Chuyện từ cây hoa gạo (truyện ngắn)

03:03, 12/03/2014

Một buổi chiều tháng ba, cùng ngồi bên nhau trên con đê làn gió thổi rất mạnh, chợt Tâm chỉ sang cây hoa gạo đầu xóm đang kỳ nở hoa đỏ ối, nói với tôi:..

Một buổi chiều tháng ba, cùng ngồi bên nhau trên con đê làn gió thổi rất mạnh, chợt Tâm chỉ sang cây hoa gạo đầu xóm đang kỳ nở hoa đỏ ối, nói với tôi:
 
- Anh ơi, sao người ta lại gọi cây gạo là mộc miên nhỉ?
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Lúc ấy, tôi cũng chưa hiểu gì cái tên mộc miên ấy nhưng vốn là một “cậu tú” tốt nghiệp cấp ba (lúc ấy là của hiếm), lại từng là học sinh giỏi văn nhất trường, tôi không thể không sĩ diện dựa vào vốn từ Hán ít ỏi của mình để giải nghĩa:
 
- Có gì đâu em. Mộc là cây. Miên là ngủ. Mộc miên là cây ngủ… có nghĩa là… hoa gạo là loài cây trông rất… buồn.
 
Tâm khẽ cười:
 
- Nhưng em chẳng thấy cây gạo có nét buồn nào cả. Hoa nở đỏ rực cả một vùng trời.
 
Tôi lên giọng:
 
- Không nên nhìn vẻ bề ngoài em ạ. Em thử ngắm kỹ mà xem. Tuy hoa gạo đỏ tươi nhưng lại ẩn một nỗi buồn chia ly. “Đường quê rắc đầy hoa gạo. Thẫn thờ tiễn bóng người đi”. Em đã đọc câu thơ ấy chưa? Anh nghĩ, cuộc đời hoa gạo là một giấc ngủ dài đầy mộng mị trong nỗi buồn vô tận. Những bông hoa đỏ như máu tơi bời rụng xuống mặt đất như cố trút đi những nỗi bất hạnh.
 
Tâm run run nắm lấy tay tôi, nói như để cho xong chuyện:
 
- Thôi đừng nói nữa anh, nghe khiếp quá! Em hiểu rồi. Mộc là cây. Miên là ngủ. Ngủ trong một nỗi buồn chia ly, phải không anh? Nhưng em và anh thì không bao giờ được chia ly đâu nhé. Không được chia ly đâu anh!
 
Vậy mà cuộc chia ly vẫn cứ diễn ra, thậm chí quá dễ dàng. Chỉ do một mâu thuẫn nào đó với những người chức trách trong làng xã, bố tôi đã quyết định đi biệt khỏi quê hương. Cuộc ra đi gấp gáp đến nỗi tôi không đủ thời gian nói với Tâm một lời từ giã.
 
Rồi cuộc đời tôi cũng đầy biến động. Vào bộ đội. Đi học nước ngoài. Làm luận án tiến sĩ. Lấy vợ. Đẻ con. Bỏ vợ… Thoáng một cái, đã ba mươi năm. Ba mươi năm không một lần gặp lại cái vùng quê đỏ trời hoa gạo ấy.
 
* * *
 
Nhưng hôm nay thì tôi trở về.
 
Đến đầu làng, tôi nhìn thấy mấy cô bé chừng mười hai, mười ba tuổi đang lúi húi vun những bông hoa gạo rụng thành từng đống.
 
Mầu đỏ hoa gạo đập vào tâm can tôi. Giọng tôi run run:
 
- Các cháu lấy hoa gạo làm gì đấy?
 
Một cô bé quay nhìn tôi cười, lộ hàm răng khấp khểnh:
 
- Đây là hoa mộc miên bác ạ. Chúng cháu chơi trò nhặt nỗi buồn cho hoa mộc miên đấy.
 
Tôi thảng thốt khẽ kêu lên:
 
- Mộc miên?
 
- Vâng! Cây hoa gạo còn gọi là mộc miên. Bác có biết mộc miên là gì không? Là cây ngủ đấy. Ngủ và buồn quanh năm bác ạ.
 
Một cô bé có cặp mắt hơi mơ màng xen vào:
 
- Năm nào chúng cháu cũng nhặt mà không sao hết nỗi buồn của nó đấy.
 
Tôi kinh ngạc:
 
- Ai dạy các cháu những điều ấy?
 
Lũ trẻ vẻ tự hào, đồng thanh:
 
- Cô giáo cháu dạy.
 
- Cô giáo! Thế cô giáo các cháu tên là gì?
 
- Cô giáo chúng cháu tên là cô Hồng.
 
- Cô Hồng… còn trẻ không?
 
Một đứa vênh mặt, khoe:
 
- Cô giáo cháu mới hai mươi tám tuổi mà đã là giáo viên dạy giỏi đấy.
 
Biết nói gì với lũ trẻ được. Đối với chúng, khi đã là “cô giáo dạy” thì làm sao có thể sai được.
 
Tôi đành từ biệt lũ trẻ, lặng lẽ bước vào làng.
 
Không ngờ người đầu tiên tôi gặp trong xóm lại là cô giáo Hồng. Gặp cô tôi mới biết tất cả những lời cô dạy cho lũ trẻ đều được truyền lại từ cô giáo của cô.
 
Thấy tôi lắc đầu tỏ ý phản đối, với sự nhạy cảm của một nhà giáo, cô Hồng nhìn tôi lưỡng lự:
 
- Chả lẽ giải nghĩa về mộc miên như vậy là sai hả chú? Ngày trước cô Tâm vẫn giảng cho chúng cháu như vậy mà.
 
- Cô Tâm? Tôi bồn chồn hỏi lại.
 
Giọng Hồng buồn buồn:
 
- Vâng! Cô Tâm, cô giáo của cháu giờ không còn nữa. Đời cô Tâm thật buồn. Xinh đẹp thế mà không chồng, không con, rồi mất vì một căn bệnh hiểm nghèo.
 
Tôi lặng người, chân đứng không vững. Giọng tôi như trong cõi vô thức vẳng ra:
 
- Lâu chưa cháu… là ngày mất của cô Tâm ấy?
 
- Mười năm rồi chú ạ. Vào đúng mùa hoa mộc miên rụng. Chúng cháu vẫn thường nói với nhau đời cô giáo cháu cũng giống như hoa mộc miên.
 
Tôi rút khăn, gỡ cặp kính cận, lau nước mắt trước sự ngạc nhiên của Hồng. Cô ngạc nhiên là đúng thôi. Cái ngày tôi và Tâm cùng ngồi trên con đê đầu làng thì cô còn chưa ra đời.
 
Tôi bùi ngùi:
 
- Giải nghĩa về mộc miên như vậy là không đúng cháu ạ. Nhưng cô Tâm không có lỗi trong chuyện này.
 
Tôi đã kể lại tất cả mọi chuyện với Hồng. Rồi như người muốn phần nào chuộc lại lỗi lầm, tôi khẽ nói:
 
- Miên, nghĩa gốc Hán là cây bông. Loại như cỏ gọi là thảo miên, còn loại như thân cây gọi là mộc miên. Cũng có một chữ miên nghĩa là ngủ nhưng là một từ đồng âm khác nghĩa, không liên quan đến mộc miên.
 
Hồng thốt lên vẻ đầy thất vọng:
 
- Vậy không chỉ có cô Tâm mà cả cháu nữa, bao nhiêu năm nay đã giải nghĩa sai về mộc miên cho học sinh.
 
Tôi khẽ thở dài:
 
- Tất cả là lỗi tại chú. Nhưng chú cũng không ngờ sự thể lại diễn ra như thế.
 
Tưởng chỉ là câu chuyện thoảng qua mà lại dẫn đến sự nhầm lẫn cho mấy thế hệ. Bây giờ, chẳng có cách nào khác là lúc nào có dịp, cháu nên mạnh dạn nhận lỗi và giảng lại nghĩa từ cho học sinh về mộc miên. Điều quan trọng hơn là cháu hãy nói rằng mộc miên không phải là loài cây mang nỗi buồn đau. Trái lại, mầu hoa đỏ luôn gợi lên niềm hân hoan và kiêu hãnh.
 
- Vâng! Cháu hiểu rồi- Hồng buồn bã trả lời.
 
Ngày ra đi, tôi nói thêm với Hồng:
 
- Sai thì sửa thôi cháu ạ. Chỉ đáng tiếc là đến khi nhắm mắt cô Tâm vẫn tin rằng những điều chú ba hoa hôm ấy là sự thật. Chú thật có lỗi quá.
 
 * * *
 
Tuy có hơi muộn nhưng hẳn là cô giáo Hồng sẽ giảng lại để các thế hệ học sinh của làng tôi không những không hiểu sai về ngữ nghĩa của mộc miên mà tâm hồn các em cũng sẽ trong trẻo lại với loài hoa đỏ thắm ấy. Nó chính là sắc mầu lung linh tươi sáng của mỗi làng quê.
 
Nhưng với tôi thì lại khác. Mỗi khi bất chợt gặp mùa gạo trổ hoa, tôi lại ngậm ngùi ứa nước mắt. Trong lòng tôi, mộc miên vẫn mãi mãi là loài cây ngủ lịm trong một nỗi buồn khó nguôi ngoai.
 
Truyện ngắn: HỒ THỦY GIANG