Nền tảng của văn hóa Tây Nguyên là sự hài hòa với tự nhiên

03:03, 19/03/2014

Nhà văn Nguyên Ngọc là người hiểu, yêu và có nhiều trăn trở với Tây Nguyên. Điều đó cũng được thể hiện rất rõ qua những tác phẩm văn học của ông về Tây Nguyên như: "Đất nước đứng lên", "Rừng xà nu", "Miền đất huyền ảo" (dịch từ tác phẩm của Jacques Dournes), và tập bút ký "Các bạn tôi ở trên ấy" (giải thưởng văn học thủ đô năm 2013)...

Nhà văn Nguyên Ngọc là người hiểu, yêu và có nhiều trăn trở với Tây Nguyên. Điều đó cũng được thể hiện rất rõ qua những tác phẩm văn học của ông về Tây Nguyên như: “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu”, “Miền đất huyền ảo” (dịch từ tác phẩm của Jacques Dournes), và tập bút ký “Các bạn tôi ở trên ấy” (giải thưởng văn học thủ đô năm 2013). Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông nhân dịp ông có mặt ở Đà Lạt tham dự hội thảo “Văn hóa và sự phát triển du lịch Tây Nguyên”.
 
PV: Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014 lấy điểm nhấn là văn hóa Tây Nguyên, theo nhà văn, nên “nhấn” như thế nào? 
 
Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi biết có chương trình du lịch Tây Nguyên, nhưng nội dung thế nào thì chưa rõ. Có lẽ giới thiệu văn hóa, làm cồng chiêng, biểu diễn múa hát như lâu nay… Như thế thì chưa định hình rõ rệt về văn hóa Tây Nguyên đâu. Ý của tôi là phải hiểu thế giới quan, nhân sinh quan để qua các hoạt động phải giới thiệu được văn hóa Tây Nguyên là gì, ý nghĩa của nó như thế nào. Ví dụ: Cồng chiêng phục vụ du khách được hiểu là âm nhạc, nhưng nó có vai trò như thế nào trong đời sống, người Tây Nguyên dùng cồng chiêng trong những dịp nào, với mục đích gì? Đó chính là ý nghĩa văn hóa của cồng chiêng. Văn hóa Tây Nguyên động chạm đến một vấn đề hết sức quan trọng hiện nay trong đời sống của con người, của thế giới, của nhân loại. Đó là con người phá hoại môi trường, phá hủy tự nhiên, nhưng viện cớ làm chủ tự nhiên, chinh phục tự nhiên. Vì sao người Tây Nguyên có hình thức “phạt”. Người Tây Nguyên rất chú trọng đến sự hài hòa của tự nhiên, nên “phạt” ở đây không phải chủ yếu là phạt vì có tội, mà “phạt” vì làm ô uế đất đai, nguồn nước thiêng liêng, làm rối dòng chảy của tự nhiên. Tự nhiên hài hòa thì con người an tịnh, không có bệnh tật, không có tai họa, tâm hồn yên ổn. Vì thế khi có tội, thì cả làng đó chung nhau, người có lỗi chung nhiều hơn để cúng xin lỗi thần linh. 
 
Đối với người Tây Nguyên, Thần linh là tự nhiên, không phải mê tín. Thần linh đối với đồng bào là thần suối, thần nước, thần rừng… tức là họ tôn trọng tự nhiên. Quan niệm ấy rất tuyệt vời. Đó chính là một nét văn hóa Tây Nguyên. Ở một góc khác, Lễ bỏ mả của người Tây Nguyên có ý nghĩa gì? Đó là được trả về cho mẹ, trở về với tự nhiên. Nên, Lễ bỏ mả vui lắm, không bi lụy chút nào. Hay nhà dài, vì sao nhà cứ nối để dài ra mãi. Vì họ muốn sống cùng nhau. Điều đó cũng hết sức tự nhiên, nhưng hết sức quan trọng. Thế giới bây giờ đang rất cần điều đó. Lấy văn hóa làm du lịch, nếu không hiểu thấu đáo thì không làm gì được, có làm được thì cũng hời hợt lắm. Nói là du lịch văn hóa nhưng chỉ là dùng các biểu tượng văn hóa mang ra làm du lịch. Ví như người nghệ sĩ khi lên sân khấu đưa tay như thế nào cũng là một chuyện, nếu đưa thấp quá thì không được, chưa đủ sức biểu cảm, đưa cao quá thì sến, lố, khó chịu; hay người họa sĩ, pha màu như thế này thì nhạt, nhưng quá một chút thì có khi hỏng mất bức tranh. Vậy thế nào là vừa, thế nào là chừng mực? Điều này không ai dạy cả, mà nó được tích lũy qua sự từng trải. Như người Hội An thấy hạnh phúc trong sự tĩnh lặng, yên bình. Điều ấy đã tạo nên cách sống, tạo nên văn hóa của họ từ quá trình giao thương Đông - Tây mấy trăm năm, được cha ông truyền lại mà có tính cách như ngày nay. 
 
PV: Cồng chiêng là một trong những bản sắc độc đáo của Tây Nguyên, nhưng hiện nay, cồng chiêng đã bị thương mại hóa ít nhiều. Chúng ta nên ứng xử với văn hóa cồng chiêng như thế nào? Làm thế nào để giữ gìn và trao truyền di sản không gian văn hóa cồng chiêng mà không làm cho nó bị biến dạng? 
 
Nhà văn Nguyên Ngọc: Lạc Dương của Lâm Đồng làm cồng chiêng rất được, rất thật. Họ hài hòa được giữa lợi ích và việc giữ gìn bản sắc. Việc “sân khấu hóa” cồng chiêng cũng không tránh khỏi, nhưng làm thế nào cho có chừng mực, đến đâu là vừa rất khó. Cũng như khi viết văn, thêm một từ là dở. Ngay cả với một tác phẩm rất hay, rất trau chuốt, câu nào cũng được gọt giũa, lại khiến cho người đọc cảm thấy nó giả. Ví như cô gái có một hàm răng rất đều, rất đẹp, nhưng nếu trên hàm răng đó có một chiếc răng khểnh, thì nhìn sẽ có duyên hơn. 
 
Thiếu nữ Tây Nguyên - Tranh: HOÀNG KHAI
Thiếu nữ Tây Nguyên - Tranh: HOÀNG KHAI
 
PV: Trong đoạn đầu giới thiệu về sách “Miền đất huyền ảo”, bác viết: “Dam Bo viết: "Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu". Bài toán về sự phát triển của các dân tộc Tây Nguyên trong thời đại và trong thế giới ngày nay, như chúng ta đều biết, không hề là một bài toán đơn giản, dễ dàng. Chắc hẳn chúng ta cần cả hai vế trong mệnh đề trên của Dam Bo, nếu chúng ta thật sự tha thiết muốn góp phần giải quyết bài toán khó ấy của Tây Nguyên hôm nay? Công chúng biết đến nhà văn Nguyên Ngọc trong các tác phẩm của bác thể hiện sự trăn trở về Tây Nguyên rất lớn? Và khi viết về Tây Nguyên, nhất là văn hóa Tây Nguyên nên chú ý những vấn đề gì?
 
Nhà văn Nguyên Ngọc: Mình ráng mình hiểu thôi. Tôi sống với đồng bào, tôi thấy họ hiền lắm. Phải hiểu, phải cố gắng mà hiểu Tây Nguyên, như Dam Bo viết đó. Tôi thì tôi mạn phép nói thêm, là yêu một cách tôn trọng. Du lịch Tây Nguyên phải đề phòng cái cảm giác cuốn hút du khách từ vẻ ngoài. Nó chỉ kích thích trong thời gian ngắn thôi, lâu dài thì không được. Tôi lên Tây Nguyên rồi dần dần giác ngộ ra cái đó. Ngày xưa, khi còn nhỏ, tôi ở dưới đồng bằng, nhìn các dãy núi thấy giống như Xuân Diệu nói, “trông núi như một miếng bìa”, vì nhìn như hình răng cưa cắt từ miếng bìa dán ở chân trời, chứ không nghĩ là trên núi có người sống. Tới khi đi kháng chiến mới “A! Hóa ra có người”. Người Tây Nguyên có đời sống vô cùng phong phú, tức là phức tạp. Họ cũng đau khổ, ghen tuông, hạnh phúc, giận hờn, sâu sắc, chứ không phải thô sơ đâu. Tôi mê Tây Nguyên cũng vì lẽ đó. Họ rất chân thật, tất nhiên họ phải giàu có lên, nhưng giàu có chưa chắc đi đôi với hạnh phúc. Vì vậy, phải giới thiệu được những con người với tính cách đó. Làm du lịch không chỉ là giới thiệu được Tây Nguyên, con người Tây Nguyên thô sơ, hoang dã mà phải hiểu, người Tây Nguyên sống như thế nào là hạnh phúc...
 
LÊ HOA (Thực hiện)