Không biết tự khi nào, chiếc chổi rơm nho nhỏ nơi góc bếp mỗi nhà dần dần biệt tăm. Khắp phố chợ cùng quê ở đâu cũng thấy đầy những cây chổi bằng ni lông màu xanh xanh đỏ đỏ…
Không biết tự khi nào, chiếc chổi rơm nho nhỏ nơi góc bếp mỗi nhà dần dần biệt tăm. Khắp phố chợ cùng quê ở đâu cũng thấy đầy những cây chổi bằng ni lông màu xanh xanh đỏ đỏ…
Những gánh chổi rơm của các bà, các mẹ gánh vào phố thuở nào giờ đây chỉ còn ẩn hiện sau màn sương khói thời gian hoài niệm. Tiếng rao dài “Chổi rơm, chổi rơm đây” theo cơn gió tan vào năm tháng nắng mưa. Chiếc chổi rơm quê, chổi rơm của vàng óng ruộng đồng dường như không còn “hợp thời” nữa chăng giữa thời “làng lên phố, phố hóa làng”?
Chiều nay, cầm chiếc chổi rơm trên tay của một bà cụ gánh vào góc chợ, lòng tôi dâng lên một nỗi niềm rưng rưng. Những cọng rơm vàng bện chặt, được cắt xén công phu. Cán chổi vừa tay cầm, được bện bằng hàng chục cuống rạ vàng tươi. Tôi hỏi thăm bà gánh chổi từ đâu và làm sao bện được những cọng rơm vàng thành chiếc chổi gọn nhẹ này. Thiệt tình tôi không ngờ chiếc chổi rơm có được phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, khéo léo mới thành.
Trước nhứt là tìm loại rơm lúa nếp thì thân mới cứng và dẻo dai. Đây là rơm được đập bằng thùng chứ không là rơm suốt bằng máy. Có như vậy cọng rơm mới thẳng và không bị gãy dập.
Mang rơm về, mọi người quây quần ngồi phân loại từng thứ trong tiếng cười nói râm ran. Rơm được bó lại thành từng “tay rơm” nhỏ. Kế đó, người có “tay nghề” ghép từng “tay rơm” lại thành hình hài chiếc chổi. Công đoạn cuối cùng là tết cán chổi, gọt cho gọn sau khi làm cái quai nhỏ để treo lên giá…
Chổi rơm trên tay bà run run quét bếp mỗi ngày. Mọi ngóc ngách, chổi rơm đều đưa vào được để quét cho thiệt sạch. Ngày tháng qua đi, cây chổi rơm cũng mòn dần. Đến lúc không còn sử dụng được nữa, chổi rơm lại hóa thành đất mùn, bón cho hàng chuối, hàng ớt thêm xanh.
Cây lúa quê mình góp cho đời hạt gạo trắng ngần. Thân lúa thành rơm góp cho đời từng cọng vàng làm nên cây chổi nhỏ. Cả cuộc đời, cây lúa không mang về cho mình chút gì. Trái lại, để rơm thơm cho đời trong chiếc “chổi nhà quê”. Ừ, chổi rơm - “chổi nhà quê” mà an toàn, mà sạch, mà thân thiện bao đời! Còn ba cái chổi màu xanh màu đỏ, hóa chất độc hại nằm trong đó không chừng!
Cây chổi rơm của hương đồng gió nội, của bàn tay bà tay mẹ tảo tần; của dãi dầu một nắng hai sương. Màu chổi vàng ươm như nắng thu và từ trong màu quê thân thương ấy, chợt hiện về trong nắng chiều dáng ngoại ngồi tết từng cây chổi nhỏ cho đời…
Tản văn: LÊ LAM HỒNG