Mùa Xuân trong thơ chữ Hán của nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh

02:01, 30/01/2014

Đọc thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong kháng chiến chống Pháp, độc giả bắt gặp ngay bài thơ đầu tiên của Người mô tả mùa xuân: bài "Nguyên tiêu" (Đêm rằm tháng giêng)...

Hướng đến mùa xuân của ấm áp, của màu xanh, của những thành công trong cuộc đời và sự nghiệp, của hy vọng về những điều tốt lành, đại thi hào Nguyễn Du viết:
 
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
Đó là hai câu thơ lục bát trong “Truyện Kiều” (1)
 
Đọc thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong kháng chiến chống Pháp, độc giả bắt gặp ngay bài thơ đầu tiên của Người mô tả mùa xuân: bài “Nguyên tiêu” (Đêm rằm tháng giêng):
 
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
(Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng vừa tròn,
Sông xuân, nước xuân liền với trời xuân.
Sâu nơi khói sóng, bàn bạc việc quân,
Nửa đêm trở về, ánh trăng đầy thuyền).
 
“Nguyên tiêu” là một bức tranh thiên nhiên tràn đầy sắc xuân, khói sóng, vầng trăng rằm tròn trịa và ánh trăng chiếu lên con thuyền chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người đi bàn bạc việc quân trở về. Bức tranh tựa như được treo từ bầu trời buông xuống dòng sông.
 
“Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”. Sự điệp màu xuân trên bức tranh “đêm rằm tháng giêng” khiến cho những người thưởng lãm tranh mãn nhãn một màu xanh bất tận.
 
Đây là bức tranh đêm rằm tháng giêng ở chiến khu Việt Bắc năm 1948, sau khi cuộc vây ráp của thực dân Pháp vào “thủ đô kháng chiến” năm trước, 1947, đã bị quân dân ta đập tan.
 
Bức tranh thứ hai trong bài thơ này là bức “tâm cảnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người. Bộ Tổng tham mưu của cuộc kháng chiến sống và làm việc thung dung - càng khó khăn, gian khổ càng thung dung và tin tưởng “kháng chiến tất thành công” (2).
 
Xuân Thủy đã dịch rất đạt bài thơ “nội dung hiện đại trong cốt cách cổ điển” này ra thơ lục bát, lột tả chân thực bức tranh thiên nhiên và bức “tâm cảnh” trong “Nguyên tiêu” giữa rừng Việt Bắc:
 
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.
 
Bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến độc giả nhớ đến bài thơ “Xuân giang” (Sông xuân) của Bạch Cư Dị (772-846) - một trong ba nhà thơ đời Đường ở Trung Hoa: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị - nổi tiếng nhất với bạn đọc Việt Nam thời trung đại. Nói cách khác, bài thơ “Nguyên tiêu” xuất hiện năm 1948 tại nước ta có mối quan hệ liên văn bản với những câu thơ:
 
Thảo sắc câu lưu tọa thủy biên.
Duy hữu xuân giang khán vị yếm.
Oanh sa nhiễu thạch lục sàn viên.
(Sắc cỏ lưu giữ [ta] ngồi bên bờ nước.
Chỉ có sông xuân là xem chưa chán.
Sỏi đá vướng quanh dòng nước màu xanh) của bài thơ “Xuân giang”.
 
Suy nghĩ như vậy, độc giả càng thấy thấm thía hơn, thú vị hơn khi đọc “Nguyên tiêu”.
 
Bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thiết lập mối liên hệ liên văn bản với bài thơ “Xuân giang hoa nguyệt dạ” (Đêm hoa trăng trên sông xuân) của Trương Nhược Hư - một nhà thơ Trung Hoa đời Đường; bài thơ 36 câu thất ngôn, ở đó lan tỏa màu sông xuân, sáng tỏ màu trăng sáng, nhất là tại những câu đầu.
 
Xuân giang triều thủy liên hải bình
Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh
Diễm diễm tùy ba thiên vạn lý
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh
(Nước thủy triều lên, mặt sông xuân phẳng liền với mặt bể.
Trên mặt bể trăng mọc cùng với nước thủy triều lên.
Ánh trăng lấp lánh trôi theo sóng đến muôn ngàn dặm.
Không có nơi nào trên sông xuân mà không có ánh trăng chiếu sáng).
 
Quả thật, cách đọc liên văn bản có thể giúp độc giả khám phá đầy đủ hơn vẻ đẹp nội dung và hình thức ở bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhìn vào bức tranh thủy mặc này, bạn đọc thấy rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là nhà thơ tài ba, vừa là nhà quân sự hoạch định những chiến thắng của quân dân ta trong kháng chiến chống xâm lược. Phải chăng lời của Lê Thánh Tông:
 
“Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh”
(Trong lòng Ức Trai sáng ngời khuê tảo,
 
Trong bụng Vũ Mục giăng đầy giáp binh) (3) cũng có thể vận dụng thích hợp để có thể đánh giá sự văn võ song toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
 
Ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng xử thân tình, quý mến, tin cậy với các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Bùi Bằng Đoàn - những nhà Nho yêu nước đi theo Người, tham gia công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn về thơ với cụ Huỳnh Thúc Kháng, tặng thơ cụ Võ Liêm Sơn, xướng thơ với cụ Bùi Bằng Đoàn. Hãy đọc bài thơ “Tặng Bùi Công” của Người:
 
Khán thư sơn điểu thê song hãn
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì
Tiệp báo tần lai lao dịch mã
Tư công tức cảnh tặng tân thi
(Tặng cụ Bùi [Bằng Đoàn]
[Lúc] xem sách, chim núi [đến] đậu vào gióng cửa sổ
[Khi] phê công văn, hoa xuân soi bóng vào nghiên mực.
Tin thắng trận đến dồn dập,
Nhớ cụ, [tôi làm] bài thơ mới tặng [cụ].
Họa bài thơ “Tặng Bùi Công”, cụ Bùi Bằng Đoàn viết:
Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc
Giang sơn vạn lý thủ thành trì
Tri công quốc sự vô dư hạ
Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi
([Cụ] một lòng sắt đá phù trợ giống nòi,
Bảo vệ thành trì của nước non muôn dặm.
[Tôi] biết cụ việc nước không lúc nào rảnh,
Nhưng vung bút vẫn thành [những] bài thơ lui giặc).
 
Đọc bài thơ “Tặng Bùi Công”, độc giả thấy chim núi và hoa xuân thân quen với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người làm việc tại “văn phòng” biết nhường nào! Chủ tịch Hồ Chí Minh rất hiền hòa với thiên nhiên sống động. Nét tính cách này lại ở trong một con người “thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc, giang sơn vạn lý thủ thành trì” và “quốc sự vô dư hạ, thao bút nhưng thành thoái lỗ thi”, như cụ Bùi Bằng Đoàn thức nhận về Người.
 
Sự thống nhất - đối lập như vậy trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét trong bài thơ “Tầm hữu vị ngộ”:
 
Bách lý tầm quân vị ngộ quân
Mã đề đạp toái lĩnh đầu vân
Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ
Mỗi đóa hoàng hoa nhất điểm xuân
(Tìm bạn, chưa gặp
Trăm dặm tìm canh, chưa gặp anh,
Vó ngựa giẫm nát [những] đám mây đầu núi.
Trở về, ngẫu nhiên qua cây mai núi,
[Thấy] mỗi đóa hoa vàng là một điểm xuân).
 
Câu thừa đề mạnh mẽ, dữ dội là một bất ngờ cho những ai đọc thơ Tố Hữu:
 
“Nhớ Người những sáng tinh sương,
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.
Nhớ chân Người bước lên đèo,
Người đi rừng núi trông theo bóng Người” mô tả Chủ tịch Hồ Chí Minh đi lại mỗi buổi sáng ở chiến khu Việt Bắc.
 
Đi ngựa lên núi, chứ không phải chống gậy lên núi quan sát mặt trận (huề trượng đăng sơn quan trận địa), miêu thuật điều này thì tứ thơ phải đột khởi, mãnh liệt. Thế nhưng, khi mô tả sự xuống núi để trở về, ý thơ lắng lại và đôi mắt thi nhân dừng ở cây mai núi ngẫu nhiên gặp bên đường, phát hiện “mỗi đóa hoàng hoa nhất điểm xuân”. Đây là điểm nhấn của bài thơ, điểm nhấn đầy thi vị...
 
Bài “Tầm hữu vị ngộ” có mối quan hệ liên văn bản với bài thơ “Tầm ẩn giả bất ngộ” của Giả Đảo (779-843) - một nhà thơ nổi tiếng đời Đường ở Trung Hoa:
 
Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ
(Tìm người ẩn dật, không gặp
Dưới cây thông, [khách] hỏi tiểu đồng,
Tiểu đồng nói: thầy [tôi] đi hái thuốc;
Chỉ trong núi này thôi
[Nhưng] mây dày đặc, [tôi] không biết ở chỗ nào).
 
Bài thơ của Giả Đảo là những lời đối thoại của tiểu đồng ẩn giả với người khách dưới cây thông trước nhà của người thầy thuốc đang ở trong núi hái lá. Mây giăng dày kín núi, tiểu đồng không biết thầy mình đang ở nơi đâu. Ẩn giả không muốn tiếp bất cứ người khách nào và người khách đứng dưới cây thông kia không hề có một tia hy vọng nào được gặp người thầy thuốc - ẩn giả đó.
 
 
Đọc bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc giả hào hứng với tiếng vó ngựa Người cưỡi đi tìm bạn; chưa gặp được bạn, song trên đường về thi nhân lại thấy “mỗi đóa hoàng hoa nhất điểm xuân” trên cây mai núi giữa rừng, như mùa xuân hé lộ hy vọng sẽ gặp được bạn trong một dịp khác, không xa. Hình ảnh lung linh “mỗi đóa hoàng hoa nhất điểm xuân” làm ấm áp lòng tác giả bài thơ và cũng làm ấm áp lòng bạn đọc thơ, gợi những mong ước tốt lành, đẹp đẽ...
 
Thời tiết sắp giao mùa giữa mùa đông và mùa xuân, trời rất rét, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng nhớ thương chiến sĩ. Người giục nhanh gửi áo rét cho những người đang cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược:
 
Tư chiến sĩ
Canh thâm lộ cấp như thu vũ
Thần tảo sương nùng tự hải vân
Khoái tống hàn sam cấp chiến sĩ
Dương quang hòa noãn báo tân xuân
(Nhớ chiến sĩ
Đêm khuya móc rơi lã chã như mưa thu,
Sáng sớm sương đẫm như mây ngoài biển.
Mau gửi áo rét cho chiến sĩ.
Ánh dương ấm áp báo sắp vào xuân).
 
Trong dự liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc mau gửi áo rét cho chiến sĩ không chỉ để bộ đội kịp thời chống lạnh ở những ngày mùa đông, mà còn giúp họ được ấm áp sau khi sang xuân sẽ gặp phải đợt “rét tháng ba bà già chết cóng” nữa. Đó quả là sự lịch lãm và chu toàn của vị “cha già dân tộc” đối với cuộc sống của những đứa con trong đại gia đình Việt Nam.
 
Từ ngày trở lại Hà Nội, hàng năm Chủ tịch Hồ Chí Minh được Chính phủ Trung Quốc mời sang nghỉ dưỡng ở nước bạn. Tháng 5/1965, Người và Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Đổng Tất Vũ cùng đến nghỉ tại khu du lịch và nghỉ dưỡng Hoàng Sơn. Khi rời khu nghỉ dưỡng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh được cụ Đổng Tất Vũ tặng một bài thơ dài gồm nhiều bài thơ tứ tuyệt; Người tặng cụ Đổng Tất Vũ bài “Hoàng Sơn nhật ký, lục thủ” (Nhật ký Hoàng Sơn, sáu bài). Trong “Hoàng Sơn nhật ký, kỳ tứ” (Nhật ký Hoàng Sơn, bài thứ tư), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
 
“Đổng công tặng ngã dĩ trường thi
Ngã dục tác thi phụng họa thi
Khả thị kháng Mỹ cứu quốc sự
Hoàn toàn chiếm lĩnh ngã tâm tư”
(Cụ Đổng mang tặng tôi bài thơ dài,
Tôi muốn làm thơ phụng họa cụ;
Nhưng sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước
Đã hoàn toàn chiếm lĩnh tâm tư tôi).
 
“Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đã hoàn toàn chiếm lĩnh tâm tư tôi (Chủ tịch Hồ Chí Minh)” là điều hướng dẫn chúng ta tìm hiểu thơ của Người viết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước về mùa xuân nói chung, tìm hiểu thơ chữ Hán của Người viết trong thời gian này về mùa xuân nói riêng.
 
Độc giả hãy đọc bài thơ chữ Hán “Vô đề” được Chủ tịch Hồ Chí Minh trứ tác tháng 3/1968:
 
“Tam niên bất ngật tửu xuy yên
Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên
Hỷ kiến Nam phương liên đại thắng
Nhất niên tứ quý đô xuân thiên
(Không đề
Đã ba năm chẳng uống rượu, chẳng hút thuốc lá.
Ở đời, không ốm đau, đích thực là tiên.
Mừng thấy miền Nam thắng lớn liên tục.
Một năm, bốn mùa đều là xuân).
 
Như thế, trong thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mùa xuân trong quan niệm, trong lý tưởng chiến đấu đã trở thành mùa xuân đất trời. Vì thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bỏ uống rượu, bỏ hút thuốc. Và thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, theo thi nhân Hồ Chí Minh, đồng nghĩa với “nhất niên tứ quý đô xuân thiên”. Bởi vậy, Người viết nhẹ nhàng hai câu thơ chữ Hán:
 
“Tam niên bất ngật tửu xuy yên
Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên”.
 
Tuy nhiên, trên bình diện đối lập giữa thi nhân và tục nhân theo quan điểm truyền thống, thì việc bỏ uống rượu, thôi hút thuốc lá là một cuộc đấu tranh nội tâm không đơn giản, dễ dàng ở nhà lãnh tụ Đảng đồng thời là nhà lãnh tụ dân tộc Việt Nam. Bài thơ “Nhị vật” hé lộ cho người đọc biết điều này:
 
“Vô yên vô tửu quá tân xuân
Dị sử thi nhân hóa tục nhân”
(Qua xuân mới rồi mà vẫn không thuốc lá, không rượu,
Dễ biến nhà thơ thành kẻ tục).
 
Để trở lại thực trạng hơn ba mùa xuân trước, thì chỉ còn cách:
 
“Mộng lý hấp yên ngật mỹ tửu
Tỉnh lai cánh phấn chấn tinh thần”
(Trong mộng, hút thuốc lá, uống rượu ngon, 
Tỉnh ra, thêm phấn chấn tinh thần).
 
Bạn đọc thấy trên chòm râu bạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh điểm nụ cười hóm hỉnh...
 
Và đây, bài thơ “Mậu Thân xuân tiết” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 14/4/1968:
 
“Tứ nguyệt bách hoa khai mãn viên
Hồng hồng tử tử hỗ tranh nghiên
Bạch điểu tróc ngư hồ lý khứ
Hoàng oanh phi thướng thiên
Thiên thượng nhàn vân lai hữu khứ
Mang bả Nam phương tiệp báo truyền”
(Tiết xuân Mậu Thân
Tháng tư, trăm hoa nở đầy vườn,
Đỏ đỏ, tía tía tranh nhau phô vẻ tươi đẹp.
Chim trắng bắt cá trong hồ bay đi.
Chim hoàng oanh bay lên trời.
Trên trời [những] đám mây nhàn hạ bay đến lại bay đi.
Thắng trận ở miền Nam báo ra rộn rịp).
 
Ở bài thơ xuân này có một điều lạ: câu thơ thứ tư chỉ 5 tiếng, trong lúc 5 câu thơ khác đều 7 tiếng.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết khoan thai, thoải mái, tả cảnh xuân ngày 17 tháng 3 âm lịch trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, đi qua nhà sàn, nơi Người đang ở. Độc giả dễ dàng nhận ra cây, hoa Bác Hồ trồng, ao cá mỗi ngày Bác Hồ rải thức ăn xuống cho cá ăn được Người miêu thuật ở bài thơ ấy. Và chốt lại bài thơ ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ bút:
 
“Mang bả Nam phương tiệp báo truyền”.
 
Ấy, một sự nhất thống diệu kỳ trong tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người mà “kháng Mỹ, cứu quốc sự hoàn toàn chiếm lĩnh ngã tâm tư”.
 
Đó là con người mang khát vọng tự do của cả dân tộc Việt Nam. Bởi thế, khi còn bị cầm tù trong nhà lao của Quốc dân đảng Trung Quốc, nhìn ra cửa nhà lao thấy trời mưa dày hạt, ở Hồ Chí Minh khát vọng được tự do để dấn thân vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam bùng cháy mãnh liệt, khiến thi nhân “thao bút” thành bài thơ “Thanh minh”:
 
“Thanh minh thời tiết vũ phân phân
Lung lý tù nhân dục đoạn hồn
Tá vấn tự do hà xứ hữu.
Vệ binh dao chỉ biện công môn”
(Tiết thanh minh 
Tiết thanh minh trời mưa dày hạt
Trong ngục, tù nhân buồn đứt ruột.
Ướm hỏi: nơi nào có tự do?
Lính gác chỉ tay về phía xa: cửa công đường
 
Bài thơ này có mối quan hệ liên văn bản với bài thơ nổi tiếng của Đỗ Mục đời Đường
 
Thanh minh
Thanh minh thời tiết vũ phân phân
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn
(Tiết thanh minh
Tiết thanh minh mưa rơi dày hạt,
Trên đường, người đi buồn đứt ruột.
Ướm hỏi: nơi nào có quán rượu?
Trẻ chăn trâu chỉ tay về phía xa: Hạnh Hoa thôn).
 
Đặt xen kẽ với bài thơ của Đỗ Mục, Hồ Chí Minh đã đẩy cao khát vọng tự do trong bài thơ của mình, đồng thời điểm trên chòm râu của thi nhân Việt Nam đang trong ngục một nụ cười mang tính chất “humour”, nhưng là “humour noir” (4).
 
“Thanh minh” là bài thơ của người tù đêm nào cũng “tòng lung môn vọng tự do thiên”
(trông qua cửa ngục ngóng trời tự do).
Còn đây, bài thơ “Ngọ quá Thiên Giang”:
“Đáo Thiên Giang thuyết Thiên Giang
Thiên Giang giang ngạn mãn xuân sương
Thiên lưỡng địch xa thành hắc tận
Hồng quân trực đáo Trấn Nam Quan”
(Buổi trưa qua Thiên Giang
Đến Thiên Giang, nói chuyện Thiên Giang.
Trên bờ sông Thiên Giang đầy sương mùa xuân.
Cả nghìn xe địch bị đốt cháy sạm.
 
Hồng quân đến thẳng Trấn Nam Quan) được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết khi sang nghỉ dưỡng ở Trung Quốc theo lời mời của Chính phủ nước này. Trong bài thơ đó Bác Hồ treo bức “nhị bình”: sương xuân trên bờ sông Thiên Giang và chiến thắng của Hồng quân Trung Quốc lúc cuộc chiến đấu giải phóng Trung Hoa lục địa diễn ra, một bức tranh hiện tại và một bức tranh của quá khứ. Chủ tịch Hồ Chí Minh “thao bút” thành thơ là như vậy...
 
***
 
Những bài thơ chữ Hán viết về tiết xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc loại những bài thơ chữ Hán của Người mà “nội dung hiện đại trong cốt cách cổ điển”. Ở những văn bản thơ xuân ấy, bạn đọc thấy rõ cái nhìn nhanh nhạy của thi nhân gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn với vốn văn hóa - nghệ thuật được thi nhân vận dụng và theo định hướng phụng sự kháng chiến chống ngoại xâm, khát vọng tự do, yêu chân lý và sự thật.
 
Đà Lạt, 12/2013
 
(1) Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã dẫn 2 câu Kiều này trong đáp từ của mình tại cuộc chiêu đãi của Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương ngày 17/11/2000.
 
(2) Quân cơ quốc kế thương đàm liễu/Huề chẩm song bàng đối nguyệt miên (Đối nguyệt) (Việc quân, việc nước đã bàn xong/Ôm gối đến bên cửa sổ đối mặt trăng nằm ngủ). “Tố sự thung dung nhật nguyệt trường” (Thất cửu) (Làm việc thung dung, ngày tháng dài). “Tặng công chỉ nhất cú: Kháng chiến tất thành công” (tặng Võ Công) (Tặng cụ chỉ một câu: Kháng chiến ắt thành công).
 
(3) Sao khuê, rau tảo là biểu trưng của tài năng văn chương. Viết “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”, Lê Thánh Tông ca ngợi tài năng văn chương của Ức Trai, tức Nguyễn Trãi. Viết “Vũ Mục hung trùng liệt giáp binh” là sự khẳng định tài cầm quân của Vũ Mục ở Trung Hoa.
 
(4) Nụ cười hóm hỉnh, hài hước nhưng là nụ cười ra nước mắt, cay đắng bởi vô tội mà bị cầm tù một năm rồi: “Vô tội nhi tù dĩ nhất tải/ Lão phu hòa lệ tả tù thi” (Thu dạ) (Vô tội mà đã ở tù một năm nay/ Lão phu hòa lệ viết thơ tù). Chủ tịch Hồ Chí Minh am hiểu văn Pháp đến mức có thể giảng giải cho chính người Pháp về văn hóa của nước họ. Trong nụ cười của Người trong những ngày tháng bị tù tại nhà lao của bọn phản động Trung Quốc, cái nụ cười mang tính chất “humour” nhưng là “humour noir” - điều không có gì lạ với độc giả nước ta.
 
LÊ CHÍ DŨNG