(LĐ online) - Mới 5 giờ sáng, chúng tôi đã lên xe 29 chỗ ngồi rời TP.Hà Giang đang say giấc bình yên, theo quốc lộ 4C khoảng 43km tới huyện Quản Bạ. Trời mịt mờ sương giăng trên những cánh rừng thông, đồi cây sa mộc…
(LĐ online) - Mới 5 giờ sáng, chúng tôi đã lên xe 29 chỗ ngồi rời TP.Hà Giang đang say giấc bình yên, theo quốc lộ 4C khoảng 43km tới huyện Quản Bạ. Trời mịt mờ sương giăng trên những cánh rừng thông, đồi cây sa mộc… Bác Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu thẽ thọt hỏi tôi: Có đúng là nét Đà Lạt không? Vâng cao nguyên nhiều vạt rừng thông, sương khói se se lạnh nên thấy như ban mai ở thung lũng kề nhà… Để đảm bảo hành trình nên mỗi người nhận một gói xôi cho khỏi la cà mất thời gian ăn quán… May mà có bịch xôi sáng chưa ăn hết nên 5 giờ chiều vẫn còn trên hai chục nắm chia nhau lót bụng đường về…
|
Trên đỉnh Mã Pí Lèng có con đường Hạnh Phúc vắt qua |
Tiếp tục theo con đường này qua đèo Cán Tỷ hiểm trở, những con dốc quanh co, uốn lượn, để du ngoạn tới các huyện Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc ngắm một vòng cao nguyên đá. Đi miết và cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng đến 8 giờ tối mới về lại thành phố, anh Lê Trọng Lập - Tổng Biên tập Báo Hà Giang, tháp tùng đoàn cả ngày lúc này mới thở phào nhẹ nhõm: Phập phồng… chỉ lo các bác vốn quen đường, cảnh đồng bằng phẳng phiu sẽ chóng mặt vì núi cao, vực sâu, chập chùng đá tựa đá…! Nhất là bác nhà báo Phạm Quốc Toàn, tuổi 65 rồi mà có than vãn gì đâu! Các bác hiểu thế nào là gian khó của cao nguyên đá rồi nhé. Đi một vòng cũng hết gần 400 cây số chứ không ngắn đâu!
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn cười khà khà: Bác lên đây chuyến này là lần thứ tư rồi nhé. Năm 1979, từng là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân trên trận tuyến này.
Lâm Đồng và Hà Giang vốn là hai tỉnh kết nghĩa thời chiến tranh đánh Mỹ. Hiện ở TP. Bảo Lộc còn có nông trường chè, con đường mang tên Hà Giang. Ở Hà Giang có đường và 1 HTX mang danh Lâm Đồng. Vì nguyên cớ ấy, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Báo Hà Giang phát hành số đầu tiên (13-4), tôi vinh dự được đồng nghiệp miền Tây Bắc, mảnh đất biên cương địa đầu Tổ quốc mời ra Hà Giang và có cơ may diện kiến công viên địa chất toàn cầu.
|
Hồn nhiên Hà Giang |
Chỉ trải cung đường gần 400 cây số của công viên địa chất toàn cầu, tôi đã thấm thía sự vất vả, gian khó trong những ngày đi công tác, bám cơ sở của bạn bè làm báo ở nơi đây. Đường về các huyện quanh co, xa ngái, dân cư thưa thớt, điều kiện kinh tế - xã hội còn nghèo nàn. Bây giờ đã khá nhiều chứ khoảng hơn 20 năm trước, theo Trưởng phòng Phóng viên Lại Cao Khải của Báo Hà Giang hay anh Quốc Vượng – Trưởng phòng Phóng viên Kinh tế Báo Phú Thọ, nguyên phóng viên báo Hà Tuyên từ một phần tư thế kỷ, nay về thăm lại đều trở về ký vãng: Đi công tác một đợt không dưới nửa tháng. Có chặng đi bộ nửa ngày mới gặp thôn, bản… Đến đâu “góp gạo, ngủ nhờ” đó. Lắm cái khó…thế nhưng còn phải đối phó với pháo cối từ bên kia biên giới rình rập dội sang! Nhớ lại… luôn ăm ắp xúc cảm rưng rưng về ân tình chân thành của đồng bào Tày, Mông vùng cao giành cho nhà báo mỗi lần đi thực tế. Chính vậy lại thôi thúc anh em cần sâu sát, phát hiện, phản ánh chân thực cuộc sống và tinh thần chiến đấu quyết liệt giữ gìn biên cương Tổ quốc… Ở Báo Hà Giang có nhiều đợt cán bộ từ Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập, Trưởng phòng đi tăng cường làm Phó Bí thư Huyện ủy; Phó Chủ tịch UBND huyện hoặc Bí thư Đảng ủy các xã vùng biên… Sùng Mi Trứ - bạn đồng niên, đồng môn, đồng khóa, đồng trường với bác Nguyễn Thanh Đạm ở Báo Lâm Đồng thời 5 năm học Trường Tuyên huấn Trung ương I Cầu Giấy - Hà Nội đã mấy năm rời cương vị Phó Tổng biên tập đi bám trụ Mèo Vạc với chức trách Phó Bí thư Huyện ủy… Thế nhưng khi trở lại báo, chỉ đạo điều hành nghiệp vụ quả rất chiều sâu, sát thực nhiều! Nhân Lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập và Báo Hà Giang đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Phó Tổng Biên tập Sùng Mi Trứ đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba!
Có nét tương đồng trong 35 năm tôi làm báo và làm báo từ tuổi 20 chỉ khác Lại Cao Khải ở Tây Bắc còn mình trên Tây Nguyên. Chưa kể năm 1986, mình tôi khoác ba lô trải qua 12 đồn biên phòng dọc vành đai biên giới tỉnh Hoàng Liên Sơn đến tặng sách của Chi đoàn Báo chí khóa 5 cho Đồn biên phòng Pha Long tận cửa khẩu Mường Khương – nơi nhà báo - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết quả cảm hy sinh trong trận đánh Tàu năm 1979… Thôi thì Tây Nguyên, Tây Bắc đều “Tây” cả và cũng một thời lặn lội vùng sâu, vùng xa Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đinh Trang Thượng, Lộc Lâm, Lộc Bắc; ăn ngủ với đồng bào K’Ho, Chil, Mạ…; rồi cũng bám cơ sở trong những vùng phỉ Fulro lẩn quất, quấy phá nên thấy đồng nghiệp mới quen thật thân thiết, dễ đồng cảm, sẻ chia… Thế nhưng cũng không khỏi chạnh lòng trước bước đường phát triển, hội nhập của báo chí hiện nay, mặt trái cơ chế thị trường đã nảy sinh, xuất hiện một số ít bộ phận quản lý báo chí, phóng viên chạy theo khuynh hướng xa rời cơ sở, sa vào báo cáo hóa, giật gân, bé xé to… Điều đó khiến “nhân tình thế thái” đổi thay, nhiều giá trị sống, giá trị đạo đức nghề nghiệp lâm cuộc “bể dâu”… Nghĩ vậy song mình cũng tự tin hiện tượng ấy sớm muộn cũng lộ chân tướng, lạc lõng trong dòng chảy mạnh mẽ của nền báo chí chính thống. Bởi vẫn còn đó những nhà báo giàu chất nhân văn, giàu lương tri và trách nhiệm nghề nghiệp như đồng nghiệp tôi ở vùng biên cương này! Ngồi ghế trước tôi, Trương Minh Tứ - Tổng Biên tập Báo Quảng Trị vô tình quay xuống bâng quơ: Nhớ một thời gần 10 năm làm báo Gia Lai - Kon Tum quá Thanh Đạm ơi!
Đường đèo vắt lên đỉnh núi Mã Pí Lèng dài 20km hun hút dốc tới 30 độ, liên tiếp cua cùi chỏ. Núi cao, vực sâu dễ hơn trăm mét. Có những khúc đường hẹp, xe rì rì tránh nhau, bánh xe chỉ cách mép vực gang bàn tay… Giải thích về tên đỉnh núi Mã Pí Lèng, các đồng nghiệp Báo Hà Giang cho hay danh từ diễn tả sự hiểm trở bậc nhất của ngọn núi: Theo tiếng Quan hỏa thì nghĩa đen hiểu là “sống mũi con ngựa” nhưng nghĩa bóng lại hàm ý nơi con ngựa leo đến đỉnh cũng phải tắt thở vì quá mệt… Dưới vực, dòng sông Nho Quế dài 192km (trải ở địa phận Việt Nam 46km) mảnh mai như dải lụa uốn khúc. Dòng sông này bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam - Trung Quốc chảy xẻ qua cao nguyên Đồng Văn; qua các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc ở độ cao trung bình 1.255m nhập vào sông Gâm (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng). Trên sườn núi, thấp thoáng những nếp nhà như là một nhánh không thể thiếu trong mối quan hệ tương sinh, hữu cơ của các mỏm núi đá như những ngón tay gấn guốc chọc lên trời. Trên những mảnh ruộng bậc thang đồng bào Mông đang lắt lẻo đường cày, hí húi xới đất chăm sóc vạt ngô non hay nhặt đá chèn bờ vạt ruộng bậc thang. Về cách thức dùng đá mảnh xếp bờ ruộng, chèn hàng rào quanh nhà thì đôi bàn tay người Mông quả là tinh tế, tài hoa… Sống trên đá, chết vùi trong đá quả không ngoa. Ở trên này, người chết không có đất để chôn, do vậy người ta đặt người chết trên bãi đá rồi dùng đá xếp lại thành mộ… Lương thực chính là ngô, hàng ngày, đồng bào ăn mèn mén (ngô xay rồi đồ xôi) với canh đậu tàu phớ, uống rượu ngô…. Người Mông thông thạo kỹ thuật canh tác ruộng bậc thang để giữ đất, giữ nước… Khi dừng trên đỉnh dốc, Lại Cao Khải khoát tay cho tôi hay: Đường chúng ta đang đi có tên Hạnh Phúc dài 200km nối Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Nhằm giúp vùng núi tiến kịp miền xuôi nên Trung ương Đảng, Khu ủy Việt Bắc quyết định mở con đường này và khởi công ngày 10 – 9 – 1959, hoàn thành ngày 15 – 6 – 1965. Vào thời điểm đó hàng vạn thanh niên xung phong gồm 16 dân tộc từ 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Hưng, Nam Định lên đây tham gia. Riêng con dốc Mã Pí Lèng chót vót vút trời, công nhân phải treo mình trên vách núi 11 tháng để phá đá, mở đường! Đại công trường kéo dài 6 năm gian khó, dãi dầu nắng mưa, sương giá… song cũng là 6 năm hào hùng, thấm đẫm chất trường ca về tinh thần của trên 2 triệu lượt ngày công lao động hăng say kiến thiết chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc!
|
Thị trấn huyện Mèo Vạc |
Mấy chục năm trước, gia đình từ quê lúa đồng bằng Thái Bình lên Hà Giang khai hoang, lập nghiệp nên Lại Cao Khải sinh ra trên miền ngược này. Tốt nghiệp Tổng hợp Văn Hà Nội, làm phóng viên từ thời Hà Tuyên chưa tách thành tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, anh rất am hiểu đời sống, tập quán nơi đây. Không dấu niềm tự hào, pho “sử sống” trở thành hướng dẫn viên nhiệt thành cho chúng tôi hay: Cao nguyên đá Đồng Văn được xếp hạng Công viên Địa chất toàn cầu nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356km² trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Đồng Văn có tới 80% diện tích lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm.
Các nhà khoa học xác định ở Đồng Văn thể hiện 139 biểu hiện Di sản địa chất (DSĐC) thuộc đủ loại, trong đó có 15 DSĐC cấp quốc tế, 68 cấp quốc gia và 56 cấp địa phương. Tại các trầm tích đá có tuổi khác nhau ở Đồng Văn, các nhà cổ sinh vật cũng đã phát hiện rất nhiều hóa thạch thuộc 19 nhóm: Tay cuộn, San hô vách đáy, San hô 4 tia, Lỗ tầng, Bọ ba thùy, Cá cổ, Trùng lỗ, Vỏ nón, Răng nón, Chân rìu, Chân bụng, Chân đầu, Động vật dạng rêu, Huệ biển, Vỏ cứng, Giáp xác cổ, Thực vật thủy sinh, Tảo cổ và Chitinozoa. Các cổ sinh vật hóa thạch này đã giúp các nhà khoa học hoàn chỉnh bức tranh lịch sử phát triển địa chất vùng cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và địa chất khu vực đông bắc Việt Nam - nam Trung Quốc nói chung… Với địa chất, địa tầng như vậy nên Cao nguyên đá Đồng Văn là điểm duy nhất ở Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO) chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu vào năm 2010. Tiếp theo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 – 2020, tầm nhìn 2030… Là tỉnh biên cương đa văn hóa truyền thống độc đáo, lại có thêm Công viên Địa chất toàn cầu nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, tinh khiết và đầy bí ẩn, điều đó đã đưa Hà Giang đứng danh trên bản đồ du lịch, nghiên cứu khoa học của thế giới!
Giữa trưa dừng chân và ăn cơm với Huyện ủy Mèo Vạc. Trung tâm thị trấn được xây dựng khá khang trang. Chợ phiên ngày chủ nhật, phụ nữ Mông xúng xính váy áo, màu sắc sặc sỡ trên đường. Theo lãnh đạo huyện: Mèo Vạc có phía đông và phía bắc giáp Trung Quốc, dân số gần 59.000 người. Trong 2 cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược, huyện bị thiệt hại nặng. Thế nhưng Mèo Vạc cũng là địa phương nổi bật về tinh thần bảo vệ biên cương. Trong huyện có xã Yên Sơn (phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số) không chịu sơ tán mà nhất quyết bám trụ chiến đấu và tiếp tế lương thực cho bộ đội… Đến nay, Mèo Vạc vẫn là huyện 30a, dân còn nghèo… Trước tâm sự của lãnh đạo huyện, tôi sực nhớ và cay cay sống mũi bởi âm hưởng bài thơ viết về chiến tuyến Hà Giang vào những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ XX mà chiều qua nhà báo Nguyễn Đắc Tĩnh – Tổng Biên tập Báo Sơn La đã dày công sưu tầm và run run mở bản thảo đọc tại Hội thảo báo Đảng 17 tỉnh miền núi và trung du phía Bắc về chủ đề liên kết tuyên truyền phát triển du lịch do Báo Hà Giang đăng cai. Bài thơ chưa rõ tác giả (theo nhà báo Đắc Tĩnh) nhưng đã đăng trên Văn nghệ Quân đội có những câu đầy hào khí:
Điểm tựa ở đây không xẻ được chiến hào
Đá và đá trụi trần toàn những đá
Pháo giặc bắn trùm lên ngàn độ lửa
Đất quặn mình đá hóa thành vôi…
Trận đánh này còn có đá làm tin
Dãy biên cương đá bao lần chép sử
Một thế hệ quên mình trên điểm tựa
Ngàn năm sau đá núi lưu truyền…
Ôi quê ta có tự bao giờ
Dẫu bỏ mình đất này không thể bỏ
Dẫu trăm lần đá núi hóa thành vôi…
Chia sẻ nỗi niềm trăn trở của những người đứng đầu huyện, tôi thông tin: Lâm Đồng hội tụ cư dân cả nước với 42 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ở đây có rất nhiều đồng bào Tày, Mông… từ Hà Giang tới lập nghiệp. Được chính quyền các cấp trên vùng đất mới quan tâm, đồng thời với đức tính chăm chỉ và chịu khó nên đời sống của đồng bào sớm ổn định, có tích lũy.
|
Đường lên Cột cờ quốc gia Lũng Cú |
Rời Mèo Vạc, chúng tôi tiếp tục hành trình lên thăm Cột cờ Lũng Cú thuộc huyện Đồng Văn, một địa danh thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc hình chữ S mà ai cũng ước mơ và thật sự tự hào khi đến được đây… Cột cờ Lũng Cú xây dựng trên đỉnh núi Rồng với độ cao 1.468m so với mực nước biển. Cột cờ Lũng Cú là nơi xưa kia Lý Thường Kiệt lên hội quân trấn ải biên thùy từng treo một lá cờ và được nhân dân coi như cột mốc cao nhất đánh dấu biên cương. Tương truyền sau khi treo cờ, Lý Thường Kiệt cho chọn một hòn đá tảng to để đánh dấu. Về sau, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng theo vị trí đó mà đặt trống đồng để báo cầm canh. Năm 1978 đồn biên phòng Lũng Cú dựng cột cờ cao trên 10m bằng gỗ sa mộc, treo cờ 1,2m. Năm 1991, nhân dân các dân tộc Lô Lô, Dao, Mông trong vùng lặn lội khắp rừng sâu núi cao tìm thấy cây pơmu cao gần 13m, thân thẳng đưa lên đỉnh núi Rồng dựng cột cờ. Năm 2000, tại nơi treo cờ trước, tỉnh Hà Giang xây dựng cột cờ tại vị trí ngày nay. Tiếp theo, nhân tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Đồng Văn tiến hành khởi công trùng tu, nâng cấp Cột cờ quốc gia Lũng Cú mới vào ngày 8-3-2010. Sau 196 ngày thi công, Cột cờ quốc gia Lũng Cú khánh thành ngày 25-9-2010. Cột cờ thiết kế theo mô hình cột cờ Hà Nội nhưng quy mô nhỏ hơn, chân cột gắn 8 tấm phù điêu đá xanh thể hiện các giai đoạn thời kỳ lịch sử của đất nước, các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang, phía trên gắn 8 mặt trống đồng. Lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m
2, tượng trưng cho sự kết đoàn của 54 dân tộc anh em. Được biết cờ từ Lũng Cú đã được làm lễ trọng thể chuyển tới Trường Sa, Đất Mũi Cà Mau nhằm thể hiện niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước… Theo cô hướng dẫn viên người Mông: hàng ngày có rất nhiều khách trong Nam, ngoài Bắc và du khách nước ngoài lên chiêm ngưỡng Cột cờ quốc gia Lũng Cú.
Một lần lên với chập chùng cao nguyên đá Hà Giang, vòng quanh Công viên địa chất toàn cầu, trong tôi: Lâm Đồng và Hà Giang lại càng trở nên gần gũi tấc gang, xiết bao thân thiết! Hà Giang đang trong nhịp sống hiền hậu, thanh bình song cũng sáng ngời ý chí của dải phên dậu quả cảm, vững vàng của Tổ quốc!
|
Bản người Mông dưới chân núi Rồng |
Bút ký: Nguyễn Thanh Đạm