Hoa Lang Biang thành dân ca

02:01, 30/01/2014

Cách đây hơn 3 thập kỷ, nhiều thế hệ người yêu nhạc đã mê đắm ca khúc Hoa Lang Biang của nhạc sĩ Đình Nghĩ, nhưng lại rất ít người biết rằng cũng từ rất lâu ca khúc này đã trở thành… dân ca.

Cách đây hơn 3 thập kỷ, nhiều thế hệ người yêu nhạc đã mê đắm ca khúc Hoa Lang Biang của nhạc sĩ Đình Nghĩ, nhưng lại rất ít người biết rằng cũng từ rất lâu ca khúc này đã trở thành… dân ca.

 

NS Đình Nghĩ
NS Đình Nghĩ
Đà Lạt ngày mưa phiêu. Tôi ngồi lặng dõi theo những giọt âm sắc rộn rã, vui tươi nhả ra từ chiếc guitar thùng mà nhạc sĩ Ðình Nghĩ đang ngẫu hứng miên du về miền ký ức ẩn ảo, qua khúc ca Hoa Lang Biang - một biến thể của bài chiêng Ði săn bắt con nai - Pep tồr jùn, nhưng hoàn chỉnh hơn về mặt nhạc học. “Em lên nương mang gùi trên vai như hoa trên đồi Lang Biang. Sông K’rông Nô xanh màu mắt em buôn làng Kôn Ðố. Em yêu quý núi rừng buôn làng của em”. 
 
Trái tim tôi chợt đập rộn những nhịp vui, khi nghe lại những khúc nhạc ngẫu hứng mang âm hưởng dân nhạc truyền thống Tây Nguyên lấp lánh trong bóng nắng lung linh với hình ảnh người sơn nữ vai mang gùi nơi núi rừng điệp trùng.
 
Hoa Lang Biang được nhạc sĩ Ðình Nghĩ sáng tác vào năm 1982. Kể từ khi xuất hiện, cách nay hơn 3 thập kỷ, Hoa Lang Biang vẫn là một trong những ca khúc thành công nhất của Ðình Nghĩ và luôn được nhiều thế hệ say mê. Ca khúc được nhạc sĩ viết theo hình thức 2 đoạn đơn tương phản. 
 
Ðoạn a, được viết ở giọng Mi thứ một đoạn đơn, gồm 2 câu nhạc, bắt đầu từ “Em lên nương…” cho đến “… hát khúc tâm tình”. Câu 2 “Chim Chơ lang…” nhắc lại nguyên dạng chất liệu âm nhạc của câu 1. 
 
Giữa đoạn a và đoạn b, nhạc sĩ Ðình Nghĩ sử dụng một câu nhạc nối, gồm có 4 nhịp “Hê… Hề… Hế…”. 
 
Chuyển sang đoạn b từ “Câu yal yau (gian giao)…” đến “… Hoa Lang Biang”, Ðình Nghĩ viết ở giọng Mi trưởng (giọng cùng tên với giọng Mi thứ ở đoạn a) và bắt đầu xuất hiện chất liệu âm nhạc mới, tương phản hoàn toàn với đoạn a. 
 
Ở đoạn a, nhạc sĩ Ðình Nghĩ sử dụng chất liệu của âm nhạc K’Ho, giai điệu với nét nhạc quãng 3 thứ; đến đoạn b, sử dụng giai điệu với nét nhạc quãng 3 trưởng và quãng 3 thứ đan xen nhau. Cụ thể, trong câu “Hát, hát lên đi và cùng em đi khắp nương đồi. Múa, múa quanh vòng và cùng em múa quanh lửa hồng”, thì sự không rõ ràng giữa trưởng và thứ nơi âm nhạc cồng chiêng đã được Ðình Nghĩ hoàn chỉnh theo âm nhạc bác học phương Tây.
 
Ca sĩ đầu tiên thể hiện bài Hoa Lang Biang là Mơbonne Ka Thiếu - người Cill, lúc này đang theo học tại Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân - TP Ðà Lạt. Sau đó, Mơbonne Ka Thiếu đã được tuyển chọn vào Ðội Thông tin lưu động và nửa năm sau, trở thành thành viên chính thức của Ðoàn Ca múa nhạc Dân tộc Lâm Ðồng. Mơbonne Ka Thiếu đã đem Hoa Lang Biang đi tham dự giọng hát hay toàn quốc ở Hà Nội và đoạt Huy chương Vàng. Còn ca khúc Hoa Lang Biang thì được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng giải thưởng riêng cho sáng tác mới. Từ đó đến nay, trong các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng hay chuyên nghiệp, trên sân khấu rực rỡ ánh đèn hay ở một bon làng hẻo lánh, bên bếp lửa nhà sàn, ca khúc Hoa Lang Biang của Nhạc sĩ Ðình Nghĩ luôn vang lên đằm thắm, trẻ trung trong mọi lứa tuổi. Có lẽ không có hội diễn nào ở cấp tỉnh cũng như cấp huyện, chương trình nào đi dự liên hoan toàn quốc mà không sử dụng ca khúc Hoa Lang Biang của Ðình Nghĩ và đều đoạt từ Huy chương Bạc trở lên. Về sau, ca khúc này còn được ca sĩ Bonneur Trinh thể hiện cũng khá thành công.
 
Trở về với lịch sử và trở về với nhạc sĩ Ðình Nghĩ một chút, để thấy nguồn gốc do đâu mà Hoa Lang Biang trở thành… dân ca. Năm 1980, là năm đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của Ðình Nghĩ, không chỉ bởi lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất đa văn hóa Lâm Ðồng, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành Nhạc cụ dân tộc, mà chính sự thay đổi nơi cư trú này đã thôi thúc Ðình Nghĩ tìm kiếm tư duy riêng để có thể tự định nghĩa mình trong sáng tác âm nhạc thay vì biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế. 
 
Cũng trong năm này, Ðình Nghĩ gặp và chơi thân với Lâm Tuyền Tĩnh - một người tâm huyết với di sản folklore, công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Lâm Ðồng. “Có thể nói, tôi thật sự bàng hoàng, kinh ngạc trước một con người đắm đuối folklore đến thế!” - Ðình Nghĩ nhớ lại. Rồi Ðình Nghĩ theo Lâm Tuyền Tĩnh điền dã về các bon làng xa xôi, hẻo lánh của đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ, K’Ho ở Cát Tiên, Ðạ Tẻh, Ðạ Huoai và thấy dân nhạc ở đây kỳ lạ quá. Cồng chiêng mà đồng bào diễn tấu, diễn xướng không giống với âm nhạc ngũ cung Tây phương, có nghĩa là quãng 3 giữa trưởng và thứ không rõ ràng. Nguyên nhân là do cồng chiêng Tây Nguyên lấy thang âm bồi tự nhiên để thiết lập thang âm cho mỗi bộ chiêng. Theo đó, mỗi bộ chiêng thường có thang 3 âm hay thang 6 âm cơ bản và một chiếc chiêng cồng sẽ tạo ra một âm cơ bản, tương đương với mỗi nốt trên phím đàn. Mỗi một nghệ nhân chơi chiêng trong dàn chiêng sáu sẽ đảm trách một nhạc âm trong đường tuyến giai điệu và chuỗi giai điệu trong một bài chiêng chính là sự kết tinh của sự phối hợp ăn ý giữa sáu nghệ nhân chơi chiêng. Ngoài ra, dàn cồng chiêng khi trình tấu lại trải dài trong không gian, nên giai điệu luôn hiện hữu dưới dạng hiệu ứng âm thanh nổi - một hiện tượng dường như chỉ thấy ở âm nhạc cồng chiêng, cùng với độ cao thấp và dài ngắn, còn nghe được cả độ xa gần. 
 
Qua những lần gặp gỡ, giao lưu ấy, Ðình Nghĩ nhận thấy những sở học trường quy về Nhạc cụ dân tộc đã không còn phù hợp với mảnh đất và con người Tây Nguyên; nên từ đó, mới bắt đầu có ý thức tìm hiểu nhạc lý truyền thống Tây Nguyên. 
 
Ðình Nghĩ lại tiếp tục lên đường đến với các bon của người Lạch, người Cill dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ. Ở đây, Ðình Nghĩ gặp những chàng trai, cô gái “… da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” (Ơi M’Dak của nhạc sĩ Nguyễn Cường) cứ đêm về là quây quần bên nhau so chiêng, chỉnh nhịp và tấu lên những âm thanh đại ngàn. Trong đó, bài chiêng “Pep tồr jùn”, được xem như “quốc ca” của các dân tộc M’Nông, Cill, Lạch… Thế rồi, Ðình Nghĩ dựa trên điệu thức của bài chiêng này để viết nên ca khúc Hoa Lang Biang.       
 
 Nhiều người bảo rằng, hoa Lang Biang là một loài hoa cụ thể, có thật ở Cao nguyên Lâm Viên. Nhưng trên thực tế, hoa Lang Biang là một loài hoa ảo, không có thật và nhạc sĩ Đình Nghĩ là người sáng tạo nên để ca ngợi vẻ đẹp của một sơn nữ trên vùng núi Lang Biang. Tôi thì xác tín rằng, đấy nhất định phải là “mối tình đầu” của nhạc sĩ Đình Nghĩ với một người sơn nữ nào đó. Bởi, chỉ có tình yêu đầu mới để lại những dư chấn trong veo mà đằm sâu đến vậy. 
Nhạc sĩ Ðình Nghĩ kể: Có anh bạn cũng là nhạc sĩ đang công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam vào Lâm Ðồng tham quan và nghiên cứu. Bước chân lãng tử của chàng trai Hà thành đã đặt xao xác dưới chân núi Lang Biang. Trong lần đầu tiên chạm vào miền cao nguyên nắng gió Lâm Ðồng, chàng trai Hà thành đã thật sự bị thuyết phục bởi không khí văn nghệ nơi đây. Hằng đêm, các chàng trai, cô gái người Lạch, người Cill lại tụ tập quanh đống lửa và ngân nga những bài chiêng, điệu chiêng, nhịp xoan. Ðêm vơi dần cùng ché rượu cần, bếp lửa, ca khúc Hoa Lang Biang bỗng trỗi lên. Nghe qua, giai điệu rất giống các điệu chiêng mà người Cill, Lạch, M’Nông thường xuyên sử dụng trong các lễ hội. Ngỡ đây là một khúc dân ca của người Tây Nguyên, nên anh bạn nhạc sĩ đã lấy giấy bút ra ký âm bài Hoa Lang Biang. Rồi anh bạn nhạc sĩ này đem về khoe với Ðình Nghĩ mình mới sưu tầm được một bài dân ca của đồng bào Tây Nguyên rất hay. Vừa nói, anh ta vừa chìa bản ký âm cho Ðình Nghĩ xem. Thấy vậy, nhạc sĩ Ðình Nghĩ bảo: “Bài đấy của tao chứ dân ca đâu mà dân ca!”.
 
Ca khúc Hoa Lang Biang không chỉ thành công trong nước mà còn nhanh chóng lan tỏa ra cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Con gái của nhạc sĩ Ðình Nghĩ hiện đang theo học và định cư tại Mỹ, trong một lần về Việt Nam, đã kể lại câu chuyện khá thú vị: Ở Mỹ, sau những lần tham gia hội trại hoặc liên hoan văn hóa, văn nghệ…, thể nào ca khúc Hoa Lang Biang cũng được con em cộng đồng các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên cất lên. Trong một lần như thế, con gái của nhạc sĩ Ðình Nghĩ, buột miệng: “Bài Hoa Lang Biang là của bố tao đấy!”, thì mọi người trố mắt: “Mày chỉ được cái bốc phét, chứ làm gì có chuyện đó. Bài hát này là của dân gian truyền lại mà!”.
 
Ðình Nghĩ không chỉ có mỗi ca khúc Hoa Lang Biang, mà Ðình Nghĩ còn là tác giả của những ca khúc: Say trăng, Hương chiều, Bông bí vàng ngày hạ… cũng rất nổi tiếng và hay không kém. Nhưng dù sao, tôi vẫn dành sự ưu ái của mình cho ca khúc Hoa Lang Biang hơn. Vì nó thể hiện được tâm trạng, tiếng lòng và làm tôi thấy lại thấp thoáng bóng dáng người sơn nữ chông chênh trong quá khứ của riêng mình.
 
TRỊNH CHU