Nếu có nhiều người như bà Roda Nai Linh thì nhà sàn không còn đơn độc, trở thành của hiếm giữa sự biến thiên của cuộc sống và cơn lốc đô thị hóa.
Nếu có nhiều người như bà Roda Nai Linh thì nhà sàn không còn đơn độc, trở thành của hiếm giữa sự biến thiên của cuộc sống và cơn lốc đô thị hóa.
|
Chủ nhân thừa kế chiếc chóe lớn nhất (thuộc hàng vua) |
Chủ nhân ngôi nhà sàn ở tổ dân phố M’Lọn, thị trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương) là bà Roda Nai Linh, dân tộc K’Ho nhánh Đơn Dương, đầy tự hào đưa chúng tôi đi ngược về lịch sử của dòng họ Roda bằng câu chuyện từ những kỷ vật của một thời “Danh gia vọng tộc”. Bà Linh lấy bức ảnh chụp đại gia đình đang đứng trước ngôi nhà sàn và giới thiệu cho chúng tôi từng người thân. Ngôi nhà sàn đã đi vào hình ảnh kỷ niệm của dòng họ từ thời bà cố đến giờ, nếu tính tuổi của người chị gái đầu của bà Linh đã mất thì cũng ngoài 70 năm, dài 14m, ngang 6m, hành lang và sàn cũ vẫn giữ nguyên qua nhiều thế hệ, những cột trụ gỗ to cao được mua từ Di Linh chở về bằng trâu mộng.
Bà Linh cho hay: “Thôn M’Lọn có 3 nhà sàn nhưng khi cha mẹ chia cho con cái thì mỗi người tháo đi một gian nên chỉ còn 1 cái này thôi. Gia đình tôi có 5 chị em (2 trai, 3 gái), tôi là con út được bố mẹ chia cho ngôi nhà. Bố mẹ tôi rất quý nó và mong tôi giữ lại để làm nhà từ đường là nơi đoàn tụ gia đình, dòng họ. Mỗi năm xong mùa lúa mới là cả dòng họ làm lễ hội ở ngôi nhà này, bây giờ cứ đến ngày giỗ tưởng nhớ bố mẹ thì nhà lại làm heo, gà, tụ tập đánh chiêng, uống rượu cần”.
Tô điểm xung quanh ngôi nhà sàn là những luống rau xà lách xanh mướt do cô con gái của bà là Roda Nai Yến, kỹ sư tốt nghiệp Đại học Nông lâm Tp.HCM về trồng. Ngôi nhà sàn vẫn giữ nguyên khung sườn cũ, qua thời gian bà Linh đã thay thế những phần gỗ mục như thay ván, làm lại mái chi phí hơn 100 triệu đồng, nó vẫn “ngạo nghễ” giữa cơn lốc bê tông hóa của thị trấn. Bà Linh kể rằng: Năm 2007, có một chủ cơ sở vật liệu xây dựng hỏi mua ngôi nhà sàn 300 triệu đồng và hứa xây lại cho một ngôi nhà to có lầu nhưng bà không đồng ý. Bà Linh quyết giữ gìn ngôi nhà sàn vì lẽ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, chứng kiến bố mẹ tôi mất, những đứa con của tôi ra đời, lớn lên, làm lễ cưới cũng trong ngôi nhà sàn. Mình phải giữ lại để còn gốc tích ông bà. Tôi có đông con gái (5 con gái), theo phong tục người K’Ho chia gia tài cứ tháo 1 gian cho mỗi đứa nhưng tôi không chia như vậy, tôi chia hết ngôi nhà sàn cho con gái đầu để nó tiếp tục gìn giữ”.
Bà Roda Nai Linh, 56 tuổi, rất hiếu khách và hoạt bát giới thiệu cho chúng tôi từng thứ gia sản quý giá đang được bà nâng niu gìn giữ: 5 cái chóe thuộc hàng phẩm cao nhất do người K’Ho xếp hạng, trong đó quý nhất có 1 chóe lớn (thuộc hàng vua) giá bằng 1 con trâu, còn lại là chóe trung (hàng tướng) và chóe nhỏ (hàng quan). Người K’Ho tùy vào khách quý, thứ bậc để dùng loại chóe đựng rượu cần khoản đãi tương xứng. Loại chóe nhỏ hơn mà khi dựng vợ gả chồng làm lễ vật cũng chỉ cho con 1-2 cái làm của hồi môn thì nhà bà Linh có 8 cái. Một bộ chiêng 3 cái làm bằng đồng đen rất nặng, rất quý có thể đổi được 1 con voi, bà Linh tiếc rằng do dùng nhiều 1 cái đã bị nứt, âm thanh lỗi nhịp, bây giờ đổi chỉ bằng 1 con trâu! Cầm chiếc khèn có tên là Rơkel, bà Linh cũng tiếc nuối vì thổi nó không còn phát ra tiếng kêu nữa do có con sâu chui vào làm hỏng.
Giữa gia tài dòng họ Roda còn nhiều thứ quý báu treo trang trọng trên vách ngôi nhà sàn như: bộ cung tên để săn con đỏ, nai, hươu mà bà Linh tuyệt đối không chạm tay vào với niềm tin bí ẩn được bà giải mã: “Không ai dám sờ vào cái cung này vì có tẩm thuốc dân tộc chỉ dùng cho thợ săn lành nghề, ai không phải chủ nhân của nó mà sờ vào sẽ bị nhức đầu!”. Kỷ vật thể hiện đẳng cấp của chủ nhân là cái xà gạc có khảm bạc ở đoạn giữa chỉ có ông Ya Yu Sa Hào (cha của bà Roda Nai Linh) xưa là một già làng của thôn M’Lọn từng sở hữu nó. Bà Linh lấy chiếc gùi mây khoe rằng đó là kỷ vật quý từ thời bà cố mặc dù đã sử dụng nhiều nhưng chiếc gùi vẫn nguyên vẹn và lên nước bóng, kỹ thuật đan mây rất tinh xảo. Bộ phản gỗ là nơi cả nhà ngồi ăn cơm có từ thời bố mẹ bà trị giá bằng 1 con trâu.
|
Bộ chiêng giá trị bằng 1 con voi và nhiều kỷ vật quý của người K’Ho |
Nhiều vật dụng quý được bà Linh đóng tủ trưng bày như: chén bát đồ cổ, đặc biệt có 1 cái thố trị giá 1 con trâu, hộp đựng trầu, 2 cái mâm gỗ để bày lễ vật cúng Giàng, 1 cái mâm đồng có chân đế, 2 chiếc bình gốm, nồi đồng và nhiều bộ trang phục thổ cẩm độc đáo của người K’Ho. Dù đối mặt với những khó khăn của đời sống như 2 đứa con học đại học, cao đẳng ra trường chưa có việc làm, còn nợ 50 triệu đồng tiền vay cho con ăn học nhưng bà Linh không bao giờ bán đi những gia sản quý báu, bà nói: “Bán chúng đi lấy tiền ăn rồi cũng hết! Mình phải bảo quản kỷ vật gia đình”.
Bà Roda Nai Linh có 5 con gái và 1 con trai, chồng bà mất cách đây 8 năm, một mình bà vừa làm bố vừa làm mẹ nuôi 3 con học xong Đại học Nông lâm Tp.HCM, Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật. Hiện có 3 người con dòng họ Roda đang biểu diễn ở Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng, trong đó có 2 cô con gái xinh đẹp của bà Linh chuyên chơi đàn T’rưng và múa. Dòng họ Roda đoạt giải nhất hội diễn văn nghệ các dòng họ nghệ thuật ở Đơn Dương nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2013. Với vai trò là Phó ban công tác Mặt trận kiêm Chi hội trưởng Phụ nữ của Tổ dân phố M’Lọn, bà Linh có nhiều đóng góp cho cộng đồng, có suy nghĩ rất tích cực: “Thôn M’Lọn đã lên tổ dân phố rồi và đang xây dựng nông thôn mới, mình vận động bà con xây dựng đời sống văn minh và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”.
DIỆU HIỀN