Vóc dáng khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tháo vát - phong thái của một nông dân "đúng hiệu", song từ niềm đam mê nghệ thuật hơn 10 năm qua người nông dân này đã lặng lẽ "thổi hồn" vào những gốc cây khô, những hòn đá vô tri vô giác, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật sống động - Đó là Nghệ nhân Nguyễn Tấn Công, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh...
Vóc dáng khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tháo vát - phong thái của một nông dân “đúng hiệu”, song từ niềm đam mê nghệ thuật hơn 10 năm qua người nông dân này đã lặng lẽ “thổi hồn” vào những gốc cây khô, những hòn đá vô tri vô giác, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật sống động - Đó là Nghệ nhân Nguyễn Tấn Công, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh...
|
Ông Nguyễn Tấn Công bên tác phẩm đá, gốc cây |
Từ nông dân “thứ thiệt”
Tiếp chuyện tôi, nghệ nhân Nguyễn Tấn Công (58 tuổi) hồi ức lại những năm đầu tiên rời quê lên Tây Nguyên lập nghiệp với những tháng ngày vật lộn với bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn. Ông Công kể lại, gia đình ông bao đời sống bằng nghề nông nghiệp, trong khi quê cũ đất chật người đông, gia đình lại đông con nên vào năm 1998, ông đã quyết định dắt díu vợ và 4 đứa con còn nhỏ rời Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) lên lập nghiệp tại huyện Di Linh. Gia tài lúc đi lập nghiệp trên quê hương mới chẳng có gì ngoài đức tính cần cù, chịu thương chịu khó và những đôi bàn tay trắng chai sần mưa nắng của người miền Trung…
Để có cái ăn và cho các con học hành, đôi vợ chồng nông dân này bắt đầu những năm tháng cật lực đi làm thuê, cuốc mướn cho các nhà vườn; rồi vợ chạy chợ mua bán rau, hoa quả còn chồng mua bán hàng chuyến… “Đất lành chim đậu” - trên địa bàn các xã của huyện Di Linh những năm ấy còn khá hoang vu, sẵn có đức tính chịu thương, chịu khó và ham làm, đôi vợ chồng này đã dành dụm dần dần vừa khai hoang vừa mua đất để mở rộng diện tích sản xuất các loại cây trồng. Một trong những loại nông sản rất phù hợp với đất đai, khí hậu của Di Linh và đã đem lại sự “đổi đời” cho nông dân nơi đây là cây cà phê được vợ chồng chú trọng đầu tư với quyết tâm vươn lên làm giàu trên quê mới.
Sau hơn 15 năm lập nghiệp trên cao nguyên, đến nay gia đình ông Công đã có trong tay 3,3 ha cây cà phê đã và đang cho thu hoạch. Những năm qua, nhờ giá cà phê và các loại nông sản tăng lên (có năm tăng đột biến), giúp gia đình thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ có mức thu nhập khá và ổn định. Mỗi năm, trừ chi phí phân bón, thuốc, nước và công cán lao động… gia đình thu nhập trên 300 triệu đồng. Nhờ đó, các con ông có điều kiện học hành, lần lượt thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng và đã ra trường, có việc làm ổn định. Gia đình cũng đã xây cất nhà mới khang trang, mua sắm nhiều tiện nghị sinh hoạt có giá trị, cuộc sống khá giả, giàu có và hạnh phúc đang mở ra từng ngày…
Đến với nghệ thuật
Từ một nông dân “thứ thiệt” đến với nghệ thuật, trở thành một nghệ nhân đá cảnh và hàng lụa gỗ đối với ông Nguyễn Tấn Công là một sự tình cờ thú vị. Có lẽ niềm đam mê, năng khiếu sẵn có, môi trường sống và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo là những “chất liệu” cơ bản để trở thành một nghệ nhân! Ông cho biết, trên địa bàn huyện Di Linh ngoài các loại đá tự nhiên rất phong phú, những năm gần đây qua làm vườn, sản xuất, nhiều hộ gia đình phát hiện và khai thác được rất nhiều loại đá quý và đẹp như: thạch anh (có các màu: trắng, tím, hồng, thạch anh khói…), đá Kasidol, mã não… Từ việc phát hiện nguồn đá nguyên liệu này đã tạo cơ hội cho phong trào nghề đá cảnh ở địa phương này ra đời và phát triển khá mạnh. Hiện nay, riêng ở thị trấn Di Linh có đến vài chục hộ gia đình “chơi” môn nghệ thuật khá tao nhã và cũng lắm công phu này.
Từ năm 2001, ông Công mới bắt đầu tham gia “làng” chơi đá cảnh và sau đó cả làm đồ gỗ; ông thuộc lớp nghệ nhân “đi sau”, bởi có nhiều người ở Di Linh đã có tuổi nghề vài chục năm nay. Dù trình độ học vấn không bao nhiêu, kiến thức, kỹ năng của nghề làm đá cảnh chẳng được học hay được bồi dưỡng ngày nào, song với niềm đam mê và thấy mình có năng khiếu nên ông quyết tâm theo đuổi. Ban đầu vợ con tỏ ý không tin tưởng ông có thể thành công với cái nghề đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn, có óc thẩm mỹ và trí tưởng tượng cao…, cộng với tài nghệ của người nghệ nhân.
Ông Công tâm sự, từ những khối đá, những viên đá rất thô sơ trong tự nhiên được tìm kiếm hoặc mua về, tranh thủ thời gian vào ban đêm (sau khi làm vườn về và cơm nước xong) ông lặng lẽ chong đèn lên để gọt dũa, nhìn ngắm, quan sát từng mạch đá, hoa vân, hình dáng… rồi hình dung ra những ý tưởng, hình thù để rồi bắt đầu kỳ công đục, mài, gọt, dũa… và “thổi hồn” vào đá biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật sinh động. Để có một tác phẩm ưng ý, người nghệ nhân có thể mất từ 5 cho đến 10 ngày đêm, thậm chí cả tháng trời miệt mài lao động, sáng tạo. Ví dụ như tác phẩm ông ưng ý nhất trong bộ sưu tập đá cảnh của mình là tác phẩm “dáng Việt” khối đá được chế tác có hình chữ S (bản đồ Việt Nam) cao khoảng 60 cm, rộng chừng 30 cm bằng chất liệu đá Kasidol pha đá mã não có hoa vân rất đẹp mà ông đã dồn tâm sức gần một tuần lễ mới hoàn thành…
Ngoài chế tác đá cảnh, nghệ nhân Nguyễn Tấn Công còn được các hội viên trong Hội Sinh vật cảnh huyện Di Linh và nhân dân trong vùng biết đến với nghề làm lụa gỗ. Đến với lĩnh vực này đối với ông cũng là tình cờ. Sống giữa vùng sản xuất cà phê lâu đời, nhiều gốc cà phê lão các nhà vườn đào bỏ, ông Công xin mang về đục đẽo, gọt dũa, tạo dáng và đánh dầu bóng thành những cái bục chưng cây cảnh, bục để tivi hay những bộ bàn, ghế đặt trong vườn ngồi uống trà… Về sau, ông sưu tầm và tìm mua những gốc cây khô, trong đó có một số loài cây có “tên tuổi” mang về chế tác và “thổi hồn” vào nó trở những tác phẩm nghệ thuật rất đẹp và có giá trị…
Sau hơn 10 năm tham gia “làng” chơi đá cảnh và lụa gỗ, đến nay trong bộ sưu tập của nghệ nhân - nông dân này đã có vài chục tác phẩm đá, 4 bộ bàn ghế và nhiều vật dụng khác có giá trị được chưng bày, giới thiệu tại gia đình. Trong các tác phẩm, có những bộ bàn ghế được chế tác từ gốc cây khô có giá bán từ 50 - 80.000 triệu đồng/bộ…
Tại Triển lãm Hoa và Sinh vật cảnh trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Đà Lạt 2013 vừa qua, nghệ nhân Nguyễn Tấn Công đã cùng nhóm hơn 10 nghệ nhân đá cảnh và hàng lụa gỗ của huyện Di Linh tham gia một gian hàng. Riêng nghệ nhân Công tham gia triển lãm với 10 tác phẩm đá cảnh, một số tác phẩm gỗ được chế tác từ gốc và rễ cây khô thu hút nhiều du khách trong và ngoài ngước tham gia, thưởng lãm…
THANH DƯƠNG HỒNG