(LĐ online) - Ngày 14/2/2014 (tức Rằm tháng Giêng - nguyên tiêu Quý Tỵ), Hội VHNT Lâm Đồng đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 với sự tham dự của đông đảo công chúng yêu thơ là học sinh, sinh viên Trường CĐSP, Trường Đại học Đà Lạt, Trường PTTH chuyên Thăng Long và gần 100 văn nghệ sĩ.
(LĐ online) - Ngày 14/2/2014 (tức Rằm tháng Giêng - nguyên tiêu Quý Tỵ), Hội VHNT Lâm Đồng đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 với sự tham dự của đông đảo công chúng yêu thơ là học sinh, sinh viên Trường CĐSP, Trường Đại học Đà Lạt, Trường PTTH chuyên Thăng Long và gần 100 văn nghệ sĩ.
|
Nhà thơ Lê Mưu và Nguyễn Mậu Pháp viết thư pháp tặng chữ cho công chúng yêu thơ trong ngày thơ |
Với chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ quốc” ngày thơ đã diễn ra đầy chất thơ với mở đầu 2 bài thơ Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt) và Nguyên tiêu (Hồ Chí Minh) qua giọng đọc của nhà thơ Lê Bá Cảnh. 13 tiết mục thơ đã được ngâm, đọc để lại cho người nghe những xúc cảm sâu lắng về quê hương đất nước, khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của tuổi trẻ - lớp người kế cận tiếp nối gìn giữ, dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Có thể kể: Một nhành xuân (Tố Hữu), Với Hà Giang (Phan Hữu Giản), Những cơn mưa đầu mùa nơi đảo xa (Vương Tùng Cương), Viết cho những ngày xa Tổ quốc (Lê Hòa), Thương lắm Trường Sa (Thanh Dương Hồng), Nợ em thêm một mùa xuân (Phan Thành Minh), Ký ức sông (Uông Thái Biểu), Mưa xuân (Lê Văn Hiếu), Dáng xuân (Nguyễn Thị Thanh Toàn)…
Trong không khí cởi mở, ấm áp, 2 nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh và Phạm Quốc Ca đã giao lưu với công chúng yêu thơ, giới thiệu những vần thơ hay viết về Tổ quốc. Với những tình cảm về Tổ quốc, hai nhà thơ đã cho ra đời nhiều tác phẩm hay, gây niềm rung cảm lớn trong mỗi con người về tình yêu quê hương đất nước. Nhà thơ Thanh Dương Hồng cũng kể về những kỷ niệm đẹp với những người lính hải quân đang bảo vệ Tổ quốc trong những chuyến đi thăm Trường Sa.
Phát biểu tại ngày thơ, ông Phan Hoàng Anh - Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định: Dân tộc ta có một tình yêu đặc biệt với thơ ca, thơ đi vào mọi lĩnh vực, góc cạnh của đời sống xã hội; thơ giáo dục đạo đức, thơ định hướng giá trị thẩm mỹ, thơ cổ vũ tinh thần tự lực tự cường, động viên, khích lệ toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới, ông mong muốn mỗi văn nghệ sĩ Lâm Đồng tiếp tục là một chiến sĩ đấu tranh chống cái xấu, cái ác, ngợi ca cái đẹp, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, tô điểm cho nền thi ca Việt Nam.
•
Cũng trong Ngày thơ nguyên tiêu, phong trào ngâm đọc thơ đã diễn ra ở nhiều địa phương như: Đạ Tẻh, Lâm Hà, Bảo Lộc… trở thành một hoạt động văn hóa, có sức lan tỏa mạnh mẽ mẽ trong công chúng. Ngày thơ đã không chỉ là ngày của người làm thơ, mà là ngày hội thưởng lãm thơ của những người yêu thơ, cùng nhau ngâm ngợi những vần thơ mình yêu thích.
QUỲNH UYỂN