Tối 11/2, tại Hội trường Thống Nhất, Bộ VH-TT-DL và UBND TPHCM tổ chức trọng thể lễ đón nhận bằng UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tối 11/2, tại Hội trường Thống Nhất, Bộ VH-TT-DL và UBND TPHCM tổ chức trọng thể lễ đón nhận bằng UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
|
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, trao bằng vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ |
Được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật xuất xứ từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian, chữ “tài tử” ở đây có nghĩa là người chơi nhạc có biệt tài, giỏi về cổ nhạc, chứ không có nghĩa là nghiệp dư. Đờn ca tài tử được du nhập vào miền Nam do 3 nhạc sư gốc Trung bộ: Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi - Nhạc quan triều đình nhà Nguyễn), Trần Quang Quờn (thầy ký Quờn) và Lê Tài Khị (biệt danh Nhạc Khị) sáng tạo nên với mục đích chỉ để phục vụ nghe chơi với nhau giữa một số người trong một hoàn cảnh nhất định. Dần dà thu hút thêm những đối tượng khác cùng tham gia và không gian cũng mở rộng hơn; lúc đầu chỉ có đờn, sau xuất hiện hình thức ca cùng với đờn nên gọi là đờn ca. Bài bản tài tử dựa trên các bài có sẵn của ca Huế rồi cải biên, sáng tác ra nhiều loại bài bản mang âm hưởng quê hương hoặc dựa theo các tác phẩm, tích truyện phổ thông thời bấy giờ - là loại nhạc “tâm tấu” (tâm tình của người xa xứ), mang tính ngẫu hứng sáng tạo. Nhạc cụ dùng trong đờn ca tài tử gồm: đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn tỳ bà, đờn tam (hoặc đờn sến, đờn độc huyền). Vào khoảng năm 1930 có thêm cây guitare phím lõm, violon, guitare hawaii được cải biên đưa vào nhạc tài tử. Theo truyền thống, ít khi nhạc công độc tấu mà thường là song tấu, tam tấu, hòa tấu. Đến đầu thế kỷ 20, nhạc tài tử rẽ nhánh thành một dòng nhạc mới với dấu mốc ban đầu là ca ra bộ và sau đó là cải lương. Bén rễ ở vùng đất phương Nam hơn một thế kỷ qua, đờn ca tài tử trở thành loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam bộ, không ngừng phát triển trở thành sinh hoạt nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân… Số liệu kiểm kê cho thấy, hiện có 2.258 CLB đờn ca tài tử tại 21 tỉnh, thành trong cả nước với gần 14.000 người tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử, người nhỏ nhất 6 tuổi, lớn nhất 99 tuổi. Riêng tại TPHCM có 97 CLB đờn ca tài tử với 1.133 thành viên tham gia sinh hoạt, chiếm tỷ lệ cao nhất là độ tuổi từ 36 - 50 tuổi.
Phát biểu tại buổi lễ vinh danh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việc UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam bộ, của người Việt Nam mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Đồng thời là một minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa truyền thống của Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới”.
|
Biểu diễn đờn ca tài tử tại lễ vinh danh |
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, đã công bố quyết định của UNESCO ghi danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trao bằng công nhận cho Bộ VH-TT-DL và đại diện 21 tỉnh thành. Bộ VH-TT-DL cũng công bố Chương trình hành động quốc gia nhằm kêu gọi nhân dân cả nước cùng chung tay, góp sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, đồng thời khen thưởng các tập thể, cá nhân, nghệ nhân đã có những công trình, sản phẩm, thực hiện công tác truyền dạy góp phần phát triển hoạt động đờn ca tài tử trong nhiều năm qua.
TS (Theo SGGP)