Gia đình bác Đông có ba người con gái là Linh, Hà, Hiền. Linh là chị cả học cùng khoa, cùng trường đại học với tôi nhưng khác lớp. Với làn da trắng màu sữa, đôi mắt rợp hàng mi ánh ướt, dáng mềm mại nữ tính, ở đâu Linh cũng như có từ trường hút mọi ánh mắt dõi theo.
Gia đình bác Đông có ba người con gái là Linh, Hà, Hiền. Linh là chị cả học cùng khoa, cùng trường đại học với tôi nhưng khác lớp. Với làn da trắng màu sữa, đôi mắt rợp hàng mi ánh ướt, dáng mềm mại nữ tính, ở đâu Linh cũng như có từ trường hút mọi ánh mắt dõi theo.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Nghe đâu Linh đã nói: “Nam sinh viên cả khoa này chẳng ai đáng mặt gọi bằng anh”. Vậy là thằng tuốt sao? Lúc ấy chưa thân, nghe đồn thổi vậy lại thấy cái ánh nhìn phớt ăng lê của Linh nên khó gần. Sau này khi thân nhau rồi tôi mới thấy gia đình bác Đông ai cũng lịch thiệp, sâu sắc và chứa chan tình cảm. Họ nhất định không có kiểu nói ngông, ngạo mạn và khinh bạc trước ai.
Một lần tôi trêu Linh: “Nổi tiếng nhất trường, sướng nha”. Linh nheo nheo hàng mi cong vút ngẫm ngợi: Nổi gì, tự dưng người ta cứ bình Linh thế này, thế nọ, rong rều ấy mà, vướng vào bị tai tiếng, lặn là xong. Hồi bé, có lần bị bạn trong xóm dọa đánh, chạy về nhà khóc thật to cầu cứu bố. Không ngờ cụ bô nghiêm mặt: con không biết cách bảo vệ mình thì đừng đi chơi nữa. Đừng một tí về mách tội bạn. Bố rất ghét tính mách lẻo nghe chưa. Bố rèn từ bé, không bênh vớ vẩn đâu.
Tôi may mắn quen thân với cả nhà Linh nhờ một tập tranh. Hôm ấy, từ nơi sơ tán về Hà Nội, vừa bước khỏi ga Hàng Cỏ, tôi thấy Linh chạy theo: “Ngọc có tập sách gì dày thế ?”. “Tranh Lê Vi Tan”. Linh mở to đôi mắt tròn: “Lê Vi Tan? Cho mình mượn với”. Tôi lắc đầu: “Sách tớ mượn, đến hẹn phải trả rồi”. Linh níu tay: “Khoan đã Ngọc. Cho mình mượn một đêm được không?”. Tôi hơi ngạc nhiên. Các bạn học cùng khoa ngoài chuyên môn, ít ai quan tâm đến sân khấu, ca nhạc, tranh ảnh. Còn tôi tuy sống ở quê nhưng từ lâu đã thích đủ thứ. Sợ bị từ chối Linh nói rất nhanh: “Ngọc ơi, nói thật, không phải mượn cho mình đâu. Em gái út sắp thi vào đại học mĩ thuật. Nó ước xem tranh Lê Vi Tan lâu rồi mà không có. Ngọc làm ơn giúp em mình đi”. Hiểu rồi, không để Linh năn nỉ thêm, tôi trao ngay tập tranh và dặn kĩ: “Phải đúng hẹn nhé, mấy giờ trả?”. “Sáu giờ sáng mai”. Đồng hồ sân ga lúc đó khoảng bảy giờ tối, Linh ôm tập tranh lao đi (Mỗi khi thương yêu nhớ lại, bóng sấp ngửa của Linh chạy trên hè phố nhập nhoạng đèn, ngực tôi lại nhoi nhói.) Sáng hôm sau, đồng hồ vừa điểm sáu tiếng, Linh mang tập tranh gõ cửa nhà tôi, không chậm một khắc. Giọng Hà Nội của Linh trong veo thánh thót: “Tuyệt quá Ngọc ơi, đêm qua cả bố mẹ và ba chị em Linh thức trắng giành nhau xem tranh. Ai cũng gửi lời cảm ơn Ngọc”. Khuôn mặt rất Na-Ta-Sa của Linh rạng ngời: “Vui lắm, cả nhà bình luận suốt đêm. Bố bảo Hà Nội đang bị bom đạn thế này mà được xem mùa thu nước Nga của Lê Vi Tan cảm thấy chiến tranh bớt căng thẳng hơn”. (Nếu biết cả nhà họ mê tranh, tôi thề, không nỡ đòi gấp thế). Tình bạn khai mở, chúng tôi thân nhau từ đó.
Hà là em gái thứ hai học Violon hệ trung cấp nhạc viện Hà Nội. Không nhan sắc như Linh, bù lại Hà rất có duyên, giọng nói trong ấm, truyền cảm. Khi trò chuyện với Hà, tôi bớt “nổ” và biết chừng mực hơn. Thường tôi thích ngồi yên nghe Hà thủ thỉ. Có lần thấy tôi mân mê chiếc roi mây ánh màu cánh gián treo góc tường, Hà khoe của ông nội em, bố giữ lại làm kỉ niệm và “Thỉnh thoảng có dùng”. Hà kể: Trước kia ông bà nội có tiệm kim hoàn, rồi truyền nghề lại cho bố. Sau đó gia đình em bị quy thành phần tư sản, vàng bạc, cửa hàng bị tịch thu. Hết vốn, có lúc mẹ em phải bán hàng rong. Một bữa mẹ bị ốm, chị Linh đi học, em dắt Hiền ra đầu phố bán mẹt bánh chưng giúp mẹ. Gần trưa còn ba cái bánh, loại nhỏ vừa một người ăn. Hiền cứ liếm môi chòng chọc nhìn mẹt bánh. Em bóc cho Hiền một cái, rồi mình một cái. Thật xúi quẩy, chị Linh về ngang bắt gặp, mỗi em nhận ngay một bốp vào má, chị hét: Chúng mày dám ăn bánh, lấy tiền đâu đưa mẹ? Về đến nhà, chị còn réo: Mẹ ơi, cái Hà, cái Hiền ăn hết bánh của mẹ rồi. Hồi ấy, mấy chị em còn bé lắm, nhìn Hiền nấc… hấc… hấc mẹ thở nặng nhọc: Linh đánh em hả con? Giọng mẹ xa xót: Lỗi tại mẹ để các con đói. Mắt mẹ rười rượi như có khói có sương. Trận ấy không roi mà hằn em mãi... Khổ nhất là khổ thèm ăn chị nhỉ?Gia đình em từng quyên góp nhiều tiền, vàng ủng hộ chính phủ nên sau đó họ có hoàn trả một ít tài sản, bố mẹ được vào làm biên chế phụ trách kĩ thuật sản xuất gọng kính. Tôi thường gặp sớm chiều bác trai vui vẻ chở bác gái trên chiếc xe đạp đến xưởng sản xuất, rồi họ cùng về thu vén tươm tất bữa cơm gia đình. Mức sống người dân thủ đô thời chống Mỹ mọi thứ tiêu dùng đều theo tiêu chuẩn tem phiếu, thực phẩm hạn chế. Nhưng đã thành nếp, cuối tuần gia đình nào cũng cải thiện bữa ăn để đãi đằng nhau. “Sơn hào hải vị” sang nhất đi nữa thường cũng chỉ là một con vịt đem luộc, nước và cổ cánh hầm măng, lòng mề xào mướp. Món nem rán thì nhân độn giá hoặc củ đậu nhiều hơn thịt. Bữa cơm gia đình bác Đông quả có phần “sang vì vợ”, nhờ bác gái giỏi chế biến và khéo léo bày biện món ăn. Tuy không giàu có nhưng bữa cơm luôn ấm màu phong lưu, sang nhã. Tôi nhớ một lần đón trung thu tại nhà bác Đông. Trên chiếc chiếu hoa trải ngoài ban công, một đĩa sứ xếp tăm tắp những chiếc gai bưởi già để nhể ốc. Hai rá mây xinh xinh để đựng vỏ ốc. Ở giữa đặt một mâm đồng đầy vun ốc, con nào con nấy đều bằng cỡ hạt mít vỏ óng láng nghi ngút thơm lừng mùi lá chanh, lá sả luộc cùng quả thơm thái nhỏ để ốc có vị đậm ngọt. Chủ và khách, già lẫn trẻ hồ hởi nhể ốc, chấm vào chén nước mắm pha chế công phu đặc sánh gừng sả cùng chanh ớt. Rồi cứ ốc, cứ chuyện trò thơ ca rôm rả níu chân khách đến tận khuya. Tôi không còn nhớ trăng trung thu đêm ấy sáng độ nào, có vằng vặc trong xanh giữa phố phường thủ đô? Nhưng dư vị thanh cao đậm đà món quê đêm ấy đọng mãi trong tôi cảm giác sang trọng đủ đầy, thấm đẫm hồn quê, hương quê Việt.
Thỉnh thoảng bác Đông tổ chức hòa tấu kiểu Salon tại nhà để Hà và các bạn được trình diễn trước khán giả. Dáng bác Đông cao gầy, thường ngày giản dị bộ quần áo màu nông dân. Lần đầu tiên thấy bác diện quần dạ màu kem, xếp li phẳng lì, áo pô pơ lin trắng tinh tay cài khuy măng séc mạ vàng, tôi vừa ngắm vừa xuýt xoa khen bác đẹp. Bác cười rất tươi: “Cảm ơn cháu, thành tật rồi, mỗi lần được nghe nhạc, bác rất thích mặc đẹp và trang trọng”. Sau bữa cơm tối thân mật, đến chương trình hòa tấu, bác Đông tắt đèn điện, thắp nến rồi hắng giọng: “Mời tập trung nghe nhạc, không được phân tán vào bát đĩa, thức ăn để trên bàn”. Khách tủm tỉm cười, rồi ai cũng răm rắp yên lặng. Âm nhạc tràn ngập khắp phòng.
Trong gia đình bác Đông, người tôi thân nhất, cùng tôi tham dự nhiều trò hoạt náo nhất là cô gái út kém gần năm tuổi. Đáng tuổi là chị em nhưng vui miệng thành quen cứ nhà ngươi và ta, khi nào não lòng lắm mới Hiền ơi, Ngọc ơi. Hiền có gương mặt trẻ thơ và tâm hồn trong trẻo. Hồi học cấp hai tranh vẽ của Hiền đã được tạp chí mĩ thuật Đông Đức tuyển chọn và giới thiệu. Hiền thích bắt ngay thần thái người đối diện rồi thì anh có khuôn mặt Ai Cập, chú có vầng trán nhà hiền triết, dáng dấp chị rất Bô Hê Miêng… Lần nọ có một vị khách khá trẻ lần đầu đến thăm gia đình bác Đông. Trong câu chuyện tình cờ nhắc đến một người quen, bác Đông nói: “Tôi có biết sơ sơ”. Còn khách thì khoe: “Anh ấy đang giữ chức vụ rất quan trọng trong ủy ban thành phố. Như người một nhà, anh ấy chẳng giấu em điều gì bác ạ”. Thấy khách mở lòng quá mức cần thiết, bác gái ý tứ: “Ta nói chuyện khác hay hơn”. Khách vẫn muốn dốc hết đời tư và những chuyện tế nhị của bạn mình: “Chúng em thân nhau như ruột thịt…”. Đó cũng là lần hiếm hoi tôi thấy bác Đông lớn tiếng cắt ngang lời khách: “Xin lỗi, đã thân nhau, tin nhau như thế sao anh còn kể tào lao ra đây, không sợ phiền phức đến bạn anh à?” Khách ngượng, chào, ríu chân ra cửa. Hiền vội đặt chiếc bảng con lên giá vẽ, phác thảo hình con ong vò vẽ có nét mặt hao hao vị khách đang cong đít đốt vào ống tay áo, vừa vẽ vừa uốn éo lẩy: “Thân nhau mà thế…ế ế… bằng mười hại nhau… au au”. Bố mẹ ngắm bộ dạng Hiền, cười rũ, tan ngay cảm giác bực dọc. Hiền còn mê sách đến độ lỡ khoe cuốn gì hay mà Hiền chưa kịp đọc là túm ngay nài nỉ kể. Linh bực em, cằn nhằn: “Em phiền thế, ai còn dám đến nhà mình”. Tính Hiền khoáng đạt, dí dỏm mà sâu sắc, nụ cười dễ vui lây sang người khác nên ai cũng sẵn lòng chiều cô chủ nhỏ. Hiền ngồi bó gối trên ghế bành cũ nghe kể, mắt lim dim, đầu gật gật như chú mèo phê chuyện. Tận bây giờ, mỗi khi thấy cuốn “Chuyện cổ An Đéc Xen”, tôi luôn nhớ hình ảnh cùng Hiền lang thang trên phố Huế ở Hà Nội. Mặc tiếng người í ới, mặc còi xe inh ỏi, Hiền luôn rối rít giục: “Rồi sao nữa? Sao nữa?” Vì Hiền: “Bận ôn thi quá, chưa kịp đọc, ngươi tranh thủ kể ta nghe với”. Chúng tôi cùng bước qua muôn vàn chùm hoa nắng, mặc nắng rọi, mặc nhốn nháo phố phường, tôi cứ rót vào tai Hiền lời mê li trong từng trang chuyện cổ. Lần khác, gặp tôi vừa đến chơi, Hiền đột ngột hỏi: “Nếu Các Mác và Ăng Ghen còn sống nhà ngươi chọn yêu ai?”. “Tớ yêu Ăng Ghen”. Hiền cười tít mắt: “Biết ngay mà, nhà ngươi sẽ chọn Ăng Ghen, còn ta thích Các Mác hơn vì đó là người đàn ông mạnh mẽ”. Thuở ấy con tim chúng tôi từng rung lên trước bao trang sách. Nhiều câu chuyện lay thức các giác quan, mở toang tâm hồn. Cuốn “Mùa xuân của một thiên tài” hình ảnh Ăng Ghen có khuôn mặt đẹp, mái tóc bồng bềnh, có tình bạn cao cả dành cho Các Mác làm say dậy trái tim tôi. Cuốn “Tuổi trẻ Các Mác” hình ảnh người đàn ông phi thường xuất chúng giữa nhân gian, cùng khối tri thức đồ sộ minh tuệ đã làm cho Hiền mê mẩn. Bác Đông nghe chị em tôi dám nói yêu đến Ăng Ghen, Các Mác thì hoảng, trong buồng chạy vụt ra: “Các cô to gan quá, họ là lãnh tụ, có muốn người ta bỏ tù không?”. Hai chị em bị chộp quả tang, liếc nhau cười híc híc.
Hiền bộc lộ tố chất hội họa từ bé, là học trò xuất sắc của họa sĩ uy tín P.V.S. Đôi khi chỉ một lắc đầu không vừa ý của thầy là Hiền có thể trắng đêm xóa xóa, sửa sửa cho bằng được. Có ngày chủ nhật trời rét cắt da, cắt thịt, Hiền rủ tôi đạp xe về ngoại ô Phú Thụy vẽ cây si cổ, buông rễ um tùm bên cái miếu cổ chơ vơ giữa cánh đồng buốt giá. Tôi co ro phụ Hiền lắp giá vẽ, miệng thở ra khói, lẩm bẩm: “Chờ nắng hửng không được à? Vẽ gì như bị giời đày”. Hiền vừa pha màu, vừa xuýt xoa trong chiếc áo bông hoa cài kín cổ: “Rét thật. Tại hôm kia em hí hửng khoe bức phong cảnh, không ngờ bị thầy chê màu non quá, lòe loẹt như chèo, bật hết ra nhức cả mắt”. Miệng Hiền phì phò khói: “Hôm nay cho thầy biết em cũng thích ẩn màu phong rêu lắm… hì hì… mà rét quá thầy ơi”. Tôi nhớ bút pháp và nét công tua nhòa nhòa, đậm nhạt. Tông màu tro phớt rêu, không gian sâu và gợi, Hiền đặt tựa bức tranh “Màu đông”.
Cả nhà chăm chút giúp Hiền ôn luyện. Gần sát ngày thi, mỗi lần nhận ra tiếng chân con đi học về ngoài cầu thang gỗ, mẹ Hiền reo: “Em về, em về, có chút gì cho em ăn đỡ đói”. Nàng ùa vào bếp nhón ngay một món vào miệng, ngây ngất ngon, ngây ngất khen như họa mi hót.
Sáng hôm ấy, bất ngờ thấy bác Đông đến nhà tôi nét mặt không vui, chưa kịp hỏi, bác đã nói ngay: “Tối qua họa sĩ S đến nhà báo tin em Hiền đậu đại học. Sáng nay bác vào trường xem kĩ kết quả, lại không thấy tên của Hiền đâu cả. Lạ quá”. Chuyện nghiêm trọng rồi: “Thầy S nghe nhầm hả bác?”. “Không, sáng nay thầy cũng choáng như bác”. Giọng bác thận trọng, chậm rãi: “Nghe nói người ta đã thay vào chỗ Hiền con trai của một cán bộ làm trên bộ… Chắc là họ ưu tiên thành phần lí lịch tốt hơn cháu ạ”. Tôi ngây mặt nhìn bác. “Chưa dám báo tin này cho Hiền. Định chiều nay nếu cháu rỗi đi cùng gia đình bác ra công viên Thống Nhất. Lựa lúc nào thoải mái ta nói cho Hiền nghe cháu nhỉ”. Tôi cũng lo Hiền đón tin này như thế nào? Thi cử, nếu phải chịu thua bạn giỏi hơn mình, tôi tin Hiền không ăn thua cay cú, đằng này… Rất nhiều lần thấy Hiền ngồ ngộ khi nghe ai khen Hiền tài, Hiền giỏi, trong lòng vui không mà mắt môi chẳng thấy rung rinh gì, cứ như khen ai chứ không phải khen mình. Tôi ấn tượng Hiền trong veo trong phạm trù thành tích giải thưởng. Hiền đam mê và cần mẫn vẽ còn từ một nguyên do có lần Hiền thổ lộ: “Chị Linh em suýt nữa không đủ tiêu chuẩn vào đại học. May nhờ chị học giỏi được giải toán cấp thành phố nên nhà trường đã chiếu cố kết nạp chị vào đoàn, họ bỏ qua thành phần lí lịch tư sản”. Ngoài năng lực học, giấy thông hành bước vào cổng trường đại học thời đó phải kèm thêm lí lịch đoàn viên.
Hiểu tâm trạng bác Đông đang xót lòng thương con, tôi nhanh nhảu giành phần: “Dạ, chiều nay bác để cháu lựa lời nói với Hiền cho ạ”. Buổi chiều, sau khi dạo quanh công viên, rồi vào quán gió ăn kem, tôi cố ý rủ Hiền ra ngồi riêng một góc bên hồ Bảy Mẫu. Gió hất tung mái tóc lòa xòa trên trán, gương mặt trẻ thơ của Hiền vẫn tươi rói làn môi hồng mọng. Tôi thom thóp như cá mắc cạn, phải nén giấu Hiền tin buồn, lồng ngực ngộp khó thở. Trưa nay ở nhà, đã tự xếp lời nào trước, lời nào sau nghe được. Giờ ngồi sát bên Hiền đề pa mãi vẫn chưa tìm thấy lời. Chợt Hiền quay sang nhìn xuyên xoáy: “Ngươi có chuyện gì giấu ta phải không?”. Như lò xo bung, tôi bật ra tất tần tật tin nghe từ buổi sáng và cả chuyện nghi ngờ con trai ông gì đó? Làm trên bộ gì đó? Có thể Hiền bị rớt oan ? Một khoảng lặng trôi qua, khuôn mặt Hiền phẳng lặng. Phía sau lưng chúng tôi cách vài mét, cả gia đình bác Đông thấp thỏm dõi theo. Hiền nói khẽ, mắt hướng phía hồ xa: “Nếu có chuyện đó thật, tội nghiệp anh chàng nào đó chị nhỉ. Học mĩ thuật mà không có năng khiếu thì khổ lắm”. Tôi không đoán trước mình nghe được điều ấy lúc này, nên cứ thế nhìn Hiền ngạc nhiên. Hiền huých cùi chỏ vào sườn tôi: “Mặt ngươi sao đần ra thế? Thần sầu quá. Đa sầu đa cảm đa ri năng, si tình si cảm si ô mi xin. Chích ngươi vài ống Pênixilin bây giờ”. Biết Hiền đang cố không để ai dỗ dành mình, nhưng thực lòng tôi không còn tâm can nào đùa lại. Hiền vỗ nhẹ vào lưng tôi, đổi lại trật tự xưng hô: “Lại ôn tiếp thôi, em không bỏ cuộc đâu chị yên tâm. Năm sau chắc chắn em đậu đại học mà”. Khi mười bảy tuổi, gương mặt tôi không sáng nét trẻ thơ trong trẻo như Hiền. Khi mười bảy tuổi, gặp chuyện buồn tôi không tự cất lên tiếng cười, không biết hóa giải bằng niềm lạc quan cao thượng để tự tin chính mình. Cả bố mẹ, cả các chị em Hiền tôi hiếm khi nghe họ nói lời than vãn, hay trách móc đổ lỗi cho ai.
Năm sau Hiền đỗ đại học mĩ thuật với số điểm xuất sắc. Đất nước thống nhất tôi xa Hà Nội theo gia đình vào Nam. Thời mở cửa, ấm lạnh tràn vào từng góc phố, làng quê. Hà Nội gần đây tan loãng mùi hương hoa vì đặc chen khói bụi. Quán xá Hà Nội pha nhiều tạp âm văng bạt mạng phố phường. Vốn liếng tôi mang theo mãi còn là nỗi nhớ hương sắc bốn mùa, những kí ức và những con người Hà Nội từng gặp gỡ. Văn hóa tinh tế lịch lãm trong vắt của Hà Nội xưa phần nào len lỏi thấm vào hồn tôi, nhờ soi vào đó nhiều lần biết tự sửa mình cho thẳng thớm hơn. Tôi nhớ gia đình bác Đông, mỗi người mỗi vẻ tràn đầy năng lượng. Ngôi nhà đủ đầy từ nóc đến rường cột, họ biết gắn kết để gìn giữ nếp sống truyền thống và hiện đại ngay cả trong thời kì khốn khó. Họ tích lũy gia tài kỉ niệm từ những tấm chân tình người thân và bè bạn, từ những dòng văn hóa thẩm mĩ, sang trọng và ấm áp.
Bởi mến yêu, không viết lên, như thấy lòng mình nợ mãi.
Truyện ngắn: HUỲNH NGỌC LAN