Thời gian là chuyện cũ tựa... thời gian. Từ đời thượng cổ đến ngày nay, có biết bao bậc minh triết và người dân thường trở trăn suy ngẫm về câu chuyện ấy. Nhà thơ Lý Bạch đời Đường than, thời gian như nước sông Hoàng từ nguồn tuôn về biển, sáng tóc như tơ xanh chiều như tuyết trắng...
Thời gian là chuyện cũ tựa... thời gian. Từ đời thượng cổ đến ngày nay, có biết bao bậc minh triết và người dân thường trở trăn suy ngẫm về câu chuyện ấy. Nhà thơ Lý Bạch đời Đường than, thời gian như nước sông Hoàng từ nguồn tuôn về biển, sáng tóc như tơ xanh chiều như tuyết trắng. Thi sĩ Tản Đà nghĩ tới hình ảnh con ngựa trong phong dao ta lại cảm thán, ngày xanh như ngựa đầu xanh bạc.
|
Ảnh: TL |
Nhanh chậm thời gian là chuyện biết rồi, khổ lắm! Ở bên Tây hai ngàn năm về trước, triết gia Seneca đã cảnh báo con người có ít thời gian nhưng lại lãng phí nó quá nhiều. Horace nói đêm mới dài sao đối với người trở trăn đau khổ, ngày của bác lao công tất bật từ sáng tới chiều qua sao chậm thế.
Biết rồi, khổ lắm! Vậy mà vẫn phải nói, bởi chúng ta đang phung phí thời gian dễ dàng như đốt vàng mã. Nhiều công bộc của dân ăn lương của người đóng thuế cứ ngỡ như đời xưa, tháng giêng là tháng ăn chơi, đến nỗi sau những ngày nghỉ Tết dài người đứng đầu Chính phủ phải nhắc nhở viên chức nghiêm túc làm nhiệm vụ. Thời toàn cầu hóa, thời cạnh tranh phát triển vậy mà ai đó cứ suy nghĩ như nhà nông ta thời trước. Vâng, tháng giêng là tháng ăn chơi, bởi lúa chiêm đã cấy xong trước Tết, cữ này trời rét, cây lúa bén rễ còn náu mình lấp ló đầu bờ chờ nghe tiếng sấm. Cho nên giêng hai là lúc nông nhàn, giêng hai là tháng hội hè ăn chơi của người có của và là hồi thất nghiệp của người nghèo, nào có được ai ngó ngàng thuê mướn đâu. Ai đi trẩy hội xin mời, thân cò còn phải lặn lội...
Chuyện biết rồi, khổ lắm vẫn không thể không nói ra. Đã qua hơn một nửa thời gian quý I/2014, hơn một nửa chu kỳ kế hoạch năm năm, thời gian mà có nhà tư tưởng quả quyết giá trị của nó không có quý bằng, bởi cái giá của thời gian là giá của vĩnh cửu vĩnh hằng. Ở nước ta có bao công trình thế kỷ, công trình ghi mốc, bao công trình trọng điểm thường xuyên lùi tiến độ hoàn thành. Lãng phí biết bao công của. Có điều sự chậm trễ gây thiệt hại cho nước, cho dân còn một số người nào đó trong cuộc thì cái hại không đáng kể thậm chí bằng không, trong khi cái họ được lớn hơn nhiều. Chẳng phải là kinh phí bổ sung cho các công trình chậm tiến độ bao giờ cũng lớn, có khi gấp mấy lần dự toán ban đầu. Nguyên nhân? Tại điều kiện khách quan, có nghĩa là… bất khả kháng. Biết rồi, khổ lắm! Vậy thì nhà đầu tư dựa trên cơ sở nào mà lập dự án? Quyết định thời điểm hoàn tất để làm gì? Đặt ra mốc xây xong một cây cầu, đã nhìn thấy trước nước chảy dưới cầu rồi sẽ đẩy cái mốc ấy ra xa hơn về phía trước. Không sao! Cứ khởi công cho hoành tráng, tốn kém tính sau! Lãng phí tiền của là đánh mất giá trị vật chất có thể cân đong đo đếm. Lãng phí thời gian là lãng phí phi vật thể, đánh mất giá trị của vĩnh cửu vĩnh hằng!
Chuyện cũ như trái đất, biết rồi khổ lắm. Nhân dân biết, Quốc hội biết, Chính phủ biết, tại các diễn đàn và trên báo chí, truyền thông, những vấn đề trên thường xuyên nóng hổi. Biết rồi!... Vấn đề là ở chỗ năm Con Ngựa này, sau bao luận bàn quyết nghị, liệu có tạo nên bước chuyển như mọi người, từ nhà lãnh đạo cấp cao đến người dân thường, kỳ vọng. Hai từ minh bạch lấp ló kia, trước sau rồi cũng phải đến đấy, có điều phải đợi bao lâu?
Một trong nhiều câu chuyện nữa biết rồi, khổ lắm là vệ sinh, an toàn thực phẩm. Sau cuộc họp Chính phủ bàn chuyện này, một vị bộ trưởng cũng là người trong cuộc quả quyết, sử dụng hóa chất độc hại, cung cấp thực phẩm hôi thối cho người tiêu dùng là làm tổn hại sức khoẻ người khác, là phạm tội hình sự, phải xử phạt thôi. Chí lý! Trong hy vọng và mong chờ, người tiêu dùng vẫn phải bấm bụng mua mớ rau, nải chuối, quả cà chua, củ khoai tây chẳng biết từ vườn quê ta hay “không rõ nguồn gốc”, có nghĩa là không kiểm soát nổi. Thời gian cứ trôi, chất độc hại cứ thấm vào cơ thể người dân. Hậu quả cho cả cộng đồng, tổn thương sức khoẻ nhiều thế hệ. Rồi đây chữa chạy cho những ai không may nhiễm bệnh sẽ tốn bao nhiêu cho ngành y tế và cho mỗi gia đình? Đây, một lĩnh vực nữa đòi hỏi những người có trách nhiệm rốt ráo chạy đua với thời gian.
Dẫn ra vài câu chuyện biết rồi khổ lắm, mà báo chí đã nói tới mức có khi... hơi sa đà, không phải là không nhìn thấy, không phải là phủ nhận những cái toàn dân ta, bộ máy công quyền ta đã nỗ lực hết mình và đã đạt được thời gian qua. Không phải nhìn đất nước ta như một bức tranh toàn màu xám xịt. Không phải là bi quan trước viễn cảnh năm Giáp Ngọ vừa mới khởi đầu. Đúng vào dịp Tết ta, một viện nghiên cứu nước ngoài dự báo năm 2015, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7%. Vấn đề là ở chỗ, ta chuyển động chậm hay nhanh, năng động hay lờ đờ thì nước sông Hồng, sông Cửu Long vẫn ngày đêm tuôn ra biển.
Năm mới, lại chuyện cũ biết rồi! Và nói dễ, có làm mới thấy hết cái khó. Đây lại là một chân lý nữa muôn đời. Dù sao, thời gian cứ như bóng câu qua cửa sổ, chẳng có gì kìm đà nó được đâu. Chỉ còn cách gồng mình lên bám gót vó câu năm Ngựa.
Phan Quang