Cồng chiêng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vì không gian thiêng. Ở đó, rừng hiện hữu sinh động với chủ nhân sáng tạo thông qua thổ cẩm, cây nêu, rượu cần… Ở đó, hòa trộn trong khúc dân ca, điệu dân vũ, thế giới thanh âm và những nghi thức văn hóa...
Nhiều dịp được hầu chuyện với các vị giáo sư dân tộc học, văn hóa học khả kính như Đặng Nghiêm Vạn, Phạm Đức Dương, Phan Đăng Nhật..., các cụ thường nói với tôi rằng: Trong ý thức sâu xa, cư dân dân tộc thiểu số không bao giờ họ phá rừng. Họ coi rừng như là một thực thể sống. Rừng gắn với tín ngưỡng đa thần và hiện hữu trong mọi sinh hoạt đời sống tâm linh. Cồng chiêng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vì không gian thiêng. Ở đó, rừng hiện hữu sinh động với chủ nhân sáng tạo thông qua thổ cẩm, cây nêu, rượu cần… Ở đó, hòa trộn trong khúc dân ca, điệu dân vũ, thế giới thanh âm và những nghi thức văn hóa... Đó chính là những vỉa văn hóa đặc sắc vừa được Thủ tướng nhấn mạnh trong phê duyệt phát triển ngành du lịch của Tây Nguyên.
|
Du khách Natalie Wilke (nữ) và Michael Morphy (nam) đến từ Canada tỏ ra thích thú thưởng thức rượu cần cùng cư dân K’Ho Lạc Dương, Lâm Đồng |
Rượu cần - hồn của rừng
Văn hóa rượu cần kỳ công, nhiều công đoạn khắt khe. Từ làm men, nấu cơm đến “nuôi” chóe, ủ rượu, cắm cần, đặt cầu… Tất cả kết nối trong không gian thiêng. Trước tiên, vào rừng tìm rễ cây chàm đuôi dài (doòng) và lá song tử dị biệt (gàng)... gùi về rửa sạch, giã nhỏ. Gạo tẻ, gạo nếp, sắn, ngô (tùy hoàn cảnh gia đình) giã thành bột trộn với “doòng” và “gàng”, nắm thành nắm nhỏ. Hỗn hợp này ủ 3 ngày 3 đêm, xuất hiện những “bông trắng” đem phơi khô. Đó là “men cái”, hương chua. Tiếp tục nấu cơm chín, trộn với men, dậy mùi thơm đặc trưng mới đổ vào chóe cùng ít nước ấm. Chóe lót trấu dưới đáy, trên cùng một lớp trấu nữa mới đến lá chuối và bịt miệng bằng trấu trộn đất. Nhưng trước khi ủ rượu, chóe rửa sạch, hong nắng và không quên làm lễ cho chóe “ăn” no. Nó là vật hữu linh. Chóe cơm rượu tiếp tục “tắm” nắng xong mới cho vào “ngủ” yên góc nhà, tuyệt đối không “đánh thức”. Ít nhất hơn một tháng mới sử dụng được. Càng ủ lâu rượu càng sánh màu, hương thơm và nồng, không gắt. Thời gian ủ men, người phụ nữ phải chịu những điều cấm như gội đầu, giặt đồ, quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai không được đến khu vực làm rượu cần…
Vị rượu cần truyền thống đạt chuẩn phải quyện hòa của đắng, chát, ngọt và chua. Trước khi dùng, chóe đặt vị trí trang trọng để làm các nghi lễ rồi mới đổ nước “đánh thức” 30 phút. Nghi thức uống cũng tuân thủ các yêu cầu từ chọn người khai cần (thường là già làng, người có uy tín) đến thế ngồi, cách cắm cần, vít cần, chuyển cần, cách đong đếm vào ra nước… Chóe rượu cần vừa là thức uống, vừa là sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng. Nó là lễ vật đón nhận niềm vui và cũng dùng để xử phạt…
|
Bà Rơ ông Kha Ri với những tấm thổ cẩm nguyên liệu rừng khó bán |
Thổ cẩm - văn hóa thiêng
Thổ cẩm phụ thuộc nhiều yếu tố vật thể và phi vật thể nên không phải mẻ nào cũng thành công. Có được sợi từ bông cây rừng đã khó, nhuộm ra đúng màu càng khó, dù chuẩn bị hai ba tháng trời. Ở Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương), trong số ít phụ nữ làm thổ cẩm truyền thống có bà Bon Niên Ka Glong 67 tuổi và bà Bon Niêng Ka Măng 70 tuổi. Tay làm, hai bà diễn giải làm màu nhuộm. Lá cây “t’rưm” sau khi ngâm ủ 5 ngày vớt ra nắm lại và vắt nước vào quả bầu để lọc vào chóe. Tiếp tục trộn với các loại bột phơi khô: củ cây chuối rừng, vôi sò, hạt bầu, bí, bắp, ớt và muối khuấy đều. Thứ hỗn hợp dùng để ngâm sợi này vừa để phá bọt, vừa là “thức ăn” dâng hiến thần Màu. Khoảng 1 giờ, nước lắng, dùng phần sánh ngâm sợi. Sợi ngâm 4-5 lần trong một tuần. Khi màu “ăn” đều đem phơi khô và tiếp tục ngâm lại màu.
Bảng màu tri thức dân gian vô cùng phong phú nhờ từ các bộ phận lá, thân, vỏ, rễ, quả, hạt, nhựa của rất nhiều loài cây rừng. Màu chàm từ chàm muồng, chàm bụi, chàm đen, hàm liên nhuộm, lòng mức ngờ; màu đen từ chuối rừng, dẻ trắng, lim sét, me rừng, trâm rộng, vối, thanh mai, thị Hayata; màu xanh từ mò trắng, chít, dong, trầu, xoài; màu đỏ từ dù dẻ, hợp hoan, giang núi, mâm xôi, cẩm, nhàu, vấn vương; màu tím từ cơm cháy, hương bài, mua; màu vàng từ dành dành, hoàng liên ô rô, vàng đắng, hoàng đằng, núc nác; màu nâu từ quế, ngược mùa, vừng .v.v…
Tấm “ùi” thổ cẩm còn “dệt” từ những đức tin tín ngưỡng. Khi đi lấy cây, không cho người khác thấy, qua suối không nhổ nước bọt, gặp con trăn con rắn phải quay về. Khi làm, không được ăn thịt mỡ, cơ thể phải sạch sẽ…Bà mẹ dân tộc K’Ho Ka Glong ngừng vắt nắm lá, ngước nhìn tôi nói: “Màu vàng này mình làm từ củ rơmêt (nghệ), còn cái màu xanh là từ lá cây t’rơtap (vông) đầu kia kìa. Nhưng làm lâu lắm. Mấy đứa trẻ nó chỉ dệt, nhuộm, nó sợ dơ tay nên chỉ có bà già làm thôi”. Còn bà mẹ dân tộc Mạ Ka Ré 80 tuổi, ở buôn Đạ Nha (Đạ Tẻh) xoãi chân giữa thềm, mắt không rời những đường sợi màu, chặc lưỡi: “Hồi xưa tự nhuộm hết, đẹp hơn giờ, màu đỏ thì cây “ồôi”, màu đen, màu xanh thì cây “dnir”. Nhưng giờ không có làm nữa, vì không có cái bông, không có cái lá nhuộm, tất cả không có hết, làm đại đi”…
|
Bà Ka Glong làm chất nhuộm màu chàm truyền thống còn bà Ka Măng (phía sau) dệt |
Thất truyền và vong bản
Bóng dáng nhiều hoa văn trừu tượng và ẩn dụ về vũ trụ xen trong những tấm vải thổ cẩm đang lùi dần vào cổ tích. Sự thất truyền và vong bản có lẽ ai cũng biết. ThS Lương Văn Dũng là nhà khoa học có nhiều phát hiện tài nguyên rừng, cùng tôi theo chân già làng Ja Ba, người dân tộc Rắc Lây vượt suối luồn rừng YaHoa (Đơn Dương). Anh Dũng so sánh: so với màu công nghiệp, màu của rừng đa dạng, sợi nhuộm mềm, khử được mùi, thấm mồ hôi tốt và thân thiện với con người. Dĩ nhiên, sản phẩm thổ cẩm truyền thống giá cao nên khó bán. Sợi và màu công nghiệp có cơ hội tràn vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng gần các thị tứ. Ở Bun Go, anh Trần Chiến Thắng - Phó Chủ nhiệm HTX Thổ cẩm Cát Tiên là người đầu tư nguyên liệu sợi công nghiệp cho 25 hộ dân tộc Mạ dệt thổ cẩm. Anh Thắng thừa nhận: Khách nước ngoài sợ màu hóa chất ảnh hưởng sức khỏe nên thích mua màu của đồng bào. Đây là màu bền, giá cao gấp 4-5 lần, nhưng mất công nhiều nên đồng bào không làm. Đó là điều lý giải tấm “ùi” có khổ ngang 1,8m và dọc 2m đến 2,2m đồng bào chủ yếu dành cho con dâu quấn lên người khi đi “bắt chồng”. Văn hóa ứng xử gốc họ vẫn cố giữ. Tấm thổ cẩm lớn là của hồi môn để quấn lúc sống và dùng liệm lúc con người qua đời.
Với rượu cần truyền thống, cũng chịu áp lực thị trường như thổ cẩm. Men Trung Quốc gần như chiếm lĩnh hầu hết mọi chóe rượu cần của đồng bào bản địa Tây Nguyên. Bởi, đó là loại men giá rẻ, chỉ cần ủ một tuần lễ là mang ra dùng. Vào buôn Đạ Nha, vợ già làng K’Tía B loay hoay ủ rượu trong chiếc chóe t’ngar. Chiếc chóe lớn rất cổ, nhưng “men cũng mua quán nhà Hoan, không có cái men của rừng” như bà thừa nhận. Cũng người Mạ, già làng Điểu K’Gay, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Cát Tiên dẫn tôi đi các nhà dệt thổ cẩm ở BunGo: Điểu Thị Ủ, Điểu Thị Lư, Điểu Ka Gai, Điểu Ka Sỏi…Một vòng buôn, Điểu K’Gay về nhà mình, tựa cửa, nắm chặt tay tôi lắc lắc, giọng nghèn nghẹn: “Mất hết rừng rồi… không còn cái cây để làm rượu, để dệt đâu. Mua từ chợ hết.
***
Muốn giữ được văn hóa Tây Nguyên phải giữ lấy rừng. Xin nhắc lại nhận định của nhà sưu tầm sử thi Tây Nguyên-PGS,TS Đỗ Hồng Kỳ tại hội thảo quốc gia năm 2012: “Ở Việt Nam hiện nay, không có ở đâu văn hóa truyền thống đang mất nhanh như ở Tây Nguyên”. Năm 2014 là Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt, hy vọng sẽ có chiến lược bảo tồn và phát huy hiệu quả nhất về văn hóa đặc sắc của vùng cao nguyên này. Rất cần có cái nhìn thực sự nghiêm túc của nhiều cấp nhiều ngành, dù đã muộn.
MINH ĐẠO