Tập đoàn cứ điểm Điện Biên xuất hiện từ việc sau khi thua trận Hòa Bình, quân ta làm chủ được một phần diện tích rộng lớn ở Bắc Bộ, tướng Pháp Na-Va theo dõi các sư đoàn của chúng ta biến động ra sao để tính chuyện của mình...
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên xuất hiện từ việc sau khi thua trận Hòa Bình, quân ta làm chủ được một phần diện tích rộng lớn ở Bắc Bộ, tướng Pháp Na-Va theo dõi các sư đoàn của chúng ta biến động ra sao để tính chuyện của mình. Trong tình thế ấy chúng có thông tin Sư đoàn 316 đang tiến lên Lai Châu và theo sau sư đoàn này gồm các chiến binh thạo đánh trong địa hình sương mù, mở đường là các Sư đoàn 308 và Sư đoàn 312... Tướng Pháp tính ngay, như vậy Việt Minh sẽ không đánh đồng bằng nữa, song cứ theo hướng hành quân của họ sẽ rất nguy cơ cho Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào của Lào, ngăn chặn âm mưu này của quân Việt Minh, Điện Biên có địa hình thuận lợi nhất để đè bẹp cuộc hành quân này của Việt Minh và thế là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra đời.
|
Một góc Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: Thanh Toàn |
Theo tướng Na - Va: “Điện Biên Phủ là một đơn vị chiến lược quan trọng nhất đối với Đông Dương và cả Đông Nam Á nối liền Lào, Miến Điện, Thái Lan, Trung Quốc”. Điện Biên đã có sân bay từ năm 1939. Khi Nhật đảo chính Pháp, Điện Biên là nơi trú 6.000 binh lính và 329 sĩ quan Pháp. Điện Biên có thể nuôi sống 2 vạn đến 2 vạn rưỡi người trong nhiều tháng. Chỉ có một trở ngại là Điện Biên cách Hà Nội tới 200 km đường bay.
Khẳng định ý đồ xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân Pháp lập tức tung quân lên đây, với chiều dài 20 cây số, rộng 10 cây số, Pháp đã cho xây dựng tại đây 49 cứ điểm kiên cố. Ngày 20-11-1953, Na - Va đã ném xuống cánh đồng Mường Thanh 4.500 quân, tương đương với số quân ở Nà Sản trước khi bỏ Nà Sản.
Một nhà báo Pháp đã miêu tả Điện Biên như sau:
“Đó là một thứ bẫy khổng lồ và phức tạp, lởm chởm nhưng mũi nhọn, sần sùi những công sự đầy mình, đã được đào khoét, chia ô, binh lính dân phu đông như kiến, một hệ thống phòng ngự dã chiến, mà ngay cả trong đại chiến thế giới lần thứ II, quân đội Pháp cũng chưa từng có”.
Tướng Na - Va vỗ ngực: “Nếu Tướng Giáp có đưa quân lên Điện Biên Phủ thì không đưa được nhiều vì đường sá hiểm trở, gạo được đưa từ hậu phương đến quá xa, không thể trụ lâu. Nếu chủ lực Việt Nam tiến quân lên Thượng Lào thì Điện Biên Phủ sẽ trở thành một pháo đài vững chắc, một cái chốt chặn, một cái bẫy, một con nhím khổng lồ, một cái máy nghiền các sư đoàn Việt Minh”.
Về phía chúng ta, chúng ta quyết đánh Điện Biên Phủ. Đây là ghi chép của hai phóng viên Báo Quân đội Nhân dân về một đêm Bác Hồ không ngủ: “Ngọn đèn phòng Bác lung linh, vằng vặc một quyết tâm chói lọi trong căn phòng làm việc yên tĩnh, tấm bản đồ Điện Biên mở rộng trên bàn trắng toát dưới ánh đèn”.
Bác nâng tay lên, thong thả và quả quyết cầm bút gạch chéo trên đồn giặc.
Nghiêm lệnh cho chúng ta đấy! Phải tiêu diệt những cứ điểm này, phải bắt kỳ hết lũ đầu trâu mặt ngựa đã giày xéo lên cánh đồng Mường Thanh yêu quý của Tổ quốc vĩ đại của chúng ta, phải đánh vào đầu tên giặc khét máu Na - Va và bè lũ quan thầy Mỹ ngoan cố một đòn sấm sét”.
Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì kêu gọi chiến sĩ: “Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bắt đầu! Đây là chiến dịch công kiên quy mô lớn nhất trong lịch sử quân đội ta từ trước đến nay... Giờ ra trận đã đến, tất cả cán bộ chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên, thi đua lập công, giật lá cờ quyết chiến thắng của Hồ Chủ tịch”.
Ngày 13/3/1954, trận Him Lam mở màn chiến dịch. Ngày 23/4/1954, các chiến sỹ ta đã lọt vào trung tâm sân bay Điện Biên Phủ, ngăn cản mọi hoạt động hàng không của thực dân Pháp. Ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ. Đúng 65 ngày đêm không ngừng tấn công, ta đã giải phóng Điện Biên Phủ hoàn toàn.
Đúng thời gian quân ta tấn công vào Điện Biên Phủ 60 năm trước, hôm nay chúng tôi đang vượt đèo Pha Đin lên thăm chiến trường xưa. Hoa ban nở trắng rừng 60 năm trước đón chiến sĩ vào giải phóng Điện Biên thì hôm nay cũng nở bừng dọc đường đón chúng tôi. Anh em trên xe ào ào nhảy xuống chụp ảnh cả rừng hoa ban. Ai đó đọc vang câu thơ: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ, đèo Lũng Lô anh hò chị hát”. Câu thơ nhắc nhở từng đoàn dân công hỏa tuyến, chỉ có đôi vai mình vác, khiêng hàng mấy chục ngàn tấn lương thực và vũ khí cung cấp cho chiến dịch Điện Biên. Cứ nghĩ tới những đôi vai ấy và những chiếc xe đạp thồ chở tới 370 cân trên chiếc khung mỏng mảnh thì thật là tài tình.
Đường số 6 này băng qua đèo Pha Đin đến Tuần Giáo nhập với đường 279, từ đây lên tới Điện Biên đúng 80 cây số. Chính Na - Va, tướng Pháp đã tính đến con đường độc đạo cho rằng: “Vì đường sá hiểm trở tướng Giáp có đưa quân lên Điện Biên Phủ cũng không đưa được nhiều; gạo, đạn đưa từ hậu phương đến quá xa, không thể trụ lâu”, rõ ràng dân công hỏa tuyến đã làm được những việc mà quân giặc không thể ngờ. Chỉ cần nhớ con đường độc đạo từ Tuần Giáo lên Điện Biên dân gọi là “tam quoài” - tức đường trâu đi, đủ biết cuộc hành quân của chúng ta gian khổ nhường nào.
Trong khi đó phía Pháp có: “Hầu như toàn bộ lực lượng không quân đều dành cho cái dạ dày Điện Biên Phủ”. Hàng ngày có đến trên 100 máy bay hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh để moi từ trong bụng ra từ 200 - 300 tấn hàng. Đủ thứ như giường Mỹ 88 chiếc, giường gấp 88 chiến, chăn len 76 chiếc, giầy 211 chiếc, rồi đĩa, chậu rửa, ấm pha cà phê, nỉa, dao ăn, giầy ủng, mũ sắt vv... Về trang bị kỹ thuật: Gần 150 xe các loại, 24 khẩu pháo 105, 4 khẩu 135, 10 xe tăng...
Chỉ so sánh qua, đủ thấy việc vận chuyển quân trang, quân dụng của dân công ta cho chiến dịch Điện Biên đã rất xứng đáng với danh hiệu anh hùng.
Cách Điện Biên 10km chúng tôi gặp cụm tượng đài Hò kéo pháo. Một khẩu pháo mấy chục tấn, kéo đi trên đường phẳng còn vất vả huống gì kéo lên núi cao, phải mở cây rừng làm lối đi cho pháo. Hàng mấy chục người kéo pháo nhích đi từng tấc một, có hai người đi sau chèn bánh pháo để pháo khỏi tụt xuống. Không phải một khẩu pháo đâu mà hơn 50 khẩu đấy. Kéo vào rồi lại kéo ra, rồi lại kéo vào. Khi đứt dây pháo tụt xuống, Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn pháo cho pháo khỏi lăn và anh đã trở thành người anh hùng. Chưa có chiến dịch nào chúng ta dùng pháo dữ dội như ở Điện Biên. Pháo đã làm cho kẻ thù kinh hoàng, tiêu tan ý trí chiến đấu của chúng. Vừa tới TP. Điện Biên Phủ, chúng tôi gặp ngay đường phố Him Lam. Địch gọi Him Lam là cánh cửa thép, được trang bị hết sức hiện đại bởi đây là cửa ngõ vào Điện Biên. Na - Va gọi Điện Biên là cối xay thịt, thì Him Lam là cánh cổng thép bất khả xâm phạm để đánh bại tất cả các cuộc tấn công đối phương từ hướng Đông Bắc, bảo vệ khu trung tâm. Viên thiếu úy Giắc - Cơ, tù binh do trinh sát của ta bắt được trước trận đánh, khuyên ta không nên tấn công vào Him Lam. Quân số của địch ở đây có tới 750 tên.
Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13/3, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch ra lệnh: “Tôi hạ lệnh trận mở màn chiến dịch lịch sử bắt đầu”! Lập tức 40 khẩu cối và pháo của ta đồng loạt nhả đạn. Cùng lúc ấy pháo ta mai phục quanh Điện Biên cùng bắn vào trung tâm Mường Thanh phá hủy của địch 12 khẩu pháo và súng cối. Một kho xăng bốc cháy và nhiều hầm đào của chúng bị sụp đổ.
Chúng ta chỉ tấn công một đêm, Him Lam tan tành. Chúng tôi vào thăm trung tâm, lô cốt Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai và Nguyễn Hữu Oanh băng qua lửa đạn cắm cờ trên đỉnh lô cốt đang còn đó. Ai cũng ước ao, giá đắp được tại đây tượng Phan Đình Giót đang lấp lỗ châu mai và Nguyễn Hữu Oanh đang phất cờ, chắc sẽ là địa chỉ các du khách Điện Biên ai cũng sẽ tìm tới để ngưỡng mộ người anh hùng của mình.
Viên hạ sĩ Cubiắc thoát chết, bị ta bắt làm tù binh nhớ lại: “Vào lúc đó, ập một cái, chúng tôi cảm thấy ngay ngày tận thế đã đến. Him Lam bay đi tan thành bụi. Quanh tôi đất đá tung lên, những người lính Lê Dương gục xuống, bị thương và chết nằm la liệt. Tất cả đều kinh ngạc và tự hỏi Việt Minh lấy đâu ra nhiều pháo đạn thế?”.
Đúng 23 giờ 3 phút ngày 13/3, ta đánh chiếm hoàn toàn cứ điểm Him Lam. Như vậy, chỉ trong 6 giờ đồng hồ chúng ta đã dẹp xong “Cánh cửa thép bất khả xâm phạm” của địch mở màn cho chiến dịch Điện Biên.
Trên vùng đất đồn Him Lam xưa bây giờ là Trường Trung học cơ sở Phan Đình Giót và đường phố. Rời lô cốt chỉ trong ít phút đã thấy 15 xe khách loại 40 chỗ ngồi từ trong Điện Biên nối đuôi nhau lao về hướng Tuần Giáo và 10 xe khách từ Tuần Giáo đi lên. Thì ra khách đến Điện Biên mùa này rất đông. Ai cũng muốn tận mắt chứng kiến một kỳ quan lịch sử.
Những ngày ở Điện Biên, nơi chúng tôi đến đầu tiên sau Him Lam là tượng đài chiến thắng phất cao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” trên đồi D1, tiếp đó chúng tôi lên các cứ điểm trên đồi E1, E2, C1, C2, D2,D3... Rồi xuống sân bay Mường Thanh để biết kỹ địa thế của tập đoàn cứ điểm này. Đến đâu cũng được nghe kể về các chiến sĩ ngoan cường: Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng. Đàn bị thương nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu. Khẩu trung liên của Chu Văn Pù chưa bắn được vì vận động nên không có chỗ đặt súng. Trong tình thế khẩn trương ấy, Đàn chạy lại cầm hai chân trung liên đặt lên vai mình và hô bạn bắn. Pù do dự, Đàn ra lệnh: “kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi”. Súng nổ, địch bỏ chạy, song Đàn bị hai vết thương, anh hy sinh. Nào là Phùng Văn Khầu trong thời gian phòng ngự ở đồi E, với một khẩu pháo 75 ly, Phùng Văn Khầu đã bắn cháy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, một lô cốt, một kho đạn, diệt hàng trăm lính địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viên cho bộ binh chiến đấu thắng lợi. Nào là Đặng Đức Song, trận trên đồi Mâm Xôi, 3 ngày lội dưới bùn trong hào nước ngập đến tận bụng, đưa đại đội trưởng qua đoạn đường nguy hiểm này để nghiên cứu mở cửa bộc phá. Khi chiến đấu, đại đội trưởng hy sinh, anh đã cùng một đồng đội đưa đại đội trưởng về phía sau. Tinh thần thương yêu đồng đội của Song đã cổ vũ toàn đơn vị hăng hái xung phong diệt địch. Rồi Hòang Văn Nô dũng sĩ đâm lê trong trận Tà Lèng, đám lính Âu thấy phía ta ít người liền quay lại giơ súng tiểu liên ra bắn. Nô thét lên kịp thời ráng hết sức lao cả lưỡi lê đâm ngập tên lính Âu to gấp rưỡi mình. Tên lính Âu chết tươi. Bọn giặc rú lên tháo chạy. Đâm tới tên thứ tư, Nô cắm hẳn một phần nòng súng vào ngực nó. Đạp mạnh chân rút ra, sắp đuổi kịp tên thứ năm thì Nô bị trúng một băng đạn địch, anh hy sinh.
Ở Điện Biên, lính ta không chỉ dũng cảm mà còn dùng cả phép tâm công để làm tan rã ý chí chiến đấu của kẻ thù. Có những bữa bộ đội ta hẹn địch tới địa điểm nào đó nhận thương binh, ta đã đem trả thương binh cho chúng đúng hẹn. Chúng nhận về, không ai khác chính các thương binh này đã kể cho đồng đội chúng lòng khoan dung của bộ đội ta như thế nào và khi đánh thì quyết liệt ra sao, làm bọn lính trong cứ điểm nghĩ cho mình một đường sống.
Khi vào thăm Bảo tàng Điện Biên, chúng tôi đứng xoay quanh sa bàn chiến trận Điện Biên Phủ. Khi ánh điện nhấp nháy, cô thuyết minh bấm điện tiếp và giới thiệu rằng bộ đội ta đã đào tới hơn 400 cây số đường hào, quây siết từng cứ điểm một, đó chính là sợi dây thắt cổ chúng không cho chúng cựa quậy. Đó chẳng phải là một pháp binh Việt Nam đó sao. Xin nhớ là đào hào ngay trong tầm bom đạn địch mới thiệt là khủng khiếp.
Hèn chi, khi những đường hào của chúng ta băng qua sân bay Mường Thanh để vô hiệu hóa hoàn toàn không quân của Pháp, biết đã thua đến nơi chúng muốn rút chạy thì không còn có đường nào đi.
Nơi tôi đến thăm hồi hộp rất dữ là đồi A1, đó là cứ điểm bảo vệ Sở chỉ huy của Đờcatxtơri. Ngọn đồi này cao 491m so với mặt nước biển. Là cứ điểm bảo vệ sở chỉ huy cho nên rất kiên cố, dĩ nhiên, quân lính và vũ khí đều cự phách. Hàng rào dây thép gai rộng hàng trăm mét. Thời gian đánh Điện Biên Phủ 65 ngày thì mấy đơn vị quân ta đã tốn tới 36 ngày đêm đánh đồi A1 và số chiến sĩ ta hy sinh tại đây trong 36 ngày ấy là 250 đồng chí. Biết bao trận đọ súng trên quả đồi này. Trận đánh mang tính quyết thắng tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm A1, được mở màn bằng quả mìn 1030 cân. Chiến sĩ ta phải đào một hầm ngầm từ chân đồi ngoài hàng rào thép gai. Đường kính con hầm này là 85 phân và chiều dài hầm ngầm là 30m. Để giữ bí mật đào hầm phải đổ vào bao và chuyển đi xa 25 mét khối đất đá, bởi nếu lộ đất rơi ra sẽ bị tấn công ngay. Hầm đào xong, chuyển hơn 1.000 cân thuốc nổ tới đúng 20h30 phút ngày 6/5/1954 bộ đội châm ngòi cho quả mìn nổ, làm sập cả một mảng núi, rung chuyển cả cứ điểm, chúng tôi đến bây giờ vẫn còn nhận ra hố mìn xưa, miệng hố mìn rộng 25m, chiều sâu hố mìn đó là 17m. Hèn chi lính trong các lô cốt bị sức ép của tiếng nổ chết hàng loạt là phải lắm. Tiếng nổ cũng là mệnh lệnh tấn công, ngay trong đêm 26-3 ta đã làm chủ trận địa hoàn toàn. Cứ điểm bảo vệ Sở chỉ huy Đờ cátxtơri và bọn chỉ huy của tập đoàn cứ điểm này đã giơ tay đầu hàng vô điều kiện.
Chiến thắng Điện Biên Phủ quả là một sự kiện lẫy lừng năm châu. Na - Va đã tìm ra được một kết luận cho mình: “Chúng ta có thể đánh thắng một quân đội, nhưng không thể chiến thắng một dân tộc ”. Chính vì vậy, chỉ 13 ngày sau, tức 20/5/1954 Pháp đã phải ký hiệp định Giơ - ne - vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Điều chúng tôi không thể không làm là đi thắp hương cho các liệt sĩ đã làm nên chiến thắng lẫy lừng này. Chúng tôi lần lượt đến 3 nghĩa trang: Him Lam 800 mộ liệt sĩ, Bản Kéo 243 mộ liệt sĩ, và Độc Lập 644 mộ liệt sĩ. Tổng số 1.687 ngôi mộ ấy, mà chỉ có 4 ngôi mộ Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can, Tô Vĩnh Diện là có tên, còn tất cả các mộ khác đều là mộ vô danh. Hiến dâng xương máu mà không để lại tên, còn gì cao thượng hơn. Tôi đồng ý tháp chữ trong nghĩa trang Độc Lập: “Vinh quang thuộc về các anh hùng, liệt sĩ”. Chúng tôi thắp hương cho từng ngôi mộ, thầm khấn các anh hãy phù hộ cho đất nước xứng đáng với xương máu của mình đã đổ ra.
Đi khắp nơi rồi, còn một địa chỉ ai cũng khao khát đến, đó là Mường Phăng. Khối đá lớn trước lối vào di tích ghi rất rõ ràng: “Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ”. Người vào Mường Phăng hôm nay đông quá. Xe ô tô đậu chật bãi đậu xe. Người nối người mà đi suốt một hàng dài. Có ông già phải có người đỡ tay hai bên cũng không bỏ cuộc. Đến di tích nào cũng thi nhau chụp ảnh lia lịa.
Chúng tôi đi một vòng, hết lán của cơ quan tác chiến, đến lán của cơ quan tham mưu, hết lán của cơ quan thông tin đến lán của đoàn sĩ quan liên lạc... Điểm cuối cùng chúng tôi dừng lại là lán của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - chỉ huy phó chiến dịch, từ đây, chúng tôi chui đường hầm đào xuyên qua núi 69m, hầm cao 2m, rộng 1,2m, đầu hầm bên kia là lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lán có hai gian, một gian Đại tướng làm việc, một gian là của Chúng Xình - vệ sĩ của ông.
Ngôi lán của Đại tướng thật giản dị, được làm bằng gỗ, tre, nứa, tranh, cỏ. Lán dài 6m, rộng 3m, cao 3,5m. Ông đã ở lán này suốt 105 ngày, từ 31/1 đến 15/5/1954 trong đó trọn vẹn 65 ngày chiến dịch. Chính là đất Mường Phăng - “Phăng là Lạnh”, tức Mường Lạnh này, Đại tướng đã có một quyết định làm thay đổi lịch sử. Đó là chiến dịch đã quyết “Đánh nhanh, thắng nhanh” quyết giải phóng Điện Biên Phủ chỉ trong 3 ngày, Đại tướng đã chuyển qua quyết định mới: “Đánh chắc, thắng chắc”. Ông gọi đó là: “Một quyết định khó nhất đời tôi”. Từ ngôi lán tre, Đại tướng ra lệnh tấn công Hin Lam, điều khiển từng bước đào 400 cây số chiến hào, ra lệnh nổ quả mìn 1.030 cân ở cứ điểm A1, rồi lệnh ào quân xuống chỉ huy sở của Pháp bắt sống tướng Đờcátxtơri. Dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ hoàn toàn.
Đứng trong ngôi lán tre, tôi nhớ Bác Hồ nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của lực lượng hòa bình dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới”. Tôi cũng nhớ lời khẳng định của Đại tướng: “Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, dân tộc Việt Nam lại có thêm một mốc lịch sử mới: Điện Biên Phủ, cây cột mốc bằng vàng”.
Tâm trạng chung của chúng tôi lúc này là không một ai muốn dứt ngôi lán của Đại tướng để ra đi. Anh em bảo nhau: “Quả là không đi Điện Biên chuyến này sẽ có một thiệt thòi không gì bù đắp được”. Anh nào cũng được chụp ảnh với ngôi nhà Tướng Giáp giống như để giữ một bảo bối của đời mình. Chuyến đi Điện Biên của chúng tôi lần này rất xứng đáng là một kỷ niệm của cuộc đời.
Bút ký: NGUYỄN QUANG HÀ