Những nghệ sỹ chân đất

01:01, 31/01/2014

Trong trang phục thổ cẩm sặc sỡ, đôi chân trần nhịp bước uyển chuyển bên bếp lửa hồng, tiếng ca cất lên trong trẻo như tiếng nước suối giữa đại ngàn, đó là các tiết mục biểu diễn của những nghệ sỹ chân đất dưới chân núi Lang Biang huyền thoại.

Trong trang phục thổ cẩm sặc sỡ, đôi chân trần nhịp bước uyển chuyển bên bếp lửa hồng, tiếng ca cất lên trong trẻo như tiếng nước suối giữa đại ngàn, đó là các tiết mục biểu diễn của những nghệ sỹ chân đất dưới chân núi Lang Biang huyền thoại.
 
Những nghệ sỹ chân đất biểu diễn nhạc cụ dân tộc ở Khu du lịch Đồi Mộng Mơ
Những nghệ sỹ chân đất biểu diễn nhạc cụ dân tộc ở Khu du lịch Đồi Mộng Mơ
 
Ngày lên rẫy tối làm ca sỹ
 
Những chàng trai cô gái người Lạch, người Cill vẫn gắn bó với buôn làng, vẫn mang gùi lên nương, lên rẫy. Nhưng đêm đến họ khoác lên mình chiếc áo thổ cẩm truyền thống do chính người dân buôn làng mình dệt ra để biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc phục vụ du khách. Ăn cái rau rừng, uống cái nước suối của buôn làng, những chàng trai cô gái người Cill, người Lạch từ nhỏ đã có một chất giọng đặc biệt. Không học qua thanh nhạc, không được học nhạc lý, họ hát một cách rất hồn nhiên như đời sống giữa núi rừng của họ vậy. Bởi từ xa xưa âm nhạc đã xuất hiện rất phong phú và đa dạng trong đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây. Họ hát trong lúc đi tỉa bắp, đi hái rau rừng hay ngồi dệt thổ cẩm. Lời ca tiếng hát của họ cũng vang lên trong các lễ hội truyền thống như lễ cúng Giàng, lễ mừng lúa mới hay trong các dịp cưới hỏi, đón khách phương xa tới… Nhiều đôi trai gái cũng tỏ tình với nhau qua lời ca tiếng hát. Trong chuyện tình chàng Lang và nàng Biang, làm nên sử tích núi LangBiang bây giờ cũng xuất phát từ những lời ca tiếng hát. Chàng Lang và nàng Biang đã mến nhau qua lời ca, tiếng khèn, tiếng chiêng, nhịp trống. Mỗi khi họ hẹn hò, bày tỏ tình cảm bằng lời ca, tiếng đàn, khi ấy những dòng suối dường như ngừng chảy, chim chóc ngừng bay, hươu nai ngơ ngác lắng nghe quên gặm cỏ và ma quỷ quên làm hại người. 
 
Ðể lý giải cho giọng ca thiên bẩm của các “nghệ sĩ chân đất” nơi đây, những người già trong buôn làng dưới chân núi Lang Biang cho rằng là nhờ tắm và uống cái nước suối của buôn làng. Họ kể rằng ngày xưa khi đứa trẻ sinh ra được khoảng 10 ngày tuổi thì người lớn thường mang ra dòng suối giữa rừng để tắm và cho uống 7 lần 7 ngụm nước suối (nhiều khi chỉ là uống tượng trưng), đồng thời cầu mong thần linh phù hộ cho đứa trẻ khỏe mạnh, sau này lớn lên có được giọng hát trong trẻo vang xa. Theo ông Ha Tiên ở Bonne C xã Lát, Lạc Dương cho biết: “Hồi nhỏ mình vẫn thường được người già dạy cho làm cách này nhưng giờ thì không ai làm nữa vì các dòng suối bây giờ bị ô nhiễm không được trong trẻo, sạch sẽ như xưa”.
 
Một truyền thuyết nữa cũng liên quan đến giọng hát của trai gái ở các buôn làng là câu chuyện về con ve sầu. Già làng K’Plin ở thị trấn Lạc Dương kể rằng, ngày xưa những đứa trẻ sinh ra có mặt mũi sáng sủa, khỏe mạnh, bố mẹ muốn con mình sau này có giọng hát hay thì khoảng từ 8 - 12 tuổi, phải đi vào rừng bắt một con ve sầu về mời một thầy mo trong làng đến chườm lên cổ và đọc thần chú. Làm như thế 7 lần thì sau này đứa trẻ sẽ có giọng hát ngân vang như tiếng ve giữa rừng già. 
 
Không biết những câu chuyện huyền bí kia có linh ứng hay không, nhưng giọng ca tuyệt vời của trai gái nơi sơn nguyên dưới chân núi Lang Biang thì không ai phủ nhận được. Hiện nay, có 12 câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng đang biểu diễn phục vụ du khách ở thị trấn Lạc Dương. Cùng với đó, hàng đêm có đến gần 100 ca sỹ nghiệp dư đến biểu diễn làm mê đắm lòng du khách. Cùng với những lời ca tiếng hát là những điệu múa nhịp nhàng uyển chuyển, tiếng cồng chiêng bập bùng và tiếng nhạc cụ vang xa.
 
Từ làng ra phố
 
Nhiều nghệ sỹ chân đất xuất thân từ buôn làng giờ đã vươn ra thành danh ở các thành phố lớn. Hẳn nhiều người vẫn quen thuộc với giọng ca nồng nàn của ca sỹ núi rừng Bonneur Trinh với ca khúc Lang Biang S’Ning của hai tác giả Krajan Plin và Krajan Dick (cũng là những người con của đồng bào Lạch dưới chân núi Lang Biang), Bonneur Trinh đã xuất sắc đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình TPHCM năm 2002. Bây giờ tuy hoạt động nghệ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng Trinh vẫn không quên dòng suối và núi rừng quê hương nơi đã sinh ra và cho mình giọng hát bỏng cháy, diết da. Chính cái tên của cô cũng đặt theo tên buôn làng. Tên thật của cô là Cil Trinh còn Bonneur là tên làng Bonneur B thuộc xã Lát huyện Lạc Dương, nơi cô sinh ra và lớn lên. Hơn 10 năm ca hát, với chất giọng khỏe, nồng ấm, cô ca sĩ của núi rừng Tây Nguyên - Bonnuer Trinh đã có một chỗ đứng khá vững trong lòng của người hâm mộ.
 
Ngoài Boneur Trinh, nhiều người con khác ra đi từ những buôn làng nhỏ bé dưới chân núi Lang Biang cũng đã khẳng định được mình mà nhiều người biết đến. Ðấy là Krajan Út và Cil Pơi lọt vào vòng chung kết giải Sao Mai năm 2003, hay Krajan Sik xuất sắc giành Huy chương Vàng cuộc thi dân ca toàn quốc năm 2005. Mới đây nhất K’Ðruynh với giọng ca nồng nàn của mình đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi Viet Nam Got Talent 2013. Khi nhận xét về giọng hát của K’Ðruynh, nhạc sĩ Huy Tuấn - vị giám khảo khó tính và được coi là khắt khe với các tài năng âm nhạc thừa nhận: “Rõ ràng bạn là một trong những giọng ca đặc biệt nhất trong mùa giải năm nay. Giọng ca đã lâu mà tôi chưa được chứng kiến trên vùng cao Tây Nguyên”. 
 
Không chỉ có giọng ca đặc biệt mà nhiều người con của núi rừng Lang Biang cũng đã trở thành những nhạc sĩ có tên tuổi như Krajan Dick - Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, Phó trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Lâm Ðồng. Người ta biết đến ông qua nhiều ca khúc nổi tiếng như: Nồng nàn cao nguyên, Tiếng đàn Klong Put đón mùa xuân, K, Bing ơi em hãy về, Sắc hoa Ðà Lạt… Với những sáng tác và cống hiến của mình, nhạc sĩ Krajan Dick cũng đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý của các cấp, các ngành trao tặng. Một nhạc sĩ khác không thể không nhắc đến ở đây là Krajan Plin - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa cồng chiêng “Những người bạn LangBiang”. Ông là một người tự tìm tòi học hỏi để sáng tác nhạc. Những ca khúc của ông mang đậm chất dân ca của dân tộc mình mà tiêu biểu như bài hát K’bing ơi do ca sĩ Siu Black thể hiện đã đứng đầu trong bảng xếp hạng Bài hát yêu thích tháng 9 vừa qua. 
 
Du khách mỗi lần đến với Ðà Lạt, tham quan Khu du lịch Ðồi Mộng Mơ thì khó lòng bỏ qua những tiết mục biểu diễn đặc sắc của những chàng trai, cô gái Lạch nơi đây. Họ không chỉ đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ du khách mà còn thể hiện những bài múa hấp dẫn miêu tả sinh động đời sống, sinh hoạt của con người gắn liền với thiên nhiên với núi rừng hoang vu, biểu diễn các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình phục vụ du khách. Tiếng đàn đá thanh trong, tiếng đàn Tơ rưng thánh thót hay tiếng đàn Klong Put trầm hùng vang lên giữa đồi thông thơ mộng khiến cho du khách quyến luyến không muốn rời xa. Cil Ðuên, một nghệ nhân 26 tuổi biểu diễn ở Khu Du lịch Ðồi Mộng Mơ cho biết: “Từ nhỏ thì em đã thích ca hát và chơi các loại nhạc cụ của dân tộc mình rồi. Em cũng đã thi và học Khoa Nhạc cụ dân tộc của Trường Ðại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sau khi ra trường có nhiều ban nhạc dân tộc ở Hà Nội và ở thành phố Hồ Chí Minh mời em tham gia nhưng em vẫn muốn về đây để gần với buôn làng. Em vui nhất là khi những tiết mục của mình được du khách đón nhận, tán thưởng. Không chỉ du khách trong nước mà khách nước ngoài họ cũng rất thích các tiết mục độc tấu đàn đá, đàn Tơ rưng của em. Có nhiều người còn ghi âm lại để làm nhạc chuông cho điện thoại của mình nữa”. 
 
Người ta thường nói, âm nhạc làm cho chúng ta hoàn thiện, hoàn mỹ hơn và âm nhạc cũng làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Ðối với người Cil và người Lạch dưới chân núi Lang Biang thì hơn thế nữa vì lời ca tiếng nhạc của họ còn là sự kết nỗi giữa thần linh với con người. Hy vọng mạch nguồn âm nhạc sẽ không bao giờ khô cạn trong các thế hệ người con của những buôn làng nơi núi rừng Nam Tây nguyên.
 
DUY DANH