Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, tôi có dịp về thăm Bản Mường (thôn 7, xã Tân Lâm, huyện Di Linh). Từ UBND xã Tân Lâm vượt vài cây số theo con đường đất đỏ và men theo chân đồi cà phê gần cuối thôn, có một ngôi nhà sàn người Mường, mái đỏ, nằm biệt lập vừa mới được xây dựng xong.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, tôi có dịp về thăm Bản Mường (thôn 7, xã Tân Lâm, huyện Di Linh). Từ UBND xã Tân Lâm vượt vài cây số theo con đường đất đỏ và men theo chân đồi cà phê gần cuối thôn, có một ngôi nhà sàn người Mường, mái đỏ, nằm biệt lập vừa mới được xây dựng xong. Tiếp đón tôi trong ngôi nhà vừa mới được gia đình tổ chức lễ tân gia, ông Bùi Văn Sòn (74 tuổi) vui vẻ cho biết: “Ngôi nhà của gia đình ông được khởi công từ đầu tháng 11/2013. Sau 53 ngày thi công, ngôi nhà này đã cơ bản hoàn thành và chỉ còn lại phần ở dưới sàn đang dùng làm kho chứa cà phê vừa mới được thu hoạch, nên chưa kịp làm xong”.
|
Ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường |
Để làm được một ngôi nhà đúng bản sắc nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường, ông Bùi Văn Sòn đã ấp ủ từ nhiều năm nay và cái khó khăn lớn nhất đối với ông, đó là công việc tìm gỗ để làm nhà. Điều may mắn đã đến với ông là từ khi có dự án xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 3, ông đã tranh thủ chớp lấy thời cơ này để xin mua với công ty một ít cây gỗ tận thu để làm nhà sàn, với mong muốn dù xa quê hương Hòa Bình nhưng vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống để lưu truyền cho thế hệ con cháu mai sau.
Khi mọi điều kiện cần thiết để làm nhà đã được chuẩn bị xong, ông đã có chuyến ra Bắc để thuê 8 thợ chính xây cất ngôi nhà. Nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường được xây dựng theo kết cấu “mộng khóa”; kèo chuyền từ trên xuống dưới; xà ngang, xà dọc đều có mộng khóa… Với những kết cấu mộng khóa này, đã tạo cho nhà sàn người Mường có kết cấu rất vững chắc và chịu lực rất tốt, có thể chịu đựng được với gió to, bão lớn từ cấp 10 -12 (dù mái có bị tốc, nhưng nhà vẫn trụ vững, không bị xiêu vẹo).
Nhà ông Bùi Văn Sòn được xây dựng có chiều dài 12,7 mét, bề rộng 7,7 mét, với tổng số lượng gỗ lên đến 42 m3 và mái được lợp bằng tôn. Tổng trị giá ngôi nhà lên đến 700 triệu đồng (riêng số tiền của thợ chính là 83 triệu đồng). Đặc điểm, nhà có 4 mái. Hướng lên có 3 hướng chính; 2 cầu thang lên nhà (có 1 cầu thang ra vào nhà bếp), 1 cầu thang lên lan can và đều nằm ở hai bên hông của ngôi nhà, theo hướng Đông - Nam.
Một trong những nét nổi bật nữa, đó là các trụ, cột, kèo và sàn… của nhà sàn người Mường không đóng bằng đinh sắt mà chỉ dùng toàn “đinh gỗ” và lắp ghép giữa các gỗ, ván lại với nhau. Nhà gồm có 2 phần chính: phần trên sàn và dưới sàn. Phần trên sàn gồm một dãy các phòng ngủ và một phòng khách có không gian rộng và bàn thờ được đặt ở gian ngoài cùng. Đây chính là nơi dùng để thờ phụng ông bà tổ tiên, tổ chức lễ hội, sinh hoạt gia đình (có sức chứa khoảng 100 người). Phần dưới sàn được lát bằng gạch bông, dùng để làm kho, nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Nhà sàn người Mường còn có ưu điểm là cao ráo, thoáng mát.
Khi có nhà sàn truyền thống, việc duy trì sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Mường sẽ được bà con nơi đây tổ chức. Theo văn hóa của người Mường, ông, cha, chú được ngồi trên và gần bàn thờ tổ tiên (tính từ hướng đông cửa sổ chính của ngôi nhà). Khách đến nhà được ngồi từ hướng ngoài nhìn vào trong. Còn gia chủ ngồi hướng bên trong nhà nhìn ra đối diện với khách…
Để thực hiện được ước mơ, hoài bão, là phải làm cho bằng được ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường trên vùng đất cao nguyên Di Linh, ông Bùi Văn Sòn đã vận động trong dòng tộc mình, mỗi hộ đóng góp một ít (tùy theo khả năng kinh tế của gia đình) cùng với số tiền mà ông đã tích góp được từ nhiều năm nay để xây cất ngôi nhà.
Được biết, hiện nay trong số trên 100 hộ đồng bào Mường ở xã Tân Lâm đã có 8 hộ xây dựng được ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường. Tuy nhiên, những ngôi nhà này chủ yếu được xây bằng xi măng, cốt thép, không còn theo đúng nguyên bản của nhà sàn và duy nhất chỉ có nhà ông Bùi Văn Sòn giữ được bản sắc nhà sàn của dân tộc Mường.
NDONG BRỪM