Lễ hội Văn hóa miền Đông - Đà Lạt 2014 (từ 28 đến 30/3) là hoạt động văn hóa diễn ra luân phiên tại các tỉnh trong khu vực, mang đậm bản sắc văn hóa miền Đông "đất đỏ", "gian lao", "anh dũng"… Thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật, những cuộc tranh tài sôi nổi, những hoạt động từ thiện ý nghĩa…
Lễ hội Văn hóa miền Đông - Đà Lạt 2014 (từ 28 đến 30/3) là hoạt động văn hóa diễn ra luân phiên tại các tỉnh trong khu vực, mang đậm bản sắc văn hóa miền Đông “đất đỏ”, “gian lao”, “anh dũng”… Thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật, những cuộc tranh tài sôi nổi, những hoạt động từ thiện ý nghĩa… và Lễ hội Văn hóa miền Đông - Đà Lạt 2014 còn đánh dấu CLB Giám đốc Trung tâm Văn hóa các tỉnh miền Đông tròn 20 tuổi kể từ khi thành lập.
|
“Huyền thoại Lang Bian” (thể loại Hiphop - Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng) |
“Lễ hội Văn hóa miền Đông” có tiền thân là “Liên hoan Tiếng hát miền Đông”, được khai sinh cách đây 20 năm và đã từng có mặt ở thành phố Đà Lạt 12 năm trước (2002). Đứng trước thực trạng bùng nổ thông tin, ngành công nghiệp giải trí của cả nước gặp nhiều khó khăn, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân đã bắt đầu chuyển hướng. “Liên hoan tiếng hát miền Đông” như khi mới khởi đầu đã không còn phù hợp, bởi người dân không còn thụ động xem, nghe mà muốn đắm mình trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Sự chuyển hướng linh hoạt, nhạy bén của Ban Chủ nhiệm từ mô hình hoạt động “liên hoan” sang “lễ hội” đánh dấu từng bước trưởng thành của trung tâm văn hóa các tỉnh trong khu vực, biến “Liên hoan tiếng hát miền Đông” thực sự trở thành một ngày hội với rất nhiều hoạt động sinh động và lý thú... Qua mỗi lần tổ chức, các Trung tâm Văn hóa lại học hỏi, rút kinh nghiệm và gợi mở các hoạt động cho kỳ lễ hội sau, với tiêu chí hình thức đẹp, nội dung phù hợp với người dân địa phương được đăng cai.
CLB Giám đốc Trung tâm Văn hóa các tỉnh miền Đông tuy chỉ là một hội nghề nghiệp, nhưng với tấm lòng yêu nghề và cái “máu” của người nghệ sĩ - người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng đã tập hợp nhau lại, bầu ra ban chủ nhiệm, tìm ra những mô hình hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc thù nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa khu vực miền Đông Nam bộ - một khu vực tương đối đặc biệt, trong đó có núi, có rừng, có biển, có đồng bằng, có khu công nghiệp và đô thị lớn nhất nhì cả nước và nhiều dân tộc sinh sống, có dân tộc ít người, dân tộc đông người... Tròn 20 năm qua, các thế hệ làm chủ nhiệm đã kế thừa thành quả của nhau, đoàn kết, hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển vì mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phục vụ đời sống văn hóa cho nhân dân địa phương. Ông Vương Duy Bảo - Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) đánh giá: Sau 16 lần tổ chức, thương hiệu “Tiếng hát miền Đông” đã được khẳng định, là niềm tự hào của 9 tỉnh trong khu vực. Vai trò của ban chủ nhiệm đã được thể hiện qua sự kết nối, giao lưu hoạt động của tỉnh này với tỉnh kia, của khu vực này với khu vực khác trong cả nước, xứng đáng là niềm tự hào, là cánh tay nối dài của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Trong kỳ lễ hội này, các Trung tâm Văn hóa của 9 tỉnh miền Đông và 2 tỉnh khách mời, với những sắc thái đặc trưng riêng của mình, đã mang đến không khí sôi nổi và vui nhộn cho Tp. Đà Lạt, góp phần nâng cao hoạt động quần chúng trong khu vực. “Lễ hội Văn hóa miền Đông - Đà Lạt 2014” ngoài 2 sự kiện chính là “Liên hoan tiếng hát miền Đông lần thứ XVI” và đánh dấu 20 năm thành lập “CLB Giám đốc Trung tâm Văn hóa các tỉnh miền Đông”, còn có hội thi những món ăn ngon, trò chơi dân gian, đạp xe hưởng ứng giờ trái đất, dâng hương tưởng niệm Vua Hùng tại Khu du lịch thác Prenn, thăm Trường DTNT huyện Lạc Dương… Ông Đoàn Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận xét: Lễ hội Văn hóa miền Đông - Đà Lạt 2014 là hoạt động có quy mô lớn, mang tính hệ thống trong khu vực, kết hợp với sự kiện chào mừng kỷ niệm lần thứ 20 CLB Giám đốc các Trung tâm Văn hóa miền Đông. Đây là cuộc hội tụ văn hóa của nhiều vùng miền đầy bản sắc, từ vùng biển nổi tiếng với điệu hò Bả Trạo, lễ hội Nghinh Ông… của Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu đến vùng đất màu mỡ quả ngọt, trái ngon Đồng Nai, Bình Dương…; từ những cánh đồng mía đường, rừng cao su, vườn điều bạt ngàn của Tây Ninh, Bình Phước… đến đô thị công nghiệp năng động, dịch vụ phát triển của Tp.HCM. Thêm vào đó là sự đóng góp của các tỉnh khách mời Khánh Hòa, Gia Lai làm cho lễ hội thêm phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, lung linh sắc màu…
LÊ HOA