, cũng chính sự khác biệt đó, chông chênh đó giữa giai điệu và nhịp điệu, đã tạo sức hút mạnh cho giới trẻ và công chúng yêu nhạc hiện nay.
Trở lại bài thơ của Nguyễn Thanh Đạm được hai tác giả phổ nhạc, chừng mực nào đó ở chiều sâu độ chín, độ rung và độ cảm của từng người, riêng tôi mãi mãi ghi nhận mỗi bài là mỗi cánh nhạc, chập chùng mơ bồng bềnh phiêu.
CHIỀU PHỐ NÚI
Chiều về trên phố núi
Nắng nhạt lưng đồi xa
Chân mình nên khách lạ
Bâng khuâng, ôi tóc thề.
Nếu không mắc hẹn hò,
Nhà gần thôi, em nhé
Vậy xin yên bình lại
Những bước sao xốn xang…
Trời đang độ thu vàng
Mà hồn tôi xanh lá,
Thầm gọi em gió Xuân
Đến sớm chiều phố núi.
Chiều về trên phố núi
Nắng nhạt lưng đồi xa…
1981
NS ĐÌNH NGHĨ