PV Báo Lâm Đồng trò chuyện về nhiếp ảnh với ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Thông tấn.
Bộ VH-TT&DL, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phát động Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc để trưng bày tại thành phố Đà Lạt vào tháng 10 tới. Nhân dịp này, PV Báo Lâm Đồng trò chuyện về nhiếp ảnh với ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Thông tấn.
* P.V: Trước hết, xin chúc mừng Chủ tịch, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam là một trong những hội nghệ thuật phát triển tốt trong thời gian qua.
|
NSNA Vũ Quốc Khánh: Ảnh nghệ thuật Đông Nam bộ lần thứ 21 có nhiều màu sắc và đa dạng |
* Ông Vũ Quốc Khánh: Nhiếp ảnh Việt Nam nói chung và ảnh nghệ thuật Việt Nam nói riêng đã có bước phát triển khá mạnh mẽ cả kỹ thuật và mỹ thuật. Chúng ta đã tham gia ở những sân chơi lớn vì có những điều kiện về kinh tế, trường chuyên giáo dục về nhiếp ảnh, giao lưu hội nhập quốc tế nhiều… Bạn bè quốc tế đánh giá cao về nhiếp ảnh Việt Nam ở chỗ có những “gu” riêng. Chính Chủ tịch FIAP nói với tôi rằng, Việt Nam nên đi theo hướng giữ được cái riêng độc đáo của mình, đừng theo phương Tây một cách thái quá. Thành tựu là chúng ta đã đạt được rất nhiều giải thưởng quốc tế, nhất là khu vực miền Trung và miền Nam. Ở trong nước, nhiếp ảnh cũng phát triển rầm rộ, Hội có 919 hội viên, 71 chi hội trong 61/63 tỉnh, thành. Bản thân chúng ta cũng tổ chức những cuộc thi ảnh quốc tế có uy tín, rất đông bạn bè các nước tham gia; có những cuộc thi một ngàn rưỡi tác giả, hàng trăm tác giả nước ngoài, 15 ngàn file ảnh.
* Nhưng chất lượng hội viên, chất lượng nghệ thuật vẫn đang là những điều Hội rất quan tâm?
* Đúng là số hội viên ngày càng tăng, nhưng Hội đang quan tâm hơn vấn đề chất lượng. Hội viên phải thực sự là nghệ sĩ, vừa theo kịp công nghệ kỹ thuật tiên tiến, vừa phản ánh tính mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc.
Tồn tại của nhiếp ảnh Việt Nam là hay lao theo phong trào. Ví dụ sử dụng photoshop thay hình đổi dạng đi, hoặc cắt cái nọ sang cái kia, theo tôi là không nên. Nếu hiểu là một “sân chơi” thì phải đạt được cả 2 yêu cầu: sáng tạo và trung thực. Các nhà nhiếp ảnh cần chịu khó đi nhiều để trải nghiệm nhiều và chịu quan sát nhiều hơn. Có vậy mới nắm bắt được những khoảnh khắc quý giá của cuộc đời. Về kỹ thuật, chúng ta phải xử lý khéo léo hơn, không đi quá bên này hay bên kia mà phải hài hòa như cuộc sống, chỉ nâng nó lên thành tác phẩm nghệ thuật. Ảnh hôm nay phải đúng như cuộc sống, hợp lý về ánh sáng, bố cục, sự trung thực, sự chân thực.
* Theo tôi, trong các cuộc thi ảnh của chúng ta vẫn cứ lặp lại những góc nhìn cũ nhiều hơn là góc nhìn mới?
* Chính xác. Đó chính là sự ít đi, chính là sự không nâng cao kiến thức nhiếp ảnh. Nhà nhiếp ảnh không chịu khó đi nhiều, không chịu học hỏi nhiều thì chỉ dừng lại ở kinh nghiệm, mà đã kinh nghiệm thì chỉ một ít thôi. Nghề ảnh là tư duy, luôn luôn cài tất cả những khả năng của mình vào tác phẩm, tổng hòa nhiều yếu tố.
*Theo ông, làm thế nào để những bức ảnh về thành tựu không rơi vào đèm đẹp, hoành tráng, thiếu tính thuyết phục, còn những bức ảnh đời thường góc cạnh về cuộc sống thường nhật không gây phản cảm?
* Dĩ nhiên những bức ảnh về đời thường mang tính nhân văn dễ xúc động hơn những bức ảnh con đường, cao ốc chung chung. Nhưng những bức ảnh đời thường của chúng ta hầu như chụp chưa tới, chưa chộp được đúng khoảnh khắc. Còn những bức ảnh về thành tựu của đất nước lại không đạt đến tính nghệ thuật. Vì vậy rất cần phông văn hóa của người cầm máy. Cá nhân anh phải vươn được tầm của người nghệ sĩ. Mà nghệ sĩ thì phải có nhân văn và phải có trách nhiệm công dân.
* Còn ý tưởng và khoảnh khắc, ông cho rằng cái nào quan trọng hơn?
* Tôi là nhà báo, phóng viên ảnh, tôi có 2 suy nghĩ, một là nhiếp ảnh phải phản ánh được cuộc sống quanh ta, do đó nó liên quan đến nội dung khoảnh khắc nhiều. Nhưng muốn làm điều đó, anh phải có khả năng xử lý kỹ thuật vững chắc mới nâng nó lên thành nghệ thuật, nhưng nó vẫn là cuộc sống. Còn xử lý theo kiểu hậu kỳ nó không thật được. Trong nhiếp ảnh thường có 2 dòng, một là ảnh chân dung chân thực cuộc sống, dòng thứ hai là ảnh ý tưởng sáng tạo, thể nghiệm, ảnh sắp xếp. Nhưng dòng thứ 2 chủ yếu phục vụ tuyên truyền những thông điệp, còn nếu muốn phản ánh cuộc sống thì anh phải săn tìm, mày mò, nắm bắt nhịp được cuộc sống, mọi sắp xếp đều gượng gạo nếu không có tay nghề cao.
* Ông đánh giá như thế nào về Liên hoan Ảnh nghệ thuật Khu vực Đông Nam bộ lần thứ 21 năm 2013 tổ chức tại Đà Lạt vừa qua?
* Cuộc thi ảnh nghệ thuật Khu vực Đông Nam bộ vừa rồi vượt trội về cả chất lượng, số lượng tác giả và tác phẩm; có nhiều màu sắc hơn, đa dạng hơn. Tôi hi vọng miền Đông Nam bộ sẽ phát huy thành quả này, anh chị em nên định hướng trong sáng tác của mình: cần giữ được nét nhiếp ảnh truyền thống, đừng đi sâu quá về xử lý kỹ thuật. Dòng chính vẫn là chân thực, dựa trên giá trị nội dung tư tưởng, dựa trên ánh sáng, bố cục, tạo hình và khoảnh khắc. Những điều rất cơ bản đối với một tác phẩm nhiếp ảnh.
*Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
MINH ĐẠO (thực hiện)