Di sản tư liệu thế giới trong lòng thành phố ngàn hoa

04:02, 04/02/2014

Ngày 27/12/2013, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại Đà Lạt đã tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ là mộc bản triều Nguyễn. Đây là di sản tư liệu đã được UNESSCO công nhận là di sản tư liệu của thế giới. 

Ngày 27/12/2013, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại Đà Lạt đã tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ là mộc bản triều Nguyễn. Đây là di sản tư liệu đã được UNESSCO công nhận là di sản tư liệu của thế giới. 
 
Hơn 30 ngàn tấm mộc bản của triều Nguyễn hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV Đà Lạt, nơi mà trước đây gia đình nhà họ Ngô, là Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân sử dụng. Khối ván in mộc bản này đã được chuyển lên Đà Lạt năm 1960, cùng với rất nhiều tài liệu châu bản và các cổ thư có giá trị khác.  Thành phố ngàn hoa thật may mắn khi đang lưu giữ một báu vật đã có vài trăm năm tuổi, đó là kho thư tịch văn hiến của nhiều triều đại. Tự hào, vinh dự nhưng mang nặng trọng trách, cần phải bảo tồn thế nào để kho văn hiến ấy sẽ được mọi người dân Việt Nam cũng như các du khách nước ngoài biết đến.
 
Những chuyến tàu răng cưa đã ì ạch chở hàng chục ngàn tấm mộc bản cùng với các tư liệu quý giá khác từ ga Tháp Chàm đến ga Đà Lạt cách đây đã hơn 50 năm. Trong suốt khoảng thời gian ấy, khối tài liệu quý giá này đã phải di chuyển rất nhiều nơi để bảo quản. Thậm chí có thời kỳ người ta còn lượm được để làm củi đun. Nhưng những cố gắng của cán bộ lưu trữ đã làm sáng lên cho tài liệu, họ chăm chút tỉ mỉ lau chùi bảo quản để rồi có ngày khối ván in mộc bản của triều Nguyễn được vinh danh trên thế giới. Đó là niềm tự hào của Việt Nam và cũng là niềm tự hào của Huế. Nơi đã từng sản sinh ra những báu vật này.
 
Mộc bản có giá trị về nhiều mặt, trong đó có giá trị tư liệu là bản gốc (độc bản) để in ra sách, do đó mộc bản còn là chứng tích để nghiên cứu về nghề khắc ván in mộc bản xưa ở nước ta. Ngoài ra, theo ông Đỗ Quang Trung, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã nhận xét về mộc bản khi đến thăm: “Mộc bản không những có giá trị về mặt tư liệu gốc, mà mỗi tấm mộc bản như là một tác phẩm nghệ thuật”. Trong hơn 30 ngàn tấm mộc bản này được chia làm 9 chủ đề khác nhau, có giá trị khác nhau để người đọc nghiên cứu: Chủ đề lịch sử, hiện tại Trung tâm đang bảo quản  30 bộ sách (gồm 836 quyển), trong đó có nhiều bộ sách có giá trị như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, v.v..; đây là những tài liệu ghi chép về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước đến triều Nguyễn. Về địa lý, có 2 bộ (gồm 20 quyển), đó là Đại Nam nhất thống chí và Hoàng thành nội; ghi chép về địa lí đã thống nhất ở Việt Nam và ghi chép về Hoàng thành Huế. Về chính trị xã hội, có 5 bộ (gồm 16 quyển), trong đó có bộ sách rất có giá trị, như Lịch triều sách lược; ghi chép về sách lược của các triều đại phong kiến Việt Nam. Chủ đề quân sự, có 5 bộ (gồm 151 quyển), trong đó có bộ sách rất có giá trị, như: Khâm định tiễu bình nghịch phỉ phương lược chính biên, ghi chép về tiễu trừ phỉ ở Bắc kỳ, Nam kỳ, Bình Thuận và một vài nơi khác. Chủ đề điển chế pháp luật, có 12 bộ (gồm 500 quyển), trong đó có những bộ sách rất có giá trị như: Hoàng Việt luật lệ thường gọi là bộ Luật Gia Long và Khâm định Đại nam hội điển sự lệ; ghi chép về điển chế và phát luật triều Nguyễn. Chủ đề văn hóa - giáo dục, có 31 bộ (gồm 93 quyển), trong đó có những bộ sách rất có giá trị như: Quốc triều Hương khoa lục và Quốc triều đăng khoa lục; ghi chép về những nhân vật đỗ cử nhân và tiến sĩ triều Nguyễn. Tư tưởng triết học - Tôn giáo, có 13 bộ (gồm 22 quyển), trong đó có những bộ sách rất có giá trị như: Dịch kinh đại toàn, Đại học tân ước, Luận ngữ tân ước, Mạnh Tử tân ước, Thi Kinh đại toàn, Thư Kinh tân ước; đây là những bộ sách viết về phương pháp tiếp cận kinh điển Nho gia. Chủ đề văn thơ, có 39 bộ (gồm 265 quyển), trong đó có những bộ sách rất có giá trị như: Bạch Vân Am thi tập, chép thơ của nhà triết học Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585); Danh thi hợp tuyển, chép thơ của các nhà thơ nổi tiếng ở Việt Nam; Ngự chế lịch đại đế vương thi tập và Thánh chế thi tập, chép thơ của các bậc đế vương Việt Nam. Chủ đề Ngôn ngữ văn tự, có 14 bộ (gồm 50 quyển), trong đó có những bộ sách rất có giá trị như: Tam tự kinh, sách dạy học chữ Hán; Luận ngữ thích nghĩa ca; sách giải nghĩa Luận ngữ bằng chữ Nôm; Triện thư, sách chép chữ triện, v.v..
 
Trong hơn 150 đầu sách hiện còn tại Đà Lạt có gần đủ cả các lĩnh vực thao, lược, nhâm, cầm, nho, y, lý, số, nói theo kiểu nói của người xưa đó là theo học thuyết Khổng - Mạnh chủ trương sống nhân nghĩa vị tha chính danh, xây dựng một xã hội có trật tự kỷ cương bằng nho học như các sách Luận ngữ, Mạnh tử, cùng các sách kinh điển của Nho gia như thi kinh, dịch kinh, thư kinh…
 
Không chỉ có những đầu sách mang tính giáo dục thời phong kiến, kho sách mộc bản còn hàm chứa nhiều bộ sách mang tính học thuật cao gồm các chủ đề về văn thơ, địa lý, ngôn ngữ văn tự, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng mà thông tin trong đó giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là thông tin nguồn gốc trích dẫn chính thống. 
 
Chắc chắn rằng nhiều ngành khoa học của ta như triết học, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, văn tự, văn học, nghệ thuật, tôn giáo… sẽ phải dựa vào không ít kho sách mộc bản Hán Nôm để dựng lại diện mạo một thời, trong đó có đối tượng nghiên cứu, thậm trí có cả bản thân ngành nghiên cứu. Những ẩn số trong quá khứ dân tộc có thể sẽ được giải mã một phần qua việc tìm đọc kho sách Hán Nôm.
 
Như vậy, nhìn chung kho tài liệu ván in mộc bản của Việt Nam là một kho tàng thông tin phong phú và độc đáo. Hơn nữa đây là dạng tài liệu độc bản, nguyên gốc có giá trị thực tiễn cao, có thể dùng làm cơ sở để nghiên cứu đối sánh về mặt văn bản học. Ngoài ra, khai thác các thông tin trong các chủ đề trên, các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài có thể nghiên cứu được nhiều vấn đề về Việt Nam dưới thời phong kiến.
 
Song song với việc bảo quản nguyên vẹn, an toàn cho khối tài liệu này, cơ quan chủ quản đã thực hiện nhiều phương pháp để phát huy giá trị cho tài liệu lưu trữ. Cụ thể như độc giả trong nước và quốc tế có thể tiếp cận với bản gốc tài liệu mộc bản để nghiên cứu. Bên cạnh đó, Trung  tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã xuất bản một số đầu sách để giới thiệu giá trị của mộc bản: Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan, Khoa bảng Thăng Long – Hà Nội qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản triều Nguyễn – Chiếu dời đô và một số kiệt tác. Bên cạnh đó là Trung tâm đã công bố một số bài viết trên Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, làm phim Dấu ấn Thăng Long – Hà Nội qua mộc bản triều Nguyễn…Những việc làm đó của Trung tâm Lưu trữ nhằm quảng bá cho mộc bản thêm phần giá trị, sánh ngang với mộc bản của Hàn Quốc. Để quảng bá sâu rộng hơn nữa cho đa số quần chúng nhân dân biết về mộc bản cũng như tận mắt nhìn thấy các tấm mộc bản như thế nào, Trung tâm đã làm nhiều phiên bản như thật để cho du khách tới tham quan.
 
NGUYỄN HUY KHUYẾN