Một chàng trai Hà Nội, trải 20 năm bụi bặm, phong trần tạc nên những bức tượng gỗ mang tâm hồn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; tự biến mình thành người con của đại ngàn hùng vĩ, khẳng định đầy đủ ý nghĩa nghệ danh K'Minh Tuấn mà anh tự đặt.
Một chàng trai Hà Nội, trải 20 năm bụi bặm, phong trần tạc nên những bức tượng gỗ mang tâm hồn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; tự biến mình thành người con của đại ngàn hùng vĩ, khẳng định đầy đủ ý nghĩa nghệ danh K’Minh Tuấn mà anh tự đặt.
|
K’Minh Tuấn tạo tác tượng gỗ |
K’Minh Tuấn tên thật là Trần Đức Tuấn sinh ra ở thị trấn Yên Viên - huyện Gia Lâm - Hà Nội. Cả thị trấn nơi anh ở không có ai tạc tượng. Năm anh 9 - 10 tuổi (1971 - 1972), khi Hà Nội bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, gia đình anh đi sơ tán lên vùng Kinh Bắc. Hàng ngày cha mẹ anh theo dân làng ra đồng, ở nhà không có trò gì, Tuấn cùng đám trẻ con cùng lứa vào chùa chơi, ngắm những tượng Phật, cậu bé lấy đất sét bắt chước nặn tượng giống như thật. Người lớn đi làm về ngang qua trông thấy, họ gọi nhau: “Ồ, xem con nhà tản cư giỏi chưa, bé tí đã biết nặn tượng rồi đây”, rồi xúm lại xem… Anh bắt đầu câu chuyện với tôi về nghiệp điêu khắc như thế. Để rồi trải qua biết bao nghề chìm nổi trong cuộc mưu sinh trên quê mới Lâm Hà như: nhân viên đội chiếu phim lưu động dân tộc miền núi phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, trồng dâu nuôi tằm, nuôi heo gà… đến một ngày K’Minh Tuấn cũng quyết quay về với tượng. Các tác phẩm tượng gỗ lần lượt ra đời khắc họa sinh động đời sống văn hóa tinh thần, sinh hoạt đời thường, những ý niệm tâm linh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên: Đi hội buôn Liêng S’Ronh, Trỉa bắp, Thổi tai, Giã gạo, Bồng con, Bế em, Cõng cháu, Bậc thang nhà sàn, Xuân Đam Rông, Cầu mưa, Cuối ngày, Không gian Tây Nguyên, Giọt sương, Lớp học Đạ Chais, Cúng Chăm, Không gian Tây Nguyên, Đêm Tây Nguyên…
Một giọt sương tượng trưng cho sự bắt đầu của một đời người; những cánh tay giơ lên cầu mưa cũng là mong mỏi niềm khát khao ấm no hạnh phúc; một dáng ngồi còm cõi của bà mẹ già là nỗi buồn cho sự phôi phai của thời gian; một đứa trẻ bế em ngóng mẹ đi nương về; một người đàn ông miệng há hốc đắm say, phiêu linh hát cùng tiếng đàn lồ ô; một em bé leo lên từng bậc thang nhà sàn rồi vịn tay vào bầu sữa mẹ, những lễ hội tưng bừng, trai gái tự tình đôi lứa… tất cả đều được K’Minh Tuấn biểu đạt bằng ngôn ngữ tượng. Tượng K’Minh Tuấn không chỉ phản ánh được bản sắc văn hóa, hiện thực cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, mà qua đó còn chứa đựng những quan niệm, triết lý về vòng đời con người, về những ước vọng trong cuộc sống... gây được sự rung cảm, niềm hứng khởi và gợi ấn tượng sâu sắc. Cũng đẽo, đục, gọt, chặt một cách thô sơ như cách tạc tượng của chính người dân Tây Nguyên, nhưng K’Minh Tuấn đã tạo nên những tác phẩm ẩn chứa thông điệp độc đáo là sức sống, là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Những chất liệu dân gian Tây Nguyên đi vào tượng K’Minh Tuấn hồn nhiên, góc cạnh, xù xì, đầy chất ngẫu hứng về kích thước, hình ảnh, đơn giản nhưng dầu tính hình tượng, gợi mở, chất chứa hàm lượng văn hóa cao mang tâm hồn Tây Nguyên.
Để có được những điều tưởng chừng như đơn giản, gần 20 năm qua, một mình một mô tô phân khối lớn anh đã đi dọc Tây Nguyên. Có những đêm bên bếp lửa nhà sàn của đồng bào Xê Đăng - một buôn làng xa xôi tận Kon Tum, lắng nghe già làng kể chuyện, tìm những quan niệm, những tập tục, những nét đẹp trong sinh hoạt đời thường. Khi lại dạo chơi cùng các em nhỏ trên đường buôn, xem các mẹ các chị địu con, giã gạo dưới chân nhà rông, nhà sàn… Những buôn làng Tây Nguyên, những nẻo đường anh đi qua đời sống vật chất có thể chưa được như mong muốn, có cả những niềm cảm thương anh gửi lại, nhưng ở đâu cũng nguyên sơ, đẹp đẽ. Khi về lại chở theo gốc cây nặng trịch; có khi “sưu tầm” được vài ba gốc, tự mình không thể vật lộn phải thuê xe tải “cõng” giùm. Qua những chuyến đi, chất Tây Nguyên ngấm vào anh, để khi cầm đến đục, đến búa từng đường vân thớ gỗ rừng Tây Nguyên pơ mu, xá xị, hương, sao, gõ, huỳnh đàn, mít… dưới bàn tay và óc sáng tạo cùng những chất liệu văn hóa anh nhìn thấy, nghe thấy và trải nghiệm đã nhanh chóng được nhào nặn thành tác phẩm nghệ thuật.
K’Minh Tuấn đặc biệt yêu trẻ con. Hình tượng những bà mẹ, những người phụ nữ, những đứa trẻ Tây Nguyên với K’Minh Tuấn như một sự ám ảnh. Sự ám ảnh ấy bắt đầu từ chàng trai 17 tuổi, Trần Đức Tuấn theo cha mẹ vào vùng kinh tế mới Lâm Hà, ấn tượng đầu tiên anh thấy là những đoàn người phụ nữ K’Ho mặc váy, để ngực trần địu con, những đứa trẻ da nâu, tóc xoăn tít, mắt tròn xoe trên lưng mẹ, anh cảm giác như bắt gặp vẻ đẹp của những bức tượng di động. Chất liệu nghệ thuật giữa đời sống thực cứ ám ảnh K’Tuấn, và bức tượng đầu tiên anh tạc cũng chính là hình ảnh người phụ nữ địu con. Hình ảnh phụ nữ, trẻ em được nhắc lại qua rất nhiều tượng gỗ K’Minh Tuấn mang vẻ đẹp thuần khiết như thiên nhiên, núi rừng. Anh vẫn đang nuôi dưỡng nhiều nguồn ý tưởng sáng tác trẻ em để “xứng tầm” với tình yêu anh dành cho chúng.
Kỷ niệm lớn nhất trong đời nghệ sĩ của anh là lần triển lãm bên bờ biển nhân Festival biển Nha Trang mà bây giờ nhắc lại anh vẫn rạng ngời hạnh phúc. Chuyện là, vào tháng 6 năm 2011, khi Festival biển Nha Trang diễn ra, K’Tuấn được những người bạn điêu khắc xứ biển mời xuống triển lãm. Nhận lời mời, K’Minh Tuấn nhanh chóng bắt tay vào chăm chút lại cho “kho” tác phẩm của mình chỉn chu hơn. Làm ngày làm đêm, trong một tuần, anh cùng “tượng” hành quân xuống núi khi ngày hội sắp bắt đầu diễn ra. Một xe tải, hơn 60 bức tượng được đổ xuống bên bờ biển, bạn bè nghệ sĩ đón anh vô cùng ngạc nhiên: Cứ tưởng dăm bảy tác phẩm góp mặt cho vui, chứ ai nghĩ một đống tượng nặng mấy tấn và một cuộc triển lãm cá nhân đồ sộ đến thế. Sức lao động sáng tạo nghệ thuật của anh khiến bè bạn, công chúng khâm phục. Khi anh vẫn còn đang bận khuân vác, sắp đặt tượng vào vị trí, nhân dân và du khách đã kéo đến xem rất đông, anh bạn điêu khắc vỗ vai K’ Minh Tuấn: “Cuộc đời nghệ sĩ hạnh phúc nhất là lúc này đây”. Những ngày triển lãm, không gian tượng mang hơi thở của núi rừng được sắp đặt bên bờ biển sóng và gió đã thu hút đông đảo nhân dân đến xem, thưởng lãm thích thú. Ngắm dòng người ngược xuôi xem tượng, trong lòng anh chỉ có nguyên một niềm hứng khởi, dậy lên một sức mạnh thôi thúc anh sáng tạo.
|
Không gian tượng gỗ của nghệ sĩ điêu khắc K’Minh Tuấn trên bờ biển Nha Trang |
Không ít lần K’Minh Tuấn gặp tôi bảo: “Anh sắp cạn vốn rồi, phải đi thôi, không thì chết”. Với K’Minh Tuấn, cứ ngồi lâu một chỗ là có cảm giác như “chết đến nơi”. “Không đi, không sáng tạo có nghĩa là “chết”, nghệ thuật sẽ đào thải mình” - Anh tâm sự. Như một sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, anh cảm nhận được cuộc sống hiện đại đang từng ngày đi vào các buôn làng, anh tự thấy phải chạy đua, miệt mài sáng tạo như nỗi khát khao gìn giữ tất cả những gì còn lại của một văn hóa Tây Nguyên giàu bản sắc đang dần mất đi giữa cuộc sống hiện đại.
Để có tiền chi phí cho những chuyến đi, và mang về chất liệu cuộc sống cùng những khúc gỗ, gốc cây; anh phải làm bất cứ việc gì bằng khả năng mỹ thuật của mình: đắp hòn non bộ, đóng bàn ghế, vẽ tranh tường, trang trí khuôn viên cho các khu điểm du lịch, làm đồ chơi cho trẻ em (cầu trượt, tạo hình tượng hoa cỏ, muông thú)… Với anh niềm hạnh phúc là khi được ngồi trước một khúc gỗ, say sưa đục đẽo, tạc gọt. Nhưng niềm hạnh phúc lớn hơn là đem tác phẩm mình sáng tạo ra đến gần với công chúng, để đông đảo công chúng cùng được chiêm ngưỡng. Từ 5 năm trở lại đây, anh có đến 4 triển lãm cá nhân tại các thành phố: Hồ Chí Minh, Nha Trang và Đà Lạt (2 cuộc). Anh luôn tự hỏi: Mình cứ đi, cứ sáng tác, tác phẩm ngày càng nhiều, chẳng lẽ chỉ để trong kho thì có ý nghĩa gì, sáng tác để làm gì. Trách nhiệm cộng đồng của người nghệ sĩ lại “bắt” anh phải ra sức chuẩn bị tổ chức một triển lãm phục vụ công chúng vào tết này.
Gần 20 năm “ăn tượng, ngủ tượng”, hơn 100 tác phẩm tượng gỗ ra đời đã khẳng định một tên tuổi K’Minh Tuấn và mang về cho anh nhiều vinh quang: Giải nhất tượng đài: Đài tưởng niệm Cam Ly 2003, 2 giải C do Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng năm 2010, 2011, tham dự nhiều trại sáng tác, nhiều triển lãm mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ và toàn quốc; được tặng nhiều giấy khen và bằng khen của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội VHNT Lâm Đồng, UBND tỉnh trao tặng. Năm 2010 anh vinh dự trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, và trở thành hội viên thứ 10 của Chi Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Lâm Đồng.
QUỲNH UYỂN