Cầm bút bằng những rung cảm thời trai trẻ

03:04, 09/04/2014

Trong tập truyện đầu tay "Ví dụ ta yêu nhau" (1974) nhà văn Đoàn Thạch Biền đã viết: "Một đời người dù khổ đau khốn cùng khi nhìn lại nếu không quá khắt khe, ai cũng nhận ra mình đã sống nhiều năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp...

Trong tập truyện đầu tay “Ví dụ ta yêu nhau” (1974) nhà văn Đoàn Thạch Biền đã viết: “Một đời người dù khổ đau khốn cùng khi nhìn lại nếu không quá khắt khe, ai cũng nhận ra mình đã sống nhiều năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp. Đó là những năm tháng yêu thương tưởng như mộng ảo, nhưng cơn ngầy ngậy đắm say vẫn còn rung động suốt một đời người”. Đúng như những gì đã viết từ khi 26 tuổi, năm tháng đời người qua đi, giờ đây 40 năm đã trôi qua, ông vẫn cầm bút bằng mạch nguồn rung cảm “ngầy ngậy đắm say” thời tuổi trẻ.
 
Nhà văn Đoàn Thạch Biền tên thật là Phạm Đức Thịnh, sinh năm 1948 tại Nam Định, học trung học ở Đà Nẵng, học đại học ở Sài Gòn, và 5 năm dạy học ở Phan Rí (Bình Thuận). Sau 1975, ông làm nông dân ở xứ trà B’lao, làm công nhân xí nghiệp dệt ở Tp.Hồ Chí Minh, rồi 29 năm làm phóng viên ban văn hóa văn nghệ báo Người Lao động đến lúc nghỉ hưu năm 2008. Nhưng suốt thời đi học và ngày dạy học ở vùng cát cháy, nắng và gió Bình Thuận là quãng đời có sức ám ảnh lớn nhất với ông. Nó như mạch nguồn rung cảm theo ông suốt những năm tháng cầm bút, thành những tác phẩm về tình yêu của tuổi mới lớn để lại dấu ấn: Bất ngờ phía trái tim (1987), Tình nhỏ làm sao quên (1990), Đừng đốt cháy bông hồng (1992), Phượng yêu (1993), Những ngày tươi đẹp (1995), Tôi thương mà em đâu có hay (1998), Mùa hè khắc nghiệt (2002)… làm nên tên tuổi một Đoàn Thạch Biền “thần tượng” của học sinh sinh viên Tp.Hồ Chí Minh và công chúng đọc trẻ tuổi trong cả nước lúc bấy giờ. 
 
Truyện của nhà văn Đoàn Thạch Biền đều đọng lại những dư vị ngọt ngào khó quên, như chính mỗi người không thể dễ dàng quên đi những rung cảm đầu đời của mình. Đó là những trang văn đẹp gợi cho người đọc thời áo trắng tinh khôi, nhức nhối màu phượng vĩ. Nhân vật của Đoàn Thạch Biền bước vào trang văn vừa ngây thơ, hồn nhiên, vừa đáng yêu, trong trẻo, đắm say, nhìn đời trong veo. Những lời thoại nối tiếp nhau tưởng như bâng quơ, nhưng nghe vấn vương, ám ảnh. Nhân vật nam thường mang bóng dáng đâu đó của tác giả nhân hậu, mộng mơ, đầy trách nhiệm - một ông giáo trường làng, nhà văn vật lộn với trang viết để kiểm sống. Các nhân vật nữ ở tuổi ô mai thánh thiện, trong sáng, một chút nhớ, một chút thương, lãng đãng như khói sương. Tất cả các nhân vật trong truyện Đoàn Thạch Biền đều có lối xưng hô rất “quái” chỉ có ở văn Đoàn Thạch Biền: “ông”, “em”… nghe vừa xa cách, vừa luyến lưu, một rung cảm thầm kín mãnh liệt, như dự cảm về sự tan vỡ, chia ly, không trọn vẹn… Và những cái kết trong truyện của Đoàn Thạch Biền thường là sự chia xa, để lại một niềm nhớ nhung. Những gì đi qua không bao giờ trở lại, sự nhớ nhung, khát khao về một thời xa ngái không làm “chết” ai, nhưng có khi là nỗi day dứt khôn nguôi, làm nên dư vị theo ta trong suốt những chặng đời còn lại. Đọc văn Đoàn Thạch Biền khiến người đọc từ rung cảm, đến bay lên, trở về thời hoa đỏ mộng mơ, thoát ra khỏi những tham vọng tầm thường. Tác giả như nói hộ lòng người về “Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm đâu dễ mấy ai quên”.
 
Là người có ân tình với Đà Lạt, hình ảnh rừng thông lãng đãng, xứ cỏ hoa mơ mộng trở thành bối cảnh trong rất nhiều tác phẩm của ông. Trong truyện dài Tình nhỏ làm sao quên (1990), ngay từ mở đầu trang truyện, Đà Lạt đã hiện ra, sau này truyện được dựng thành phim dài tập đã làm cho Đà Lạt là nơi ước ao để bạn trẻ trong cả nước mơ ước một lần được đặt chân đến. 
 
Hơn 30 năm làm báo, viết văn, gia tài văn chương của nhà văn Đoàn Thạch Biền không chỉ có gần 20 tập truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài; ông còn làm thơ, viết kịch. Thơ 5 chữ của ông được bạn đọc yêu thích, vẫn là tâm hồn học trò, tuổi mới lớn. Ông còn được biết đến là người khai sinh ra tạp chí văn chương Áo trắng đưa sáng tác đầu tay của học sinh, sinh viên đến với công chúng đọc trẻ yêu thơ văn, và là sân chơi văn học của các bạn trẻ cả nước. Những năm đầu Áo trắng ra 3 vạn bản/kỳ/tháng; trải 24 năm qua, cuộc sống đổi thay với những giá trị thay đổi, ông vẫn kiên trì nuôi dưỡng tờ Áo trắng, đến nay vẫn đều đặn ra 2 kỳ/tháng dù chỉ còn dưới 1 vạn bản/kỳ. Không những thế, những “Gia đình áo trắng” còn được ông gây dựng ở rất nhiều địa phương, tạo sân chơi, không khí sinh hoạt sáng tác văn chương cho giới trẻ. Như là một người anh đi trước đầy trách nhiệm, ông đã phát hiện, dìu dắt, khích lệ rất nhiều năng khiếu, cây bút trẻ, nhiều người đã thành danh trên văn đàn hôm nay.  
 
Dù ai đó đã nói tình yêu của tuổi trẻ thời @ nó khác xa rồi. Nhưng thời nào cũng vậy, con tim yêu của tuổi trẻ cũng chỉ rung lên một thứ ngôn ngữ chung của rung cảm đầu đời. Ký ức đẹp đẽ đó luôn là một trong những điểm tựa tinh thần theo ta suốt một đời. Gần đây nhà sách Phương Nam (Tp.HCM) vừa cho tái bản tập truyện đầu tay Ví dụ ta yêu nhau, Tôi thương mà em đâu có hay, Tình nhỏ làm sao quên, cho thấy sức sống của “những đứa con tinh thần” của ông và tên tuổi nhà văn Đoàn Thạch Biền vẫn rất “hot” với giới trẻ hiện đại. 
 
Đọc Đoàn Thạch Biền tôi có cảm giác, ông không bao giờ biết chán khi viết cho tuổi mới lớn, viết về tình yêu tuổi trẻ. Thế mà, bỗng dưng một ngày, tôi gặp nhà văn ở trại viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” của NXB CAND (Bộ Công an) tại Đà Lạt. Bất ngờ vì cứ tưởng nhà văn “áo trắng” đã “chuyển hướng”. Nhưng không, dù là ai, nghề nghiệp nào, công việc gì cũng trải qua giai đoạn tuổi trẻ. Ông sẽ vẫn tiếp tục viết về “tình yêu ô mai” của các chiến sĩ công an nhân dân trẻ tuổi, mà chất liệu văn chương chính là các bạn trẻ đang học đại học an ninh, đại học cảnh sát. Cũng tình yêu, cũng ước mơ, cũng hoài bão của tuổi trẻ với khát vọng được cống hiến, sẽ có những tình yêu nhỏ hòa trong tình yêu lớn lao với vẻ đẹp nhân văn, cao cả... Ông lặng lẽ, cười hiền tâm sự: Bạn đọc trẻ đang đón đợi một Đoàn Thạch Biền “mới” mà không mới, hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân không kém phần lãng mạn và không chút “hình sự” nhé. 
 
QUỲNH UYỂN 
 
 
Huế của một người 
 
Đã nhiều lần đến Huế
Vẫn lạ như lần đầu
Sông Hương lơ đãng chảy
Nắng tím vướng chân cầu.
 
Đi dưới tàng cây muối
Không thấy hoa trên cành
Mai này trong trang viết
Muối xanh màu lá xanh.
 
Ngồi đò nghe ca Huế
Cứ tưởng như nghe đài
Lim dim mơ o nớ
Mưa tóc dài qua vai.
 
Ăn vài ly chè hẻm
Ngọt lịm quên đường về
Cũng may quán bún Mệ
Ớt cay như câu thề.
 
Tịnh Tâm sen tàn hết
Lẩn khuất hương cỏ bay
Vẫn chưa hiểu Huế được
Sao lựa lời chia tay?
                          2000
 
ĐOÀN THẠCH BIỀN