Mãi đến bây giờ tôi vẫn không nhớ rõ mấy anh chị em chúng tôi đã gọi Mẹ bằng Me từ khi nào, nhưng có một thực tế là Me tôi luôn hiện hữu khắp những nơi tôi đã từng đi qua. Dù bất cứ nơi đâu, hoặc đang ở chân trời góc bể nào, khi nghe hai tiếng: "Me ơi!" thì mẹ tôi đều có mặt để ôm tôi vào lòng, để lau nước mắt cho tôi, để sẻ chia và giúp tôi vượt qua thử thách, tự đi lên bằng chính đôi chân của mình...
Mãi đến bây giờ tôi vẫn không nhớ rõ mấy anh chị em chúng tôi đã gọi Mẹ bằng Me từ khi nào, nhưng có một thực tế là Me tôi luôn hiện hữu khắp những nơi tôi đã từng đi qua. Dù bất cứ nơi đâu, hoặc đang ở chân trời góc bể nào, khi nghe hai tiếng: “Me ơi!” thì mẹ tôi đều có mặt để ôm tôi vào lòng, để lau nước mắt cho tôi, để sẻ chia và giúp tôi vượt qua thử thách, tự đi lên bằng chính đôi chân của mình. Từ đó, hai tiếng “me ơi” đối với tôi luôn chứa chan một tình cảm thiêng liêng, đầy ắp tình mẫu tử, đôi khi như là sự cứu cánh tiếp sức cho tôi trên mọi nẻo đường đời.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Nói về “Mẹ kính yêu” quả là một việc rất khó, vô cùng khó đối với người văn chương kém cỏi như tôi. Tôi không biết phải dùng những từ ngữ nào để có thể lột tả hết tình cảm trong lòng tôi về người mẹ cao cả của mình, cứ thấy cảm xúc dâng cao, nghèn nghẹn ở ngực, ở tim, rồi đôi mắt cay cay… nước mắt tuôn trào… Hai từ “Me ơi!” luôn ở đầu miệng đứa con như tôi - chỉ đem đến cho me tôi những lo toan, đau khổ - chỉ có mẹ tôi là người san sẻ hết những nỗi ưu phiền, những vất vả, gian truân mà tôi chịu đựng.
Ngày xưa còn bé tôi chỉ biết thốt lên:
“Mẹ ơi! Con lạnh lắm!.., con đói lắm!…”.
Nhớ lại những ngày giữa mùa mưa năm ấy, sau ba bốn ngày mưa tầm tã, nước ở đâu tràn về dâng lên, lên cao…, tràn qua đường, rồi vào nhà. Vô vàn những chai lọ, rác rưởi… trôi bềnh bồng trên mặt nước trong nhà. Hầu như cả Thành phố Huế tràn ngập trong nước lũ nhiều ngày. Bảy anh em tôi ngồi co ro trên căn gác xép, bụng đói cồn cào… Đã hai ngày rồi, ba tôi cứ tiếp tục cho anh em tôi ăn tiết kiệm từng gói mì tôm được bọc trong bao giấy đen sì, chia cho bầy con. Bảy anh em chúng tôi như lũ chim non, há to mồm tranh nhau ăn. Có lúc, anh em tôi cùng mơ tưởng đến rỗ khoai bốc khói mà xuýt xoa thèm, cùng nuốt nước miếng ừng ực… Chúng tôi chắp tay lạy trời bớt mưa cho nước rút mau, để có chỗ nấu cơm, để được đưa từng cây củi vào lò tận mắt thấy nồi cơm sùng sục sôi… và nhìn thấy… me tôi về nữa!… Đã hai ngày rồi me ơi! Hiện me tôi ở xa anh em tôi chừng mười hai cây số, ngăn cách bởi biển nước ở cánh đồng Thanh Lam, làm sao me tôi có thể đi qua được. Chắc lúc này lòng me tôi cũng nóng như lửa đốt khi nhớ về anh em tôi. Giao thông đã ngưng hẳn, me tôi chắc thấp thỏm, cố chen lấn vào đám đông nhìn nước lũ… mà không thể làm gì được… rồi lại tưởng tượng ra cảnh anh em tôi đói, anh em tôi lạnh, me tôi càng nóng ruột hơn!… Tự nhiên trong lòng tôi trào dâng nỗi sợ hãi…, sợ điều gì đó mà lúc ấy tôi không giải thích được… Em trai út của tôi bắt đầu khóc: “Me oi! me… mô rồi?...”. Tôi cố dỗ dành: Sau phiên chợ chiều me sẽ về, em ngủ giỏi đi nhe! Ngủ dậy có me về cho coi! Lúc này trời đã ngớt mưa, nước xuống dần, nhưng rất chậm. Mấy anh em tôi chen nhau ra cửa sổ nhìn xuống đường xem mọi người bắt đầu lội nước đi lại mua lương thực, chân lội nước chừng nửa bắp vế, nghe bì bà, bì bỏm… Trong đám đông ở ngã ba đừơng quẹo vào nhà tôi, có một người phụ nữ đội nón lá, mặc áo mưa toạc cả nút, cúi người thấp xuống cố hết sức đẩy chiếc xe đạp dưới dòng nước lũ, càng khó khăn hơn khi trước giỏ xe nặng trĩu một gói to… Bỗng anh tôi la to: “Ơ…Me nơi tề!... Me đang lội nước, đẩy xe đạp đó… thấy chưa!… thấy chưa mấy đứa?... Không thấy đâu cả, chúng tôi chỉ biết òa ra khóc…: “Me ơi! con đói, con lạnh lắm!”.
Me tôi đã vượt qua một quảng đường dài thật dài trong cơn mưa lũ…, biết bao gian truân, đầy hiểm nguy, không thiết đến mạng sống của mình để về bên anh em tôi. Lòng thương con đã cho me tôi sức mạnh và nghị lực để vượt qua… để anh em tôi bây giờ có thể víu vào nắm tay, kéo chân, lôi áo… miệng mếu máo khóc rên rỉ đòi ăn… Chiều hôm đó, lời dỗ dành với em út tôi quả thật linh nghiệm: Me tôi đã về nhà thật. Chúng tôi được ăn những củ khoai ướt sũng nước lũ mà me tôi mỏi nhừ cả chân lẫn tay đẩy xe, vượt lũ, bất chấp đến nguy hiểm để mang về cho chúng tôi, đã sưởi ấm chúng tôi bằng trái tim người mẹ. Không một tấm chăn nào có thể thay thế để sưởi ấm cho bảy anh em chúng tôi trong mùa mưa lụt của xứ Huế năm ấy. Tôi dần dần lớn lên với những năm tháng đầy ắp hai chữ: “Me ơi!”. Sau khi tốt nghiệp đại học tôi vào công tác ở tỉnh Lâm Đồng. Ngày đầu tiên vác ba lô ra đi, xa người mẹ kính yêu, nơi chôn nhau cắt rốn, lòng tôi như ai cào xé tận tim can. Tôi không dám nhìn me, đầu cúi xuống nói trong nghẹn ngào: Me oi! con đi đây… Bóng me tôi nhỏ dần, rồi mất hút, tôi mới dám nấc lên trong uất ức: Me ơi, con xa me rồi. Con nhớ me lắm!… Me ơi! Bấy giờ tôi chỉ biết kêu me ơi trong thổn thức và nhớ thương ngút ngàn!…
Năm tháng qua đi, rồi hai đứa con của tôi chào đời. Các con của tôi được sống như những tháng ngày đầm ấm bên gia đình như tôi thuở nào. Tôi học cách làm mẹ, học cách hy sinh, học cách chịu đựng, học cách vượt khó để đứng lên, học cách yêu thương các con như me của tôi. Từ đó, tôi có thể làm người mẹ tốt, trao hết cho các con của mình tình yêu bao la mà tôi đã nhận được từ me kính yêu của mình.
Thế rồi, trong một ngày buồn như thể có sự sắp đặt của định mệnh. Gia đình đang yên, đang lành, bỗng nhiên chồng tôi rời bỏ tôi và các con để ra đi tìm bến đỗ mới. Tôi ôm mẹ khóc nức nở như cô bé ngày nào: Me ơi!... con khổ quá!, me ơi!... mất tất cả rồi!... Trong vòng tay Me - tôi ở tuổi bốn mươi ba - vẫn nhỏ nhoi bé bỏng : “Me đây con ơi! Hãy cố gắng lên con, rồi mọi việc sẽ qua và tốt đẹp trở lại!”, Me ôm chặt tôi, xoa dịu tôi, an ủi, động viên tôi. Những giọt nước mắt âm thầm của mẹ đã cuốn trôi đi hết những vết thương lòng của tôi. Dần dà, nỗi đau của tôi cũng nhạt phai dần bên cạnh những người yêu thương tôi. Một năm sau đó, tôi lên cơn đau dữ dội, đưa vào bệnh viện cấp cứu, tôi lại lần nữa kêu: Me ơi! Con đau quá!... con đau quá!... Dù ở xa tôi cả ngàn cây số, đã ngoài bảy mươi hai tuổi, lại bị thấp khớp nặng, đi lại khó khăn nhưng me tôi như nghe được tiếng kêu tuyệt vọng của tôi, chạy vào với tôi, không thiết gì đến sức khỏe của mình, chỉ nghĩ đến căn bệnh hiểm nghèo mà tôi đang mắc phải. Một người già, đưa một người trẻ vào phòng bệnh, một người tóc bạc đưa người tóc xanh vào phòng giải phẫu, có nỗi đau nào hơn mà me của tôi đang chịu đựng: Me ơi! Con đau… Me ơi! Con sợ!...
- “Không sao đâu con! Bác sĩ sẽ giúp con, sẽ chữa trị cho con, rồi con sẽ khỏe mạnh thôi mà!”.
Đó là sức mạnh giúp tôi chống chọi với tử thần, gồng mình lên đấu tranh giữa sự sống và cái chết, để tôi có thể bước tiếp trên con đường đời của mình cho đến ngày hôm nay! Với tôi hai chữ “Me ơi!” là thế đó!
Hai tiếng ấy như thức tỉnh tôi, cho tôi thêm nghi lực, không sợ bão giông giữa cuộc đời, tất cả nguy nan đều biến mất khi trái tim của me hiện hữu trong tôi, với tình yêu thương nồng nàn đã sưởi ấm tôi khi mùa gió rét về. Chính nhờ sự hy sinh vô bờ bến của me đã đưa tôi đến bến bờ của sự hạnh phúc tràn đầy… để tôi được sống bên me, bên các con của mình, bên các anh chị em của tôi, bên những đồng nghiệp, bên những học trò lỡ bước…, bên cạnh những người đã từng yêu thương tôi và sẽ yêu thương tôi sau này…
Những ngày Tháng Ba của một năm mới đã về, trái tim tôi lại cháy bùng lên cảm xúc về me tôi. Xin gửi đến mẹ kính yêu của tôi khối tình yêu thương nồng nàn, tha thiết nhất về một người Mẹ suốt đời hy sinh vì con với cả tấm lòng bao dung, vị tha vời vợi như nước Biển Đông không bao giờ vơi cạn… Và, con cũng xin gửi đến Me tấm lòng biết ơn tột cùng đã cho con hiện diện trên cõi đời này, hưởng được tình yêu bao la của Me dành cho con.
Nếu có một điều ước được sinh ra thêm một lần nữa tôi vẫn ước muốn mãi mãi vẫn là con của Me kính yêu!…
THU HƯƠNG