(LĐ online) - Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII là một trong những hoạt động chính nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, đồng thời đánh thức sự quan tâm của thế hệ trẻ, thế hệ kế tiếp, những người nắm trong tay sự tồn vong của một giá trị văn hóa đã được UNESCO công nhận và cả thế giới thừa nhận.
(LĐ online) - Tối 29/4, Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII đã chính thức diễn ra trong tiếng chiêng gọi “Về với Núi Mẹ đại ngàn”.
Lễ hội văn hóa cồng chiêng năm 2014, không chỉ là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 39 năm ngày đất nước thống nhất, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đây còn là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Năm du lịch quốc gia Tây Nguyên – Đà Lạt.
BTC tặng hoa cho các đoàn tham dự. |
Mỗi khi nhịp chiêng vào hội, là một lần những người yêu chiêng, “nặng lòng” với tiếng chiêng, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có thêm hy vọng.
Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII là một trong những hoạt động chính nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, đồng thời đánh thức sự quan tâm của thế hệ trẻ, thế hệ kế tiếp, những người nắm trong tay sự tồn vong của một giá trị văn hóa đã được UNESCO công nhận và cả thế giới thừa nhận.
Lễ hội văn hóa cồng chiêng cũng là dịp để các nhà nghiên cứu, học giả, những người yêu mến cồng chiêng và những người quản lý trên địa bàn Lâm Đồng có dịp đánh giá lại việc lưu trữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nói chung và cồng chiêng nói riêng, từ đó có kế hoạch cụ thể, phù hợp để bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo riêng có của văn hóa cồng chiêng các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên.
Lần thứ VIII gặp gỡ tại Lạc Dương, cũng là nơi để các nghệ nhân người Mạ, Chu Ru, M’Nông, Cơ Ho có điều kiện giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời tăng cường mối đoàn kết giữa các dân tộc anh em.
Đêm khai mạc, đêm dưới chân Langbiang huyền thoại, đêm “Về với Núi Mẹ đại ngàn” đã bắt đầu bằng nhịp chiêng thức gọi, nhịp chiêng từ thủa hồng hoang, nơi chàng K’lang và H’biang vượt mọi rào ngăn, luật tục để đến với nhau. Ở nơi ấy, hàng ngàn đời nay vẫn có những người mẹ tảo tần mang trên mình dáng núi, bao dung chở che, đeo gùi lên nương, băng suối về nhà, giữ ấm bếp lửa, bú mớm cho những đứa con đại ngàn khỏe mạnh lớn lên.
Nhịp chiêng, điệu xoang của người bản địa Nam Tây Nguyên, không chỉ là tiếng gọi Yàng, là mối giao cảm với thần linh, với đất trời. Ở đó, chiêng còn là người bạn, là lời ru của Núi Mẹ nuôi nấng những đứa trẻ từ lúc mới lọt lòng, của những chàng trai ngực trần vạm vỡ, của những sơn nữ xinh đẹp như hoa rừng, hát hay như họa mi.
Nhịp chiêng của người K’Ho, Châu Mạ, Chu Ru, M’Nông, còn là nhịp chiêng đoàn kết, sẻ chia, kết nối kể từ khi lời nguyền dưới chân Núi Mẹ được xóa bỏ. Lời chiêng cũng là lời mời gọi, hãy đến với mảnh đất Nam Tây Nguyên huyền diệu, phồn sinh và yên bình.
Tham gia lễ hội văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần thứ VIII-năm 2014 có sự tham gia của hơn 500 nghệ nhân, diễn viên của 23 đoàn cồng chiêng đến từ 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Theo bà Nguyễn Thị Nguyên – Phó GĐ Sở VH-TT&DL tỉnh thì đây là lễ hội cồng chiêng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Lễ hội lần này, BTC cũng đã trao giấy chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân cho 26 người.
Trong khuôn khổ lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ VIII, ngày mai (30/4), tại khu du lịch Langbiang - thị trấn Lạc Dương sẽ còn diễn ra rất nhiều các hoạt động văn hóa mang đậm dấu ấn truyền thống: Thi các trò chơi dân gian, thi cồng chiêng, đua ngựa không yên …
Một số hình ảnh biểu diễn của các nghệ nhân, diễn viên trong đêm khai mạc:
Ghi nhanh: Linh Đan – Văn Báu