Người chụp ảnh Bác Hồ ở Đà Lạt đã về cõi vĩnh hằng

04:03, 19/03/2014

Nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ nhiếp ảnh VAPA, nguyên phóng viên ảnh Báo Nhân Dân - Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà báo Bùi Á (1924-2014), quê quán Thừa Thiên - Huế đã nghìn thu vĩnh biệt lúc 18 giờ, ngày 2/2/2014 tại Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, thi hài của ông được an nghỉ tại Nghĩa trang cán bộ thành phố Đà Lạt.

Nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ nhiếp ảnh VAPA, nguyên phóng viên ảnh Báo Nhân Dân - Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà báo Bùi Á (1924-2014), quê quán Thừa Thiên - Huế đã nghìn thu vĩnh biệt lúc 18 giờ, ngày 2/2/2014 tại Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, thi hài của ông được an nghỉ tại Nghĩa trang cán bộ thành phố Đà Lạt.
 
 
Nhà báo Bùi Á bắt đầu vào nghề nhiếp ảnh năm 17 tuổi tại thành phố Đà Lạt năm 1941 ở hiệu ảnh Đại Việt, đường Minh Mạng cũ, nay là đường Trương Công Định, phường 1, Đà Lạt. Cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 giành chính quyền nhân dân khắp nơi trong cả nước diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Nha Trang thành công. Ông gia nhập vào bộ đội Việt Minh Nha Trang. Cuối tháng 9/1945, quân thực dân Pháp tái chiếm Nam Trung bộ và Nha Trang; trong đợt phản kích ông bị thương ở chân trái, các anh em chiến sĩ cách mạng đưa ông về chữa trị tại Bệnh viện Huế. Sau thời gian điều trị tại Thừa Thiên - Huế, ông tham gia công tác tuyên truyền thông tin ở Tòa soạn Báo "Giết giặc Thừa Thiên - Huế" do ông Đinh Nho Khôi (nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Liên khu IV, nguyên Chủ nhiệm Báo Cứu quốc Liên khu IV và V, nguyên Trưởng ban Quốc tế Báo Nhân Dân, nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới, làm chủ nhiệm. Năm 1956, nhà báo Bùi Á được Bộ Biên tập Báo Nhân Dân và Trưởng ban Quốc tế Báo Nhân Dân Đinh Nho Khôi đề nghị vào làm phóng viên nhiếp ảnh thời sự của Báo Nhân Dân. Từ đây, ông vinh dự được chụp ảnh Bác Hồ trong suốt 12 năm (1956-1968). Ông có hàng trăm cuộn phim chụp ảnh Bác Hồ. Đặc biệt, vào hạ tuần cuối tháng 10/1962, ông vào Phủ Chủ tịch chụp ảnh Bác Hồ tiếp phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu. Trong đó có nhà thơ Thanh Hải, người đã cùng ông sinh hoạt một chi bộ ở Ty Tuyên truyền văn nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế thời chống Pháp. Về chuyện này, có một lần ông xúc động kể với tôi:
 
- Sáng ngày 21/10/1962, sau hai ngày đến miền Bắc, phái đoàn được gặp Bác Hồ ở Vườn hoa Phủ Chủ tịch. Ngồi vào bàn, Bác hỏi giáo sư Nguyễn Văn Hiếu về chuyến đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa. Bác cho biết đã đọc thơ Thanh Hải và hỏi anh có gặp Giang Nam không? Bác khen Giang Nam viết có tình. Trong số những tác phẩm của đồng bào và chiến sĩ miền Nam mà phái đoàn dâng lên Bác, có một tập thơ chép tay của một nhà thơ trẻ đã hy sinh, tên là Nguyễn Trọng Tuyển. Anh Thanh Hải thưa với Bác:
 
- Anh Nguyễn Trọng Tuyển có ước mơ duy nhất là được gửi kính tặng Bác tập thơ viết tay của mình.
 
Cầm tập thơ trên tay Bác lặng đi một lúc.
 
Trong buổi gặp phái đoàn, Bác hỏi rất nhiều về tình hình cuộc sống, sản xuất, chiến đấu, và hỏi thăm sức khỏe của các nhân sĩ, trí thức yêu nước và của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ rồi Bác đưa bàn tay phải lên ngực trái tim của mình nhìn mọi người nói nhỏ:
 
- Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này.
 
Giọng xúc động, Bác nói tiếp: "Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi".
 
Câu nói ấy đã được sách báo giới thiệu nhiều. Sau này, tôi trở về Trị Thiên công tác ở chiến khu, gặp lại Thanh Hải, anh vẫn còn bồi hồi nhắc lại câu nói đó của Bác. Riêng tôi qua nhiều lần chụp ảnh Bác Hồ, tôi còn cảm nhận sâu sắc tấm lòng yêu thương của Bác dành cho miền Nam. Tôi cũng là một đứa con ở miền Nam. Rất lạ là Bác biết gia đình tôi. Một lần, Bác hỏi tôi:
 
- Chú có được tin của thím ấy không?
 
Nghe Bác hỏi, cổ tôi như nghẹn lại, vì quá xúc động, mãi mới thưa được:
 
- Thưa Bác, cháu có gửi thư qua đường Ủy ban Thống Nhất Trung ương, nhưng chưa có thư trả lời ạ.
 
Ngừng một chút... Ông kể tiếp: Vào mùa xuân Mậu Thân năm 1968, đó là một năm quan trọng đối với tôi. Giữa tháng 3 tôi cùng một đoàn nhà báo lên đường vào miền Nam. Sau khi tôi vào miền Nam công tác, hàng trăm cuốn phim được nhà báo Trịnh Hải, một cộng sự thân thiết của tôi trong phòng ảnh Báo Nhân Dân lưu giữ. Sau ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, anh Trịnh Hải đã trao lại tận tay cho tôi. Có một điều đáng ghi nhận ở nhà nhiếp ảnh Bùi Á trong mỗi lần tiếp xúc là ông hầu như không nói gì về mình mà chủ yếu giới thiệu các tác phẩm của đồng nghiệp, những tấm ảnh chụp về Bác Hồ mà ông yêu thích, trân trọng giữ gìn. Đó là ảnh Bác Hồ vui chơi với các cháu thiếu nhi trên sân Phủ Chủ tịch do Hoàng Linh chụp, ảnh Bác Hồ về thăm quê ở Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) của Trịnh Hải chụp. Ông nhận xét: "Trịnh Hải đã chọn đúng thời điểm và góc độ, khẩu độ để thấy toàn cảnh ngôi nhà tranh nằm trong vườn của tổ phụ, nơi mà thời thơ ấu Bác Hồ đã sống với gia đình trong những năm tháng nước nhà sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Ảnh chụp toàn cảnh, đúng lúc Bác biểu lộ tình cảm với bà con xóm giềng đã cách xa nhau trên 50 năm mới gặp lại". Ông cũng nói đến các ảnh của Thanh Hào, Phạm Kim và Nguyễn Huy - một phóng viên trẻ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường miền Nam.
 
Về công việc của mình, ông chỉ cho tôi xem những tấm ảnh do ông chụp về Bác Hồ rồi tâm sự: "Tôi có nhiều dịp chụp ảnh Bác cùng với Cụ Tôn Đức Thắng, lúc đó Cụ Tôn Đức Thắng được Quốc hội bầu cử làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được Quốc hội trao tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý của đất nước ta. Và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... ở các cuộc đại hội lớn. Hoặc khi tiếp xúc các vị nguyên thủ quốc gia là khách mời của Bác hoặc của Thủ tướng Chính phủ. Tại các sự kiện đó, tôi thường chọn các góc độ lúc Bác vui cười niềm nở với các vị khách để chụp". Ông kể mỗi lần Bác Hồ về thăm các xã vùng đồng bào dân tộc, lúc nào Bác cũng hỏi các vị lãnh đạo địa phương: Bây giờ đồng bào ta có khá hơn không? Có đủ ăn không? Các cháu có đi học đều không?
 
Đối với các cháu thiếu nhi khi vào Phủ Chủ tịch được gặp Bác thường sà vào lòng Bác, có cháu cứ vuốt vào chòm râu của Người, Bác bao giờ cũng âu yếm niềm nở hỏi han các cháu về việc học tập. Mỗi lần như vậy, tôi phải chọn khẩu độ đúng lúc và nhanh tay bấm máy mới có thể ghi lại một cách trung thực sự việc diễn ra trong khoảnh khắc. Tấm ảnh tôi chụp lúc Bác đến thăm con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc tại Câu lạc bộ Thống Nhất sát hồ Hoàn Kiếm là một thí dụ thực chất.
 
Sau cặp kính, đôi mắt nhà nhiếp ảnh Bùi Á (82 tuổi) mà tôi nhìn ông rất trìu mến, và tôi cũng rất vui vì được ông tặng cho tấm ảnh "Trên chiến trường xưa - sau ngày Mỹ - ngụy rút chạy ở bãi biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 27/3/1975" và có chữ ký của ông. Ông nói: Tháng trước có người nhà báo Mỹ đến tận số 8 Ánh Sáng - phường 1 - Đà Lạt, tìm và gặp ông rồi ngỏ ý mua lại tấm ảnh (xem ảnh). Tôi hỏi thì ông nói chỉ riêng bán tấm ảnh ni (này) là 1.000 đô la (tính theo thời điểm giá cả vào năm 1996). Tôi phấn khởi và rất vui được ông ký tặng cho tấm ảnh. Tiếp đến ông vừa nói vừa chỉ dẫn cho tôi xem: "Bức ảnh này tôi chụp toàn cảnh xe tăng thiết giáp của Mỹ - ngụy ở bãi biển Thuận An (Huế). Duy nhất có một đàn trâu gồm bảy con, gồm con đực, con cái và con mới đẻ của một anh nông dân đi tìm đàn trâu bị lạc trước và sau khi bộ đội, chiến sĩ, quân dân ta giải phóng tỉnh Thừa Thiên - Huế (nếu nhìn trong ảnh thì chỉ có sáu con, còn con đi trước chỉ còn lòi cái đuôi, và có các anh bộ đội). Tôi lập tức leo lên chiếc xe thiết giáp, kịp thời bấm máy ảnh, một khoảnh khắc hiếm có. Cũng bởi lẽ đó, cho nên nhà báo người Mỹ rất yêu thích tấm ảnh này. Ngoài hàng chục chiếc xe tăng bọc thép của Mỹ - ngụy, mà còn có đàn trâu nó tượng trưng cho sau chiến tranh và hòa bình".
 
Biết sức khỏe của mình trước lúc đi xa, vì tuổi cao, sức yếu, từ 2, 3 năm trước ông về thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời để gần người con trai cả, anh Bùi Khang ở chung cư Hoàng Anh Gia Lai, trên đường Trần Xuân Soạn, Quận 7, thành phố HCM cùng sống với gia đình của anh và cháu chắt nội, và để chăm sóc, điều dưỡng sức khỏe theo chế độ chính sách cán bộ cách mạng. Trong thời gian sống với gia đình anh Bùi Khang, ông đã trao tặng toàn bộ những chiếc máy chụp hình hiệu Pentax.K.1000, máy ảnh Nikon... ống kính các loại, ống kính tê lê và hàng trăm cuộn phim chụp ảnh Bác Hồ - "Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới" cho Bảo tàng - Thư viện Báo Nhân Dân, nơi ông từng công tác trong 12 năm (1956-1968), và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, mà ông là ủy viên trong ban chấp hành, và là người hội viên tham gia thành lập và phát triển Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho đến hôm nay.
 
Cần phải nói thêm, ông Bùi Á đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông được Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng các huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng. Đồng thời, hàng năm từ 2007, ông được Đảng bộ Thành ủy thành phố Đà Lạt trao "Kỷ niệm chương 62 năm tuổi Đảng" cho đến khi ông về thành phố HCM.
 
TRUNG DŨNG