(LĐ online) - Tháng ba ở Lâm Đồng là mùa con ong đi lấy mật, mùa cà phê ra hoa đợt cuối. Nhưng tháng ba tại xã Lộc Bảo thuộc huyện Bảo Lâm cũng có những con người tóc đã hoa râm vượt trên 500km mang hương thơm dòng tộc đến ôm nhau trong nước mắt. Đó là những anh em người Kh'mer và K'Ho bị thất lạc từ thời chiến.
(LĐ online) - Tháng ba ở Lâm Đồng là mùa con ong đi lấy mật, mùa cà phê ra hoa đợt cuối. Nhưng tháng ba tại xã Lộc Bảo thuộc huyện Bảo Lâm cũng có những con người tóc đã hoa râm vượt trên 500km mang hương thơm dòng tộc đến ôm nhau trong nước mắt. Đó là những anh em người Kh’mer và K’Ho bị thất lạc từ thời chiến. Tháng ba tại buôn làng heo hút này, người già đã mang rượu thịt cúng tạ thần linh cho ngày đoàn viên máu mủ. Và để có ngày trùng phùng hôm nay, chúng tôi những văn nghệ sĩ ở thành phố Bảo Lộc đã đi, đã nhờ người tìm khắp buôn làng ở vùng Nam Tây Nguyên kỳ bí, với hy vọng được chứng kiến cuộc đoàn tụ vắt ngang hai thế kỷ.
Vào tháng 4 năm 2013. Trong chuyến đi biên giới tây nam, chúng tôi đến sóc Tà Thiết thuộc xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cách biên giới Campuchia 5km vào lúc 4 giờ chiều, nên tìm đến nhà ông trưởng thôn xin mắc võng ở vườn điều ngủ lại qua đêm.
Nỗi đau của người đàn ông mang họ Lâm
Hơn 9 giờ tối. Chúng tôi và hai vợ chồng ông Lâm Vy trưởng ấp, người Kh’mer, nằm đong đưa trên chiếc võng dù râm ran kể chuyện một thời khốn khó. Biết chúng tôi là người Bảo Lộc nên khi hết chuyện, ông Vy rụt rè nhờ giúp một việc: Năm 1972 cả nhà của ông bị trúng 1 quả bom chết hết, riêng mẹ còn sống trong lúc mang thai, vì vậy không còn anh em ruột thịt. Ông còn người bác ruột tên là Lâm Sơn, có hai người con với vợ người K’Ho tên là Ka Loi ở B’Lao, tỉnh Lâm Đồng. Lâm Vy muốn đi tìm nhưng không biết đường nhờ chúng tôi giúp đỡ, hoặc đăng tin trên báo, may ra anh em còn có cơ hội gặp nhau. Có lẽ mủi lòng về sự cô đơn mất mát của đời người, Lâm Vy thút thít khóc. Chị Phạm thị Thuý vợ anh, cúi gầm xuống trong khắc khoải như muốn chia sẻ nỗi đau của chồng mình. Nhìn người đàn ông trên 40 tuổi sụt sùi, tôi phải quay mặt đi và hứa với ông khi nào về Bảo Lộc tôi sẽ liên hệ với công an, các già làng để nhờ tìm giúp.
|
Ba anh em K'Lâm, Ka Hà, Lâm Vy gặp nhau |
Tháng 8 năm 2013, sau khi bài ký sự viết về tìm người thân từ sóc Tà Thiết được đăng trên báo Công an, nhưng mãi đến nay vẫn chưa có thông tin gì từ bạn đọc gởi về toà soạn. Chỉ có những cuộc điện thoại hỏi thăm từ vùng biên ải xa xôi của ông trưởng ấp Lâm Vy gọi về. Đã có lần ông Vy đọc báo thấy được tên và ảnh của mình, ông lại rấm rứt khóc. Là người viết ở cơ sở, đôi khi gặp những tình huống đau thương hoặc bi kịch của gia đình có lúc hết sức ngậm ngùi. Chuyện thất lạc người thân của gia đình Lâm Vy đã khá lâu, 40 năm còn gì. Với thời gian dài ấy, biết bao sự thay đổi giữa đất và người. Xứ trà B’Lao, một vùng sơn nguyên rộng lớn, vào những năm trước, đất B’Lao kéo dài đến tận ranh giới Đồng Nai, gồm nhiều tộc người sống giữa rừng già nên việc tìm kiếm người thân cho ông xem chừng như bóng chim, tăm cá.
Về Bảo Lộc chúng tôi kêu gọi anh trong hội văn nghệ địa phương như Nguyễn Minh Phúc, Phạm Ngọc Nam… phôtô bài báo tìm người thất lạc, phát gián tiếp đến các già làng K’Ho, Mạ và những người Kinh có tuổi, từng là cư dân thổ địa để cùng nhau vào cuộc. Thế nhưng gần cả năm trôi qua tin tức vẫn rơi vào yên lặng.
Sau tết năm 2014, nhà thơ Phạm Ngọc Nam, người sống gần buôn đồng bào ở Bảo Lâm, nhận được điện thoại của một già làng báo rằng đã tìm ra được manh mối bà Ka Loi. Người đầu tiên chúng tôi mò đến là ông K’Bàn 95 tuổi ở thị trấn Lộc Thắng. Ông K’Bàn dân tộc K’Ho, là đốc công đồn điền trà của Pháp từ những năm 40. Vị già làng này có tính cách rất lạ, bình thường ông nói thổ ngữ hay tiếng phổ thông nhưng khi có vấn đề quan trọng ông sử dụng tiếng Pháp để giao tiếp. Vì cần nguồn thông tin nên chúng tôi buộc phải nói chuyện với ông bằng tiếng Pháp, nhiều lúc không đủ từ phải nhờ đến Ka Hếp con gái ông làm phiên dịch từ tiếng K’Ho. Qua Ka Hếp chúng tôi biết được bà Ka Loi trước năm 1975 có sống ở Tân Rai, sau khi chồng bà (ông Lâm Sơn) qua đời, bà đi thêm bước nữa nhưng hiện nay ở đâu không rõ. Tuy nhiên, Ka Hếp hứa sẽ cố tìm giúp. Mọi việc tưởng đi vào bế tắc.
Lâm Sơn, người con của buôn làng
Qua những lần đến các buôn làng ở Nam Tây Nguyên, vào những lúc trà dư tửu hậu về chuyện rừng núi đã có người nhắc đến một ông thợ săn “xuất quỷ nhập thần” cách đây hơn 30 năm tên là Lâm Sơn. Họ thêu dệt ông Sơn như một nhân vật huyền thoại. Có người kể rằng: Tháng trước gặp Lâm Sơn tại Đạ Tẻh, tháng sau tại buôn Bruđăng, vài ngày tiếp tại Đạh Mi. Ông như một người rừng sống cả một vùng rộng lớn. Nếu tầm hoạt động của một con hổ với bán kính 50km thì ông này hơn xa, nhưng khi được hỏi ông ấy bây giờ ở đâu, có phải vợ là Ka Loi không, mọi người đều lắc đầu kèm theo Ơ gít (tiếng K’Ho là không biết).
Đầu tháng 2 năm 2014, khi chạy xe lên dốc thuộc tỉnh lộ 725 đoạn Bảo Lâm - Di Linh. Nhân lúc rảnh rỗi, chúng tôi ngồi “buôn dưa lê” với nhóm thanh niên K’Ho trên đỉnh đồi cà phê, được các em cho biết con dốc này mang tên ông thợ săn Lâm Sơn, vì sau khi ông ấy chết được người ta chôn tại đây nên gọi là dốc Lâm Sơn. Manh mối cuối cùng của người đàn ông chúng tôi đang tìm đã hé lộ tin tức.
Anh Nam là nhà thơ chuyên viết về đất và người. Vì thế, anh ta rất chú ý về mặt tâm linh đối với những vùng đất tang thương qua các thời kỳ. Mỗi lần chấp bút sáng tác về những nhân vật đã khuất nào đó, anh có thói quen mang theo một bó nhang lâm râm khấn vái, với hy vọng linh hồn người xưa giúp thêm ý tưởng. Không biết người âm có giúp được gì cho anh không, nhưng mỗi lần đi xa về mang thơ ra đọc cho anh em nghe đều có hồn. Anh xác tín với tôi là có thật. Lần đến chân dốc này, anh đốt một bó nhang bằng cổ tay nghi ngút khói hương giữa rừng cà phê, lâm râm khấn vái theo phong cách K’Ho “Bớ ớ… ông Lâm Sơn! Ông sống khôn thác thiêng! Chúng tôi là những người đi tìm hai đứa con và vợ của ông tên là Ka Loi. Đã sáu tháng qua không được tin tức gì, cháu ruột của ông là Lâm Vy ở Sóc Tà Thiết nhờ chúng tôi đi tìm. Nếu quả thực ông nằm xuống ở con dốc này, ông điểm chỉ cho chúng tôi nơi đến, để có cơ may dòng họ gặp được lại nhau. Bớ…ớ… ông Lâm Sơn…”. Anh Nam là người Quảng Ngãi, dáng người cao gầy, mới ở tuổi 55 nhưng râu tóc bạc phơ. Vào thời điểm đi tìm này, ông để tóc dài phủ xuống đôi vai, kèm theo tiếng khàn khàn của ông vọng lên trời xanh nghe như ai oán. Anh Nghiêm Truật nguyên là nhà báo, nay là chủ xe kiêm tài xế đưa chúng tôi đi nhiều lần, ông Truật có vẻ đã thấm mệt nên cũng hùa theo “Ông Lâm Sơn ơi! Chúng tôi mệt quá rồi, tìm gia đình ông như mò kim đáy biển, ông cho tụi tôi biết đi, khổ quá rồi ông ơi!”. Tiếng vọng của chúng tôi vang lên giữa rừng cà phê ra hoa đợt cuối, rồi trả lại một không gian im bặt.
Hai tiếng đồng hồ sau chúng tôi ghé vào quán nước mía ven đường tại xã Lộc Ngãi. Vô tình được một ông già cho biết “Mấy chú đi tìm Lâm Sơn phải không! Ông này tôi quen, có gặp một hai lần ở buôn B’Tạch vào năm 1976. Cách đây vài trăm mét có hai anh em Hùng và Bá người Kinh, ngày trước thường đi theo ông Sơn trong những chuyến đi săn, có thể họ biết. Vợ ông Bá bán bánh xèo, hình như hôm nay chú ấy ở nhà sửa máy tưới cà phê!”. Chúng tôi nhận được nguồn tin bất ngờ nhìn nhau “rợn gai óc” lên xe chạy tìm nhà ông “bánh xèo”. Đúng là ông Bá đang sửa máy, mặt mũi lấm tấm dầu mỡ, đôi bàn tay đen bóng ướt nhẹp nên từ chối bắt tay làm quen với chúng tôi. Và chính xác ông sửa máy này một thời đi cùng với ông Lâm Sơn từ năm 1977 đến 1980 với vai người mang vác thú rừng.
Cà phê đang cần nước cho vụ ra hoa đợt cuối, vì vậy ông Bá không thể bỏ dở công việc. Ông xin phép vừa ráp máy vừa kể chuyện một cách vội vã. Ông cho biết: “Ông Lâm Sơn là người Miên (Kh’mer), đến Bảo Lộc từ năm 1972. Vóc người cao ráo, da đen, đôi mắt có vầng. Trong giới thợ săn, người nào mắt có vầng đen là người thích hợp với bóng đêm rừng núi. Ông Sơn sinh ra tại biên giới, thời nhỏ đã từng theo bố và chú đi săn. Có thể nói ông Sơn là người của rừng, ông ấy thuộc rừng như lòng bàn tay. Cả vùng Nam Tây Nguyên rộng lớn này vào những năm từ 72 đến 80 nơi nào cũng có dấu chân của ông, chỉ cần vài ký gạo hoặc bắp ông có thể ở trong rừng một tháng. Đối với ông Sơn cây lá trong rừng như đọt may, lá bép, củ chụp, cá suối… là món ăn yêu thích của ông. Là một thợ săn chuyên nghiệp, nhưng ông ta không sống bằng nghề này. Đã một thời, ông là người cứu tinh hay hiệp sĩ giữa rừng già về nguồn thực phẩm từ thú. Điều đáng trân trọng, ông ấy không phân biệt người Kinh hay người dân tộc, ai cần là ông giúp. Nhiều lúc ông cho cả con heo rừng hoặc con nai chỉ yêu cầu bà con cho ăn bữa cơm. Lúc cần tiền mua sắm thứ gì cho vợ con, ông mới nhờ người mang thịt ra chợ bán.
Nhưng theo như ông bà mình nói “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, không ít người sinh nghề tử nghiệp. Năm 1980 trong lúc bắn được con nai, ông đi theo dấu máu, rồi bị cướp cò súng nên bỏ mạng giữa rừng. Nơi ấy, chính là con dốc các anh vừa đến. Hiện nay, nhà nước đã cấm săn bắt theo luật bảo vệ thú hoang dã. Tuy nhiên đến bây giờ tôi vẫn thấy tội nghiệp và thương cho một con người tài năng nhưng bạc mệnh. Đúng là ông ta có vợ là người K’Ho và hai đứa con nhưng không biết bây giờ họ ở đâu”. Ông Bá vừa chia sẻ vừa xiết bù loong, tiếng kêu ren rét của các con tán như nỗi xuýt xoa tiếc rẻ cho một phận người. Khi chúng tôi cám ơn để ra đi, trên đôi mắt nhập nhòe của ông Bá đang còn ầng ậng nước.
|
Lâm Vy, KLâm và bà Ka Rom báo cáo với cây cột nhà |
Nước mắt của dòng họ Lâm
Còn nhớ năm ngoái, sau khi nghe câu chuyện rụt rè của Lâm Vy, ông ấy dẫn tôi đến gặp bà Lâm Sang mẹ ông trong lúc bà đang ốm. Bà Sang là em ruột của ông Lâm Sơn hiện ở sóc Tà Thiết. Bà cho biết, năm 1971 gia đình bà bị xóa sổ vì một quả bom tấn rơi xuống, trong khi bà chăn trâu ngoài đồng và đang mang thai Lâm Vy. Chồng chết, con chết, bà Sang về nhà ngẩn ngơ như một người mất hồn, chỉ biết bám víu vào ông anh cả Lâm Sơn. Vào đầu thập niên 70, tình hình chiến sự ở Bình Long rất căng thẳng, nên chính quyền chế độ cũ đã đưa bà con dân tộc và người Kinh di tản từ Lộc Ninh về Bảo Lộc bằng máy bay. Trong chuyến sơ tán này, Lâm Sơn dẫn em về định cư ở Tân Rai. Sau ngày giải phóng, mẹ Lâm Vy bế con theo đoàn người đi bộ 10 ngày cắt rừng trở về quê cũ, nhưng anh của bà ở lại vì đã có vợ K’Ho. Lúc tiễn em về đến Bù Đăng, ông Lâm Sơn giao một can nước 5 lít cho em rồi căn dặn theo đường uống để tránh bị tiêu chảy rồi quay trở lại Tân Rai. Đó là lần gặp cuối cùng của hai anh em ruột, một thời sống chết có nhau.
Hôm ở Tà Thiết, có lẽ con trai đã nói trước điều gì nên bà Sang cầm tay tôi khóc rồi quay sang Lâm Vy mếu máo bằng tiếng Miên: “Đời mẹ đã mất bác Sơn, đời con cố mà tìm nhau để sau này còn có anh em nương tựa, người không có dòng tộc họ hàng buồn và cô độc lắm con ơi!”. Lâm Vy ôm mẹ khóc, đôi vai của người đàn ông có tuổi run lên từng đợt. Nhìn người mẹ đang mang bệnh nặng, màu da xám xịt, tay chân ngoằn ngoèo, sờ đầu sờ cổ người con ruột 45 tuổi khóc, nước mắt tôi trào ra đưa mắt xuyên qua cửa nhìn lên bầu trời mây đen vần vũ, nghĩ đến một người mẹ quê một thời buồn tủi.
Trở lại câu chuyện mang sắc màu âm bản từ chân dốc mang tên Lâm Sơn. Ba ngày sau, chúng tôi nhận được điện thoại của chị Ka Sệ, người nhà của bà Ka Loi. Được biết bà còn sống ở tận buôn Bru cách Bảo Lộc gần 100km. Vợ chồng chị Ka Sệ hứa sẽ dẫn chúng tôi về Lộc Bảo theo tỉnh lộ 725 ở phía tây Lâm Đồng, giáp với tỉnh Đăk Nông.
Lúc chúng tôi đến, Bà Ka Loi bị ốm, bà nằm dài một cách vô hồn vì căn bệnh tai biến từ hai năm nay. Ka Sệ giới thiệu, bà cầm tay mếu máo với âm sắc lạc điệu của người bị bệnh hiểm nghèo. Nhìn người phụ nữ K’Ho nằm yên lặng trên giường, đôi mắt mở to như muốn tâm sự điều gì, tôi mơ hồ hình tượng một thời gian khó mưu sinh từ Tân Rai đến khu rừng già heo hút này. Có lẽ đời người trải qua nhiều sự kiện sóng gió nên bà già đi trước tuổi, tuy nhiên vẻ đẹp hoang dã của núi rừng vẫn còn tìm ẩn trên gương mặt người phụ nữ bất hạnh. Bà Ka Loi có hai con với ông Lâm Sơn, con trai đầu tên là K’Lâm sinh năm 1976, con gái là Ka Hà sinh năm 1979. Năm 1980, sau khi chồng chết bà đi bước nữa, rồi theo chồng mới về sống tại buôn Pru. Ngày ấy buôn còn ở giữa rừng, chưa có chương trình xây dựng nông thôn mới với điện, đường, trường, trạm hay tách hộ ra từ các nhà dài như bây giờ. Khi chúng tôi kể việc tìm người thân của ông Lâm Vy ở biên giới, Ka Hà đứng lặng, sụt sùi khóc rồi điện thoại cho anh trai của mình đang ở với đồng bào Stiêng, xã Đồng Nai Thượng cách đó gần 100km. Trước khi tạm biệt buôn Bru chúng tôi chụp hết những sự kiện lưu vào vi tính để hai bên nhận ra dòng họ chuẩn bị cho ngày đoàn tụ.
Ngay tại giữa rừng, chúng tôi gọi điện cho Lâm Vy thông báo đã tìm được bà Ka Loi và các con của bà. Có lẽ vì xúc động và quá đột ngột nên Lâm Vy nói lập bập cả tiếng Miên lẫn tiếng Việt trong nước mắt. Việc gặp nhau là vấn đề tất yếu, nhưng đoàn viên như thế nào trong tình huống chưa biết mặt nhau. Vì thế chúng tôi dựa theo kịch bản “Như chưa hề có cuộc chia ly” của nhà báo Thu Uyên. Có nghĩa là thông tin hoàn cảnh, hình ảnh của mỗi bên trên màn hình vi tính trong thời điểm khác nhau. Sau lần tìm được gia đình bà Ka Loi, việc cập nhật thông tin qua lại đến mức điện thoại nóng máy liên tục. Điều chúng tôi đau lòng là khi nhìn ảnh người thân trên màn hình cả hai bên đều khóc, nhất K’Lâm và Lâm Vy. Các anh gập người xuống ôm mặt trong tâm trạng bàng hoàng.
Ngày cuối cùng gặp, các anh em chạy ào đến ôm nhau sụt sùi trong vòng tay yêu thương chào đón của gia tộc. Ngoài tình cảm dành cho nhau bằng nước mắt, tất cả anh em đều phải theo nghi thức tiếp nhận người thân của đồng bào K’Ho. Mở đầu bà Ka Rom chị ruột của bà Ka Loi thay mặt già làng dòng tộc mời thần linh uống rượu cần, mời ba anh em K’Lâm, Ka Hà - Lâm Vy chạm tay vào cần rượu nói bằng thổ ngữ kính báo với thần linh. Sau đó bà Ka Rom tay trái cầm cần rượu, tay phải cầm tay 3 anh em chạm vào cột gỗ chính trong nhà. Bà nói bằng tiếng K’Ho với âm sắc đều đều nhưng nghe như lời than khóc. “Ớ.. ớ Lâm Sơn…!! Hôm nay con cháu mày về đây nhận dòng họ. Mày hãy về đây xem chúng nó chạm tay cần rượu, mày không được để cho con gấu, con cọp trong rừng ăn thịt nó! Mày phải cho nó khỏe mạnh như con voi, nhanh nhẹn như con khỉ! Mày phải cho nó đủ ăn không bệnh tật. Bây giờ em Lâm Sang của mày bị bệnh, vợ Ka Loi của mày cũng bệnh, chỉ còn con cháu mày thôi. Bớ..ớ..ớ… Lâm Sơn ơn ..ơn…!”.
|
Vợ chồng ba anh em ra mắt họ hàng |
Sau khi cũng lễ, mọi người quây quần bên nhau. Tôi cũng không cầm được nước mắt khi nghe K’Lâm rấm rứt kể về những năm tháng khốn khó của mình. Anh cầm bàn tay màu cà phê của Lâm Vy nói trong thổn thức “Sau ngày bố Lâm Sơn chết, mẹ anh đi bước nữa, dẫn theo hai anh em đến buôn Bru. Hồi đó không có đường đi như bây giờ, bà con khổ lắm nên anh về chăn trâu cho dì ở tận Cát Tiên. Cứ mỗi lần thấy anh buồn, dì nói: Cha mày là người Miên ở tận Sông Bé, mày phải đi tìm cho có anh có em. Sau này anh có vợ là người Stiêng, ngày trước từ họ Lâm đổi qua họ Ka, bây giờ lại qua họ Điểu. Rốt cuộc anh cũng không biết mình họ gì! Ngày anh cưới vợ, mẹ Ka Loi cùng với dượng đi bộ cắt rừng 2 ngày một đêm từ buôn Bru xuống Cát Tiên để dự lễ và nhắc việc đi tìm dòng họ. Năm 2009, anh bán 1 mẫu rẫy được 40 triệu, mướn xe ôm đi hết tỉnh Sông Bé không tìm được ai. Anh đã viết giấy tay ghi rõ tên anh, tên cha, tên mẹ nhờ người lạ chuyền giúp nhưng cuối cùng vẫn không gặp, về nhà nằm khóc. Nay anh em mình gặp nhau rồi đừng bỏ nhau nữa. Khi nào anh có tiền anh sẽ đến nhà em, thăm cô Lâm Sang. Anh phải lo đi sớm. Sợ cô chết anh không còn gặp được cô”.
Hai anh em chung tay cùng nhau cầm ống rượu cần ngồi khóc. Tiếng khóc của người có tuổi rậm rị như chất chứa sự cô quạnh đã bao năm bây giờ mới được mở lòng, đã làm chúng tôi không khỏi rơi nước mắt. Thông qua những lần được tiếp cận với bà con dân tộc K’Ho mới thấy rõ nét tình người, sự thiêng liêng của một dòng tộc và chúng tôi cũng nhận ra được sự đổi thay kỳ diệu của đồng bào gốc Tây Nguyên ở Bảo Lâm. Ngày xưa bà Lâm Sang mẹ của Lâm Vy đi bộ 10 ngày trong rừng từ Tân Rai trở về quê cũ trong đói khát, còn hôm nay con trai bà thuê hẳn một chiếc xe máy lạnh chạy trong 6 tiếng đồng hồ trở lại. Ngày trước ông Lâm Sơn quanh năm trong rừng sống cách biệt với con người, còn hôm nay K’Lâm, con trai ông làm công an ra đường đi xe máy, điện thoại di động cầm tay.
Để kết thúc bài này xin nhường lời cho ông Nghiêm Truật, cựu nhà báo, nay là một nhà doanh nghiệp. Ông Truật là con người thiện nguyện đã dùng xe nhà và chi phí tiền bạc trong những chuyến đi tìm dòng họ. Lúc lái xe về Bảo Lộc, ông chép miệng “Hiện nay ở miền xuôi hay thành phố, đâu đó vẫn có những người nhẫn tâm đuổi cha mẹ ra đường, anh em ruột đâm chém hoặc từ nhau. Trong số đó nhiều người có tiền có chữ, thậm chí nhiều tiền nhiều chữ. Nhưng tại rừng núi heo hút này, các anh em người dân tộc bản địa, đã cố hết sức mình tìm nhau trong nước mắt, mà những con người này có phải khá giả hoặc nhiều chữ nghĩa đâu. Bao đời nay, người ở phố luôn tự hào là văn minh, văn minh kiểu gì mà quan hệ gia đình, gia tộc bị băng hoại như thế!” - ông chậc lưỡi một mình.
Ký sự: Trần Đại - Nghiêm Truật