Tôi với Vương Tùng Cương là đồng hương. Cả hai đứa chúng tôi đều xa quê, lúc nào cũng khao khát bạn bè, được gặp bạn đồng hương là nhất. Tôi với Cương gặp nhau trên đất Đà Lạt, hai đứa quấn lấy nhau như những loài chim cô đơn gặp bạn. Chúng tôi toàn nói chuyện về quê hương thật đầm đìa. Tôi như trôi trong dòng thơ Cương đọc cho tôi nghe.
Tôi với Vương Tùng Cương là đồng hương. Cả hai đứa chúng tôi đều xa quê, lúc nào cũng khao khát bạn bè, được gặp bạn đồng hương là nhất. Tôi với Cương gặp nhau trên đất Đà Lạt, hai đứa quấn lấy nhau như những loài chim cô đơn gặp bạn. Chúng tôi toàn nói chuyện về quê hương thật đầm đìa. Tôi như trôi trong dòng thơ Cương đọc cho tôi nghe.
Đầu tiên Cương đọc bài “Bạn quê tôi”, một khái quát khá đầy đủ về một làng quê trung du, đầy mít, đầy dứa và tiếng chim quê gọi mùa vải chín, làng quê tôi giống như in những làng quê khác:
“Nắng nhuộm đỏ au vải chín
Tiếng chim tu hú vọng đồi
Nực thơm mít vườn dấp dính
Rộm vàng lăn lóc dứa phơi”
-Bạn quê tôi-
Khi Vương Tùng Cương miêu tả những nét riêng của quê tôi, thì đó là một làng quê nghèo còn đọng sâu trong ký ức chúng tôi. Cương đọc thơ mà như dắt tôi từng bước trong ngõ vắng:
“Những lối ngõ tường rêu đá chét
Những ngôi nhà ngói xỉn dáng xiêu”
-Làng xưa-
Một làng nghèo như cổ tích đang thức dậy trong trái tim những kẻ xa quê, đã qua thăm thẳm thời gian mà như đang nhìn tận mắt. Đó là cô gái quê ra đồng không có bao vải, bao lụa thắt ngang lưng, mà bao ấy bằng rơm khô:
“Làng đã thức trời vừa tang tảng
Lưng áo thắt rơm lục đục ra đồng”
-Làng xưa-
Làng xưa nghèo đến nỗi thắp đèn không dám vặn cho ngọn lửa vươn cao, mà phải tiết kiệm nên ngọn lửa chỉ to bằng hạt đỗ:
“Gạo dần sàng ngọn đèn hạt đỗ
Nhịp chày khuya nhẫn nại đêm dài”
-Ký ức làng-
Vâng thơ Vương Tùng Cương viết về làng, đó là làng quê trong ký ức chúng tôi. Một làng quê nghèo. Chứ bây giờ về làng bấm công tắc điện kêu đánh “tắc”, là điện sáng bừng lên. Không còn cảnh nhịp chày nhẫn nại đêm dài nữa, thay vào đó là máy xay, máy xát. Song phải yêu quê lắm mới nhớ một thời như vậy. Tôi với Cương một lứa với nhau nên mỗi xúc cảm của Cương cứ làm rối tung lên trong lòng tôi về một làng quê trung du...Mà có lúc lũ trẻ chúng tôi chui vào hàng rào bẻ trộm mấy quả ổi, ra góc vườn cắn từng miếng chia nhau. Vậy mà thú vị biết bao.
Vương Tùng Cương nhớ thật đúng lũ trẻ chúng tôi mùa nước nổi:
“Lũ trẻ trâu ngụp lặn nô đùa
Rẽ cỏ vườn bắt cá rô rạch ngược
Soi ếch khuya lửa đuốc đỏ đồng”
-Ký ức làng-
Lũ trẻ con chúng tôi ở một làng quê nghèo mỗi khi mùa nước nổi về làng chúng tôi mừng lắm, đứa nào chẳng theo dòng nước bắt cá rô rạch ngược, soi đuốc bắt ếch trên đồng giúp cho bữa cơm của mẹ thêm đậm đà. Đó là những kỷ niệm mà bây giờ Cương đọc thơ tôi cảm thấy mình đang sống những phút giây vui mà như đùa ấy.
Một kỷ niệm của trẻ con chúng tôi thời ấy là lúc nào cũng mong mẹ đi chợ về. Cảnh chợ quê: “Chợ la liệt dãy hàng quà bánh kẹo bột, chè kê, bỏng nếp phập phồng” làm chúng tôi bước đi không dứt. Mỗi lần theo mẹ đi chợ, nơi mà chúng tôi đi không bước nổi là những hàng quà. Có gì vui bằng mỗi khi mẹ đi chợ về có quà.
“Gói kẹo bột, miếng bánh đa chợ Nếnh
Đủ cho tôi chân sáo dọc đường làng”
-Chợ Nếnh-
Chợ quê ngày ấy là “siêu thị” của chúng tôi. Phải thấy cảnh chúng tôi đi chợ không muốn về mới thấy chợ hấp dẫn chúng tôi như thế nào, dù chợ cũng rất nghèo.
Vương Tùng Cương đọc thơ cho tôi nghe, những ý thơ như những dòng nhật ký, cho tôi sống lại một thời con trẻ. Có gì vui bằng chúng tôi được đến trường. Đâu có trường lớp như bây giờ. Làng lấy đình, lấy chùa, lấy cả Văn Chỉ Thờ Lão, Trang làm lớp học cho chúng tôi: “Lời đồng dao hát đến trăng tà. Vần vỡ lòng đọc vang nhà Văn Chỉ”.
Thương nhất là người thầy:
“Thầy giáo làng mà trang nghiêm đến thế
Buổi học tan lại đội nón đi cày”
-Tuổi thơ-
Chúng tôi giờ đã là những trí thức cho nên càng nhớ hình ảnh vất vả của người thầy “đội nón đi cày”.
Sâu sắc nhất tuổi thơ chúng tôi là hình ảnh người mẹ. Vui cũng gọi “Mẹ!”, bức bách nhất cũng gọi “Mẹ!”. Đó là cứu tinh của cuộc đời chúng tôi. Vương Tùng Cương tả mẹ thật đẹp:
“Tàn đêm dáng mẹ bên khung cửa
Cho những vuông sồi trải nắng lên”
-Ký ức canh cửi-
Nhưng cũng thật buồn đau khi phải nhìn mẹ mình:
“Ngày đứt bữa lắt lay mùa giáp hạt
Mẹ ngược xuôi chạy chợ rộc người”
-Chợ Nếnh”
Một chữ “rộc” Cương dùng, đủ hình dung ra mẹ mình.
Cám ơn Vương Tùng Cương đã cho tôi nhớ một thời không thể quên về người mẹ. Cương đọc thơ, còn tôi ngồi nghe ở Đà Lạt mà cứ tưởng mình đang tha thẩn trên đất quê hương, ngất ngây.
Cương rất giỏi trong thơ “làng xưa” đã chộp đúng tuổi dậy thì của chúng tôi. Đó là một tình yêu bâng khuâng.
Đây là một chút hờn ghen:
“Gom bao nhiêu nắng tặng ai
Để thu xao xác thở dài heo may”
-Tiếc hoa-
Còn đây là chút thẫn thờ:
“Sương sa loang lối cỏ mềm
Gió thơm hương bưởi gió tìm tóc ai?”
-Vườn trăng-
Và đây là chút bâng khuâng hút hồn nhau:
“Nơi mà một thuở trường xưa
Chúng mình đã trót bỏ bùa cho nhau”
-Vườn trăng-
“Bùa” một giả thuyết đầy tâm linh cột tuổi trẻ chúng tôi lại với nhau ngay tại quê nghèo. Vương Tùng Cương đã có những cái cảm đủ để rung động trái tim chúng tôi:
Nếu theo như Đỗ Trung Quân:
“Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Thì những câu thơ Vương Tùng Cương đọc cho tôi nghe nơi chiều Đà Lạt, đủ biết anh yêu quê hương nhường nào và hình như anh đã bỏ bùa cho tôi đến mê mẩn cả người.
Nguyễn Quang Hà