"Ga núi" không hề viết riêng cho mùa xuân mà dường như là sự tình cờ trùng hợp khá thú vị, trong hơn 50 bài thơ ấy lại có rất nhiều câu đề cập đến mùa xuân dưới nhiều góc độ khác nhau và với nhiều tâm trạng, cảm xúc cũng khác nhau.
Tập thơ thứ tám của nhà thơ Nguyễn Tấn On (hội viên Hội VHNT Lâm Đồng) vừa được Nhà xuất bản Văn Học ấn hành có tên là “Ga núi”. Như lời tâm sự của tác giả, “Ga núi” với những câu mở đầu “Sân ga chìm giữa mù sương/Nằm mơ tiếng chạm cung đường ngày xưa/Nắng lạnh nắng, mưa nghiêng mưa/Con tàu ngày ấy chở vừa mùa riêng...” là nhà ga Đà Lạt - ga tàu hỏa được cho là đẹp nhất Đông Dương trên phố núi Đà Lạt. Nhà thơ Nguyễn Tấn On còn nói rằng, “Ga núi” không hề viết riêng cho mùa xuân mà dường như là sự tình cờ trùng hợp khá thú vị, trong hơn 50 bài thơ ấy lại có rất nhiều câu đề cập đến mùa xuân dưới nhiều góc độ khác nhau và với nhiều tâm trạng, cảm xúc cũng khác nhau.
|
Bìa một tập thơ mới nhất của nhà thơ Nguyễn Tấn On |
Ngay trong “Ga núi” - tên một bài thơ và cũng là tên của cả tập thơ, mùa xuân của nhà thơ Nguyễn Tấn On đã xuất hiện ở trang đầu tiên của cả tập thơ: “Chở đêm má lúm đồng tiền/Chở vầng trăng khuyết bên triền rừng thông/Chở đi những nụ hoa hồng/Chở về với cả khúc đồng dao xưa/Chở thời thịnh trị ngai vua/Chở trăng rao bán chở mùa thi nhân/Chở trời xuân nắng trong ngần/Chở chiều thổ mộ bâng khuâng nỗi buồn...”.
Điều trước tiên cần khẳng định ở tập thơ thứ tám này của nhà thơ Nguyễn Tấn On đó là hầu hết những tác phẩm được công bố lần này của anh đều viết riêng cho Đà Lạt. Đó là những “Nỗi nhớ mù sương”, “Thơ và dầu thông đỏ”, “Đà Lạt ngày ta về”, “Chồi sương”, “Trăng đồi sương”, “Lớn lên cùng Đà Lạt”... và với những câu thơ “gọi thẳng tên” Đà Lạt như “Tháng tư dốc đứng reo mừng/Thơm Đà Lạt nhớ trong từng hạt sương...”, “Đêm Đà Lạt lặng yên như chiếc bánh/Chỉ tỏa hương làm nỗi nhớ chật hồn...”, “Đà Lạt tôi ngồi/cùng nắng trong veo/có chùm mây treo/trên đồi thông ba lá...”, “Buổi về đứng giữa ngày Đà Lạt/Nhìn nắng đi qua vườn nhà ai/Lòng nghe là - lạ mùa khang - khác/Vu vơ em - vu vơ thở dài...”... Hoặc Đà Lạt được nhà thơ Nguyễn Tấn On đề cập một cách gián tiếp như: “Đồi chuông lá rụng đầy lũng núi/Nằm mục mùa đông trong hốc cây/Lãng đãng vài chùm mây lủi thủi/Từng chồi xanh biếc lạc vào mây...”, “Nắng mỏng tang/vàng cánh bướm/trong veo không dính mây bay/thênh thang/đàn/bay vườn tóc/âm thanh tràn mười ngón tay.../hoàng hôn phơi môi xuống phố/lá hoa/lạnh/buồn/xõa hương/thác đổ ngang ngôi nhà cổ/trầm ngâm/hứng/trăng đầy sương...”, “Nhớ mùa phượng tím lòng con dốc/Hoa chờ ai mà vàng rực lũng đồi...”...
Và có lẽ “đậm đặc” một cách vô tình vẫn là một Đà Lạt xuân hiện hữu rất rõ trong “Ga núi” với hơn 50 bài thơ của nhà thơ Nguyễn Tấn On. Tác giả chia sẻ: “Thú thật là mặc dầu tập thơ “Ga núi” được xuất bản đúng vào dịp xuân năm con ngựa 2014 nhưng chủ trương ban đầu của tôi là chỉ “dừng” ở “điểm chạm” của toàn bộ những tác phẩm lần này là “Đà Lạt” chứ tôi không hề dấn thêm sâu hơn là “mùa xuân”, nhất là mùa xuân Đà Lạt”. Nhưng đã có một sự tình cờ thú vị: Mùa xuân, nhất là mùa xuân phố núi của “Ga núi”, cứ ngập tràn trong những câu thơ mà theo tác giả là chỉ “dừng” ở “điểm chạm” là “Đà Lạt”.
Ngoài “Chở trời xuân nắng trong ngần” ở trang đầu tiên trong bài “Ga núi”, mùa xuân còn xuất hiện khá dày trong thơ Nguyễn Tấn On trong tập thơ thứ tám lần này là điều dễ dàng nhận ra. Ví như: “Sân ga chùng im lặng/Vàng mùa xuân sau lưng/Áo lính cha bạc trắng/Trong nắng xuân reo mừng...” (Xôn xao mùa xuân), “Phố la đà thấy ta đi lạc/giữa mùa xuân nghe lòng thơm ngát/bầy sẻ nâu tắm mát/mặt hồ lăn tăn/duềnh lên chùm hoa nắng...” (Nầy phố nầy sương), “Chiếc xe đò leo dốc/Trườn qua đồi mùa xuân/Em choàng chiếc áo hồng/Vương vào miền sương nắng...” (Theo em), “Bên mùa tình nhân cây cỏ/Tháng giêng còn vương sợi khói/Trước ngõ nhà ai mùa xuân/Ta về bước chân nằng nặng/Bên khóm dã quỳ đã khô...” (Cho ngày tình nhân)... Mùa xuân phố núi Đà Lạt của nhà thơ Nguyễn Tấn On còn rõ mồn một trong những câu trong các tác phẩm như “Bên kia đồi chuông” với những câu “Ta dọn nỗi niềm chờ xuân rạng/Mở cửa bừng reo nắng lang thang/Hỏa táng bóng đen và thù hận/Yêu thương bừng dậy nụ hoa vàng...”, trong “Nắng” với “Nắng vật lộn với sương/trên giàn hương sắc/để vườn rung lên/từng nách nụ/mùa xuân/bên hiên nhà/con nít ngồi lật sách/tiếng ê a/nghe thơm mới góc trời...”...
Rồi, mùa xuân phố núi cũng được anh chỉ “khẽ chạm thôi” như: “Mùa đông còn sót chỗ nằm/Đã khô trong gió băm vằm vàng hanh/Con chim lạ hót trên cành/Lòng ta khe khẽ chạm nhành đào mai...” (Chạp nắng), “Chỗ ngồi bao năm trước/Nhạc Noel ru buồn/Mimoza vàng ấm/Sương bay vào tháp chuông...” (Tình đông), “Vu vơ - ta thõng chân vào núi/Đụng vào sương khói buốt rừng thông/Xe đạp đôi - một mình leo dốc/Phía sau ta chở cả mùa đông...” (Vu vơ - mùa đông), “Nơi em ở, nắng có đầy tháng chạp/Mai anh đào có bung nụ mù sương/Khăn choàng phố có giữ mùa chậm lại/Thủy Tạ yên bình soi bóng Xuân Hương...” (Chầm chậm thôi...!)...
Có thể như là một duyên định giữa con người thơ và đất trời xuân phố núi quê hương thứ hai của vạn người, trong đó có con người thơ Nguyễn Tấn On, nên xuân xứ lạnh mù sương cứ hiện hữu vô tình trong từng con chữ ở “Ga núi” của nhà thơ Nguyễn Tấn On là như vậy!
Khắc Dũng