Ký ức bên dòng sông giới tuyến

03:02, 26/02/2014

Bến Hải, dòng sông ấy, nếu không có những năm tháng hằn lên nhát gươm chia cắt thì chỉ gợi một dáng dịu dàng như nét sổ mảnh mai trong bài thơ vịnh cảnh.Cây cầu nhỏ Hiền Lương cũng vậy. Những nhịp cầu nối hai bờ từng chứng kiến những buổi hội hè, những đám rước dâu… bỗng một ngày phân đôi giới tuyến. Thong thả sải bước trên những tấm vát lát cầu qua sông hôm nay, mà cảm xúc lại ngược dòng trở về với sáu mươi năm trước.

Bến Hải, dòng sông ấy, nếu không có những năm tháng hằn lên nhát gươm chia cắt thì chỉ gợi một dáng dịu dàng như nét sổ mảnh mai trong bài thơ vịnh cảnh.Cây cầu nhỏ Hiền Lương cũng vậy. Những nhịp cầu nối hai bờ từng chứng kiến những buổi hội hè, những đám rước dâu… bỗng một ngày phân đôi giới tuyến. Thong thả sải bước trên những tấm vát lát cầu qua sông hôm nay, mà cảm xúc lại ngược dòng trở về với sáu mươi năm trước. Từ dòng sông và cây cầu nổi tiếng trên hành trình thiên lý Bắc Nam, lịch sử đau thương và khát vọng thống nhất Tổ quốc được cảm nhận một cách thật rõ ràng… 
 
Cầu Hiền Lương
Cầu Hiền Lương
 
Chiều cuối năm. Màn mưa bụi mỏng và cái se lạnh như càng thấm hơn xúc cảm của người đi tìm dấu tích một thời. Đứng bên thành cây cầu lịch sử, ngắm dòng sông thực tại mà tâm hồn xao động bởi những ký vãng về nỗi đau đất nước. Hiền Lương từng là biểu tượng trực tiếp của đất cách, sông ngăn. Hào quang từ quá khứ rọi về những chiến công hiển hách, nhưng dòng thủy lưu của sông lại mang sắc màu buồn. Chuyện từ dòng sông giới tuyến chia đôi con nước được viết nên bởi máu và nước mắt. Những đợt sóng nhỏ lăn tăn mặt sông trong chiều bình yên này như nhắc nhở cảm thức về thời gian hơn nửa thế kỷ trước. Lịch sử của mỗi vùng đất hầu như đều bắt đầu từ những dòng bi tráng, mà trên đất nước mình, những dòng sông luôn là chứng tích. Đàng Ngoài - Đàng Trong, người Nam - kẻ Bắc. Vết thương chia cắt thành nỗi đau miên viễn, còn khát vọng thống nhất lại là âm hưởng miệt mài trong trang sử dân tộc. Chuyện của sông là hiển linh những dấu mốc, những biến động, là dòng chảy khơi mạch nguồn cảm hứng về Tổ quốc. Đứng trước sông, cảm nhận thật rõ ràng, đất nước đứng dậy, lớn lên, nhân dân anh hùng, bất khuất từ trong máu lửa…
 
Dòng Bến Hải, chứng tích của nỗi đau chia cắt có tên khai sinh là Minh Lương, cách gọi của nhà văn Nguyễn Tuân là “dòng sông Tuyến”. Sông dài quá 70 cây số, nơi rộng nhất cũng chỉ vài trăm mét, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy dọc vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông, đổ ra biển ở phía Cửa Tùng. Cũng như bao con sông khác chảy qua đất Việt, Bến Hải chỉ là một dòng sông nhỏ hiền hòa trôi qua núi rừng với những bản làng Vân Kiều ở phía thượng nguồn và hòa vào biển Đông trước khi qua những xóm làng hai bờ của đất Quảng Trị. Nếu không có chiến tranh, dòng sông thật an lành. Thế rồi, dù không muốn nhưng Bến Hải đã trở thành một địa danh nổi tiếng thế giới. Đó là ngày 20-7-1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, đất nước bị chia thành hai miền, vĩ tuyến 17 được lấy làm ranh giới quân sự tạm thời. Theo Hiệp định, sông Bến Hải là đường biên trong thời gian hai năm, chờ cuộc Tổng tuyển cử thống nhất được quy định vào tháng 7-1956. Xưa, Đoan quận công Nguyễn Hoàng rời Đàng Ngoài vào mở cõi phương Nam cũng bắt đầu hạ trại từ làng Ái Tử phía Nam Bến Hải. Lịch sử thời đương đại lại chọn eo đất nhỏ miền Trung này làm lằn ranh chia cách đôi miền. Xưa, những cuộc tranh chấp và biến động vài chục thập kỷ sơn hà mới về một mối. Nay, cuộc đấu tranh bền bỉ suốt 18 năm đến ngày Quảng Trị giải phóng và 21 năm khi nước nhà thống nhất mới trả lại dòng chảy tự do của sóng nước Bến Hải; trả lại đôi bờ trọn vẹn đủ 178 mét, 7 nhịp, 894 tấm ván lát liền một dải, đồng nhất một màu sơn cho cây cầu lịch sử Hiền Lương…             
Ở hai bờ giới tuyến, câu chuyện về những ngày đau thương bên dòng Bến Hải không bao giờ cũ. Người Vĩnh Linh kể, hồi đó, có em bé được cứu sang bờ bắc, mẹ em bị kẹt lại bờ nam. Mỗi lần nhớ con, chị lại ra bờ sông ngóng về bờ bắc, con trẻ bên này cất tiếng gọi “mạ ơi” xé ruột xé gan mà người mẹ chỉ có thể nhìn con trong ngập tràn nước mắt. Chỉ vài chục sải tay là có thể cập bờ vậy mà suốt hàng chục năm ròng bên nớ bên ni không một lần giáp mặt. Bà con bờ nam muốn nhắn tin với người thân bờ bắc chỉ có thể đứng bên sông đưa tay dùng ám hiệu: Đầu vấn khăn tang, hai tay úp mặt là báo người thân vừa mới qua đời; hai cánh tay quặt ra phía sau là muốn nói rằng có người vừa bị bắt…Người ta còn kể, một đám tang ở vùng giới tuyến lại có đến “bốn đoàn” đưa tiễn. Khi có người qua đời, người dân bờ nam đưa người quá cố đi dọc bờ sông, phía bờ bắc cũng một đoàn người song song đưa tiễn. Bóng của hai đoàn soi xuống dòng sông làm thành hai đoàn nữa. Mỗi lần lễ tết, người thân hai bờ lại tràn ra sông để ngóng về bên kia tìm nhau. Người Gio Linh kể, anh Đẫm kẹt lại làng Cát Sơn bên phía bờ nam, chị Xiêm vợ anh cùng con gái nhỏ sống ở bờ bắc. Nhớ nhau, họ chỉ có thể giong thuyền ra mỏm đá Cửa Tùng nhìn nhau trong nước mắt rồi thuyền ai trở về bến ấy. Có nhiều người ở các làng bờ nam như Xuân Mỹ, Bạch Lộc, Trung Sơn… không chịu nổi cảnh “cá chậu chim lồng” đã lợi dụng lúc pháo của ta bắn vào trại lính địch liều mình chạy ra sông, lội qua bờ bắc. Trong chuyến vượt tuyến ngày 19/5/1967, 120 đồng bào đã bị pháo địch từ Hạm đội 7 và Dốc Miếu bắn chết và bị thương… 
 
Tôi đã đến thăm nhà Liên hợp, đồn Công an giới tuyến. Tôi cũng đã hình dung nơi đóng quân của địch ở phía bờ nam và vị trí đặt lá cờ tam tài. Quân rải đông đúc, súng đạn đầy hai bờ, nhưng phía ta kiên trì đấu tranh bảo vệ Hiệp định, mong muốn hòa bình; phía địch luôn gây hấn hòng thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc. Chỉ cách mấy chục sải tay với bảy nhịp cầu mà hai sắc cờ, hai miền suốt 21 năm không ngủ. Cuộc đấu tranh bên bờ sông giới tuyến gian nguy, khốc liệt, kiên nhẫn biết nhường nào. Đại tá Nguyễn Thanh Hà, một trong 100 người lính biên phòng đầu tiên bồng súng đứng gác trên cầu Hiền Lương, nhớ lại: “Ai đời, gặp quân thù hằng phút hằng giờ mà không được bắn, chỉ được nói chuyện thôi…”. Lời kể của người lính già đã khái quát sinh động về cuộc đấu tranh của quân và dân ta bên dòng sông này trong suốt mười mấy năm ròng rã. Thời đó, người ta gọi cuộc đấu tranh ở Hiền Lương là “cuộc đối đầu văn hóa”, giữa một bên là quân và dân ở cả hai miền mang khát vọng hòa bình, thống nhất; một bên là kẻ thù hiếu chiến muốn “lấp dòng Bến Hải”. 
 
Chỉ ở Hiền Lương mới có “cuộc chiến” bằng loa phóng thanh và “cuộc chiến” đọ cờ. Loa của địch phát vang xa bao nhiêu thì loa ta còn to hơn, vang hơn để át tiếng tuyên truyền tâm lý chiến.Cờ của địch treo cao bao nhiêu, khổ rộng bao nhiêu thì cờ ta phải cao hơn, lớn hơn để đồng bào hai bờ dù ở rất xa vẫn được ngắm màu cờ đỏ sao vàng. Để lá cờ Tổ quốc tung bay trên bờ bắc, là kết quả của cuộc đấu tranh căng thẳng, quyết liệt, hiểm nguy và hi sinh. Khi Mỹ - Ngụy xây cột cờ cuối cùng cao 35 mét, chúng ta đã xây cột cờ 38,6 mét và treo lá cờ 134m2, nặng 15kg. Hình ảnh lá cờ bờ bắc ngày ấy chính là sự hiện diện của miền bắc XHCN ngay sát cạnh miền nam đang kiên cường đấu tranh. Gió mưa thường xuyên làm cờ bị rách, vài ngày phải may mới hoặc vá lại một lần. Câu chuyện về đồng chí công an Nguyễn Đức Lãng may cờ Tổ quốc và mẹ Nguyễn Thị Diễm đứng bên chân cột cờ sau trận bom của địch thức trắng đêm vá cờ đã trở thành huyền thoại ở vùng đất lửa này…   
 
Mẹ Diệm được truy tặng danh hiệu Anh hùng và huyền thoại “bà mẹ vá cờ” đã vĩnh hằng in vào ký ức mọi thời. Còn mẹ Lê Thị Kinh hôm nay ngồi đó tiếp chuyện tôi giản dị. Gợi chuyện cụ bà 81 tuổi ở thôn An Hòa bờ bắc là gợi đúng mạch tâm khảm của bà. Xóm làng ngày ấy hao gầy sự sống, bị băm nát bởi chiến tranh tàn khốc. Con người dẻo dai như tre, gân guốc như đá. Mẹ Kinh nói: “Ở đất này, người sống được cũng như gạo lọt qua sàng. Các chú không thể hình dung nổi mô…”. Tận đến ngày Quảng Trị giải phóng, người dân trở về dựng lại xóm làng trên đổ nát, hoang tàn, gom nhặt mảnh đạn, san lấp hố bom mà gây lại sự sống. Cụ Nguyễn Văn Trợ, một cựu du kích bám đất, bám làng ngày ấy, kể: “Cứ cắm cuốc xuống vỡ đất trồng cây là trúng phải quả đạn, mảnh bom, tiếng nghe chan chát…”.  
 
Mẹ Kinh nói đúng, hậu sinh như tôi làm sao mà hình dung nổi sự khốc liệt của chiến tranh. Những năm cuối cuộc chiến, tôi còn nhỏ, vẫn được nghe những vần thơ Tố Hữu qua đài: “Sông Bến Hải bên bồi bên lở/ Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương/ Cách nhau mười mấy năm trường/ Khi mô mà được nối đường vô ra…”. Khi mô mà được nối đường vô ra - hồi đó tôi chỉ ước, một ngày nước nhà thống nhất, sẽ có lần hành trình vào nam qua cầu Hiền Lương. Đó cũng là khát vọng thiêng liêng của cả một dân tộc từng quặn mình trong chia cách. Và chiều nay, tôi ngược dòng Bến Hải. Những địa danh khắc ghi nỗi đau thương và chiến công oanh liệt: địa đạo Vĩnh Mốc, Cửa Tùng, bến đò B-Tùng Luật, Dốc Miếu, Cồn Tiên đến bến đò A - Bến Tắt, từng một thời đặt “đại bản doanh” của bộ đội Trường Sơn. Rồi Khe Sanh, Cù Bai phía Tây giáp nước bạn Lào. 
 
Du khách nước ngoài thăm cầu Hiền Lương
Du khách nước ngoài thăm cầu Hiền Lương
 
Đôi bờ Bến Hải hôm nay tươi vui. Kỳ đài Tổ quốc tung bay trước gió. Ngay cạnh cây cầu Hiền Lương lịch sử, cầu mới vững chãi thay thế cầu cũ phục vụ lưu thông trên quốc lộ 1A nối liền Bắc - Nam. Những đoàn xe nối đuôi nhau ngược xuôi thiên lý. Những làng quê bên bờ giới tuyến ngày xưa đang thay da đổi thịt từng ngày. Cửa Tùng đã thành thị trấn du lịch sôi động. Chợ cá râm ran bán mua. Những ngôi nhà bờ bắc hay bờ nam đều hướng ra biển lớn. Trẻ tan trường vui tiếng nói cười. Ở phía thượng nguồn là bạt ngàn màu xanh của của cao su, cà phê, hồ tiêu, là những bản làng Vân Kiều khởi sắc. Đồng bào mang họ Bác Hồ đang dựng xây cuộc sống mới trên chiến địa ngày nào. Vết thương thực sự đã lành trên thịt da Tổ quốc…
 
Trong nhà trưng bày bên dòng Bến Hải, đoàn du khách nước ngoài trầm tư trước chứng tích một thời. Họ làm sao hiểu nổi, mảnh đất bình yên bên con sông nhỏ thơ mộng này từng phải gánh chịu nỗi quặn thắt đến tận cùng như vậy. “Tôi từng đến thăm Bàn Môn Điếm, giới tuyến hai miền Triều Tiên và cảm nhận sâu sắc về nỗi đau chia cắt của một dân tộc. Hôm nay tôi đến đây, được chứng kiến cảnh sắc tươi đẹp, làng quê trù phú và cuộc sống người dân an lành. Không thể tưởng tượng nổi, đất nước các bạn đã trải qua những tháng ngày đau thương như thế…”, ông Giulie Hamfer, biên tập viên một nhà xuất bản ở Hà Lan đã chia sẻ với chúng tôi như thế.  
 
Nằm bên Nghĩa trang Trường Sơn, sát mép nước thượng nguồn Bến Hải, đền Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt mới được dựng lên. Nhang khói vơi đầy, hồn liệt sĩ sớm chiều khuây khỏa với núi rừng, cây cỏ. Tôi men theo từng bậc đá đi xuống mép nước. Chiều thật bình yên và linh thiêng. Vết thương thực sự đã lành trên thịt da Tổ quốc. Nhưng không ai và không phút giây nào có quyền lãng quên, dân tộc mình đã có những tháng ngày bi tráng, liệt oanh như thế!…     
 
Ghi chép: Uông Thái Biểu