Xuân Giáp Ngọ vừa qua là tròn 70 năm Ngày sinh của chiến sĩ - thi sĩ Trần Vũ Mai (1944 -2014) - tác giả Trường ca kháng chiến chống Mỹ nổi tiếng ở làng Phước Hậu (Phú Yên). Bài viết dưới đây thay nén hương lòng tưởng nhớ chiến sĩ - thi sĩ tài hoa Trần Vũ Mai.
Xuân Giáp Ngọ vừa qua là tròn 70 năm Ngày sinh của chiến sĩ - thi sĩ Trần Vũ Mai (1944 -2014) - tác giả Trường ca kháng chiến chống Mỹ nổi tiếng ở làng Phước Hậu (Phú Yên). Bài viết dưới đây thay nén hương lòng tưởng nhớ chiến sĩ - thi sĩ tài hoa Trần Vũ Mai.
|
Di ảnh của chiến sĩ - thi sĩ Trần Vũ Mai |
Vào một dịp họp mặt cuối năm của Ban vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật Phú Khánh (nay là 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), anh em văn nghệ sĩ từ các nơi về dự. Tối đó bên chén rượu, anh Trần Vũ Mai đọc bài thơ ưa thích của bạn mình:
“Cuộc đời chau mày đưa cho Chén rượu buồn thứ nhất
Nó nốc cạn
Cuộc đời chau mày đưa tiếp
Chén rượu buồn thứ hai
Nó lại nốc cạn
Cuộc đời ngẫm nghĩ
Thằng cha này, dù có đưa cho cả biển buồn trái đất
Nó cũng sẵn sàng nốc cạn mà thôi…”
Đó là thời điểm khoảng năm 1977 của thế kỷ trước. Lúc ấy loại thơ này chỉ lấp ló ở trong túi, chưa thấy xuất hiện trên các báo. Tôi quý mến Trần Vũ Mai và quen anh từ đó.
Anh tên thật là Vũ Xuân Mai, sinh năm 1944 tại Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, một thời tham gia kháng chiến ở Phú Yên, mất năm 1991 tại Hà Nội. Anh là cựu sinh viên Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Có nhiều thơ, văn xuôi trước đây từng đăng trên các báo ở Trung ương và Phú Khánh. Tác phẩm chính của anh: Trường ca Ở LÀNG PHƯỚC HẬU (1978); trường ca NÀNG CHIM LẠC (1991); tuyển tập TRƯỜNG CA,VĂN XUÔI VÀ THƠ (1995). Sẽ không có gì phải nói, nếu chỉ vài dòng lý lịch trích ngang vừa nêu.
Anh thuộc thế hệ các nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cùng trang lứa với Cao Duy Thảo, Ngô Thế Oanh,Dương Hương Ly, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Ý Nhi… và nhiều văn nghệ sĩ miền Trung cũng như cả nước. Riêng Phú Yên, Trần Vũ Mai rất thân với nhà thơ Nguyễn Mỹ và nhà văn Thanh Quế. Trên văn đàn, Trần Vũ Mai luôn trân trọng và tôn vinh nhà văn Mỹ E.HemingWay lên bậc thầy và yêu mến nhà thơ đồng hương Thanh Hóa Trần Mai Ninh như một người anh cả. Bút hiệu Trần Vũ Mai của anh đã thể hiện điều đó.
Như bao thanh niên khác, năm 1971 chiến trường miền Nam vẫy gọi, anh lên đường chiến đấu, vào công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5. Với tính cách mạnh mẽ, Trần Vũ Mai hoạt động xâm nhập thực tế các chiến trường rất bạo và tư duy trong sáng tác cũng mạnh mẽ:
“Cực Nam
Gió chướng ngang trời
Gió từ La Hai ngược lên Đắc Lắc
Đường xuyên sơn thẳm dốc
Gió quần vang trảng trăng thu…”
Có lần nhà văn Thanh Quế kể, biết Trần Vũ Mai ở miền Bắc mới vào đi thực tế, nên các anh tuyên huấn Phú Yên muốn bảo vệ Mai, không cho anh ta đi vùng sâu, ưu tiên loanh quanh ở căn cứ. Mai không phản đối nhưng anh ta không làm theo. Anh lẳng lặng bám chân giao liên xuống cơ quan Thị ủy Tuy Hòa. Chẳng hiểu anh thuyết phục lãnh đạo ở đó thế nào mà được đi với du kích vào nằm lại hầm bí mật trong làng Phước Hậu – xã Bình Kiến (giờ là Phường 9-thành phố Tuy Hòa) để sau này anh cho ra đời trường ca tâm huyết “Ở làng Phước Hậu”. Rồi theo bộ đội đặc công đánh Xuân Phước; có khi vọt vào phía Nam đến bên biển Cam Ranh, ngay căn cứ địch, anh cùng bộ đội ta “nhìn chúng cho rõ” như trong những trang viết anh thể hiện sau này.
Ngoài những đề tài mang chất sử thi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Trần Vũ Mai rất quan tâm đến đề tài đời sống trong cuộc kháng chiến vừa qua. Cố nhà văn Trần Thiện Lục – một cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội đi B, từng chung tuyến hào với Trần Vũ Mai kể rằng, lúc ở chiến trường có một đồng đội của 2 anh bị kỷ luật oan, Mai trăn trở mãi về điều này trong việc cầm bút sáng tác của mình.
Sau ngày thống nhất Tổ quốc, Trần Vũ Mai cùng với lực lượng văn nghệ sĩ tỉnh Phú Khánh (gồm Phú Yên và Khánh Hòa bây giờ) xây dựng phong trào văn học nghệ thuật, anh rất cởi mở, đoàn kết và yêu mến tất cả văn nghệ sĩ. Anh luôn trung thực trong công tác và đời sống, không hề phân biệt đối xử, những anh em từ chiến khu về, từ miền Bắc mới vào cũng như anh em hoạt động văn nghệ trong vùng tạm chiếm trước đây đều bình đẳng. Những năm tháng ấy tại trụ sở Ban vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật Phú Khánh văn nghệ sĩ tề tựu rất đông vui.
Sau này có lần từ Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn vào dự Đại hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Khánh năm 1986, Trần Vũ Mai náo nức quay vào với chốn xưa, hầu mong thăm lại đầy đủ bầu bạn trong này, nhất là vùng đất làng Phước Hậu. Lần ấy có vài anh em văn nghệ ở Phú Yên không vào Nha Trang dự được, Trần Vũ Mai biên thư về Tuy Hòa thăm từng anh em đó với tâm trạng nhớ buồn man mát.
Trong công tác biên tập, Trần Vũ Mai rất chuẩn chu, anh cứ lặng lẽ làm việc ở phía sau của những ầm ĩ. Anh như bà đỡ mát tay cho nhiều tác phẩm bụ bẫm ra đời; trong đó có một số tác phẩm do anh biên tập đã được giải thưởng quốc gia của Hội Nhà Văn, như: “Tuổi thơ im lặng” của nhà văn Duy Khán, “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu…
Với 47 năm ở cõi đời, nhà văn Trần Vũ Mai chưa kịp viết nhiều, in nhiều; song với những bài thơ anh để lại, những truyện, ký anh viết ra, những trường ca anh làm nên, trong đó đã có những hạt ngọc lấp lánh trên văn đàn cùng cái tâm trong trẻo của người cầm bút chân chính trước cuộc bể dâu.
Khi xuất bản tác phẩm riêng đầu tay của mình, bố đẻ anh vui mừng đón nhận đứa con tinh thần của Trần Vũ Mai tại căn cứ sân bay Cánh Đồng Chum trên nước Lào. Núi Chóp Chài ở làng Phước Hậu Phú Yên lừng lững trong trường ca của con trai. Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Vũ Ngân như uống từng câu chữ nơi trường ca kháng chiến Ở LÀNG PHƯỚC HẬU trên nước bạn. Điều này đã thôi thúc bố Ngân lúc về hưu quyết hành hương vào thăm hộ chiến trường xưa của con trai duy nhất Vũ Xuân Mai và thấm hiểu sâu sắc hơn về những tác phẩm của nhà văn Trần Vũ Mai để lại.
NGUYỄN TƯỜNG VĂN