Ngày về của đứa con xóm Buồn

03:04, 30/04/2014

Đã từ lâu bà con sống hai bên bờ sông Trà quê tôi vẫn gọi xóm ấy là xóm Buồn. Nếu có ai hỏi vì sao xóm lại có cái tên như vậy, các bậc cao niên cũng lắc đầu chịu không lý giải được, nhưng cứ như quang cảnh xóm Buồn thì quả đúng, xóm ấy buồn thật.

Đã từ lâu bà con sống hai bên bờ sông Trà quê tôi vẫn gọi xóm ấy là xóm Buồn. Nếu có ai hỏi vì sao xóm lại có cái tên như vậy, các bậc cao niên cũng lắc đầu chịu không lý giải được, nhưng cứ như quang cảnh xóm Buồn thì quả đúng, xóm ấy buồn thật.
 
Xóm Buồn là một doi đất nằm thoi loi ở rìa làng vươn ra sát sông. Nó nối liền với dải cát hàng năm mùa lũ về, con sông cung cấp thêm cho nó một lượng lớn phù sa. Đất ấy chỉ có thể trồng khoai lang, trồng dâu tằm, trồng dưa hay trồng đậu phụng chứ không thể trồng lúa được. Phía trong, sát với doi cát là cánh đồng mía bạt ngàn. Án ngữ phía mép sông là bãi lau sậy rậm rạp cao lút đầu người.
 
Xóm Buồn có chừng mươi nóc nhà tranh, lụp xụp, xiêu vẹo, thưa thớt, vắng vẻ, càng thưa tiếng trẻ con nô đùa.
 
Mùa đông, hoàng hôn buông xuống, xóm càng buồn hiu hắt, ảm đạm, cô liêu… Thỉnh thoảng mới có đôi làn khói bếp mỏng tang, chậm rãi, là là bay lên như cố ôm lấy mái tranh nghèo; lúc ấy ta cứ ngỡ xóm Buồn đang trong cơn đại dịch – nhiều người ra đi…
 
Phạm Cao Gio, bạn học với tôi thời niên thiếu sinh ra ở xóm ấy. Xóm Buồn không có trường học, muốn đi học con em phải đi đò ngang hai buổi sáng, chiều sang bờ sông phía tả ngạn mới có trường học. Có lẽ sinh ra từ xóm Buồn nên gương mặt Gio lúc nào cũng đượm buồn. Gio chỉ vui khi giờ ra chơi giữa hai tiết học, lúc ấy Gio mới có dịp trổ tài đánh đáo đánh bi, trò chơi phổ biến nhất thời ấy.
 
Về đánh đáo, đánh bi Gio thuộc hàng cao thủ. Lỗ đáo cách xa năm, sáu thước Gio vẫn cứ ném trúng lỗ, còn đánh bi thì không cái búng tay nào đi chệch mục tiêu.
Mùa hè đi đò ngang qua sông còn dễ chịu chứ mùa đông mưa dầm rét buốt, Gio co ro trong bộ quần áo cụt, phong phanh trước gió lạnh khiến mọi người cảm thấy ái ngại.
 
- Nhưng, nhà con nghèo, biết làm sao. Đành vậy!
 
Có lần, lúc xuống đò ngang để đến trường, Gio vô ý trượt ngã xuống mép sông, quần áo ướt sũng, tôi đưa Gio đến nhà người quen mượn tạm quần áo để thay, quần áo ướt giặt phơi, chiều khô sẽ thay trả. Chúng tôi thành đôi bạn thân quấn quýt bên nhau.
 
Một hôm, Gio mang tặng tôi đôi chim ri áo già màu đỏ tía. Đôi chim thật đẹp. Chim ri áo già là chim quý được yêu thích lúc bấy giờ. Gio bảo: chim ri dễ nuôi, chỉ ăn thóc, nó sống chung với chim mía, chúng đông đến hàng ngàn, lúc hoàng hôn buông xuống lũ chim bay về ruộng mía để ngủ. Lúc ấy chỉ cần giăng một mẻ lưới là có thể bắt hàng trăm con.
 
Tuổi học trò thời thơ ấu qua nhanh, chúng tôi sắp bước vào kỳ thi cuối cấp và thi chuyển cấp (concours). Cả hai đều đăng  ký dự thi chuyển cấp để thử sức vì biết chắc sẽ không được tiếp tục học tập vì nhà nghèo, và cả hai đều trúng tuyển.
 
Mùa hè năm ấy hoa phượng vĩ ở sân trường nở đỏ rực như màu lửa, chúng tôi nhặt cánh hoa rơi ấp vào lòng bàn tay mà lòng bồi hồi xao xuyến lúc chia tay. Tôi linh cảm ngày gặp lại xa mút đường chân trời. Quả đúng vậy.
 
Cách mạng tháng 8-1945 bùng nổ. Nhà trường đóng cửa, tôi và Gio ở hai bên bờ sông, hai bờ xa cách trong tấc gang mà vẫn không biết tin nhau.
 
Thời ấy một lá thư gửi đi có khi cả năm chưa đến tay người nhận. Còn điện thoại ư, đó là điều hoang tưởng. Chúng tôi xa nhau từ ấy. Tôi vào thiếu sinh quân rồi gia nhập vệ quốc đoàn, chiến đấu chống quân xâm lược Pháp lúc bấy giờ. Không hiểu Gio đi đâu về đâu và làm gì?
 
Năm 1954, tập kết ra Bắc, tôi vẫn khắc khoải nỗi nhớ quê hương trong cảnh “đêm Nam ngày Bắc”. Chủ nhật nào tôi cũng đi  vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm mong được gặp người quen, người đồng hương để tìm hơi ấm quê hương.
 
Một ngày đẹp trời, tôi nghĩ vậy, tôi lại gặp Phạm Cao Gio và cả Nguyễn Thanh, Thanh cũng là bạn học cùng lớp ngay tại bến xe điện bờ hồ. Niềm vui mừng không sao kể xiết. Chúng tôi ôm choàng lấy nhau mừng rỡ, hỏi thăm nhau bao nhiêu là chuyện, nhiều nhất vẫn là chuyện quê hương xứ sở.
 
Đang lúc câu chuyện đang vui, bỗng dưng Gio hướng câu chuyện theo hướng khác. Gio quay sang “nháy” Nguyễn Thanh:
 
- Chứ cái bài toán vi phân, tích phân ấy Thanh đã làm xong chưa, lấy đạo hàm như thế nào? Sau đó cả hai thao thao bất tuyệt những thuật ngữ toán học mà lúc bấy giờ tôi nghe như vịt nghe sấm.
 
Không hiểu Gio đem chuyện học hành ra trao đổi với Thanh vào lúc này để làm gì? Để lòe tôi chăng? Hay bày “chiêu” khích tướng. Dù là gì tôi vẫn có cảm giác đang bị xúc phạm. Lòng tự ái cứ lớn dần lên, tôi tự nhủ: Tao biết rành trình độ học hành của hai đứa chúng bây thời trung học. Đừng khoe mẽ! Hãy đợi đấy!
 
Tôi chào chúng ra về mà lòng đầy bực bội. Từ đó tôi quyết tâm học tập cho “bằng chị bằng em”. Với sự cố gắng phi thường, năm sau tôi thi đỗ vào đại học và tiếp tục đi học xa.
 
Năm sáu năm sau, tôi tình cờ  gặp lại Nguyễn Thanh. Nguyễn Thanh kể: Phạm Cao Gio đi B đã hơn ba năm. Trong một lần đi nắm tình hình cơ sở vùng địch hậu, bị phục kích, bị thương được đưa ra miền Bắc chữa trị và cũng vừa quay lại miền Nam. Thanh kể tiếp:
 
- Lần ấy, theo chỉ đạo cấp trên, Gio “dùi” một mũi xuống vùng ven thị xã Q Ng. Được cử đi, Gio hí hửng mừng thầm: có cơ hội “kết hợp” để gặp lại vợ con gần nơi ấy sau bao năm xa cách. Nguyện vọng được cấp trên chấp thuận với điều kiện phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.
 
Theo kế hoạch đã được bàn thảo tỉ mỉ, hôm ấy vào khoảng nửa đêm, trời có trăng nhưng đầy mây, ánh sáng mờ ảo, chỉ nhìn rõ trong khoảng cách mười thước. Theo hướng dẫn của liên lạc nội tuyến, Gio và người bảo vệ nội tuyến về “phục” tại bãi lau sậy gần nhà Gio và gần con đường mòn từ xóm Buồn ra mép sông. Cả hai rất hồi hộp nóng lòng chờ tín hiệu báo an từ xóm Buồn theo quy ước.
 
Giờ này, xóm Buồn đang chìm trong đêm vắng mờ sương, chìm trong giấc ngủ, yên ắng, không một tiếng chó sủa, không bóng người. Một cảm giác chết chóc đang rình rập. Trong đầu Gio phảng phất cảnh tra tấn, tù đày tàn bạo của quân thù. Sự đợi chờ cứ đằng đẵng, lòng Gio nóng như lửa nung. Bỗng, từ con đường mòn xuất hiện một bóng người, Gio nhỏm dậy căng mắt nhìn cho rõ. Người ấy xuất hiện trong “tầm ngắm” nên Gio đoán chắc là vợ mình. Cái dáng đi như “dúi về phía trước, mái tóc búi gọn sau gáy, cánh tay trái bị dị tật từ bé nên không duỗi thẳng ra được…”, suýt chút Gio hét to vì niềm vui bất ngờ. Mấy lần Gio nhấp nhỏm định đứng dậy chạy ùa ra khỏi chỗ nấp, đến ôm choàng lấy người đàn bà kia nhưng đều bị người liên lạc nội tuyến ấn Gio nằm xuống.
 
- Đồng chí! Chưa có tín hiệu an toàn theo quy ước, không thể mạo hiểm. Có thể đây là cái bẫy kẻ địch giăng ra. Tôi được lệnh phải đảm bảo an toàn cho đồng chí. Đồng chí phải chấp hành ý kiến của tôi.
 
Gio đành yên lặng nằm xuống nhưng đôi mắt vẫn dõi theo hình bóng người đàn bà nọ.
 
Hình như người đàn bà đang tìm chỗ thích hợp để giải quyết “nỗi bức xúc” trong người. Xong việc, người đàn bà vội vã quay về xóm trước sự ngơ ngác của hai người.
 
Đã quá hai giờ sáng vẫn chưa có tín hiệu báo an nên người dẫn đường nội tuyến quyết định “rút quân”, về cứ.
 
- Không thể chần chừ thêm được nữa. Đây là vùng địch. Những mất mát, hy sinh thường xảy ra trong lúc sơ xuất mất cảnh giác.    
 
Hai người cứ lầm lũi đi dưới ánh trăng mờ và luôn đặt tay lên cò súng đề phòng bất trắc có thể xảy ra. Chuyến đi kết thúc an toàn và với Gio cũng kết thúc luôn hy vọng gặp lại vợ con sau bao năm xa cách.   
              
Ở cứ với bao nhiêu công việc bề bộn, việc nào cũng khẩn trương chạy đua với thời gian. Chiến dịch Hồ Chí Minh đang vào thời cao điểm: Thần tốc! Thần tốc! Thần tốc hơn nữa! Nỗi niềm thương nhớ người vợ hiền và đứa con lúc Gio ra đi chưa đầy một tuổi phải nén chặt trong tim, chờ đợi…
 
Tháng 4-1975, tin chiến thắng dồn dập bay về cứ: Giải phóng Ban-Mê-Thuột, giải phóng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng… thôi thúc. Xuống núi. Rời cứ. Mọi cánh quân đều nhằm hướng Sài Gòn.
 
Trên đường cùng đoàn quân hành tiến giải phóng Sài Gòn, Gio được phép ghé nhà “chớp nhoáng”. Từ xa Gio đã nhìn thấy lá cờ nửa đỏ nửa xanh bay phấp phới trên mái nhà tranh và người vợ hiền đang khắc khoải mong chờ. Vừa trông thấy nhau, “nàng” đã ngã khuỵu xuống, Gio chạy vội đến đỡ vợ đứng dậy. Bốn mắt mãi nhìn nhau như họ chưa thể tin đó là sự thật.
 
Ôi chao! Niềm vui quá lớn không thể nói thành lời. Những dòng nước mắt vui sướng… chỉ kịp trao nhau những lời thăm hỏi, người liên lạc đã giục lên đường: Quân lệnh như sơn.  
                   
Buông tay vợ, lần này Gio hứa chắc như đinh đóng cột: sẽ trở về một ngày không xa.
 
Ngày 30-4-1975, cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời. Mọi người đổ ra đường mừng vui ngày chiến thắng.
 
Xóm Buồn giờ hết buồn. Xóm Buồn đang tràn ngập niềm vui. Trên đường về quê, Gio đi trong niềm phấn khích: “… Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”.
 
Ngày về, xóm Buồn rợp bóng cờ bay!
 
Truyện ký: NGUYỄN TÙNG CHÂU